Trở thành huyện lỵ: cơ hội phát triển cho Nghi Mỹ
(Baonghean.vn) - Vừa qua, thành phố Vinh đã công bố quy hoạch mở rộng thành phố đến 2030, tầm nhìn đến 2050 theo Quyết định số 52/QĐ-TTg ngày 14/1/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy hoạch, TP.Vinh (Nghệ An) mở rộng hướng tới phía Đông và phía Nam với hơn 16/30 xã của Nghi Lộc sẽ thuộc về TP.Vinh, trong đó có cả thị trấn Quán Hành.
Riêng quy hoạch đô thị Nghi Lộc được duyệt trước đó, Huyện ủy đã chỉ đạo UBND huyện lập và trình quy hoạch. Trong đó trung tâm hành chính mới của huyện Nghi Lộc dự kiến sẽ là Thị trấn Chợ Thượng ở xã Nghi Mỹ.
Nghi Mỹ là xã bán sơn địa, nằm ở phía tây cách trung tâm huyện 11 km, có diện tích tự nhiên 1.057 ha với 1.199 hộ, 4.676 nhân khẩu được phân bổ ở 13 xóm. Những năm qua Nghi Mỹ đã có nhiều khởi sắc, xã đã chuyển đổi các mô hình sản xuất, ứng dụng KHKT đưa các bộ giống cây trồng vật nuôi vào sản xuất.
Trụ sở UBND xã Nghi Mỹ, Nghi Lộc được xây dựng mới khang trang |
Ông Hoàng Đức Trì - Chủ tịch UBND xã Nghi Mỹ cho biết: Việc Nghi Mỹ được chọn làm trung tâm huyện lỵ Nghi Lộc có nhiều thuận lợi bởi trên địa bàn có hệ thống giao thông thuận lợi, bao gồm tuyến đường tỉnh lộ 534 đi qua các huyện Yên Thành, Đô Lương lên cửa ngõ miền tây xứ Nghệ, tuyến đường 535 đi sang huyện Hưng Nguyên.
Nghi Mỹ còn tích cực quan tâm điều kiện thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển ngành nghề phụ. Hiện có 4 doanh nghiệp, 214 hộ kinh doanh dịch vụ thương mại. Thu nhập bình quân lao động đạt 28,3 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,7%, đến nay Nghi Mỹ đã đầu tư kết cấu hạ tầng trên 150 tỷ đồng, cơ bản hoàn thiện hệ thống điện - đường - trường - trạm.
Chợ Thượng có trên 100 ki ốt với đa dạng các mặt hàng phục vụ người tiêu dùng, được quy hoạch thành trung tâm huyện Nghi Lộc. |
Nghề rèn tại khu vực chợ Thượng |
Thành lập huyện lỵ, Nghi Mỹ sẽ được hưởng lợi, đầu tư khép kín cơ sở hạ tầng. Xã có điều kiện để chuyển đổi cơ cấu phát triển kinh tế như thúc đẩy phát triển dịch vụ thương mại tại các trục đường giao thông. Trên 400 ha nông nghiệp có thể chuyển đổi sang trồng rau màu có giá trị để phục vụ nhu cẩu của huyện lỵ mới. Vùng đồi quy hoạch phát triển các trang trại tổng hợp, đặc biệt là chú trọng phát triển chăn nuôi lợn, trâu bò để đáp ứng cho vùng đô thị mới.
Chị Phương Hải, một chủ hộ kinh doanh VLXD ở khu vực chợ Thượng cho biết:
"Thành lập trung tâm huyện mới chúng tôi rất phấn khởi vì có điều kiện để mở mang phát triển lĩnh vực buôn bán vật liệu xây dựng, mở thêm các đại lý buôn bán tổng hợp để cung ứng hàng hóa cho các xã miền tây của Nghi Lộc."
Bà Nguyễn Thị Lâm ở xóm 3 cho hay:
"Nghe tin thành lập huyện lỵ mới tại Nghi Mỹ, chúng tôi rất phấn khởi, chắc chắn là quê hương sẽ được xây dựng giàu đẹp hơn. Mặc dù là nông dân làm ruộng nhưng chúng tôi sẽ có điều kiện để phát triển kinh tế hơn, như con em sẽ được tạo việc làm ở các khu công nghiệp, các hộ nông dân phát triển nông sản, chăn nuôi phục vụ nhu cầu cho khu đô thị."
Từ nay đến năm 2020, bên cạnh việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, xây dựng thị trấn Quán Hành - đô thị loại V, huyện dự kiến sẽ thành lập thị trấn Cầu Cấm, thị trấn Mai Trang và hệ thống thị tứ như Chợ Sơn, khu Đại học, Nghi Văn, Nghi Lâm, Nghi Công, Nghi Vạn, Nghi Phương.
Thời gian tới, khi đô thị số 3, đô thị số 4 của Khu kinh tế Đông Nam được hình thành sẽ là cơ sở để định hướng quy hoạch thị trấn Cầu Cấm. Thị trấn Mai Trang sẽ xây dựng thị trấn đô thị loại V, dự kiến quy mô khoảng 90 ha với chức năng thị trấn khu vực, dịch vụ.
Trong tương lai khi phía Đông của huyện nhập về thành phố Vinh, phần phía Tây và 9 xã còn lại sẽ trở thành huyện Nghi Lộc mới sẽ có điều kiện hơn phát phát triển kinh tế - xã hội.
Văn Trường
TIN LIÊN QUAN |
---|