Trồng 35 gốc đu đủ ngoại thu 15 triệu đồng lứa đầu
(Baonghean.vn) - Ông Hồ Văn Phượng ở xóm 12, xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) là hộ đầu tiên ở địa phương đưa giống đu đủ Đài Loan và Thái Lan về trồng thành công trên vùng đất lúa cao cưỡng. Đến nay, đu đủ của ông phát triển tốt, cho năng suất và giá trị kinh tế cao.
Do vùng đất hai lúa xung quanh nhà là diện tích cao cưỡng, thiếu nước nên khó sản xuất, sản lượng đạt thấp, vì thế, ông Hồ Văn Phượng tìm hướng để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích.
Mô hình trồng giống đu đủ Đài Loan của gia đình ông Hồ Văn Phượng ở xóm 12, xã Quỳnh Hoa (Quỳnh Lưu). Ảnh: Hồng Diện |
Qua tìm hiểu thông tin về các loại giống cây trên phương tiện thông tin đại chúng và đi thực tế ở các tỉnh phía Nam, ông nhận thấy cây đu đủ dễ trồng, cho sản lượng rất cao lại dễ bán. Năm 2016 ông quyết định ra Viện giống cây trồng Trung ương để học hỏi kỹ thuật trong cách trồng và chăm bón, sau đó ông mua 35 gốc giống đu đủ Đài Loan về trồng.
Đây là loại cây dễ trồng, phù hợp với điều kiện thời tiết khô hạn nên sau 6 tháng chăm sóc, cây đu đủ cho thu hoạch trái chín to đều, ruột vàng, vị ngọt thơm. Chỉ với số gốc trên, ông Phượng thu hoạch 1,5 tấn quả và được thương lái thu mua tại vườn với giá 10.000 đồng/ kg, thu về khoảng 15 triệu đồng. Tính từ lần ra quả đầu tiên, sau hai tháng ông lại thu hoạch những lứa đu đủ tiếp theo.
Mỗi cây đu đủ giốngThái Lan cho sản lượng đạt khoảng 1,8 tạ quả. Ảnh: Hồng Diện |
Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ đu đủ mang lại rất khả quan nên ông đã bồi đất ở diện tích 1.500 m2 quanh nhà và mua thêm 200 gốc đu đủ Thái Lan về trồng. Theo ông Phượng, mỗi quả đu đủ Thái Lan đạt trọng lượng 3,5 kg, một cây sản lượng đạt 1,8 tạ.
Trong quá trình chăm sóc, ông luôn bón phân hữu cơ, phân chuồng hoai mục kết hợp với vôi bột để diệt các ký sinh trùng gây bệnh rầy và cuốn lá ở cây đu đủ. Đồng thời, ở phía dưới mặt đất ông phủ kín bằng một lớp rơm nhằm giữ độ ẩm và làm xốp đất, ngăn không cho cỏ dại mọc lên. Lúc cây ra hoa, đậu quả ông tăng cường bón thêm lượng phân kali để đảm bảo độ ngọt cho quả. Bên cạnh đó, để quả to đều, đạt năng suất cao ông Phượng cũng đã tỉa bớt trái lúc còn nhỏ.
Với cách trồng khoa học, đu đủ của gia đình ông Phượng được xem là sản phẩm sạch. |
Nhờ đu đủ có mẫu mã đẹp, giá trị dinh dưỡng cao nên được thị trường ưa chuộng; người buôn tìm đến gia đình ông để mua sản phẩm.
Nhằm tận dụng khoảng đất trống phía dưới gốc cây, ông Phượng còn trồng xen khoai sáp, bí đỏ. Sau 5 tháng ông thu hoạch 4,5 tạ khoai sáp với giá bán 20.000 đồng/kg; gần 3 tháng thu 1 tấn bí với giá 3.000 đồng/ kg. Hiện nay, mô hình của ông Phượng được nhiều người dân địa phương đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm về áp dụng cho gia đình.
Có nhiều người dân đến nhà ông Phượng tham quan và học hỏi cách trồng đu đu ngoại. Ảnh: Hồng Diện |
Mô hình trồng giống đu đủ Đài Loan và Thái Lan thành công của ông Hồ Văn Phượng đã góp phần làm đa dạng hóa cây trồng ở Quỳnh Lưu. Đặc biệt, với cách làm khoa học, không sử dụng thuốc trừ sâu, quả hoàn toàn chín tự nhiên nên hàng năm ông cung cấp một lượng quả sạch ra thị trường, giúp người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng./.