Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả kỳ họp của HĐND tỉnh Nghệ An
Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra trong các ngày 10, 11/7 tại thành phố Vinh. Tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh. Đây cũng là kỳ họp có nhiều đổi mới về cách thức tổ chức.
Thành Duy (Thực hiện) | 09/07/2024
Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 diễn ra trong các ngày 10, 11/7 tại thành phố Vinh. Tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh. Đây cũng là kỳ họp có nhiều đổi mới về cách thức tổ chức.
Báo Nghệ An có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh trước kỳ họp.
* * * * *
PV: Từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, HĐND tỉnh khóa XVIII đã có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nói chung và công tác tổ chức các kỳ họp nói riêng. Xin đồng chí cho biết những đổi mới trong tổ chức Kỳ họp thứ 21 của HĐND tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Nam Đình: Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh sẽ đổi mới cách thức tổ chức theo hướng giảm số lượng, thời gian trình bày các báo cáo (đọc tóm tắt 6 báo cáo thay vì 8 báo cáo như các kỳ họp trước); dành nhiều thời gian hơn để thảo luận tổ, thảo luận tại hội trường, chất vấn và trả lời chất vấn.
Qua đó, thời gian tổ chức Kỳ họp này sẽ rút ngắn từ 2,5 ngày xuống còn 2 ngày (khai mạc ngày 10/7/2024, bế mạc chiều ngày 11/7/2024). Cụ thể, sáng ngày 10/7, sau khi khai mạc và nghe tóm tắt các báo cáo, tờ trình, đại biểu HĐND tỉnh chia thành 4 tổ để thảo luận; chiều ngày 10/7, thảo luận tại hội trường; sáng và 1/2 chiều ngày 11/7, chất vấn và trả lời chất vấn; thời gian còn lại của chiều ngày 11/7, biểu quyết, thông qua các dự thảo nghị quyết và bế mạc Kỳ họp.
Thảo luận tổ và thảo luận tại hội trường sẽ tập trung vào kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2024; dự thảo Nghị quyết giám sát chuyên đề về kết quả thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025; kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 17 (kỳ họp thường lệ cuối năm 2023).
Chất vấn và trả lời chất vấn sẽ thực hiện theo hướng vừa có lĩnh vực, nhóm vấn đề trọng tâm. Lĩnh vực Nội vụ: Nhóm vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2023 - 2025 và sắp xếp, giải quyết chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, người làm việc dôi dư sau sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã; lĩnh vực Công Thương: Các nhóm vấn đề quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; phòng, chống và xử lý các hành vi vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; quy hoạch, chuyển đổi mô hình, đầu tư xây dựng, kinh doanh, khai thác, quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Nghệ An; vừa mở rộng đối với tất cả các lĩnh vực về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh và đối ngoại.
Tất cả các tài liệu liên quan đến nội dung của Kỳ họp 21 được đăng tải trên Trang thông tin điện tử Đại biểu nhân dân Nghệ An và phần mềm họp HĐND tỉnh để Nhân dân, cử tri và đại biểu nghiên cứu trước khi khai mạc. Qua nắm bắt thông tin, Nhân dân, cử tri, các đại biểu HĐND tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan ghi nhận và đánh giá cao về những đổi mới trong chuẩn bị và tổ chức kỳ họp này.
PV: Nguyên nhân nào để Thường trực HĐND tỉnh có quyết định đổi mới đột phá trên và công tác chuẩn bị tổ chức kỳ họp đã được tiến hành như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Nguyễn Nam Đình: Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 là đổi mới và nâng cao chất lượng các kỳ họp. Từ đầu nhiệm kỳ cho đến nay, Thường trực HĐND tỉnh thường xuyên quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện nhiệm vụ này nên các hoạt động trước, trong và sau kỳ họp, công tác tổ chức, điều hành các kỳ họp được đại biểu HĐND tỉnh đánh giá cao về sự linh hoạt, khoa học, hợp lý; chú trọng những nội dung còn có ý kiến khác nhau, những vấn đề mới, khó chưa có tiền lệ để trao đổi, thảo luận, tạo sự thống nhất cao trong quá trình thẩm tra và tại kỳ họp; đồng thời, đề nghị Thường trực HĐND tỉnh tiếp tục đổi mới cách thức tổ chức, nâng cao hơn nữa chất lượng các kỳ họp trong thời gian tới.
Tiếp thu ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh, từ đầu năm 2024, Đảng đoàn và Thường trực HĐND tỉnh thống nhất chủ trương giao Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh chủ trì, phối hợp với các Ban của HĐND tỉnh tiến hành khảo sát, lấy ý kiến của các Tổ đại biểu, đại biểu HĐND tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan để nghiên cứu, đề xuất đổi mới cách thức tổ chức các kỳ họp, bắt đầu áp dụng từ Kỳ họp 21 (kỳ họp thường lệ giữa năm 2024).
Công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ họp đã hoàn thành: Các dự thảo báo cáo, nghị quyết do Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh trình Kỳ họp đã được thẩm tra, tiếp thu, hoàn chỉnh và lựa chọn những nội dung trọng tâm để trình bày tóm tắt tại phiên khai mạc; rà soát kỹ lưỡng việc dự kiến phân tổ và trọng tâm thảo luận; nhóm lĩnh vực, chủ đề trọng tâm để chất vấn và trả lời chất vấn; công tác thông tin, tuyên truyền, tổ chức họp báo, công nghệ thông tin và hậu cần; kịch bản điều hành chi tiết của Chủ tọa và thư ký Kỳ họp đã được thống nhất thông qua.
PV: Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 137/2024/QH15 về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Được biết, nội dung nghị quyết có nhiều điều, khoản phân cấp, phân quyền cho HĐND tỉnh. Vậy, thời gian tới HĐND tỉnh sẽ cụ thể hóa các nội dung tại Nghị quyết số 137 như thế nào?
Đồng chí Nguyễn Nam Đình: Ngày 26/6/2024, Quốc hội khoá XV thông qua Nghị quyết số 137/2024/QH15 về bổ sung thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, có hiệu lực thực hiện trong 5 năm, bắt đầu từ ngày 1/1/2025. Trước đó, ngày 13/11/2021, Quốc hội khoá XV cũng đã thông qua Nghị quyết số 36/2021/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, có hiệu lực trong 5 năm, bắt đầu từ ngày 1/1/2022.
Như vậy, từ ngày 1/1/2025, Nghệ An được thực hiện thí điểm đồng thời 2 Nghị quyết nói trên gồm 22 chính sách: Nghị quyết số 36/2021/QH15 có 8 chính sách thuộc 3 lĩnh vực (3 chính sách thuộc lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách; 4 chính sách thuộc lĩnh vực quản lý rừng, đất đai; 1 chính sách thuộc lĩnh vực quản lý quy hoạch); Nghị quyết số 137/2024/QH15 có 14 chính sách thuộc 4 lĩnh vực (4 chính sách về quản lý tài nguyên, ngân sách nhà nước; 6 chính sách về quản lý đầu tư; 2 chính sách quản lý đô thị, tài nguyên rừng; 2 chính sách về tổ chức bộ máy và biên chế).
Những chính sách trên là nguồn động lực to lớn và quan trọng để Nghệ An thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Đặc biệt, Quốc hội phân cấp, giao cho chính quyền địa phương tỉnh Nghệ An thẩm quyền quyết định nhiều nội dung quan trọng về phí và lệ phí; các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh và phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội trên địa bàn miền Tây Nghệ An; dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (dự án PPP); bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phân bổ nguồn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hỗ trợ tỉnh Nghệ An; tổ chức, bộ máy UBND tỉnh Nghệ An và HĐND thành phố Vinh.
Trong năm 2024, Đảng đoàn, Thường trực HĐND tỉnh sẽ cập nhật, nghiên cứu các quy định của pháp luật có liên quan và các cơ chế, chính sách đặc thù cụ thể để xem xét, ban hành các nghị quyết nhằm thể chế hóa, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách đặc thù theo thẩm quyền và nhiệm vụ được giao, đồng thời tổ chức giám sát việc triển khai thực hiện. Thường trực HĐND tỉnh đã xác định sẽ xây dựng, ban hành Kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện Nghị quyết, với một số nội dung trọng tâm như: Tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết; công tác phối hợp giữa các Ban của HĐND tỉnh và các sở, ngành trong việc rà soát, chuẩn bị nội dung, thẩm tra, trình HĐND tỉnh quyết định các nội dung thuộc lĩnh vực phụ trách; công tác giám sát của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh về kết quả triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết và giám sát kết quả thực hiện các cơ chế chính sách đặc thù, phân công rõ trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị liên quan.
PV: Xin cảm ơn đồng chí!