Tổng thống đắc cử Trump sẽ làm gì với kho vũ khí hạt nhân của Mỹ?

03/12/2016 07:38

Ngay khi nhậm chức, Tổng thống đắc cử Trump sẽ phải đối mặt với thách thức chính trị liên quan đến việc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Những câu hỏi chưa có lời giải đáp

Theo AP, ông Trump sẽ phải giải quyết 3 câu hỏi được cho là cực kỳ hóc búa, đó là: Hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân đến đâu là đủ? Mỹ có an toàn không nếu cắt giảm số lượng vũ khí hạt nhân? Liệu giờ có phải là lúc để tiến hành hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân? Điều này là bởi việc hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân nhiều khả năng sẽ gây ra sự chú ý không cần thiết từ nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Ông Donald Trump sẽ giải quyết những câu hỏi hóc búa liên quan đến kho vũ khí hạt nhân của Mỹ như thế nào vẫn còn là một câu hỏi lớn. Ảnh: AP
Ông Donald Trump sẽ giải quyết những câu hỏi hóc búa liên quan đến kho vũ khí hạt nhân của Mỹ như thế nào vẫn còn là một câu hỏi lớn. Ảnh: AP

Trang web của đội chuyển giao quyền lực của ông Trump dẫn lời Tổng thống đắc cử nhấn mạnh: “Ông Trump nhận thức rất rõ mối đe dọa ở mức thảm họa do vũ khí hạt nhân và các cuộc tấn công mạng gây ra”. Trang web này cũng khẳng định, ông Trump sẽ hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân “để đảm bảo rằng số vũ khí này vẫn đủ khả năng răn đe hiệu quả”.

Trước đó, trong quá trình tranh cử của mình, ông Trump đã gây ra tranh cãi khi tuyên bố, các đồng minh của Mỹ tại châu Á sẽ không được “che chở dưới cái ô hạt nhân của Mỹ” nếu họ không chịu chi thêm tiền cho việc Mỹ bảo vệ cho họ. Trong trường hợp các quốc gia này từ chối, ông Trump đề xuất họ nên tự mua sắm hoặc chế tạo vũ khí hạt nhân của mình.

Tình trạng kho vũ khí hạt nhân của Mỹ hiếm khi được đề cập trực tiếp và cho đến nay, Tổng thống đắc cử Trump vẫn được cho là chưa nắm hết được mọi chi tiết liên quan đến vấn đề này.

Trong các cuộc tranh luận với các đối thủ ở Đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng, ông Trump tỏ ra là chưa hiểu hết tầm quan trọng của bộ 3 vũ khí chiến lược của Mỹ bao gồm các tàu ngầm, các tên lửa trên đất liền và các máy bay ném bom chiến lược trong việc phát động các cuộc tấn công hạt nhân.

Chính vì thế, theo nhiều chuyên gia, ông Trump cần phải nhanh chóng nắm bắt ngay những vấn đề then chốt liên quan đến vũ khí hạt nhân, nhất là trong bối cảnh ông sắp là người giám sát trực tiếp Lầu Năm Góc- nơi được cho là đang có các cuộc cạnh tranh nội bộ liên quan đến việc cần phải đổ nhiều tiền để hiện đại hóa vũ khí truyền thống hay vũ khí hạt nhân.

Hiện đại hóa vũ khí hạt nhân- nhiệm vụ bắt buộc của ông Trump?

Nhà phân tích chính sách quốc phòng tại Quỹ Heritage Michaela Dodge cho biết, chính quyền mới của ông Trump sẽ có cơ hội thay đổi chính sách hạt nhân hiện tại của Tổng thống Obama mà theo bà là “hoàn toàn duy lý trí” khi cố gắng làm giảm vai trò của vũ khí hạt nhân trong chiến lược an ninh của Mỹ.

“Mỹ đã bỏ lỡ việc hiện đại hóa vũ khí hạt nhân kể từ thời điểm kết thúc Chiến tranh Lạnh và cho đến giờ, nhiều loại vũ khí hạt nhân của Mỹ đã hết hạn sử dụng. Mỹ cần phải nhanh chóng thúc đẩy việc hiện đại hóa hệ thống vũ khí hạt nhân của mình bao gồm cả việc xây dựng thêm các nhà máy và các phòng thí nghiệm hạt nhân”, bà Michaela Dodge nhận định.

Tuy nhiên, tướng Thủy quân Lục chiến đã nghỉ hưu James Mattis- ứng viên hàng đầu cho vị trí Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, lại không muốn thay đổi tình trạng hiện nay của kho vũ khí hạt nhân.

“Các ông cần đặt câu hỏi, giờ có phải là lúc giảm bộ ba vũ khí chiến lược xuống còn bộ đôi và loại bỏ các loại tên lửa trên bộ?”, ông Mattis tuyên bố với Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ trong một cuộc điều trần hồi tháng 1/2015.

Ông Mattis gợi ý giới chức quốc phòng Mỹ cần xem xét lại những vấn đề then chốt liên quan đến kho vũ khí hạt nhân “nhằm làm rõ vai trò của vũ khí hạt nhân của Mỹ. Liệu chúng có chỉ phục vụ cho mục đích răn đe hay không? Nếu có thì cũng ta sẽ dễ dàng xác định được số lượng vũ khí hạt nhân mà chúng ta cần”.

Những hiểm họa khó lường

Trước đó, Tổng thống Obama đã nhất trí việc hiện đại hóa toàn bộ lực lượng hạt nhân của Mỹ sau khi Thượng viện Mỹ chấp thuận thông qua Hiệp định cắt giảm vũ khí hạt nhân (START) với Nga hồi năm 2010 khi bà Clinton còn là Ngoại trưởng Mỹ.

Tuy nhiên, cho đến nay, việc này vẫn bị đình trệ do chi phí hiện đại hóa số vũ khí này lên đến hàng trăm tỷ USD- con số mà theo nhiều chuyên gia, Chính phủ Mỹ không thể kham nổi.

Hiện các chuyên gia đang đánh giá sự cần thiết phải hiện đại hóa số vũ khí hạt nhân này của Mỹ cũng như nguy cơ số vũ khí này trở thành mục tiêu của những tên khủng bố.

Tổ chức Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân do ông Sam Nunn, cựu Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ cũng đang xem xét khả năng các tổ chức khủng bố có thể thực hiện các cuộc tấn công mạng nhằm vào hệ thống chỉ huy và kiểm soát số vũ khí hạt nhân nói trên.

“Điều gì sẽ xảy ra nếu các hacker có thể xâm nhập vào các hệ thống tên lửa hạt nhân và ra lệnh thực hiện một vụ tấn công phủ đầu có thể cướp đi sinh mạng của hàng triệu người?”, Tổ chức Sáng kiến Đe dọa Hạt nhân đặt câu hỏi.

Bên cạnh việc phải đảm bảo an ninh mạng đối với số vũ khí hạt nhân của mình, Mỹ còn phải đối mặt với một câu hỏi hóc búa khác là liệu Mỹ có nên đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp trả hay không nếu kho vũ khí hạt nhân của họ bị tấn công mạng?

Thông thường, mỗi khi tiếp quản quyền lực, Chính phủ mới của Mỹ sẽ thành lập một ủy ban để xem xét kỹ lưỡng để xem xét chính sách hạt nhân sắp tới cũng như nhanh chóng đưa ra các quyết định liên quan đến những câu hỏi “đầy hóc búa” mà ông Trump phải đối mặt.

Hồi năm 2010, Tổng thống Obama cũng đã tiến hành xem xét lại chính sách hạt nhân của Mỹ và kết luận rằng, Mỹ vẫn cần duy trì bộ ba vũ khí hạt nhân chiến lược. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi người đều đồng tình với kết luận này.

Ông William J. Perry, người từng là Ngoại trưởng Mỹ dưới thời Tổng thống Bill Clinton đã lên tiếng hoài nghi về việc cần duy trì cấu trúc hạt nhân như trên và kêu gọi loại bỏ tên lửa trên bộ trong bộ ba vũ khí hạt nhân chiến lược nói trên.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Tổng thống đắc cử Trump sẽ làm gì với kho vũ khí hạt nhân của Mỹ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO