Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm nôi đào tạo cán bộ Việt Nam tại Quảng Tây
Chiều 11/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm Khu học xá Trung ương (còn gọi là Trường Dục Tài Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc).
Trong chuyến dự Lễ khai mạc Hội chợ Trung Quốc - ASEAN (CAEXPO) và Hội nghị Thượng đỉnh thương mại và đầu tư Trung Quốc - ASEAN (CABIS) lần thứ 13 tại Quảng Tây, chiều 11/9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm Khu học xá Trung ương (còn gọi là Trường Dục Tài Nam Ninh, Quảng Tây) – một bằng chứng lịch sử cho mối quan hệ "vừa là đồng chí vừa là anh em" giữa Trung Quốc và Việt Nam.
Đầu những năm 1950, cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Việt Nam ta gần đi đến thắng lợi, yêu cầu bức thiết đặt ra đối với Đảng và Nhà nước lúc này là sớm đào tạo một đội ngũ cán bộ có năng lực giỏi đề phục vụ cho nhiệm vụ mới của cách mạng Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị với Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông để Việt Nam xây dựng một trường đào tạo cán bộ cách mạng tại khu vực ngoại thành thành phố Nam Ninh, Quảng Tây. Đề nghị này đã được phía Trung Quốc chấp thuận.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm Khu học xá Trung ương (còn gọi là Trường Dục Tài Nam Ninh, Quảng Tây). |
Nhà trường lần lượt thành lập 7 phân hiệu gồm trường khoa học cơ sở cao đẳng, trường sư phạm cao cấp, trường sư phạm khoa học tự nhiên trung cấp, trường sư phạm khoa học xã hội trung cấp, trường sư phạm sơ cấp… và các trường phổ thông khác như trường trung học, tiểu học và mẫu giáo, từng bước xây dựng một hệ thống giáo dục hoàn chỉnh từ mẫu giáo đến đại học. Lớp học sinh Việt Nam đầu tiên gửi sang gồm 257 người, trong đó có 101 cán bộ cách mạng. Từ đó, Khu học xá Trung ương được thành lập năm 1951, còn được gọi là Trường Dục Tài Nam Ninh (Quảng Tây). Học sinh trường Dục Tài khi đó là các cán bộ, thanh niên từ khắp nơi trong nước gửi sang, do Việt Nam trực tiếp quản lý và đào tạo, phía Trung Quốc giúp đỡ về cố vấn và công tác hậu cần.
Năm 1954, trường chuyển về khu mới (nay là khu Tây của trường Đại học Quảng Tây). Cho đến tháng 9/1957 thì chuyển toàn bộ về Việt Nam. Trong thời gian tồn tại, trường Dục Tài đã đào tạo khoảng 7.000 cán bộ, giáo viên và học sinh, trong đó nhiều người sau này đã trở thành những cán bộ lãnh đạo, cán bộ ngoại giao, nhà kinh tế, nhà khoa học, nhạc sỹ, nhà thơ, nhà văn có tên tuổi của đất nước như: nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trần Đình Hoan; nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Khoan; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Vũ Mão...
Học sinh trường Dục Tài khi đó là các cán bộ, thanh niên từ khắp nơi trong nước gửi sang, do Việt Nam trực tiếp quản lý và đào tạo. |
Tháng 11/1963, để tỏ lòng cảm ơn sự giúp đỡ tận tình của các cán bộ, giáo viên trường Dục Tài Nam Ninh trong thời kỳ trước đây, Chính phủ Việt Nam quyết định tặng thưởng Huân chương Lao động cho những cán bộ, giáo viên Hán ngữ tiêu biểu của trường.Khu học xá Trung ương cũng chính là mái trường thân yêu đã đào tạo cho cuộc kháng chiến hàng ngàn giáo viên, học viên có trình độ cao để trở về phục vụ cho Tổ quốc.
Theo VOV