Thúc đẩy phát triển kinh tế rừng ở miền Tây

24/10/2014 11:22

(Baonghean) - Khoảng giữa tháng 11/2014, dây chuyền gỗ thanh của Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An xây dựng tại Nghĩa Đàn chính thức đi vào hoạt động, và theo kế hoạch, đầu năm 2015, dây chuyền MDF cũng sẽ vận hành. Đây là điều kiện có ý nghĩa rất lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế rừng vùng miền Tây.

(Baonghean) - Khoảng giữa tháng 11/2014, dây chuyền gỗ thanh của Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An xây dựng tại Nghĩa Đàn chính thức đi vào hoạt động, và theo kế hoạch, đầu năm 2015, dây chuyền MDF cũng sẽ vận hành. Đây là điều kiện có ý nghĩa rất lớn, thúc đẩy phát triển kinh tế rừng vùng miền Tây.

Sau gần 2 năm triển khai xây dựng, trên vùng quy hoạch KCN Nghĩa Hội (Nghĩa Đàn) đã hiện hữu một nhà máy chế biến gỗ tầm cỡ. Những ngày này, có mặt trên công trường xây dựng nhà máy mới thấy hết được sự sôi động, khẩn trương. Diện tích quy hoạch gần 40 ha của nhà máy như là một đại công trường đang đồng loạt thi công nhiều hạng mục. Tại nhà xưởng Nhà máy gỗ thanh, để kịp tiến độ đi vào sản xuất vào đầu tháng 11, chủ đầu tư và các nhà thầu đang tập trung lắp đặt thiết bị, hiệu chỉnh máy móc; các hạng mục khác như: gói thầu cọc móng, gói thầu xây dựng và hoàn thiện, gói thầu hạ tầng, gói cơ điện, gói lắp đặt… cũng đang khẩn trương thi công với tiến độ cao, đạt gần 90% khối lượng. Theo báo cáo của Ban quản lý dự án, Nhà máy chế biến gỗ MDF Nghệ An có tổng số vốn đầu tư giai đoạn 1 trên 2.000 tỷ đồng, gồm dây chuyền gỗ thanh công suất 10.000m3/năm và dây chuyền chế biến gỗ MDF công suất 130.000 m3/năm. Giai đoạn 2 dự kiến sẽ đầu tư dây chuyền chế biến gỗ MDF 270.000 m3/năm và quy hoạch vùng nguyên liệu lên đến 60.000 ha.

Thi công Nhà máy gỗ ván MDF (KCN Nghĩa Hội, Nghĩa Đàn.Ảnh: Sỹ Minh
Thi công Nhà máy gỗ ván MDF (KCN Nghĩa Hội, Nghĩa Đàn. Ảnh: Sỹ Minh

Đặc điểm nổi bật của Nhà máy chế biến gỗ MDF của Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm là sự kết hợp giữa 2 công nghệ chế biến gỗ thanh và gỗ ván sợi MDF. Gỗ nguyên liệu đưa vào chế biến phần giá trị nhất sẽ được sản xuất gỗ thanh, những phần còn lại được chuyển qua gỗ băm dăm để sản xuất ván sợi MDF chất lượng cao. Dùng đồng thời cả 2 công nghệ này cho phép nhà máy sử dụng gần như toàn bộ mọi sản phẩm trên cây gỗ. Khác với công nghệ chế biến gỗ của một số nước đang sử dụng tại Việt Nam, người trồng rừng sau khi bán sản phẩm gỗ nguyên liệu cho các cơ sở sản xuất gỗ băm dăm, làm bột giấy đều phải bóc vỏ trước khi bán. Còn tại Nhà máy MDF Nghệ An từ vỏ cây, đến bụi, chất thải sản sinh trong quá trình sản xuất sẽ được thu gom triệt để, xử lý đóng thành bánh để đưa vào lò đốt nhằm tái tạo năng lượng bổ sung cho quá trình sản xuất. Nhờ đó, vấn đề ô nhiễm môi trường sẽ được xử lý một cách tốt nhất. Những ưu điểm trên đây xuất phát từ việc chủ đầu tư đã lựa chọn được các nhà cung cấp công nghệ và thiết bị tốt nhất trên thế giới như: thiết bị tạo hình, nén liên hồi và trạng thái ván của Công ty Dieffenbacher (CHLB Đức); thiết bị công nghệ sản xuất ván sợi gỗ của Công ty Metso (Thụy Điển); công nghệ băm dăm, làm sạch và kho chứa băm dăm của Công ty Hombak/CMC(CHLB Đức); công nghệ chà nhám sản phẩm của Công ty Steinemann(CHLB Đức); công nghệ cắt sản phẩm theo kích thước cuối cùng của Công ty Anthon (CHLB Đức)...

Ông Nguyễn Công Vĩnh - Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm cho biết: Để đảm bảo tiến độ đầu tháng 11 vận hành dây chuyền chế biến gỗ thanh, đầu năm 2015 dây chuyền gỗ MDF, hiện nay chủ đầu tư và các nhà thầu đang tập trung tối đa nhân lực, phương tiện thi công 3 ca. Công tác tuyển dụng lao động và xây dựng mối quan hệ chặt chẽ giữa doanh nghiệp và vùng nguyên liệu cũng được công ty đồng thời triển khai. Vấn đề lo lắng nhất hiện nay là vấn đề “ngoài hàng rào” nhà máy. Đó là đường vào nhà máy và hệ thống điện nguồn. Theo tính toán của chủ đầu tư, khi nhà máy chính thức đi vào hoạt động, mỗi ngày sẽ có khoảng trên 600 xe chuyên dụng hoạt động chở nguyên liệu và sản phẩm ra vào nhà máy, nếu đường không đảm bảo yếu tố kỹ thuật sẽ gây khó khăn trong quá trình sản xuất cũng như ảnh hưởng đến môi trường dân sinh. Đồng thời, ngành Điện lực đấu nối điện đến nhà máy theo đúng cam kết (ngày 30/10) cũng là vấn đề quyết định đối với việc vận hành nhà máy theo đúng tiến độ. Mới đây, trong chuyến làm việc tại huyện Nghĩa Đàn và thăm nhà máy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đã chỉ đạo ngành Công Thương, ngành Giao thông phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư và huyện Nghĩa Đàn thực hiện đúng kế hoạch về thi công hạng mục đường vào nhà máy và hệ thống nguồn điện khi nhà máy đi vào vận hành hoạt động sản xuất.

Theo quyết định phê duyệt quy hoạch vùng nguyên liệu cho dự án Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An của UBND tỉnh, công ty dự kiến sẽ thuê 11.589 ha đất và thực hiện phương châm liên doanh, liên kết với các tổ chức, doanh nghiệp, bà con nông dân trên diện tích 33.424 ha. Công ty đã ký kết hợp đồng tư vấn với Công ty CP tư vấn phát triển nguyên liệu TH để thực hiện công tác tư vấn quy hoạch vùng nguyên liệu cho nhà máy và đã tiến hành khảo sát, thống nhất số diện tích tiến hành bồi thường, giải phóng mặt bằng để thuê đất cho dự án là 5.068,76 ha. Đồng thời, căn cứ theo Quyết định số 3111/QĐ. UBND-CNTM và 3112/QĐ. UBND-CNTM phê duyệt phương án giải thể Tổng đội TNXP 3 và Tổng đội TNXP 6 để chuyển giao cho Công ty CP tư vấn phát triển nguyên liệu TH và Công ty thực phẩm sữa TH. Tổng đội TNXP 3 sẽ chuyển mô hình thành Công ty CP Đầu tư và Phát triển nguyên liệu TH vùng Phủ Quỳ, Tổng đội TNXP 6 sẽ chuyển mô hình thành Công ty CP Đầu tư và Phát triển nguyên liệu TH vùng Đông Bắc Nghệ An, trong đó cổ đông chi phối là Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm có nhiệm vụ đầu tư, phát triển vùng nguyên liệu vùng Phủ Quỳ để phục vụ nguyên liệu gỗ cho Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An. Ông Nguyễn Công Vĩnh, Tổng Giám đốc công ty cho biết thêm: Phương châm của công ty khi nhà máy đi vào hoạt động là sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị, các doanh nghiệp cũng như bà con nông dân trong vấn đề cung cấp nguyên liệu; đồng thời tận dụng những lợi thế công nghệ để tăng giá trị, hiệu quả từ kinh tế rừng cho các đối tác của công ty.

Hồng Sơn

Thúc đẩy phát triển kinh tế rừng ở miền Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO