Thủ tướng Chính phủ: Tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm gắn bó với Việt Nam
(Baonghean.vn) - Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam với tinh thần "bình đẳng, cùng phát triển, đảm bảo lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".
Sáng 22/4, Chính phủ tổ chức hội nghị Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài. Đồng chí Phạm Minh Chính - Uỷ viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì hội nghị.
Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, các đồng chí: Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Thanh An - Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đồng chủ trì. Tham dự có lãnh đạo các sở, ban, ngành, đại diện các nhà đầu tư nước ngoài tại Nghệ An.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Toàn cảnh điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng |
THÁO GỠ KHÓ KHĂN, THÚC ĐẨY MẠNH MẼ VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ
Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam nhất quán và khẳng định quan điểm coi kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận hợp thành quan trọng của nền kinh tế, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển lâu dài, hợp tác và cạnh tranh lành mạnh với các khu vực kinh tế khác.
Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận, đánh giá thực trạng tình hình, xác định rõ những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, thời cơ, thuận lợi, trên cơ sở đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và nâng cao hiệu quả đầu tư nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh thế giới, khu vực và Việt Nam đang có những khó khăn, thách thức.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều tổ chức quốc tế nhận định Việt Nam là “điểm sáng trong bức tranh xám màu” của kinh tế toàn cầu trong năm 2022.
Vị trí của Việt Nam trên các bảng xếp hạng đã có những bước tiến bộ đáng kể. Nhiều tổ chức uy tín quốc tế đánh giá cao kết quả và triển vọng phát triển kinh tế, nâng hạng tín nhiệm và dự báo tích cực tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 ở mức từ 6,3 – 7,0%.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: "Hội nghị cho thấy sự quan tâm, tinh thần đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đối với Việt Nam". Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Với tinh thần lạc quan nhưng không chủ quan, bước vào năm 2023, Việt Nam nhận định sẽ có nhiều thách thức; quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở cao, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế. Đây là năm quan trọng với Việt Nam, là năm "bản lề" trong kế hoạch trung hạn 2021-2025 để cơ cấu lại nền kinh tế đất nước và là thời điểm "tăng tốc" thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Mục tiêu là đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Qua đó, tạo sự bứt phá cho 5 năm tiếp theo (2025-2030) với mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam tham dự Hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Ông Nitin Kapoor - đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Chủ tịch AstraZeneca Việt Nam. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Để đạt được những mục tiêu nêu trên, ngay từ bây giờ, không chỉ Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương mà cả các doanh nghiệp cũng cần phải hành động từ sớm, từ xa, để vượt qua thách thức, chủ động thích ứng, tận dụng cơ hội, phát triển bền vững, mang lại những giá trị mới.
Tại Hội nghị, các bộ, ngành, địa phương cùng với cộng đồng doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đã cùng đánh giá tác động của tình hình kinh tế thế giới và trong nước đến làn sóng đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; nhận diện cơ hội, thách thức, khó khăn để có các giải pháp, chính sách chủ động thích ứng nhằm tháo gỡ vướng mắc và kịp thời nắm bắt cơ hội hợp tác đầu tư trong tình hình mới.
THỦ TƯỚNG KÊU GỌI NHÀ ĐẦU TƯ NƯỚC NGOÀI TIẾP TỤC TIN TƯỞNG GẮN BÓ VỚI VIỆT NAM
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tinh thần, trách nhiệm, chủ động giải quyết kịp thời những vướng mắc các nhà đầu tư nước ngoài kiến nghị trên tinh thần nhanh nhất, kịp thời nhất, hiệu quả nhất.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc |
Thủ tướng đánh giá cao, ghi nhận và cảm ơn sự chung tay, đồng hành, chia sẻ khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói riêng đã không ngừng nỗ lực, cùng Việt Nam vượt qua thách thức để phục hồi nhanh và phát triển bền vững.
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam tạo mọi điều kiện để có môi trường thuận lợi, an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao cho các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam với tinh thần "bình đẳng, cùng phát triển, cùng có lợi, cùng có trách nhiệm với xã hội, người lao động, bảo vệ môi trường; đảm bảo lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính".
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An chủ trì điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng |
Việt Nam cam kết tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD, đó là: Giữ vững ổn định chính trị, xã hội và kinh tế vĩ mô; Tháo gỡ những điểm nghẽn của nền kinh tế về thể chế pháp luật, hạ tầng cơ sở và nguồn nhân lực; Phát triển các chuỗi cung ứng, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics và chi phí hành chính.
Bên cạnh đó, xây dựng môi trường - chính sách ổn định, có tính dự báo cao, đảm bảo thực thi minh bạch, công bằng và đề cao trách nhiệm giải trình; Hợp tác thân thiện, lắng nghe, tôn trọng ý kiến của nhau, cùng giải quyết các khó khăn, thách thức.
Thủ tướng kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng và gắn bó với Việt Nam trong quá trình phát triển. Càng khó khăn, thách thức, càng phải đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, chủ động, sáng tạo, “biến nguy thành cơ”, bởi “Non cao vẫn có đường trèo/Đường dù hiểm nghèo vẫn có lối đi”.
Lãnh đạo các sở, ban, ngành tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Nghệ An. Ảnh: Phạm Bằng |
Thời gian tới, đối với các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục quán triệt, triển khai hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể và là mục tiêu, động lực, nguồn lực phát triển”.
Tiếp tục đánh giá thực trạng tình hình, rà soát, có giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp; giải quyết kịp thời, hiệu quả những kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp; kịp thời hoàn thiện các quy định pháp luật, cơ chế chính sách liên quan.
Đẩy mạnh hợp tác công tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực phát triển; tăng cường dự báo, chủ động điều hành linh hoạt, phù hợp với tình hình mới, kịp thời ứng phó với các tình huống phát sinh; Theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước có quy mô kinh tế lớn, là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng của Việt Nam.
Đại diện các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài tại Nghệ An tham dự hội nghị. Ảnh: Phạm Bằng |
Đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đề nghị xây dựng chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thân thiện môi trường, tập trung vào các ngành mới nổi như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, ứng phó biến đổi khí hậu.
Thực hiện tốt văn hóa doanh nhân, chế độ, chính sách đối với người lao động và đồng hành với chính quyền các cấp; nêu cao tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; “đã nói là phải làm; đã cam kết phải thực hiện hiệu quả”; chủ động đổi mới mô hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc doanh nghiệp gắn với phát triển theo kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, không ngừng đổi mới, sáng tạo, xây dựng và nâng cao thương hiệu..