Tiếp tục góp ý hoàn thiện Đề án phát triển doanh nghiệp Nghệ An đến năm 2025

Nguyễn Hải 14/09/2021 11:55

(Baonghean.vn) - Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2025 là một trong những đề án trọng tâm của phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2025.

Nhằm hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tỉnh từ nay đến năm 2025, sáng 14/9, tại TP. Vinh, UBND tỉnh tổ chức buổi làm việc, lấy ý kiến bổ sung vào Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh đến năm 2025. Đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì buổi làm việc. Dự buổi làm việc có đại diện Đảng ủy Khối Doanh nghiệp tỉnh, các ban, sở, ngành liên quan; đại diện VCCI chi nhánh Nghệ An, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh và UBND thành phố Vinh.

Đề án phát triển doanh nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2025 là một trong những đề án trọng tâm của phát triển kinh tế - xã hội tỉnh, nhiệm kỳ 2021-2025. Đề án được các sở, ngành góp ý 5 lần và UBND tỉnh tổ chức họp lấy ý kiến 3 lần và dần hoàn thiện trước khi trình Chủ tịch UBND tỉnh và BCH Đảng bộ tỉnh cho ý kiến thông qua.

Toàn cảnh buổi làm việc của UBND tỉnh với các sở, ngành và hiệp hội doanh nghiệp về Đề án phát triển doanh nghiệp đến năm 2025. Ảnh: Nguyễn Hải

Tuy nhiên, do tính chất quan trọng của đề án và liên quan đến nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khác nên UBND tỉnh chỉ đạo phải thảo luận, bàn bạc kỹ, các chỉ tiêu cần rõ ràng, cụ thể hơn; nên cập nhật các chính sách mới của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi sốkhuyến khích chuyển đổi từ hộ kinh doanh sang thành lập doanh nghiệp…

Đại diện Sở Kế hoạch & Đầu tư trình bày tóm tắt tinh thần bản Đề án mới chỉnh sửa lần 3. Ảnh: Nguyễn Hải
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày Đề án mới chỉnh sửa lần 3. Ảnh: Nguyễn Hải

Tiếp thu các ý kiến của UBND tỉnh, dự thảo đề án lần này được thiết kế lại gọn hơn, bao gồm 3 phần là đánh giá thực trạng phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2016-2020 (gồm kết quả hoạt động, những tồn tại, hạn chế, kết quả thực hiện cải thiện môi trường đầu tư và bài học kinh nghiệm); mục tiêu, định hướng và giải pháp hỗ trợ phát triển DN giai đoạn 2021-2025 và phần cuối cùng là các giải pháp tổ chức thực hiện.

Lũy kế đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 23.404 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 61,4% so với năm 2015; trong đó, có 13.220 doanh nghiệp đang hoạt động, bằng 56,48% số lượng doanh nghiệp đăng ký.

Đồng chí Lê Trường Giang - Giám đốc Sở Xây dựng phát biểu kiến nghị rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Hải
Đồng chí Lê Trường Giang - Giám đốc Sở Xây dựng phát biểu kiến nghị rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Ảnh: Nguyễn Hải

Trên cơ sở đánh giá thực trạng và phân tích các yếu tố thuận lợi, hạn chế và khuyết điểm, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 34.000 - 35.000 doanh nghiệp, trong đó 21.000 doanh nghiệp hoạt động.

Bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho khoảng 20.000 - 25.000 lao động và khu vực doanh nghiệp đóng góp khoảng 65- 67% thu ngân sách; huy động vốn đầu tư từ doanh nghiệp chiếm từ 35-40% tổng vốn đầu tư trên địa bàn; tiếp tục đổi mới công nghệ khu vực doanh nghiệp đạt 20%/năm.

Biểu đồ tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp hoạt động hàng năm. Ảnh: N.H
Biểu đồ tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp hoạt động hàng năm. Ảnh: N.H

Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ doanh nghiệp qua các nhóm giải pháp là hỗ trợ tập trung vào hỗ trợ các doanh nghiệp bị tác động tiêu cực bởi đại dịch Covid-19 sớm phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất; nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động doanh nghiệp; triển khai thực hiện các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp…

Góp ý vào dự thảo đề án lần này, đại diện một số sở, ngành và hiệp hội doanh nghiệp đề nghị tiếp tục rút ngắn thời hạn giải quyết các thủ tục hành chính, bổ sung một số sở, ngành vào đề án để gắn vai trò, trách nhiệm; đề nghị tỉnh sớm bổ sung quy hoạch và chính sách phát triển các cụm CN bên cạnh KCN lớn để hỗ trợ DN tiếp cận thuê mặt bằng, hạ tầng thuê đất sản xuất; nâng cao năng lực hạ tầng cảng biển và logistic; làm rõ vì sao tỷ lệ doanh nghiệp hoạt động của tỉnh và đóng góp vào thu ngân sách còn thấp...

Năng lực hạ tầng cảng biển là một trong những điểm nghẽn khiến tỉnh chưa phát triển mạnh kinh tế dịch vụ logistic. Ảnh Nguyễn Hải
Năng lực hạ tầng cảng biển là một trong những điểm nghẽn khiến tỉnh chưa phát triển mạnh kinh tế dịch vụ logistic. Ảnh: Nguyễn Hải

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh ghi nhận tinh thần tiếp thu làm việc của Tổ soạn thảo đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các sở, ngành, hiệp hội để xây dựng đề án gọn nhẹ, chất lượng nhất.

Mục tiêu nhiệm kỳ này có 34.000 - 35.000 doanh nghiệp được thành lập, trong đó có 21.000 doanh nghiệp hoạt động là có cân nhắc và khả thi. Bên cạnh quan tâm thu hút các dự án lớn, động lực thì một ưu tiên khác là quan tâm thu hút các dự án sản xuất hàng tiêu dùng, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, phát triển các ngành công nghiệp nhẹ.

Cùng với mở rộng diện tích đất công nghiệp trong KKT Đông Nam, tỉnh sẽ ưu tiên thu hút các dự án để lấp đầy các KCN đã đầu tư hạ tầng quy hoạch phát triển các cụm CN để đáp ứng nhu cầu tiếp cận đất đai của doanh nghiệp. Đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư trích dẫn các văn bản, chính sách liên quan tại phần phụ lục để dễ đối chiếu, theo dõi; các sở, ngành và hiệp hội tiếp tục góp ý, kịp thời bổ sung các ý kiến góp ý các sở, ngành vào phần giải pháp thực hiện trình lãnh đạo UBND tỉnh trong thời gian sớm nhất./.


Mới nhất

x
Tiếp tục góp ý hoàn thiện Đề án phát triển doanh nghiệp Nghệ An đến năm 2025
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO