Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp về tình hình cung ứng điện
Theo Thủ tướng, thời gian qua, cùng với nhu cầu tăng trưởng và sau khi chuyển hướng thích ứng an toàn với dịch Covid-19, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, nhu cầu năng lượng, cụ thể là nhu cầu điện ở nước ta đang tăng lên.
Sáng 3/4, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp về tình hình cung ứng điện và vấn đề cấp than, khí cho sản xuất điện.
Cùng dự có các Phó Thủ tướng: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; lãnh đạo các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính; lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế và các cơ quan liên quan.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp về tình hình cung ứng điện và vấn đề cấp than, khí cho sản xuất điện. |
Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, điện năng là 1 trong 5 cân đối lớn phải bảo đảm để phục hồi nhanh và phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Thời gian qua, cùng với nhu cầu tăng theo tăng trưởng kinh tế-xã hội; sau khi chuyển hướng thích ứng an toàn với dịch COVID-19, phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, nhu cầu năng lượng, cụ thể là nhu cầu điện ở nước ta đang tăng lên. Bên cạnh đó, tình hình cung ứng, giá cả năng lượng trên thế giới có những biến động.
Do đó, ngày 24/12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1813/CĐ-TTg về việc dự báo nhu cầu điện, sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả; bảo đảm cung ứng điện năm 2022 và các năm tiếp theo.
Thủ tướng Phạm Minh Chính thẳng thắn nhìn nhận, sau 3 tháng thực hiện Công điện 1813/CĐ-TTg, những vấn đề mà Thủ tướng yêu cầu vẫn chưa được các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện quyết liệt để có hiệu quả cao.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan kiểm điểm trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, trách nhiệm đối với đất nước, đối với nhân dân, vì mục tiêu phát triển chung của đất nước.
“Các ý kiến trên tinh thần nói thẳng, nói thật, nói hết, khách quan, trung thực, xây dựng, cầu thị, không né tránh, không đổ lỗi, xác định rõ trách nhiệm... Trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp tổ chức thực hiện, mang lại hiệu quả, đáp ứng yêu cầu về điện cho phục hồi kinh tế - xã hội nhanh, phát triển bền vững” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. |
Tại cuộc họp, các Phó Thủ tướng, đại diện các bộ, ngành, đơn vị đã thảo luận đưa ra các dự báo; đề xuất các giải pháp để xử lý, khắc phục khó khăn, thử thách; đề xuất công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị nhằm đảm bảo điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong gian tới.
Theo báo cáo, trong Quí I, EVN đã đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội đất nước với nhu cầu điện tăng trưởng cao hơn kế hoạch, trong đó: Tổng sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống quý I/2022 đạt 62,85 tỷ kWh, tăng 7,5% so với cùng kỳ 2021 và cao hơn 1,8 tỷ kWh so kế hoạch. Nhu cầu công suất phụ tải cực đại toàn quốc (Pmax) đạt 40.144MW, tăng 5,94% so với cùng kỳ năm 2021.
Về vận hành hệ thống điện và huy động các nguồn điện, do các nguồn nhiệt điện than huy động thấp hơn kế hoạch 1,36 tỷ kWh, đồng thời do nhu cầu điện tăng cao hơn kế hoạch, nên các nguồn thủy điện và điện khí được huy động cao hơn kế hoạch lần lượt là 2,17 và 1,01 tỷ kWh. Đối với các nguồn điện còn lại được huy động căn cứ theo kế hoạch năm đã được phê duyệt.
Tính toán cân đối cung cầu điện năm 2022 theo phương án phụ tải cơ sở, sản lượng điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống năm 2022 dự kiến là 277,29 tỷ kWh, tăng trưởng 8,73% so với năm 2021. Phương án phụ tải cao tăng trưởng ~12%. Qua tính toán cân đối cho thấy: Trong trường hợp đảm bảo cung cấp đủ than cho phát điện, cơ bản đảm bảo cung ứng điện toàn quốc, kể cả trường hợp nhu cầu phụ tải tăng trưởng cao.
Tuy nhiên, đối với khu vực miền Bắc tiềm ẩn rủi ro thiếu công suất đỉnh trong các ngày nắng nóng tại miền Bắc với công suất thiếu hụt khoảng 1.300MW đối với phương án cơ sở và có thể lên đến 2.500MW đối với phương án phụ tải cao./.