Tiêu dùng số - góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia

Thu Trang 06/11/2022 06:46

Muốn phát triển kinh tế số phải tạo điều kiện tối đa cho thương mại điện tử bởi đây là lĩnh vực tiên phong - dẫn dắt nền kinh tế số Việt Nam. Trong đó, mua-bán online hay giao thương trực tuyến là hoạt động nổi bật, khẳng định rõ nhất hiệu quả của thương mại điện tử.

Hướng tới mục tiêu hỗ trợ người dân được thụ hưởng những lợi ích của chuyển đổi số, hỗ trợ doanh nghiệp công nghệ số được tiếp cận với đông đảo khách hàng tiềm năng, cơ quan nhà nước cùng cộng đồng doanh nghiệp đã phối hợp thực hiện các chính sách giảm giá, ưu đãi sử dụng sản phẩm, dịch vụ số lên đến 50% trong tháng 10/2022. Chính sách nhằm thu hút sự quan tâm của người dân vào mua sắm online và các hoạt động thương mại số khác, qua đó, người dân sẽ được phổ cập kỹ năng số - dần hình thành công dân số, thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.

Ông Nguyễn Bình Minh - Uỷ viên Ban chấp hành Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam cũng đồng thời là doanh nhân giao thương online nhìn nhận: “Những hoạt động nỗ lực như vậy của cơ quan nhà nước tôi cho là rất quan trọng để thúc đẩy phong trào chuyển dịch sử dụng các công nghệ số trên cả nước. Hiện nay nhiều người dân vẫn chưa có thói quen sử dụng nhiều dịch vụ, sản phẩm trên môi trường số. Chủ yếu là do thói quen thôi chứ không phải là quá khó.

Việc động viên người dùng, đặc biệt để người dùng có những thử nghiệm, trải nghiệm số. Thường trải nghiệm số sẽ mang lại những hiệu quả bất ngờ, người dùng sẽ yêu thích hoạt động số. Việc khuyến khích động viên thúc đẩy phong trào tiêu dùng số sẽ tạo ra làn sóng để giúp người dùng sớm dịch chuyển các hoạt động lên môi trường số”.

Ảnh minh hoạ.

Không phải là nhận định chủ quan của một chuyên gia trong hoạt động mua-bán online. Đó là thực tế, là kinh nghiệm mà chị Nguyễn Thu Lan ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã đúc rút được sau quãng thời gian trải nghiệm số, đặc biệt là tìm hiểu và tham gia Tháng tiêu dùng số: “Tôi không có thời gian đi, tôi mua trực tuyến. Có những sản phẩm chất lượng tốt. Tôi đã có thanh toán trực tuyến. Tôi thấy an toàn mà họ không lừa gạt gì mình cả. Tôi muốn việc mua bán trực tuyến phát triển nhiều hơn”.

Kết quả bước đầu khẳng định Tháng Tiêu dùng số (tháng 10/2022) là một trong những bước đi khởi động - giúp cộng đồng xã hội dần có những hiểu biết căn bản, để tham gia tích cực hơn vào các hoạt động số trong “cấu phần” xã hội số-kinh tế số-Chính phủ số.

Tuy nhiên, qua đây, ông Đặng Tùng Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Chính phủ số, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng khẳng định một thực tế, khi tham gia vào môi trường trực tuyến, thói quen của nhiều người tiêu dùng sẽ không chỉ dừng lại ở 1,2 hoạt động như mua sắm online hay nghe học trực tuyến, mà thường lướt qua, sử dụng hoặc sử dụng đồng thời các dịch vụ số khác: trò chơi điện tử, giải trí số, mạng xã hội, tham gia xuất bản số…trên đa kênh, tiềm ẩn khá nhiều rủi ro, thách thức.

Ông Đặng Tùng Anh - Phó Giám đốc Trung tâm Chính phủ số, Cục Chuyển đổi số Quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông dẫn chứng: “Ví dụ, khi thực hiện các giao dịch trên môi trường số người dân cần nhận diện được những nội dung, website nào tin tưởng được, tránh việc chúng ta cung cấp thông tin cho những dịch vụ, web không rõ nguồn gốc, lộ lọt thông tin, bị lừa đảo. Ngoài ra, trên môi trường số, dữ liệu là quan trọng nhất. Trong gia đình, tài sản chúng ta có khoá, có két, thì trên môi trường số, tài khoản cá nhân, hình ảnh dữ liệu riêng tư phải được bảo mật, bảo vệ, tránh xâm phạm. Cần theo dõi các thông tin trên các kênh truyền thông để cập nhật các vấn đề an toàn thông tin trên môi trường số. Nhận thức về số rồi nhưng nhận thức về an toàn số là rất quan trọng”.

Người Việt Nam đang sử dụng internet rất nhiều - với gần 70 triệu người, chiếm khoảng 70% dân số, mỗi ngày trung bình mỗi người truy cập vài giờ đồng hồ, thực hiện nhiều hoạt động tiêu dùng số khác nhau. Đó là thực tế đáng mừng – là điều kiện thuận lợi thúc đẩy kinh tế số Việt Nam, Chính phủ số Việt Nam, xã hội số Việt Nam tương lai. Và dù chỉ diễn ra trong vòng 1 tháng, Tháng 10 - Tháng tiêu dùng số 2022 đã phần nào khẳng định nỗ lực thúc đẩy chuyển đổi số của cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, như phân tích của chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Đình Cung thì không những nên tổ chức các chương trình có tính thúc đẩy trải nghiệm số với tần suất nhiều hơn, mà cần những chiến lược bài bản hơn để tạo dựng được niềm tin nơi người tiêu dùng.

“Tôi quan sát thấy thị trường online rất nhộn nhịp, đặc biệt giới trẻ, họ mua bán trực tuyến nhiều hơn. Nhưng đây là quá trình lâu dài, cần làm liên tục lâu dài chứ không chỉ phát động 1 vài tháng. Khi có vấn đề gì cản trở, có thể làm hại các bên liên quan, trong giao dịch có ai bị thiệt hài thì Nhà nước cần có công cụ để hỗ trợ, bảo vệ họ” - TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Lần đầu tiên Việt Nam có Tháng Tiêu dùng số. Dù đây chỉ là một trong những hoạt động nổi bật thuộc khuôn khổ Ngày Chuyển đổi số Quốc gia 10/10, đã được truyền thông quan tâm, cộng đồng xã hội quan tâm hưởng ứng. Hiệu quả bước đầu có thể chưa đạt kỳ vọng về mặt số lượng nhưng như với mục tiêu “không đơn thuần là ưu đãi, giảm giá, kích cầu tiêu dùng số mà là thu hút trải nghiệm và nâng cao kỹ năng số cho người dân, hướng tới các hoạt động Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số”, thì rõ ràng, cần nhiều hơn nữa những Tháng tiêu dùng số như tháng 10/2022./.

Theo vov.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Tiêu dùng số - góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO