Triển vọng đặc sản 'tiến vua' trên đất Thổ Hào - Thanh Chương

Thanh Phúc 09/08/2021 10:07

(Baonghean.vn) - Qua trồng khảo nghiệm, cây sâm quý này sắp cho thu hoạch, dự kiến đem lại sản lượng và giá trị kinh tế cao, mở ra triển vọng trong việc thay đổi cơ cấu cho vùng đất Thổ Hào thuộc huyện Thanh Chương (Nghệ An).

PHỤC TRÁNG GIỐNG SÂM QUÝ

Năm 2017, giống sâm Thổ Hào được phục tráng và trồng khảo nghiệm trên đất Thanh Hà (Thanh Chương). Ảnh: Thanh Phúc
Năm 2017, giống sâm Thổ Hào được phục tráng và trồng khảo nghiệm trên đất Thanh Hà (Thanh Chương). Ảnh: Thanh Phúc

Sâm Thổ Hào hay còn gọi là sâm Bố Chính có gốc gác tại vùng đất tổng Thổ Hào xưa, nay là các xã Thanh Giang, Thanh Hà, Thanh Mai, Thanh Tùng (Thanh Chương). Là loại dược liệu quý, được coi là “đặc sản tiến vua”. Song qua thời gian, loại sâm này bị khai thác cạn kiệt và dần tuyệt chủng.

Năm 2017, hợp tác xã Tân Hưng Thịnh đã nghiên cứu, sưu tầm và phục tráng lại giống sâm này ngay trên vùng đất xưa và đến năm 2020, HTX cùng với Sở KHCN, Hội Nông dân huyện Thanh Chương trồng thí điểm khảo nghiệm trên diện tích 2 ha tại các xã: Thanh Hà, Thanh Giang, Thanh Tùng, Thanh Mai với 10 hộ tham gia. Theo đó, các hộ tham gia được hỗ trợ giống, phân bón, được hướng dẫn quy trình chăm sóc, thu hoạch và cam kết bao tiêu sản phẩm.

Vườn sâm của ông Trần Văn Trung, xóm 3, Thanh Hà phát triển tốt, sắp sửa cho thu hoạch. Ảnh: Thanh Phúc
Vườn sâm của ông Trần Văn Trung ở xóm 3, xã Thanh Hà phát triển tốt, sắp sửa cho thu hoạch. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Đặng Hữu Biền - Chủ tịch UBND xã Thanh Hà (Thanh Chương) cho biết: “Vốn là cây bản địa được phục tráng nên phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây; việc chăm sóc cũng không quá khó khăn, bà con đều tiếp cận nhanh. Qua 6 tháng trồng thí điểm, 6 sào sâm của 3 hộ gia đình trên địa bàn xã đều sinh trưởng, phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất cao”.

Theo tính toán, mỗi sào có thể trồng từ 1.200 cây -1.350 cây. Mỗi cây khi đủ thời gian sinh trưởng sẽ đạt từ 100gr đến 150gr, vì vậy, năng suất dao động từ 1,2 – 1,5 tạ/sào. Theo giá thị trường hiện nay, khoảng từ 250.000 - 350.000 đồng/1 kg, cho thu nhập từ 25 - 40 triệu đồng/sào. Hiện tại đầu ra của giống sâm quý này được HTX Tân Hưng Thịnh cam kết bao tiêu toàn bộ.

Là cây trồng bản địa nên sâm Thổ Hào dễ ươm giống, thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây. Ảnh: Thanh Phúc
Là cây trồng bản địa nên sâm Thổ Hào dễ ươm giống, thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Trần Văn Trung, hộ trồng sâm ở xóm 3, xã Thanh Hà (Thanh Chương) cho biết: “Trước đây, vùng đất này chỉ trồng sắn hoặc cỏ voi phục vụ chăn nuôi, hiệu quả thấp. Khi thí điểm trồng sâm thì thấy cây sâm sinh trưởng, phát triển tốt, theo tính toán sơ bộ sẽ mang lại thu nhập cao gấp chục lần so với các loại cây trồng khác”.

Việc phục tráng lại giống sâm quý này mở ra triển vọng mới trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho vùng đất đồi, vùng cao cưỡng ở các xã thuộc tổng Thổ Hào xưa; góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân nơi đây.

Theo dự ước, mỗi sào sâm nếu đạt năng suất, chất lượng sẽ cho thu nhập 40-50 triệu đồng/sào. Ảnh: Thanh Phúc
Theo dự ước, mỗi sào sâm nếu đạt năng suất, chất lượng sẽ cho thu nhập 40-50 triệu đồng/sào. Ảnh: Thanh Phúc

Nguồn gốc của cây sâm Thổ Hào gắn liền với Tiến sỹ Phạm Kinh Vỹ - một vị tướng văn võ song toàn của thời Lê Trung Hưng, cũng là một người con của xã Thổ Hào, tổng Thổ Hào, huyện Thanh Chương ở nửa đầu thế kỷ XVIII. Tương truyền, Tiến sỹ Phạm Kinh Vỹ trong một lần đi đánh giặc ở phía Bắc, đã được thần nhân báo mộng dùng loại cây này để bảo toàn tính mạng. Sau đó ông đưa về trồng ở quê hương, vì vậy, nó còn tên gọi là Hào Sâm hay Thổ Hào sâm.

Sâm Thổ Hào là đặc sản tiến vua đã được các sách sử ghi lại. Cụ thể, trong cuốn “Thanh Chương huyện chí” của tác gia Bùi Dương Lịch đã nêu: “Hào Sâm là đặc sản có lệ tiến vua”.

KỲ VỌNG VỀ SẢN PHẨM OCOP VÀ DU LỊCH SINH THÁI

Từ vùng đất cao cưỡng trồng sắn, ngô kém hiệu quả nay được thay thế bằng cánh đồng sâm Thổ Hào ngoài hiệu quả kinh tế còn gắn với giá trị lịch sử, văn hóa và con người nơi đây. Ảnh: Thanh Phúc
Từ vùng đất cao cưỡng trồng sắn, ngô kém hiệu quả nay được thay thế bằng cánh đồng sâm Thổ Hào ngoài hiệu quả kinh tế còn gắn với giá trị lịch sử, văn hóa và con người nơi đây. Ảnh: Thanh Phúc

Theo như ông Hoàng Kiểm - Giám đốc HTX Tân Hưng Thịnh thì việc phục tráng lại một giống cây trồng mà còn là việc lưu giữ lại một đặc sản gắn với lịch sử văn hóa của một vùng đất, là sản vật, cốt cách của một miền văn hóa. “Là sản phẩm có nguồn gốc bản địa, là đặc sản tiến vua, lại được trồng trên vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi có nhiều thắng cảnh đẹp thì việc kết hợp sản phẩm này với du lịch sinh thái trải nghiệm là một hướng đi khả quan”, ông Kiểm cho biết.

Hiện tại một số hộ dân ở xã Thanh Hà đang triển khai thí điểm mô hình trang trại “3S” đó là sâm, sen và sim ngay tại vườn nhà để phục vụ du lịch trải nghiệm.

Hộ anh Lâm Văn Hạnh thử nghiệm trà 3S làm từ sim- sen- sâm theo công thức dân gian. Ảnh: Thanh Phúc
Hộ anh Lâm Văn Hạnh thử nghiệm trà 3S làm từ sim- sen- sâm theo công thức dân gian. Ảnh: Thanh Phúc

Anh Lâm Văn Hạnh, một hộ dân tham gia mô hình cho biết: “Hiện tại, trên diện tích 5 ha, tôi có 2 ha trồng sim, 1 ao rộng gần 0,7 ha trồng sen, thả cá và 2 sào trồng sâm Thổ Hào. Sim, sen, sâm đều có hoa đẹp để mọi người đến chụp ảnh, dạo chơi, chèo thuyền hái sen; có quả, củ… để mọi người trải nghiệm thu hoạch, chế biến và thưởng thức tại chỗ. Hiện chúng tôi đang cho thử nghiệm trà “3S” làm từ quả sim rừng, hoa sâm Thổ Hào và gạo sen. Hy vọng, nó sẽ được nghiên cứu, phát triển thành sản phẩm tinh hơn, làm quà lưu niệm phục vụ du khách”.

Theo nghiên cứu, Hào sâm là vị thuốc quý, có tính hàn, tác dụng tốt cho việc bồi bổ cơ thể, chống suy nhược, bổ âm, bổ phế, chống căng thẳng, dễ ngủ… Sản phẩm từ cây sâm có thể dùng được ở cả 3 dạng là: Thực phẩm có thể nấu ăn, làm canh, nấu cháo…; chế biến thành thực phẩm chức năng như viên sâm, bột sâm làm đẹp và làm dược liệu như các vị thuốc dùng cho hỗ trợ điều trị chứng mất ngủ, bổ phế, bổ âm.

Từ đó, theo kế hoạch của huyện, thời gian tới sẽ phối hợp với các bên liên quan chế biến các sản phẩm OCOP từ sâm Thổ Hào như: Viên sâm, bột sâm 3 in 1 và trà sâm túi lọc…

Từ cây sâm Thổ Hào sẽ cho ra đời các sản phẩm OCOP: Trà sâm, viên sâm, bột sâm... với chiết xuất từ củ sâm, thân cây sâm và hoa sâm. Ảnh: Thanh Phúc
Từ cây sâm Thổ Hào sẽ cho ra đời các sản phẩm OCOP: Trà sâm, viên sâm, bột sâm... với chiết xuất từ củ sâm, thân cây sâm và hoa sâm. Ảnh: Thanh Phúc

Ông Lê Đình Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Chương cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ tổ chức đánh giá mô hình, căn cứ vào năng suất, sản lượng, giá trị kinh tế và nhu cầu thực tế của thị trường để mở rộng. Nếu khả quan thì có thể tiến tới các bước tiếp theo như: trồng sâm kết hợp phát triển du lịch bản địa. Du khách đến vùng Thổ Hào sẽ được tham quan các di tích lịch sử: Đình Võ Liệt, đền Bạch Mã, đình Bích Thị… và hệ thống đền, đài, miếu mạo khác trên địa bàn; kết hợp với các thắng cảnh như các thác, vực. Đồng thời, chụp ảnh với hoa sâm, sim, sen; trải nghiệm khai thác sâm, chế biến sâm, thưởng thức canh sâm gà đồi Thanh Chương; trà sâm…; mua các sản phẩm OCOP từ sâm về làm quà…”.

Mới nhất

x
Triển vọng đặc sản 'tiến vua' trên đất Thổ Hào - Thanh Chương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO