Tín dụng chính sách đóng góp quan trọng trong giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội

Thu Huyền 29/12/2022 12:02

(Baonghean.vn) - 20 năm triển khai, chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách theo Nghị định 78 của Chính phủ đạt nhiều thành tựu nổi bật; huy động vốn lớn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng.

Sáng 29/12, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết 20 năm triển khai thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ. Dự và điều hành hội nghị có các đồng chí: Lê Minh Khái - Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Thị Hồng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH); Dương Quyết Thắng - Ủy viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Ngân hàng CSXH. Tham dự có đại diện các bộ, ngành Trung ương; 63 tỉnh, thành trên cả nước.

Đồng chí Bùi Thanh An - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thu Huyền

Phát huy sáng tạo công cụ đòn bẩy kinh tế

20 năm hình thành và phát triển, với việc kết nối và hội tụ cả hệ thống chính trị - xã hội tham gia vào công tác thực thi tín dụng chính sách xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã phát huy sáng tạo vai trò là công cụ mang tính đòn bẩy kinh tế của Chính phủ, nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện tiếp cận tín dụng chính sách phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo.

Nguồn vốn tín dụng chính sách có sự tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm, năm sau cao hơn năm trước. Đến ngày 30/11/2022, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 297.738 tỷ đồng, tăng gấp 41,9 lần so với năm 2002, tốc độ tăng bình quân đạt 21,4%.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Nghệ An. Ảnh: Thu Huyền

20 năm qua, nguồn vốn chính sách đã hỗ trợ gần 6,3 triệu hộ gia đình vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho hơn 5,9 triệu lao động; hỗ trợ hơn 3,8 triệu học sinh, sinh viên được vay vốn đi học, giúp mua hơn 84 nghìn máy tính, thiết bị học trực tuyến cho học sinh, sinh viên, xây dựng hơn 16,8 triệu công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xây dựng gần 729 nghìn căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, hỗ trợ vốn mua/thuê mua hơn 29,7 nghìn căn nhà ở xã hội…

Tín dụng chính sách xã hội đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, chung tay cùng cả nước xây dựng 5.813/8.227 xã (chiếm 70,7%) đạt chuẩn xã nông thôn mới; trong đó có 803 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 94 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

Ngoài ra, chính sách tín dụng hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, doanh số cho vay 17.960 tỷ đồng cho gần 280 nghìn lượt khách hàng.

Với những thành tích đạt được trong triển khai tín dụng chính sách đối với người nghèo và đối tượng chính sách khác trong 20 năm qua, NHCSXH đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng cao quý.

Tại Nghệ An, sau 20 năm, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn Nghệ An đã cấp vốn cho 1,3 triệu lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách đầu tư sản xuất, cải thiện đời sống; nhờ đó đã có 267,8 ngàn hộ nghèo vượt qua ngưỡng nghèo và có sự cải thiện đáng kể về đời sống; thu hút, tạo việc làm ổn định cho 49 ngàn lao động từ nguồn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm; 10,3 ngàn lao động được vay vốn đi xuất khẩu lao động; 100,3 ngàn hộ gia đình kinh doanh tại vùng khó khăn có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh; 261,7 ngàn hộ gia đình tại vùng nông thôn được vay vốn xây dựng trên 262 ngàn công trình nước sạch và 261 ngàn công trình vệ sinh đạt tiêu chuẩn, nâng cao điều kiện sống và cải thiện môi trường tại vùng nông thôn.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng

Phát biểu tham luận tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương khẳng định, 20 năm triển khai chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định 78 của Chính phủ đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật; huy động các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn lớn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng. Qua đó, khẳng định chủ trương đúng đắn, giải pháp sáng tạo, có tính nhân văn sâu sắc và phù hợp với thực tiễn Việt Nam, góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước đặt ra về giảm nghèo, tạo việc làm, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo an sinh xã hội.

Công ty TNHH may mặc Trọng Phúc ở huyện Diễn Châu vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội trả lương cho lao động, phục hồi sản xuất sau dịch bệnh. Ảnh: Thu Huyền

Việc triển khai tín dụng chính sách đã khắc phục hạn chế của các chính sách hỗ trợ cho không, tạo chuyển biến cơ bản về nhận thức của người nghèo, phát huy ý chí tự lực, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ghi nhận, biểu dương những kết quả đạt được của tín dụng chính sách trong 20 năm qua, qua đó, tạo sinh kế hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo, hướng tới mục tiêu không để ai bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đây là chính sách xây dựng được mối liên kết tốt giữa Nhà nước, thông qua NHCSXH, với các tổ chức đoàn thể và người nghèo, phát huy được tính chủ động, nâng cao trách nhiệm của người nghèo với chính quyền cơ sở thông qua việc giữ mối liên hệ, hướng dẫn cách làm ăn, đôn đốc giải ngân, thu nợ của ngân hàng. Từ hiệu quả triển khai chính sách cho thấy mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng của NHCSXH là phù hợp với cấu trúc hệ thống chính trị và thực tiễn Việt Nam.

Trước những bất cập, khó khăn, thách thức hiện nay, để thực hiện tốt nhiệm vụ của Đảng, Chính phủ giao, trong giai đoạn tới, NHCSXH tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và các địa phương tích cực thực hiện hiệu quả Chỉ thị 40-CT/TW, Kết luận 06-KL/TW của Ban Bí thư và Quyết định 1630/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về kế hoạch thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội; Tập trung huy động nguồn lực để thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, đặc biệt là nguồn vốn từ ngân sách địa phương ủy thác sang NHCSXH nhằm bổ sung nguồn vốn cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác...

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội rà soát, đánh giá để đề xuất các sản phẩm tín dụng phù hợp theo hướng tăng định mức và mở rộng đối tượng được vay. Trong đó, tập trung ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn. Đối tượng vốn vay cần hướng tới đến các dự án sản xuất, kinh doanh với quy mô lớn, sản phẩm được tạo ra theo chuỗi giá trị, góp phần tạo sinh kế, nâng cao thu nhập và thực hiện tốt an sinh xã hội.

Mới nhất

x
Tín dụng chính sách đóng góp quan trọng trong giảm nghèo và phát triển kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO