Tôi đã suýt mất tất cả vì Thiên Ngọc Minh Uy…
(Baonghean.vn) - Biết Báo Nghệ An đăng tải loạt bài về cơ sở Hoàng Giang Phúc TX. Thái Hòa của công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy hoạt động kinh doanh đa cấp trái pháp luật, chị N.T ở huyện Nghĩa Đàn đã chia sẻ với Báo Nghệ An về câu chuyện của chính mình, hầu mong “mọi người nhận biết và tránh xa chúng…”. Xin lược trích một phần nội dung câu chuyện chị N.T:
Tôi công tác tại một đơn vị hành chính cấp xã ở huyện Nghĩa Đàn. Công việc của tôi, thường được xuống thành phố Vinh tập huấn nâng cao trình độ, lĩnh hội chủ trương, chính sách mới của nhà nước.
Năm 2014, trong một lần ở trọ, tôi đã gặp Cao Thị Phương, người ở tỉnh Hà Tĩnh. Cũng như tôi, Cao Thị Phương thuê phòng ở trong dãy nhà trọ. Ngay từ lần gặp đầu, chị ta là người chủ động bắt chuyện, hỏi hạn về công việc, nơi ở của mình. Người này cũng đang làm cho một doanh nghiệp ở TX. Thái Hòa, cách chỗ tôi làm việc không xa.
Cùng cảnh ở trọ, lại đồng trang lứa, thế nên những lúc rảnh rỗi, chúng tôi thường chuyện trò với nhau. Qua cách nói chuyện, qua vẻ bên ngoài, Cao Thị Phương tỏ ra là người khá hiểu biết và làm ra tiền. Thời điểm này, Phượng chưa nói gì về công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy. Chỉ khi kết thúc kỳ học, Phượng lấy số điện thoại rồi hẹn có dịp sẽ gặp gỡ đến nhà nhau chơi.
Sau đó thỉnh thoảng Phương có gọi điện cho tôi. Đầu tháng 8/2014, chị ta đột ngột tìm đến nhà tôi chơi. Lần gặp này, trong lúc trò chuyện, Phượng “tiết lộ” về những chương trình “hết sức hấp dẫn” của công ty nơi chị ta đang làm việc.
Một buổi "hoạt náo" của công ty Thiên Ngọc Minh Uy (ảnh Intener) |
Phương nói, chỉ cần bỏ ra 9,8 triệu đồng tham gia một mã hàng, tôi sẽ được chăm sóc sức khỏe miễn phí một tuần một lần, sau 2 năm sẽ được nhận 16 triệu đồng. Số tiền 16 triệu đồng, được nhận làm 3 đợt; đợt 1 là 500 ngàn đồng, đợt 2 là 3,5 triệu đồng, đợt 3 là 12 triệu đồng.
Hai vợ chồng tôi đều làm cán bộ cấp cơ sở. Lương ba cọc, ba đồng, con cái nhỏ dại nên làm gì có tiền để mà tham gia. Tại thời điểm đó tôi đã từ chối. Thế nhưng Phương và một số người khác cứ thường xuyên đến nhà vận động “chẳng mấy khi có dịp tốt thế này” và khuyên “nếu không có thì vay tạm ngân hàng tham gia không lỡ dịp thì tiếc”.
Tôi đã tìm đến “công ty” là cơ sở Hoàng Giang Phúc TX Thái Hòa để nghe tư vấn, và đã dấu chồng vay tiền tham gia một gói “chăm sóc sức khỏe” trị giá 9,8 triệu đồng và được họ cấp thẻ thành viên bán hàng đa cấp với chức danh “chuyên viên kinh doanh cấp một”.
Chừng dăm bảy tháng sau, Phương lại dẫn những người ở cơ sở Hoàng Giang Phúc tìm đến nhà tôi. Họ nói đang có một chương trình mới “rất hấp dẫn” và khuyên tôi tham gia và “nếu mời được người thân quen tham gia cùng, em sẽ được tặng tiền”. Tôi còn nhớ họ nói đó là chương trình “Long linh hồi xuân”. Nếu người tham gia chương trình này, mua một mã sản phẩm trị giá 8,7 triệu, ngoài được 16 triệu còn được tặng thêm chương trình “Kim mã tỏa sáng” trị giá 12 triệu đồng. Và chương trình này sẽ “thoát thưởng” trong thời gian một năm.
|
Bỏ ra 8,7 triệu đồng, sau hai năm sẽ được 28 triệu đồng. Thế nên trước những lời “đường mật” của họ rằng tham gia 100 triệu, sau hai năm sẽ được 350 triệu đồng, tôi đã mù quáng nghe theo lời khuyên “cứ cầm tạm bìa đất cho ngân hàng chứ đừng bỏ lỡ”. Và với số tiền 100 triệu cầm cố bìa đỏ, vay mượn, tôi đã mua thêm 12 mã số, nâng tổng số tiền cả hai đợt đến hơn 110 triệu đồng.
Vì ngoài một chiếc máy o zon trị giá 8,7 triệu, 18 triệu đồng thưởng tại chỗ, chủ cơ sở chỉ cung cấp cho tôi 11 phiếu đặt hàng nên sau khi đã bỏ ra cả trăm triệu đồng mua 12 mã hàng, quả thực tôi đã rất lo.
Nỗi lo ấy cứ tăng dần theo thời gian, vì họ không trả tiền, cũng không trả hàng như đã hứa. Gọi điện cho Cao Thị Phương thì chị ta bảo: “Do tham gia chương trình vào cuối đợt nên thời gian thoát thưởng sẽ dài hơn. Khoảng 3 đến 5 năm gì đó”.
Nghe vậy, tôi toát hết mồ hôi, hoang mang cực độ. Làm sau đây?. Nào tiền vay ngân hàng ngắn hạn; nào tiền vay nóng của bà con thân thuộc; chưa kể đến việc nếu bung bét ra làm sao ăn nói với chồng, với cơ quan, rồi làm sao đứng trước mặt người dân…
Trằn trọc nhiều đêm, tôi quyết định gọi điện thoại cho Phương yêu cầu rút lại tiền đã đóng. Nghe vậy, giọng chị ta từ chỗ ngọt ngào chuyển sang lãnh lẽo “đã tham gia thì không thể rút được”. Và sau đó thì không nghe máy.
Tôi đã lên gặp chủ cơ sở để đòi lại tiền. Chủ cơ sở bảo, tiền đã chuyển ra công ty không có để trả lại. Lằng nhằng ngày qua tháng lại, họ lại bảo “muốn lấy lại tiền thì làm hồ sơ, trả giấy tờ gốc nhưng sẽ bị trừ 30% số tiền đã đóng”.
Biết rằng mình đã bị lừa, không còn con đường nào khác, tôi đã phải nhờ đến công an. Có lẽ để tránh gặp rắc rối, chủ cơ sở đã viết giấy biên nhận và hẹn ngày trả lại tiền. Đến hẹn, chủ cơ sở thực hiện trả tiền nhưng họ trừ đi chiếc máy o zon, 18 triệu đồng tiền “thưởng” và 10% trên tổng số tiền tôi đã đóng với lý do “đó là quy định của công ty. Nếu không đồng ý, cứ khiếu nại ra công ty để được giải quyết”.
Dù rất cay đắng nhưng tôi đành ngậm ngùi nhận tiền; và sau đó viết đơn nhờ cơ quan chức năng vào cuộc để vạch mặt những kẻ lừa đảo.
Sau khi Báo Nghệ An đưa ra những thông tin ở cơ sở Hoàng Giang Phúc TX. Thái Hòa, tôi lắng nghe thông tin nơi địa phương mình sống. Hóa ra, có nhiều người nhẹ dạ tin theo công ty đa cấp Thiên Ngọc Minh Uy và đã đóng vào đó rất nhiều tiền.
Tôi nghĩ, mình dù bị mắc lừa nhưng còn may mắn hơn rất nhiều người, vì họ còn chưa lấy lại được một phần tiền đã đóng. Cho đến giờ phút này, tôi đã nói thật hết mọi chuyện với chồng, ban đầu anh rất giận nhưng sau đó đã có sự thông cảm, sẻ chia. Tôi rất biết ơn chồng, và những điều anh đã gắng hết sức giúp tôi hoàn trả nợ nần. Nhưng dù vậy, nghĩ đến việc không hoàn trả được những khoản vay, tôi không dám chắc tổ ấm bé nhỏ của mình liệu có tồn tại được hay không nữa...
Tại bài viết trên tờ báo này còn đăng ảnh minh họa cho rằng "cán bộ nhân viên công ty Thiên Ngọc Minh Uy luôn cập nhật những văn bản pháp luật mới để đảm bảo hoạt động kinh doanh tuân thủ đúng quy định." |
Mới đây, tôi hay tin, có một số người có chút uy tín ở địa phương cũng tin theo họ để dẫn dụ người dân. Thì ra họ hướng đến những người như tôi không chỉ có một mục tiêu lường gạt kinh tế. Mà còn muốn “dẫn dắt” tôi đi làm “môi giới” để họ lừa gạt người dân.
Bây giờ, qua báo đài, tôi đã hiểu về phương thức kinh doanh đa cấp và “ngộ” ra được một số điều mà pháp luật quy định. Thì ra, kinh doanh đa cấp là một hình thức phân phối hàng hóa và người bán hàng chỉ được hưởng “thưởng”, “hoa hồng” từ lợi nhuận hàng hóa bán được. Ngẫm ra, những người nông dân quê tôi, một nắng hai sương với nương ruộng, biết gì đến công việc kinh doanh. Thế nên lý do các công ty đa cấp dẫn dụ họ tham gia làm thành viên, trao thẻ “chuyên viên kinh doanh” cũng chỉ là những chiêu bài, để “bòn vét” những đồng tiền còn mặt chát mồ hôi, nước mắt.
Tôi cũng đã tìm hiểu, thì ra ở nước ta, loại hình kinh doanh đa cấp tuy được pháp luật thừa nhận nhưng đang có quá nhiều những công ty, doanh nghiệp “biến tướng” khiến người dân lao đao vì bị chúng dẫn dụ lừa đảo…
Từ sự việc của chính mình, lại nghĩ đến những người dân chất phác, đôn hậu quê tôi vẫn đang lao đao khốn khổ vì đa cấp bẩn. Tôi nghĩ, chẳng lẽ các cơ quan pháp luật không vào cuộc để xử lý nghiêm những công ty, doanh nghiệp đa cấp biến tướng? Phải vạch mặt, và xử lý chúng; đừng để người dân phải gặp cảnh khốn cùng…
Nguyên Bình (lược ghi)
[