Thị trường mỹ phẩm: Thật - giả khó lường!

04/12/2017 12:06

Mỹ phẩm nhái, mỹ phẩm giả là hiểm họa cho phái đẹp, nhưng trên thị trường hiện nay, mỹ phẩm nhái thương hiệu lại được bán rất nhiều.

Sau khi lô hàng mỹ phẩm lên tới 11 tỷ đồng của Công ty TNHH Thiên Nhiên TS Việt Nam bị phát hiện không rõ nguồn gốc đang được Công an TP Hà Nội điều tra đã khiến dư luận càng thêm hoang mang. Rất nhiều thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng nghi bị làm giả nhưng lại bán với giá thực đang khiến người tiêu dùng như rơi vào ma trận.

Sau lô hàng mỹ phẩm của Công ty TNHH Thiên Nhiên TS bị phát hiện và thu giữ, nhiều chị em tỏ ra khá hoang mang. Hàng chục nghìn sản phẩm mỹ phẩm và thực phẩm chức năng ghi xuất xứ Hàn Quốc và New Zealand nhưng lại không xuất trình được hóa đơn chứng từ khiến cho người ta hoài nghi.

Nhiều người cho biết, họ bỏ ra số tiền không hề rẻ để mua mỹ phẩm của thương hiệu nổi tiếng, nhưng cũng không biết đó là hàng thật hay nhái, là hàng giả đính mác hàng thật hay không. Bởi đã từng có nhiều vụ sản xuất mỹ phẩm giả bị phát hiện bắt giữ như vụ Nguyễn Văn Thành, trú tại Cần Thơ tự mua các nguyên liệu trôi nổi về trộn với nhau để sản xuất kem trị mụn, kem dưỡng da giả các thương hiệu nổi tiếng bán ra ngoài với giá rẻ.

thi truong my pham that gia kho luong hinh 1
Mỹ phẩm gắn mác rất nổi tiếng của Hàn Quốc bị Hải quan Quảng Ninh thu giữ.

Có vụ việc mỹ phẩm sản xuất ở Lạng Sơn nhưng khi rao bán lại gắn mác sản xuất ở Hàn Quốc. Lo ngại lớn nhất là mỹ phẩm của nhiều thương hiệu nổi tiếng sản xuất tại Trung Quốc nhưng khi về Việt Nam sẽ được dán tem nhãn sản xuất của Pháp, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc… để bán với giá thành cao. Cách đây chưa lâu người tiêu dùng đã “ngã ngửa” khi bỏ tiền trong thời gian dài mua kem cao cấp ngoại nhập trắng da Body Whitening Sasaki Snail Cream (xuất xứ Nhật Bản) và Body Whitening Hikato (xuất xứ Hàn Quốc) giả.

Khi Công an TP Hồ Chí Minh kiểm tra Công ty TNHH Sản xuất thương mại mỹ phẩm Phú Thịnh (quận 6) đã phát hiện công nghệ làm giả 2 loại mỹ phẩm trên ở đây thì người tiêu dùng mới hãi hùng. Công ty này đã trộn, nấu từ các bột nguyên liệu mua trôi nổi trên thị trường, sau đó cho ra các ca inox để nguội và rót vào các hộp nhựa, đóng gói, dán tem nhãn mác thành kem trắng da Sau đó, công nhân dùng máy sấy tóc ép màng, tạo thành sản phẩm mới hoàn chỉnh để đưa ra thị trường.

Thủ đoạn làm giả ngày càng tinh vi về kiểu dáng, mẫu mã, mùi hương, dẫn đến người tiêu dùng dễ dàng bị đánh lừa. Hải quan tỉnh Quảng Ninh vừa mới bắt một lô hàng mỹ phẩm lớn ghi xuất xứ Hàn Quốc nhưng chủ hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ để chứng minh nguồn gốc. Nếu lô hàng này không được ngăn chặn thì khi vào nội địa, giá của nó được “đội” lên cao ngất và nhiều chị em bị mất tiền oan. Vậy, trên thị trường mỹ phẩm thì đâu là hàng thật?

Câu hỏi này thật khó đối với chị em khi Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) TP Hồ Chí Minh cho biết trong số vụ kiểm tra vi phạm về kinh doanh, sản xuất mỹ phẩm, tình trạng giả nhãn hiệu chiếm 50%, hàng kém chất lượng chiếm 22%, giả kiểu dáng, nguồn gốc xuất xứ 17%, số còn lại là hàng hóa nhập ngoại không hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Từ con số này, có thể thấy một bộ phận người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh đang hàng ngày sử dụng mỹ phẩm không phải hàng giả, hàng nhái thì cũng là hàng kém chất lượng.

Dạo một vòng ở những nơi bán mỹ phẩm của Hà Nội có thể thấy mỹ phầm “vỉa hè” mang thương hiệu nổi tiếng bán giá rẻ đều là hàng nhái thương hiệu. Không ai biết nguồn gốc của nó ở đâu, nhưng với giá bình dân nó vẫn được tiêu thụ rộng rãi. Ngay cả mỹ phẩm bày trong những cửa hàng sang trọng người tiêu dùng cũng không biết đó có phải là hàng thật không vì người bán không xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ cho khách hàng.

Vào một cửa hàng bán mỹ phẩm khá lớn trên phố Hàng Trống, các loại son, phấn, kem nền, kem dưỡng da, dầu gội, thuốc nhuộm tóc… đều có giá không phải rẻ. Thế nhưng cũng chưa ai dám bảo đảm đó là hàng “xịn” vì công nghệ nhái thương hiệu đã đạt ở trình độ đẳng cấp. Mỹ phẩm có thương hiệu nổi tiếng thường được quảng cáo và nhiều chị em sử dụng chưa chắc đã là hàng thật.

Theo ông Lưu Bách Chiến, Đội trưởng Đội 2, Chi cục QLTT Hà Nội, năm 2017 trên địa bàn quận Hoàn Kiếm chưa phát hiện việc sản xuất cũng như kinh doanh mỹ phẩm giả. Qua kiểm tra 6 tháng cuối năm 2017, Đội QLTT số 2 phát hiện 33 cơ sở kinh doanh mỹ phẩm do nước ngoài sản xuất nhưng không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, thu giữ 10.212 sản phẩm mỹ phẩm nhập lậu. Trong 33 cơ sở trên thì khu vực kinh doanh ở chợ Đồng Xuân là phát hiện và thu giữ nhiều mỹ phẩm nhập lậu nhất.

Điển hình là kiểm tra sạp kinh doanh 66A1 thu 430 sản phẩm mỹ phẩm các loại không rõ nguồn gốc; kiểm tra tại số 9 ngõ Đồng Xuân của bà Tạ Thị Thêm thu 1.180 sản phẩm mỹ phẩm không nguồn gốc… Qua kiểm tra có nhiều mỹ phẩm ghi sản xuất ở Pháp, Nhật, Đức… nhưng thật chất là hàng do Trung Quốc sản xuất.

Một lượng hàng mỹ phẩm lớn hiện nay được rao bán trên mạng với mác là hàng “xách tay” đang bị kinh doanh thả nổi. Chi cục QLTT Hà Nội chưa thể kiểm soát được mỹ phẩm bán trên mạng nên người ta vẫn vô tư kinh doanh hàng không rõ nguồn gốc. Thời điểm cuối năm là khi hàng lậu, hàng giả đưa về tập kết tại các kho hàng, bến bãi, thiết nghĩ lực lượng QLTT Hà Nội cần phải tăng cường kiểm tra nhằm phát hiện và ngăn chặn kịp thời./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Thị trường mỹ phẩm: Thật - giả khó lường!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO