Tỏa sáng tinh thần yêu nước trong phòng, chống ‘giặc Covid-19’
(Baonghean.vn) - Tinh thần yêu nước là động lực nội sinh giúp dân tộc Việt Nam không bị đồng hóa bởi nô dịch ngoại xâm, vượt qua mọi cam go, thách thức. Tinh thần ấy đã tỏa sáng trong chống “giặc Covid-19”, khẳng định thêm sức mạnh Việt Nam chiến thắng mọi kẻ thù, thế lực phản quốc, hại dân.
1.Đánh giá tinh thần yêu nước của dân tộc Việt Nam, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng ngày 11/2/1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”[1].
Thực tế, mỗi khi kẻ thù xâm lăng thì “vua tôi đồng lòng, anh em hòa mục, cả nước chung sức” giữ vững giang sơn, bảo vệ xã tắc; “trăm họ là binh”, “lấy đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo”, “lấy ít địch nhiều”, “lấy nhỏ thắng lớn”, “đổi yếu thành mạnh”, kết hợp lực-thế-thời-mưu để “dập tắt chiến tranh”, “đem lại thái bình muôn thuở”[2].
Tinh thần yêu nước Việt Nam trở thành truyền thống quý báu, tạo nên mạch nguồn văn hóa, động lực nội sinh giúp cho dân tộc Việt Nam không bị đồng hóa bởi nô dịch ngoại xâm; vượt qua mọi cam go, thách thức, đó là: hơn nghìn năm Bắc thuộc và đấu tranh chống Bắc thuộc, gần nghìn năm thường xuyên phải chống lại xâm lăng của phong kiến phương Bắc, ngót 117 năm chống ách thống trị của đế quốc thực dân (Pháp, Nhật, Mỹ) cùng bè lũ tay sai bán nước.
Chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954. Ảnh tư liệu |
Dưới ánh sáng đường lối của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh, tinh thần yêu nước càng tỏa sáng, tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tạo nên các phong trào thi đua sôi nổi, đưa toàn dân vượt qua gian khó, vươn lên phát triển.
Trong thực tế, dân tộc ta đã vượt qua tình thế “ngàn cân treo đầu sợi tóc” ngay sau Cách mạng tháng Tám 1945; làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, kết thúc 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và Đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; vượt qua giai đoạn đất nước khó khăn, khủng hoảng kinh tế - xã hội (1975-1985) trong bối cảnh hệ thống CNXH lâm vào khủng hoảng, bọn diệt chủng Pol Pot tấn công 6 tỉnh biên giới phía Nam; lực lượng Trung Quốc tấn công 6 tỉnh biên giới phía Bắc, đế quốc Mỹ bao vây cấm vận; làm nên thành tựu 35 năm đổi mới đất nước (1986-2021) và hiện nay sẽ chiến thắng “giặc covid-19”.
2. Mặc dù thế giới có biến động, bất ổn, nhưng tốc độ tăng trưởng của Việt Nam giai đoạn 2016-2019 bình quân 6,8%/năm; hiện nay thuộc tốp các nước dẫn đầu thế giới về sản xuất công nghiệp phần cứng, điện tử, viễn thông, đứng thứ 2 thế giới về sản xuất điện thoại và linh kiện, đứng thứ 10 về sản xuất điện tử và linh kiện, vượt qua nhiều cường quốc như Hoa Kỳ, Đức, Ấn Độ, Brazil, Singapore[3].
Chính trị ổn định, kinh tế tăng trưởng nhanh đều, an sinh xã hội ngày càng tốt, niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ thêm vững chắc, làm cho “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[4].
Ảnh minh họa: Nguồn: VTV |
Đất nước Việt Nam đang yên lành, bỗng nhiên “giặc Covid-19” tràn vào từ đầu năm 2020 đến nay bùng phát lần thứ 4. Sau khi càn quét tỉnh Bắc Giang, giặc Covid-19 tàn phá thành phố Hồ Chí Minh cùng nhiều tỉnh, thành phía Nam và đe dọa nhiều nơi trong cả nước.
Một lần nữa, tinh thần yêu nước Việt Nam lại tỏa sáng trong từng hành động của cán bộ, đảng viên và mỗi người dân. Mỗi người Việt Nam đều đứng lên đánh “giặc Covid-19”. Cả nước đều tin tưởng, dù phải đối mặt vời nhiều gian khổ, hy sinh nhưng với sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, đồng lòng của Nhân dân, "cuộc chiến với Covid-19" sẽ thắng lợi!
Cả hệ thống chính trị, các cơ quan chức năng đều vào cuộc, đặc biệt là đội ngũ y bác sĩ, quân đội, công an ngày đêm làm việc quên mình chống giặc Covid-19, bảo vệ cuộc sống bình an cho Nhân dân.
Trừ một số rất ít người vì nhận thức chưa đầy đủ nên còn xảy ra hành động thiếu văn minh, ảnh hưởng không tốt đến công tác phòng, chống Covid-19, còn tuyệt đại đa số hơn 98 triệu dân Việt Nam, kể cả kiều bào ở nước ngoài đều hướng về Tổ quốc với tinh thần yêu nước mãnh liệt.
Yêu nước thời Covid-19 không đòi hỏi cầm súng ra biên thùy đánh giặc mà bắt đầu từ trách nhiệm với sức khỏe bản thân và cộng đồng; chấp hành nghiêm quy định, tích cực tuyên truyền phòng, chống Covid-19; đoàn kết chung sức cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, tạo thế trận lòng dân chiến thắng đại dịch...
Tinh thần chia sẻ vật chất, nhường cơm, sẻ áo, giúp đỡ khó khăn trong đại dịch trở thành phong trào rộng lớn trong toàn dân. Không chỉ người Việt mà nhân dân thế giới cũng cảm kích với “ATM gạo” miễn phí dành cho người nghèo; cảm động với hình ảnh cụ già hơn 80 tuổi, lưng còng, xách mớ ra xanh và mấy quả trứng gà ủng hộ khu cách ly; hàng nghìn người nấu, phát cơm miễn phí mỗi ngày giữa tâm dịch; hoạt động hỗ trợ người về quê trốn Covid-19…
Cứ thế, cứ thế, tinh thần yêu nước không ngừng lan tỏa, chuyển hóa thành hoạt động thiện nguyện thấm đẫm tình người, tạo nên “phong trào thi đua chống giặc Covid-19” trên toàn quốc.
Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết chiến thắng đại dịch Covid-19. Ảnh: Tư liệu |
Từ trong quá khứ, dân tộc Việt Nam vốn tự hào đoàn kết chiến thắng mọi thế lực ngoại xâm và nội phản; nay tiếp tục khẳng định trên trường quốc tế với hình ảnh đất nước đang phát triển năng động và đoàn kết phòng, chống Covid-19 hiệu quả.
Đó là cơ sở lịch sử, căn cứ thực tiễn để tin tưởng Việt Nam sớm chiến thắng “giặc covid” và luôn tiến bước trong đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ thành quả cách mạng, đem lại ấm no, hạnh phúc cho Nhân dân.
[1] Hồ Chí Minh (2011): Toàn tập, Nxb CTQG, HN, tập 7, tr.38.
[2] Về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nxb. CTQG, HN, 2005, tr.11-12.
[3] Báo điện tử Đảng Cộng sản, ngày 23/01/2021.
[4] Ban Tuyên giáo Trung ương (2021): Tài liệu nghiên cứu các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Nxb CTQG, HN, tr.53.