Tiếp tục có các chế tài xử phạt lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc

Thanh Nga 27/08/2018 12:55

(Baonghean.vn) - Sáng 27/8, Sở LĐTB & XH phối hợp Cục Quản lý lao động ngoài nước tổ chức hội nghị Tuyên truyền, vận động người lao động làm việc tại Hàn Quốc về nước đúng quy định.

Tham dự hội nghị có ông Nguyễn Gia Liêm – Cục phó Cục quản lý lao động ngoài nước Bộ LĐTB & XH; đại diện Trung tâm Lao động ngoài nước và Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước.

Đồng chí Đoàn Hồng Vũ – Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở LĐTB & XH; các sở ban ngành liên quan và đông đảo lao động đã về nước, thân nhân các lao động đang làm việc tại Hàn Quốc.

Các đại biểu tham gia hội nghị. Ảnh: Thanh Nga
Các đại biểu tham gia hội nghị. Ảnh: Thanh Nga

Tại hội nghị, đại diện đơn vị chủ quản - ông Đặng Cao Thắng – Phó Giám đốc Sở LĐTB & XH cho biết: Trong những năm qua, số lao động của Nghệ An đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS ngày càng tăng, tính đến nay số lao động xuất cảnh theo chương trình EPS là 9.396 lao động, đứng đầu cả nước về số lượng người đi làm việc tại Hàn Quốc, bình quân hàng năm có từ 500 – 700 người.

Tuy nhiên, ông Thắng nhấn mạnh, hiện nay có nhiều lao động tại Hàn Quốc thay đổi chỗ làm việc, không về nước đúng thời hạn theo hợp đồng, vì thế số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc của Nghệ An gần như nhiều nhất cả nước.

Tính đến hết tháng 7 năm 2018, tỷ lệ lao động bất hợp pháp không về nước của tỉnh đang ở mức 43,18%, lên tới 2.310 người. Vì thế trong năm 2018 Nghệ An có đến 10 huyện thành thị, lao động không được tham gia làm việc tại Hàn Quốc.

Điều kiện và mức lương khá lý tưởng ở Hàn Quốc đã khiến rất nhiều lao động cư trú bất hợp pháp. Ảnh: Internet
Điều kiện và mức lương khá lý tưởng ở Hàn Quốc đã khiến rất nhiều lao động hết hạn vẫn ở lại làm việc. Ảnh: Internet

Mặc dù sở ngành và các địa phương đã thực hiện nhiều giải pháp nhưng đến nay tình hình vẫn chưa mấy khả quan. Điển hình như các địa phương trước đây ở mức cao thì nay vẫn đứng đầu danh sách do con số lao động cư trú bất hợp pháp hầu như không thay đổi, như Nghi Lộc là 369 người; TP Vinh: 249 người; Thị xã Cửa Lò: 243 người.

Đó là do công tác tuyên truyền vận động lao động làm việc và cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc của các huyện, thị xã, thành phố chưa quyết liệt, chưa thường xuyên và liên tục dẫn đến hiệu quả chưa cao.

“Đúng là công tác tuyên truyền chưa thật sự tốt, vì mặc dù chúng tôi đã tổ chức ký cam kết nhưng lao động đã đi được vẫn không về vì mức chênh lệch thu nhập giữa trong và ngoài nước quá xa” – Ông Nguyễn Xuân Lam – Trưởng phòng LĐTB & XH TP Vinh nêu ý kiến. Ông Lam đề nghị nên thực hiện nghiêm việc ký quỹ, đồng thời Sở LĐTB & XH cần cung cấp danh sách để chính quyền địa phương biết niên hạn đi về của lao động, từ đó tuyên truyền để người thân đôn đốc lao động về đúng hạn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu - Hồ Ngọc Dũng cho rằng một trong giải pháp có tính quyết định là Bộ LĐTB & XH cần kiến nghị phía Hàn Quốc xử lý nghiêm số doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp; tất cả những giải pháp của chúng ta đang thực hiện sẽ không hiệu quả nếu bên Hàn Quốc vẫn sử dụng lao động quá hạn.

Lao động đã về nước đúng thời hạn nay mong muốn được làm việc tại Hàn Quốc có nhiều thắc mắc về chính sách, cơ chế ưu đãi cho những lao động thưc hiện đúng cam kết. Ảnh: Thanh Nga
Lao động đã về nước đúng thời hạn có nhiều thắc mắc về chính sách, cơ chế ưu đãi cho những lao động thực hiện đúng cam kết. Ảnh: Thanh Nga

Tại hội nghị đại diện các tổ chức đoàn thể và gia đình lao động cũng như các lao động đã về nước đúng thời hạn có nhiều tâm tư xung quanh việc tại sao lao động quá hạn chưa về nước. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng nếu một lao động về nước đúng thời hạn thì cơ hội đi tiếp vẫn còn rất hiếm hoi và vô hình chung sẽ làm cho các lao động còn cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc không muốn về. Vì thế việc tuyên truyền về cơ chế chính sách cho lao động về nước đúng thời hạn cần được thực hiện tốt hơn nữa.

Ông Đoàn Hồng Vũ _ Giám đốc Sở LĐTB&XH phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Nga
Ông Đoàn Hồng Vũ - Giám đốc Sở LĐTB&XH phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thanh Nga

Phát biểu tại hội nghị, ông Đoàn Hồng Vũ – Giám đốc Sở LĐTB&XH cho rằng: “Nhờ những nỗ lực trong thực hiện đồng bộ các giải pháp mà Tân Kỳ đã ra khỏi danh sách những địa phương bị tạm đình chỉ, vì thế chúng ta không thể chỉ quyết liệt thực hiện một giải pháp mà chúng ta phải kết hợp nhiều giải pháp, việc tuyên truyền vận động ở khối xóm cơ sở là rất quan trọng, vì thực tế người Nghệ chúng ta rất tự trọng và có tính cộng đồng rất cao. Trước mắt các địa phương cần tập trung cao nhất để tuyên truyền cho 99 lao động đến kỳ hạn năm nay phải về nước trong 4 tháng cuối năm 2018”

Đồng chí Nguyễn Gia Liêm – Phó Cục trưởng Cục Quản lý người lao động ngoài nước – Bộ LĐTB& XH cho rằng: “ Tỉnh cần tiến hành tổ chức tọa đàm ký cam kết trách nhiệm 03 bên gồm Phòng LĐTB & XH, UBND xã và đại diện gia đình người lao động; thực hiện niêm yết danh sách lao động bất hợp pháp và thông báo về quyền lợi của người lao động về nước đúng thời hạn và các biện pháp xử phạt đối với các lao động cư trú bất hợp pháp. Cần thành lập các tổ liên gia ngay tại thôn xóm, bản thân các tổ liên gia cần có một cam kết riêng để sao cho người đi trước phải có trách nhiệm thực hiện cam kết đúng thời hạn để người đi sau có điều kiện được đi tiếp."

Tại hội nghị, Sở LĐTB&XH ghi nhận các ý kiến của người thân và lao động về việc thi tuyển sang Hàn Quốc đối với những lao động đã về nước đúng thời hạn và sẽ đề xuất lên các cấp có thẩm quyền tạo điều kiện tốt nhất cho những lao động này. Bên cạnh đó sẽ tiếp tục có những cơ chế, chế tài xử phạt những lao động đang cư trú bất hợp pháp.

Mới nhất

x
Tiếp tục có các chế tài xử phạt lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO