(Baonghean) - Trước động thái leo thang căng thẳng gần đây của Triều Tiên, Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã đồng tâm hiệp lực thông qua nghị quyết mạnh mẽ do Washington dự thảo. Khác với lập trường chung về vấn đề Triều Tiên, khi đề cập đến biến đổi khí hậu, chủ nhân Nhà Trắng Donald Trump lại khiến Mỹ “ra rìa” với phần còn lại của thế giới khi tuyên bố rút khỏi Hiệp định Paris.
![]() |
Liên Hợp quốc quyết định trừng phạt Bình Nhưỡng vì tiếp tục các cuộc thử nghiệm tên lửa. Ảnh: Reuters |
Thông điệp gửi tới Triều Tiên
Sau diễn biến căng thẳng những ngày qua, ngày làm việc cuối cùng của tuần này Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đã cùng đi đến thống nhất là thông qua nghị quyết do Mỹ soạn thảo, áp đặt lệnh trừng phạt lên 18 quan chức và cơ quan của Triều Tiên. Đây được xem là động thái hiện thực hóa cam kết của Mỹ rằng sẽ đáp trả các vụ thử nghiệm tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng “thông qua các biện pháp khác khi cần thiết”.
Cụ thể, bản nghị quyết do Mỹ dự thảo được thông qua đồng nghĩa với việc Cho Il-U - nhân vật bị tình nghi đứng đầu đường dây tình báo của Triều Tiên, cùng 13 quan chức cấp cao khác thuộc đảng Lao động Triều Tiên và lãnh đạo các công ty thương mại được giao nhiệm vụ bảo đảm giao dịch mua bán cho các chương trình quân sự của Bình Nhưỡng, cùng 4 tổ chức là Lực lượng tên lửa chiến lược của quân đội Triều Tiên, 2 công ty thương mại và Ngân hàng Koryo - có liên quan đến một văn phòng của đảng cầm quyền chuyên quản lý các vấn đề tài chính, đã bị đưa vào “danh sách đen” của Liên Hợp quốc, không những bị cấm đi lại trên toàn cầu mà còn bị đóng băng tài sản.
Phát biểu trước Hội đồng Bảo an, Đại sứ Mỹ Nikki Haley khẳng định: “Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc đang phát đi thông điệp rõ ràng tới Triều Tiên. Ngoài những hậu quả về ngoại giao và tài chính, Mỹ sẵn sàng đáp trả sự hung hăng của Triều Tiên thông qua các biện pháp khác, nếu cần thiết”.
Trước sức ép từ nhiều phía, đồng minh và láng giềng thân thiết của Triều Tiên là Trung Quốc buộc phải ủng hộ các đòn trừng phạt, song Bắc Kinh vẫn không quên nhắc lại lời kêu gọi các bên đối thoại để xoa dịu căng thẳng trên Bán đảo này. Về phần mình, đại sứ Trung Quốc đã miêu tả tình hình hiện nay hết sức “phức tạp và nhạy cảm”, nhưng nói thêm rằng vẫn có “một cánh cửa cơ hội quan trọng” để trở lại “hướng đi đúng đắn là tìm kiếm giải pháp thông qua đối thoại và đàm phán”. Mà để làm được điều đó, các bên liên quan phải kiềm chế và nỗ lực nhiều hơn để xuống thang căng thẳng, gây dựng sự tin tưởng lẫn nhau thay vì xung đột, đối đầu - điều vốn dĩ khó khả thi, ít nhất trong ngắn hạn.
Dù không bao gồm một số đòn trừng phạt “nặng đô” hơn như cấm vận dầu lửa, cấm vận tải biển, hạn chế thương mại,… song động thái mới nhất của Liên Hợp quốc cũng đã nâng số lượng “danh sách đen” của Bình Nhưỡng lên 39 cá nhân và 42 tổ chức, là sự lên án mạnh mẽ nhất đối với các hoạt động tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên. Trong thời gian tới, nếu tình hình không diễn biến theo chiều hướng các thành viên Hội đồng Bảo an kỳ vọng, chờ đợi Bình Nhưỡng sẽ là những đòn cứng rắn hơn. Điều này đã được Đại sứ Pháp Francois Delattre cảnh báo: “Nếu họ tiếp tục con đường nguy hiểm này, chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài tái củng cố sức ép, hết lần này đến lần khác”. Và tất nhiên, đây sẽ là kịch bản xấu cho cả khu vực lẫn thế giới mà không ai mong muốn sẽ xảy đến.
Trump “phản bội nhân loại”?
Một thông tin khác gây “sốc” trên diện rộng là trong tuần qua, Tổng thống Donald Trump đã chính thức rút Mỹ khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, giáng đòn hiểm vào những nỗ lực cắt giảm khí thải của cả thế giới. Tờ DW của Đức đã ví hành động này là cách để ông Trump quay lưng với phần còn lại của thế giới, và thậm chí là với cả những thế hệ tương lai của nhân loại.
Chưa hết, khi đưa ra quyết định này, ông Trump cũng đã mạo hiểm không ít và buộc dư luận phải đặt dấu hỏi, bởi đó cũng là động thái đi ngược với quan điểm của các công ty nhiên liệu hóa thạch, hàng trăm doanh nghiệp và nhà đầu tư lớn, nhiều thành viên đảng Cộng hòa và tới một nửa nội các của ông nữa.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tự “cô lập” mình khi rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Ảnh: Reuters |
Và chắc chắn, vô hình trung Trump đã “tiếp thêm sức mạnh” cho bộ phận cử tri tuy không đông nhưng lại hết sức cực đoan - mà đại diện của số này tồn tại không ít trong nội các và đội ngũ cố vấn của chủ nhân Nhà Trắng. Về bản chất, có vẻ như Donald Trump đã tự chọn cho mình một số phận cô lập, và kéo theo đó càng khiến vị thế nước Mỹ suy yếu hơn trên trường quốc tế. Song từ góc độ nhất định, truyền thông thế giới vẫn cho rằng “trong cái rủi có cái may”, biết đâu tin xấu với nỗ lực toàn cầu nhằm cắt giảm khí nhà kính lại đem lại những lợi ích bất ngờ, thậm chí là ngay trong lĩnh vực biến đổi khí hậu.
Trên thực tế, Mỹ là nơi sản sinh ra khoảng 1/5 khí thải gây hiệu ứng nhà kính của toàn thế giới, nên việc cường quốc này bước ra khỏi bàn đàm phán bản hiệp định chẳng khác gì “tát như trời giáng” vào nỗ lực của các quốc gia khác. Theo các phân tích, Mỹ có thể khiến nhiệt độ toàn cầu tăng thêm 0,5 độ C vào cuối thế kỷ 21 nếu họ không “nhúc nhích” trong cuộc đua cắt giảm khí thải.
Dĩ nhiên, 0,5 độ C là cả một vấn đề lớn đối với khí hậu toàn cầu, gây hậu quả là những cơn bão kinh hoàng hơn, nước biển tăng cao hơn và tốc độ tuyệt chủng của các loài động thực vật cũng nhanh hơn! Song điều đó cũng không có nghĩa Mỹ rút khỏi hiệp định Paris là dấu chấm hết cho thỏa thuận này, bởi các quốc gia khác trong đó có Trung Quốc, Liên minh châu ÂU (EU) và Ấn Độ - hiện đang tiên phong mở đường dẫn tới tương lai năng lượng sạch.
Những nước này cũng sẽ “chiếm chỗ” Mỹ, đảm đương việc phát triển các năng lượng tái tạo, hưởng lợi từ các cơ hội kinh doanh và việc làm mà việc này đem lại. Trong dài hạn, không loại trừ khả năng nước Mỹ sẽ bị bỏ lại phía sau, chịu bất lợi về kinh tế so với các quốc gia khác, chưa kể những mất mát trên mặt trận ngoại giao khi một số nước như Đức đã tuyên bố rằng Mỹ không còn là đối tác đáng tin cậy nữa trước lập trường của Trump về biến đổi khí hậu. Và như vậy, “vắng mợ chợ vẫn đông”, bảo vệ khí hậu và chuyển đổi sang năng lượng tái tạo sẽ vẫn là những việc được tiếp tục thực hiện, dù thiếu sự ủng hộ của một hoặc vài nhân vật quyền lực bậc nhất thế giới.
Thu Giang