Truông Bồn- Nơi thời gian ngừng lại
Trong không gian linh thiêng của Truông Bồn, thời gian dường như ngừng lại, chỉ còn nỗi niềm tri ân lắng đọng trong trái tim mỗi người…
Phía sau tấm áo
Nâng niu tấm áo màu xanh và chiếc túi nhỏ màu bạc được cất giữ cẩn thận trong hệ thống trưng bày của Bảo tàng Truông Bồn, ông Phan Trọng Lộc - Giám đốc Khu Di tích cho biết, đây là những di vật quý giá do người nhà của liệt sĩ Nguyễn Thị Văn (SN 1950) tặng bảo tàng, để góp phần làm phong phú thêm những hiện vật nơi đây.
Bao năm gắn bó với khu di tích, ông đã chứng kiến, lắng nghe nhiều câu chuyện xúc động phía sau sự hy sinh của những liệt sĩ trên tọa độ lửa này. Ngày đưa di vật của chị Văn lên bảo tàng, người nhà của chị cũng đã xúc động kể thêm tuổi thơ của chị, những năm tháng ắp đầy thương yêu gắn liền với mảnh đất Lâm Đức của xã Thượng Sơn, huyện Đô Lương.
Ngày ấy, chị Văn đang đi học cấp 2, nửa ngày đi học, nửa ngày cùng bạn bè rủ nhau lên rú Dự hái củi hoặc ra đồng Cuốc Bàn cắt cỏ cho trâu, bò. Tuổi thơ của chị Văn lớn lên trong màu xanh mướt mát của cánh đồng ngô được bao bọc bởi dòng nước trong veo của Bầu Cầu. Máy bay Mỹ dọc ngang trên bầu trời, bom và rocket đã nổ trên những cánh đồng ngô đang ra hoa. Những người con trai mười tám, đôi mươi của làng Thượng Sơn xung phong ra trận. Đợt tuyển thanh niên xung phong vào năm 1966, chị Văn đã xông xáo tham gia. Năm ấy, chị mới hơn 16 tuổi...
Khi người tuyển quân thấy cô gái sức vóc nhỏ bé, nhìn vào hồ sơ thì thấy mới hơn 16 tuổi, liền bảo em về đi học, đợi sang năm đủ lớn hãy đi. Chị Văn không chịu: "Em đã gần 17 tuổi, em tình nguyện xin đi đánh giặc. Anh không biết con gái 17 bẻ gãy sừng trâu à?". Thế là chị Văn lên đường. Ngày 30/10/1966, mũ cối, ba lô và áo xanh màu lá cây, chị chính thức đứng trong hàng ngũ thanh niên xung phong, đội quân rờm rợp hầu hết con gái tuổi 17, 18, đã dũng cảm, mưu trí đương đầu với đạn bom bằng cuốc xẻng và quang gánh, bám trụ ở những trọng điểm ác liệt nhất, có mặt ở những thời điểm khốc liệt nhất, ra mặt đường bất kể lúc nào, hễ vừa ngơi một đợt bom, hễ có xe cháy, có tắc đường...
Đơn vị của chị Nguyễn Thị Văn hành quân cấp tốc về phà Gang, thuộc xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương. Sau đó, chị Văn được bổ sung vào Đại đội 317. Khi Truông Bồn trở thành trọng điểm mà Mỹ nhằm vào để cắt đứt mạch máu giao thông của miền Bắc chi viện cho miền Nam, có những đêm đường tắc, đại đội của chị Văn phải giải phóng hàng chục xe hàng. Dỡ hàng xuống, mang vác đi cất giấu, khi phá bom xong, lại mang hàng ra chất lên xe, để những chuyến xe kịp ra tiền tuyến.
Truông Bồn không lúc nào ngớt tiếng bom, bầu trời Truông Bồn không lúc nào không có khói bom bốc lên cao. Và rồi, vào buổi sáng định mệnh ngày 31/10/1968, chị Nguyễn Thị Văn đã hy sinh khi đang san lấp hố bom tại Truông Bồn, cùng với 12 chiến sĩ khác của Đại đội thanh niên xung phong 317 bởi một loạt bom tọa độ. Lúc ấy là 6 giờ 10 phút sáng. Thời điểm đó, chị Nguyễn Thị Văn vừa tròn 18 tuổi.
Ngày hôm sau, đơn vị và nhân dân xã Mỹ Sơn đã nỗ lực hết mình nhưng vẫn không tìm thấy thi thể chị Nguyễn Thị Văn. Thi thể chị đã tan hòa vào lòng đất Truông Bồn. Những cô gái, chàng trai năm ấy đã hy sinh không giữ lại một chút gì, kể như tuổi trẻ, kể cả thịt da, cả đến một tấm hình nhỏ nhoi cũng không còn…
Dư âm còn mãi
Những câu chuyện xúc động phía sau những hiện vật tại Bảo tàng Khu Di tích lịch sử Quốc gia Truông Bồn được tiếp nối trong mạch cảm xúc đầy lắng đọng của những thuyết minh viên nơi đây. Những dụng cụ thô sơ như cuốc, thuổng, cào... được dùng để san lấp hố bom, mở đường cho xe thông tuyến. Những chiếc đèn dầu của lực lượng thanh niên xung phong được chế tác từ vỏ bom bi, lựu đạn để dẫn đường cho từng đoàn xe đi qua trong đêm tối. Những chiếc điện đài được dùng để chỉ đạo công tác chiến đấu, khắc phục hố bom, thông tuyến ra chiến trường trên tuyến đường 15A.
Các hiện vật thô sơ và vật dụng của lực lượng thanh niên xung phong Nghệ An tại Truông Bồn. Ảnh: Thanh Quỳnh
Đối nghịch với những thiết bị, dụng cụ thô sơ ấy của thanh niên xung phong Nghệ An là các loại bom, đạn to lớn, hiện đại mà đế quốc Mỹ đã ném xuống Truông Bồn để cản bước chi viện cho tiền tuyến miền Nam. Có bom từ trường, bom nổ chậm, bom sát thương, bom bi, đạn cối, đạn xuyên giáp… Có cái vẫn còn nguyên màu sơn, có cái đã gỉ sét, tất cả nằm lặng yên nhưng vẫn rợn lên cảnh tang thương của một giai đoạn lịch sử khốc liệt.
Sau khi lắng nghe những câu chuyện xúc động qua những hiện vật, chúng tôi được nhân viên bảo tàng dẫn tới phòng trưng bày cuối cùng, chiếc sa bàn được bật sáng, mọi ánh mắt của du khách như bị hút vào sự dịch chuyển của từng chi tiết nhỏ tái hiện lại những trận đánh ác liệt và công việc đầy cam go của các chiến sĩ thanh niên xung phong trên tuyến đường huyền thoại.
Và rồi, giọng nói truyền cảm của thuyết minh vang lên, cũng là lúc hình ảnh những cô gái, chàng trai thanh niên xung phong được hiển hiện trên màn hình của sa bàn. Những chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi bước vào hiểm nguy với toàn bộ sự lạc quan. Tạm gác lại những ước vọng thanh xuân, họ đã vui với niềm vui của từng đoàn xe nối đuôi nhau ra chiến trường an toàn, hồi hộp lo âu đếm từng loạt bom rơi để kịp phá bom mở đường thông xe.
Xúc động nhất là khi sa bàn tái hiện lại thời khắc 6h10' rạng sáng 31/10/1968, khi các anh chị thanh niên xung phong ra mặt đường thực hiện nhiệm vụ. Bất ngờ, những tốp máy bay Mỹ lao tới. Cả Truông Bồn chìm trong tiếng nổ như muốn xé tan đất trời, tan tác, mịt mù dưới mưa bom bão đạn. Cơn điên loạn cuối cùng của kẻ bại trận đã cướp đi sinh mạng của 11 cô gái và 2 chàng trai, thân thể các anh chị đã hòa lẫn vào đất đá, cỏ cây.
Du khách đứng trước sa bàn và những hiện vật ấy như cảm nhận được tiếng vọng của quá khứ, của một thời chiến đấu đầy bi tráng và vinh quang của dân tộc. Truông Bồn giờ đây không chỉ là địa danh lịch sử, mà còn là nơi để những thế hệ sau trở về, lắng nghe câu chuyện của quá khứ. Những giọt nước mắt tri ân, những nén hương được thắp lên không chỉ để tưởng nhớ, mà còn để khẳng định rằng sự hy sinh ấy sẽ không bao giờ bị lãng quên, mãi là niềm tự hào trong trái tim mỗi người con đất Việt.
Địa danh Truông Bồn gắn với sự hy sinh của 13 liệt sĩ Đại đội 317, Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước tỉnh Nghệ An vào sáng 31/10/1968 khi chỉ ít giờ nữa Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc.
Truông Bồn trong thời điểm đó được xem là tuyến đường độc đạo chiến lược, nối liền mạch máu giao thông để miền Bắc chi viện cho miền Nam ruột thịt. Không quân Mỹ đã dồn lực đánh phá ác liệt, biến Truông Bồn trở thành "tọa độ chết".
Trong cuộc chiến sinh tử này, 1.240 cán bộ, chiến sĩ đã kiên cường chiến đấu và anh dũng hy sinh để giữ vững huyết mạch giao thông trên con đường chống Mỹ.
Để ghi nhận địa danh Truông Bồn, ghi nhận sự cống hiến và hy sinh oanh liệt của các chiến sĩ Truông Bồn, trong đó tiêu biểu là 13 chiến sĩ TNXP “Tiểu đội thép”, ngày 12/1/1996, Truông Bồn được công nhận Di tích lịch sử quốc gia.
Ngày 23/9/2008, Chủ tịch nước có Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho tập thể chiến sĩ TNXP Truông Bồn. Ngày 31/10/1968 đã được chọn là ngày Chiến thắng Truông Bồn.