Trường học VNEN ở Nghệ An: Bất cập đủ thứ

13/12/2016 23:10

(Baonghean) - Do chưa thấu đáo trong khảo sát các điều kiện của địa phương và các bước thực hiện dạy học theo mô hình trường học mới VNEN, nên khi triển khai, Nghệ An cũng như một số tỉnh khác đã gặp phải sự phản đối của nhiều phụ huynh học sinh và dư luận xã hội. Ngành Giáo dục và Đào tạo cần thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá khách quan vấn đề này để có những giải pháp, kiến nghị điều chỉnh hợp lý, hiệu quả.

>>>VNEN ở Nghệ An: Người khen, kẻ chê - Vì sao?

Nhận rõ nguyên nhân

Sau một thời gian triển khai áp dụng, mô hình dạy học mới VNEN vấp phải sự phản ứng gay gắt từ phía phụ huynh học sinh. Có thể thấy rất rõ, nguyên nhân đầu tiên phải kể đến là sự yếu kém trong khâu tuyên truyền, phổ biến chính sách đến với mọi người dân, trong đó có giáo viên và phụ huynh học sinh.

Bất cứ lĩnh vực nào, vấn đề gì, để triển khai thực hiện một việc mới trước hết những người thực hiện và thụ hưởng trực tiếp cần phải biết, phải hiểu và bàn bạc, thảo luận thật thấu đáo, thì mới có thể thực hiện thành công được. Những đơn vị, cá nhân liên quan cần phải nắm rõ lộ trình, bản chất của chủ trương, chính sách đó để có thái độ ứng xử phù hợp, giám sát, kiểm tra, thậm chí là ủng hộ, trợ giúp hoặc cùng tháo gỡ khó khăn, góp ý điều chỉnh.

Tại Nghệ An, có thể thấy các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành Giáo dục và Đào tạo chưa chú trọng làm tốt khâu tuyên truyền, dẫn đến không chỉ phụ huynh mà nhiều giáo viên cũng chưa nắm rõ được chủ trương, lộ trình thực hiện như thế nào.

Dạy học theo mô hình trường học mới ở Trường Tiểu học Yên Na 1 (Tương Dương). Ảnh: Mỹ Hà
Dạy học theo mô hình trường học mới ở Trường Tiểu học Yên Na 1 (Tương Dương). Ảnh: Mỹ Hà

Chị Nguyễn Thùy Lâm, một phụ huynh học sinh ở TP. Vinh cho biết: “Thực ra tôi cũng không biết rõ lắm về phương pháp dạy và học mới, thấy cô giáo nói mô hình này có nhiều ưu điểm, các cháu thường xuyên được ngồi học theo nhóm để thảo luận và học tập. Khi thấy trên mạng xã hội, báo chí xôn xao về việc khập khiễng giữa học với thi cử, tôi hỏi cô giáo, thì cô ấy nói cũng không biết chắc lắm, chỉ biết là hiện tại đang thí điểm, và chưa biết xong giai đoạn thí điểm thì sẽ thực hiện hay là thôi”.

Phụ huynh Lộc Thị May, bản 3, xã Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn có con trai đang học lớp 3 theo chương trình trường học mới thì thật thà nói: “Tôi có biết con tôi học chương trình chi mô? Chỉ nghe nhà trường bảo học chương trình này, cô giáo hướng dẫn, học sinh tự học. Nhưng ở đây bảo chúng nó tự học thì chỉ có chơi thôi. Học càng ngày càng yếu!”.

Nói về vụ việc đầu năm học 2016 - 2017, phụ huynh một số lớp ở Trường THCS Lê Lợi, TP. Vinh phản đối việc áp dụng mô hình mới, thầy Hiệu trưởng Võ Hoàng Ngọc cho biết: “Tôi đã trực tiếp dự họp với các lớp có phụ huynh phản đối mô hình này và hỏi họ có biết gì về trường học mới không? Dạy học theo trường học mới là như thế nào không?... Thì có người im lặng, có người lắc đầu, có người nói thẳng là không biết rõ lắm. Sau khi tôi giải thích, lấy ví dụ chứng minh giúp họ hiểu dạy và học theo mô hình trường học mới ra sao, học sinh sẽ được hưởng lợi như thế nào, và hiện nay nhà trường còn gặp khó khăn gì, cần phải bổ sung những gì để phục vụ tốt cho việc dạy học theo mô hình này thì đại đa số các phụ huynh phản đối trước đó hiện nay đã không có ý kiến gì, yên tâm về việc học tập của con em mình”.

Đại diện phụ huynh học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi bày tỏ các lo lắng về chất lượng học tập của con em khi học theo mô hình VNEN, nhất là về cách đánh giá, cách thi cử; và đánh giá dạy theo mô hình VNEN nên đề nghị không áp dụng mô hình dạy học mới VNEN.
Đầu năm học 2016 - 2017, đại diện phụ huynh học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi bày tỏ các lo lắng về chất lượng học tập của con em khi học theo mô hình VNEN.

Để xảy ra tình trạng phụ huynh một số trường phản đối cũng một phần vì họ không nắm rõ bản chất vấn đề, kèm với dư luận xôn xao nên gây tâm lý bất an, lo lắng cho việc học hành của con em sẽ bị ảnh hưởng.

Tuy nhiên, bên cạnh đó nhiều phụ huynh lại có nhận thức và hiểu biết rất rõ về bản chất vấn đề và nhận ra những bất cập, vướng mắc trong quá trình triển khai mô hình trường học mới trên địa bàn Nghệ An, nhất là sự hạn chế về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; trình độ đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng yêu cầu.

Tại Trường THCS Nghĩa Bình, huyện Tân Kỳ, các lớp học ở 2 khối 6 và 7 áp dụng phương pháp dạy học trường học mới nhưng phòng học quá chật, 4 dãy bàn ghế kê san sát chỉ có 1 lối đi lại ở giữa. Các phòng học đều được xây dựng từ những năm 1980 - 1990 đã cũ kỹ, xuống cấp nên không thể thực hiện quay bàn học theo nhóm.

Bên cạnh đó, sỹ số học sinh quá cao, như ở lớp 6A là 39 em, lớp 7B là 30 em, nên cô Nguyễn Thị Hồng - chủ nhiệm lớp 7B Trường THCS Nghĩa Bình tâm sự: “1 tiết cô không thể hướng dẫn, bao quát hết được tất cả các học sinh, không thể nhận xét hết từng em theo quy định”. Hoặc như Trường THCS Lê Lợi (TP. Vinh) sỹ số 45 học sinh/lớp thì việc theo dõi, hướng dẫn cụ thể từng học sinh trong mỗi tiết học là một việc vô cùng khó khăn cho giáo viên, sẽ ảnh hưởng đến chất lượng học tập của học sinh.

Ở Trường THCS Hưng Dũng, TP. Vinh năm học 2016 - 2017 có 91,8% phụ huynh của các khối 6, 7 cũng đã viết đơn gửi nhà trường và các cấp, ngành liên quan đồng loạt phản đối việc dạy học theo chương trình trường học mới vì “thiếu cơ sở vật chất thiết yếu, sách giáo khoa, thiếu giáo viên và không yên tâm về kết quả của học sinh”. Qua 2 năm triển khai thí điểm, đây cũng là lần thứ 3 phụ huynh của trường đưa ra kiến nghị này.

Sỹ số học sinh đông, việc quản lý học sinh theo nhóm mất nhiều thời gian, nên các tiết học thường xuyên bị “cháy giáo án” - là phản ánh của nhiều giáo viên ở các trường trên địa bàn huyện Nghi Lộc, Yên Thành, Tân Kỳ, TP Vinh…

Thực hiện phương pháp dạy học mới thì lớp học chỉ duy trì sỹ số từ 20 - 25 học sinh, dưới sự phụ trách của 2 giáo viên. Tuy nhiên, ở Nghệ An việc bố trí giáo viên theo định biên 1,2 cũng chưa được thực hiện triệt để; nhiều trường phải hợp đồng thêm hoặc giáo viên phải dạy thêm giờ, cường độ làm việc tăng, gây ra sự mệt mỏi, quá tải. Ngoài ra, cũng do học sinh quá đông, tiết học bị “cháy giáo án”, nhiều giáo viên phải bố trí phụ đạo thêm ở các buổi học ngoài giờ lên lớp chính.

Qua chia sẻ của các giáo viên cho thấy, vấn đề bất cập không nằm ở phương pháp dạy học, mà là ở điều kiện áp dụng chưa phù hợp. Nói thêm về vấn đề này, cô Dương Thu Hà – Hiệu trưởng Trường THCS Hoàng Tá Thốn, huyện Yên Thành, cho biết: Để đáp ứng các yêu cầu của dạy học theo mô hình VNEN, giáo viên tuy không phải soạn giáo án nhưng cần dành nhiều thời gian ngoài giờ lên lớp để chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng, từ nội dung kiến thức, đến đồ dùng dạy học và các thiết bị phụ trợ khác, chưa kể phải tự bổ sung kỹ năng, nghệ thuật dẫn dắt, khơi gợi, trò truyện sao cho các em cởi mở, bộc bạch với giáo viên.

Họ sẵn sàng làm như thế vì tình yêu thương, trách nhiệm với học sinh và lòng say mê nghề nghiệp. Nhưng cũng không thể phủ nhận, đã có không ít giáo viên thấy mệt mỏi, lo lắng khi hiệu quả chưa cao; hơn nữa đội ngũ giáo viên không phải 100% đều đã đáp ứng được yêu cầu giảng dạy phương pháp mới, một số thì ngại thay đổi,…

Đó là chưa kể đối với bậc THCS, thực hiện thí điểm phương pháp mới nhưng không có sự hỗ trợ kinh phí nữa, vì dự án chỉ hỗ trợ kinh phí để thực hiện thí điểm ở bậc tiểu học, kể cả sách giáo khoa. Như lời của một giáo viên THCS ở thành phố Vinh thì “chúng tôi thực hiện nhiệm vụ với hai bàn tay trắng”.

Một nguyên nhân khác được nhiều giáo viên phản ánh là việc tập huấn, trang bị kiến thức, hướng dẫn kỹ năng cho giáo viên tiếp cận với phương pháp mới quá hời hợt. Ở cấp Trung ương các giáo viên được lĩnh hội sự thay đổi phương pháp trong 4 ngày, sau đó các sở GD&ĐT triển khai về các cụm trường trong thời gian 2 ngày.

Cô giáo Quỳnh Anh (Trường THCS Lê Lợi, TP. Vinh) cho rằng, tập huấn 2 ngày là thời gian quá ngắn, khiến giáo viên chỉ kịp đọc và tiếp thu phần lý thuyết, còn thực hành mới chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”. Việc thiếu sách giáo khoa cũng gây không ít khó khăn trong việc dạy và học. Bởi bài học trong sách giáo khoa đổi mới có hướng dẫn đầy đủ các bước thực hành sinh động, cụ thể về lượng kiến thức.

Sách giáo khoa của chương trình trường học mới là sách tích hợp “3 trong 1”, dùng cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh. Yêu cầu của phương pháp dạy học mới là phải có sự tương tác giữa giáo viên, học sinh với phụ huynh để cùng thực hiện mục tiêu bài học. Tuy nhiên, phần lớn phụ huynh đều không nắm được khung chương trình, nên khi hướng dẫn, kèm cặp con em học bài sẽ dẫn đến lạc hướng, sai nội dung kiến thức. Chưa kể đến việc theo khung chương trình trường học mới thì 1 giáo viên đảm nhận dạy tích hợp 3 phân môn trong 1 như: Văn - Sử - Địa, Toán - Lý - Hóa;… cũng là yếu tố gây quá tải, áp lực vì năng lực có hạn, hơn nữa họ mới chỉ được đào tạo sâu một phân môn.

Chính bởi những bất cập này, dẫn đến việc bị động cho cả nhà trường, giáo viên và phụ huynh, học sinh trong quá trình triển khai. Đến Trường Tiểu học Yên Na 1, xã Yên Na (Tương Dương) mặc dù đã bước sang năm thứ 5 triển khai dạy học theo mô hình trường học mới, nhưng theo thầy giáo Nguyễn Văn Thanh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Hiện học sinh vẫn chưa đủ sách để học. Khả năng của nhà trường chỉ có thể lo cho các em sách giáo khoa là sách cũ từ các năm trước để lại. Còn sách bài tập, về lý là phụ huynh phải mua, nhưng ở đây họ không có khả năng…

Trước đó một vài năm, nhiều giáo viên thấy được những bất lợi khi các em học mà không có sách bài tập cũng đã tự bỏ tiền ra mua cho học sinh. Tuy nhiên, sau đó do không thu được tiền sách từ phụ huynh nên năm nay giáo viên không mặn mà. Đó là chưa kể khoản nợ tiền sách phòng Giáo dục hơn 20 triệu đồng từ các năm trước chưa “gỡ” được.

Tại Trường Tiểu học Hữu Kiệm, huyện Kỳ Sơn, thầy giáo Đào Công Quang - Hiệu trưởng nhà trường cũng thừa nhận: Ở một trường có đến 6 điểm lẻ, học sinh đa phần là người Thái, Khơ mú, nhận thức và khả năng tiếng Việt còn nhiều hạn chế thì việc truyền thụ kiến thức cho học sinh theo mô hình trường học mới gặp khá nhiều khó khăn. Thầy còn thẳng thắn nói rằng: Năm nay chúng tôi tiếp tục triển khai mô hình trường học mới là vì muốn tận dụng sách giáo khoa của dự án từ những năm trước. Còn với điều kiện kinh tế hiện tại, phụ huynh hoàn toàn không có khả năng mua sách mới theo chương trình hiện hành cho các em. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp nhất thời. Xa hơn, một vài năm tới, ban giám hiệu nhà trường chưa hình dung được mô hình trường học mới mà nhà trường đeo đuổi nhiều năm qua sẽ còn lại hình hài gì một khi sách giáo khoa và các phòng học được dự án hỗ trợ đã cũ, hư hỏng không thể “tận dụng” được nữa.

Không nên nhân rộng mô hình mới

Những bất cập kể trên đã diễn ra trong suốt 5 năm triển khai thí điểm mô hình trường học mới trên địa bàn, các cán bộ quản lý, phụ trách ngành Giáo dục và Đào tạo liệu đã nhận thấy?. Sau 5 năm triển khai thí điểm, Sở Giáo dục và Đào tạo, các trường thực hiện thí điểm mô hình trường học mới đã tổ chức đánh giá, tổng kết, rà soát một cách thực chất, cụ thể từng nội dung thực hiện hay chưa?. Có giải pháp cụ thể gì để tháo gỡ, khắc phục những vướng mắc, khó khăn làm ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học theo phương pháp mới? Một mô hình thí điểm còn có nhiều ý kiến trái chiều cả trong đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý của ngành Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt là sự phản ứng từ các phụ huynh học sinh rất “gay gắt”, vì sao vẫn tiếp tục triển khai và nhân rộng?.

Phụ huynh chia sẻ với PV Báo Nghệ An những băn khoăn về mô hình VNEN.
Phụ huynh chia sẻ với PV Báo Nghệ An những băn khoăn về mô hình VNEN.

Theo thầy giáo Võ Hoàng Ngọc - Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi, TP. Vinh, thì: “Đây thực sự là một cuộc cách mạng trong cải cách nền giáo dục. Để giành được thắng lợi, cần phải hội đủ các điều kiện cần và đủ. Chỉ khi nào nhận được sự đồng tình, ủng hộ và tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương, đến tận từng cá nhân cán bộ ngành Giáo dục và Đào tạo, cũng như giáo viên và phụ huynh học sinh… Nói chung là sự vào cuộc của toàn xã hội. Vì vậy, những địa phương, cơ sở giáo dục chưa có đủ các điều kiện, thì chưa nên triển khai, trong đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng nguồn lực con người không thể chủ quan, nóng vội.

Trước tình hình thực tế hiện nay, không nên nhân rộng mô hình trường học mới VNEN trên địa bàn Nghệ An, chỉ nên tập trung đầu tư cho những trường đã áp dụng hiệu quả phương pháp dạy học mới này, để từng bước nâng cao chất lượng dạy học, trong đó quan trọng nhất là phải đảm bảo đủ định biên giáo viên, bồi dưỡng nghiệp vụ, cải tạo, nâng cấp trường lớp, đầu tư trang thiết bị dạy học”. Đây cũng là kiến nghị của hầu hết những “người trong cuộc” đang thực hiện mô hình trường học mới trên địa bàn Nghệ An.

Ngày 18/8/2016, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ có Công văn số 4068/BGDÐT-GDTrH về việc triển khai mô hình trường học mới từ năm học 2016-2017 gửi các sở GD&ĐT và các đơn vị liên quan chỉ rõ:

1. Khuyến khích các cơ sở giáo dục đang triển khai mô hình trường học mới tiếp tục triển khai trên cơ sở tự nguyện, đảm bảo đạt hiệu quả thiết thực và duy trì trong suốt cấp học vì quyền lợi của học sinh.

2. Đối với các cơ sở giáo dục không áp dụng mô hình trường học mới, có thể lựa chọn một số thành tố tích cực của mô hình trường học mới để bổ sung vào đổi mới phương thức giáo dục đang thực hiện, đảm bảo nguyên tắc lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm.

3. Chỉ đạo các cơ sở giáo dục tiếp tục chủ động nghiên cứu đổi mới, sáng tạo trong tổ chức dạy và học; áp dụng các mô hình giáo dục tiên tiến khác phù hợp với điều kiện thực tiễn; đồng thời thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong phụ huynh học sinh và dư luận xã hội nhằm thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

Nhóm P.V

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Trường học VNEN ở Nghệ An: Bất cập đủ thứ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO