Tổng thống Trump chuẩn bị mở mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại

Hoàng Bách 04/12/2019 08:30

(Baonghean) - Tổng thống Mỹ Donald Trump quay lại công việc sau dịp Lễ Tạ ơn bằng động thái sẵn sàng khai mở một mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại do đích thân nhà lãnh đạo này khai mào. Bên kia chiến tuyến là Brazil và Argentina - 2 quốc gia lớn nhất khu vực Nam Mỹ.

Động thái ngoài dự liệu

Theo VOX, hôm 2/12, Trump lên Twitter thông báo rằng Mỹ sẽ áp thuế thép và nhôm đối với Brazil và Argentina, để đáp trả điều mà nhà lãnh đạo xứ cờ hoa miêu tả là “sự phá giá ồ ạt đồng tiền” của các nước này, “điều không hề tốt đối với nông dân của chúng tôi”. “Vì thế, tôi sẽ khôi phục thuế áp vào toàn bộ thép và nhôm chuyển vào Mỹ từ các nước ấy, có hiệu lực ngay lập tức”, Trump tuyên bố, nói thêm rằng ông mong Cục Dự trữ Liên bang Mỹ nên có động thái để các quốc gia đó không còn lợi dụng đồng USD mạnh bằng việc phá giá thêm đồng tiền của họ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump

Dù “Ông Thuế quan” - như Trump tự xưng - chuộng các chính sách bảo hộ, thì việc Tổng thống Mỹ quyết định đẩy cao xung đột thương mại hiện hữu vẫn là điều nằm ngoài dự kiến. Mùa Xuân 2018, chính quyền Trump đã đánh thuế 25% đối với thép và 10% đối với nhôm nhằm vào một loạt đối tác thương mại, bao gồm Liên minh châu Âu, Mexico và Canada (sau đó thuế đánh vào Mexico và Canada được dỡ bỏ theo thỏa thuận USMCA).

Ban đầu, chính quyền Trump cũng đã đe dọa các đối tác thương mại khác, trong đó có Brazil và Argentina, rằng sẽ áp các mức thuế trên, nhưng cuối cùng lại ra một thỏa thuận giờ chót để tránh các khoản thuế này. Chính quyền xứ cờ hoa, thay vào đó, đã hạn chế nhập khẩu thép và nhôm thông qua áp hạn ngạch.

Theo CNN, hiện nay sau Canada, Brazil vẫn là quốc gia cung cấp lượng thép nhiều nhất vào Mỹ ở thời điểm đầu năm 2019. Hồi năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu thép của Brazil đến Mỹ đạt tới 2,6 tỷ USD. Trong khi đó, tờ Washington Post cho biết, Argentina lại không phải là nhà cung cấp lớn đối với mặt hàng này, khi con số trên chỉ ở mức 700 triệu USD.

Nhưng hiện ông Trump muốn xem lại các khoản thuế, dù cách giải thích của ông vẫn gây khó hiểu - và động thái này dường như đã khiến những “người mới” được nhận cơn giận thương mại của Trump bị mất cảnh giác.

Ngành thép của Mỹ vẫn đang gặp khó khăn, dù Trump đánh thuế thép nhập khẩu từ các nước. Ảnh: EPA
Ngành thép của Mỹ vẫn đang gặp khó khăn, dù Trump đánh thuế thép nhập khẩu từ các nước. Ảnh: EPA

Vì sao lại là Brazil và Argentina?

Nhiều người đặt câu hỏi, vì sao Tổng thống Mỹ muốn đánh thuế Brazil và Argentina vào thời điểm này? Trên tài khoản Twitter, ông Trump đã cáo buộc 2 quốc gia “phá giá ồ ạt” tiền tệ của họ. Nhưng cả Brazil lẫn Argentina đều đang phải ứng phó với những vết thương kinh tế của riêng mình. Tại Argentina, chính quyền hữu khuynh của Mauricio Macri đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng tài chính, gắng gồng để kiểm soát đồng peso đang rớt giá. Đồng nội tệ của Brazil gần đây cũng gánh chịu tổn thất, mà một phần trách nhiệm thuộc về những gì đang diễn ra tại Argentina. Ít nhất theo Bộ Tài chính của Mỹ, cho đến tháng 5, cả Brazil và Argentina đều không nằm trong danh sách theo dõi các quốc gia cần chú ý sát sao hơn đến các thực tiễn tiền tệ của mình. Điều đó nghĩa là các khoản thuế của Trump có thể gây thêm sức ép lên các nền kinh tế Nam Mỹ này và các đồng tiền của họ.

Brazil và Argentina đều ít nhiều là “bên thắng” trong cuộc thương chiến của Trump với Trung Quốc.

Brazil và Argentina đều ít nhiều là “bên thắng” trong cuộc thương chiến của Trump với Trung Quốc. Brazil hiện là nhà cung cấp đậu nành hàng đầu cho Trung Quốc, Argentina cũng đã ký thỏa thuận xuất khẩu bã đậu nành để chế biến thức ăn chăn nuôi sang Trung Quốc. Nhưng trước những biến động của các cuộc đàm phán Trung - Mỹ, cùng sức ép lên nền kinh tế toàn cầu, chưa rõ liệu những thành công nói trên sẽ kéo dài được bao lâu.

Nông dân trồng đậu nành Argentina được lợi trong chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh minh họa: Getty Images
Nông dân trồng đậu nành Argentina được lợi trong chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh minh họa: Getty Images

Trong khi đó, nếu xét trên phương diện chính trị thì lại thấy thông báo mới đây của ông Trump có phần lạ lùng. Vị tân tổng thống dân túy cánh hữu Jair Bolsonaro đã củng cố mối quan hệ của Brazil với chính quyền có nhiều quan điểm tương đồng của Trump, và Trump từng đề cập đến khả năng đi đến thỏa thuận thương mại tự do song phương với Brazil. Chỉ mới tuần trước, Bộ trưởng kinh tế Brazil Paulo Guedes đã tham dự nhiều cuộc gặp với các quan chức thương mại Mỹ, và tuyên bố rằng Washington thích các chính sách kinh tế của chính quyền cánh hữu Bolsonaro.

Phản ứng trước trạng thái Twitter của Trump, ông Bolsonaro khẳng định có một “kênh mở” với Trump và sẽ liên hệ với nhà lãnh đạo Mỹ để trao đổi “Tôi sẽ gọi cho ông ấy để ông ấy không đánh thuế chúng tôi”, Reuters dẫn lời Bolsonaro hôm 2/12. “Nền kinh tế của chúng tôi cơ bản là đến từ các hàng hóa, đó là điều chúng tôi có. Tôi hy vọng ông ấy hiểu và không trừng phạt chúng tôi lĩnh vực này, và tôi gần như chắc chắn ông ấy sẽ lắng nghe chúng tôi”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro.tại thượng đỉnh G20. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tại thượng đỉnh G20. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Argentina hiện đang trải qua quá trình chuyển tiếp chính trị, Tổng thống hữu khuynh Marci sắp rời nhiệm, và cái tên thay thế là Alberto Fernández theo đường hướng tả khuynh vào ngày 10/12.

Tuyên bố của Trump không nghi ngờ gì được đưa ra vào thời điểm không hề tốt đối với cả tổng thống vừa chân ướt chân ráo của Brazil lẫn chính quyền sắp lên nắm quyền ở Argentina.

Vì thế, tuyên bố của Trump không nghi ngờ gì được đưa ra vào thời điểm không hề tốt đối với cả tổng thống vừa chân ướt chân ráo của Brazil lẫn chính quyền sắp lên nắm quyền ở Argentina. Đó là chưa kể đây là thời điểm cũng không dễ dàng gì với Trump, khi nhà lãnh đạo Mỹ đang tìm cách giải quyết tranh chấp thương mại dai dẳng với Trung Quốc. Washington và Bắc Kinh tuyên bố đã đạt “giai đoạn một” thỏa thuận thương mại vào tháng 10, nhưng các điều khoản còn mơ hồ và thỏa thuận chưa chính thức được đặt bút ký. Thậm chí, cũng không thể nói chắc liệu chuyện này có thể diễn ra trước khi khép lại năm 2019 hay không.

Theo VOX, Mỹ dự kiến sẽ đánh thuế bổ sung 156 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 15/12 tới, đồng nghĩa với việc về cơ bản bất cứ thứ gì từ Trung Quốc vào Mỹ đều phải chịu thuế. Trump hồi đầu tuần nói rằng ông “rất vui với tình thế hiện nay”, nhưng khách quan mà nói, cuộc thương chiến giữa ông với Trung Quốc đã gây tổn thất cho một số nhà sản xuất và nông dân Mỹ. Rộng hơn, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đã ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế toàn cầu. Trump cũng đang phát động cuộc chiến thương mại với EU, thông qua vài khoản thuế được phép áp theo quy định của WTO; ông vẫn chưa được Quốc hội Mỹ phê chuẩn thỏa thuận NAFTA sửa đổi... Và giờ đây, Trump lại đang bước vào cuộc đua bầu cử 2020, tăng thêm biến động cho tình hình thương mại của Mỹ thông qua việc nhắm vào Brazil và Argentina.

Mới nhất

x
Tổng thống Trump chuẩn bị mở mặt trận mới trong cuộc chiến thương mại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO