Trường Trung cấp nghề kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An: Góp phần làm nên thương hiệu các làng nghề

05/12/2016 14:44

(Baonghean) - Nhằm tạo nguồn nhân lực cho phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) và xây dựng làng nghề, cách đây 15 năm, Trường Dạy nghề tiểu thủ công nghiệp Nghệ An - tiền thân là Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp được thành lập theo Quyết định số 3144 ngày 10/9/2001 của UBND tỉnh.

Trường ra đời trong bối cảnh Nghệ An có nhiều quyết sách quan trọng về phát triển CN - TTCN như Nghị quyết số 07 của BTV Tỉnh ủy về đẩy mạnh phát triển dạy nghề thời kỳ 2001 - 2005, Nghị quyết 06 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về xây dựng và phát triển làng nghề. Như vậy, trường ra đời và mang sứ mệnh quan trọng, nhằm góp phần nhanh chóng đưa các nghị quyết của tỉnh vào cuộc sống.

Đồng chí Lê Xuân Đại trao Cờ thi đua của UBND tỉnh cho Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An.
Đồng chí Lê Xuân Đại trao Cờ thi đua của UBND tỉnh cho Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An.

Với chức năng đào tạo, bồi dưỡng thợ các nghề tiểu thủ công nghiệp, mỹ nghệ, các nghề truyền thống và du nhập nghề mới, đào tạo thợ bậc cao, tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, lực lượng dạy nghề, truyền nghề ở nông thôn và các làng nghề, những năm đầu trường gặp không ít khó khăn, do ngành nghề đào tạo mang tính đặc thù riêng, ít có mô hình để học tập; cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, chương trình, giáo trình thiếu…

Tuy nhiên, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, sự giúp đỡ và phối hợp của các cấp, ngành, các địa phương, doanh nghiệp, đặc biệt là sự chỉ đạo trực tiếp của Sở LĐ-TB&XH, Liên minh HTX tỉnh, tập thể cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên nhà trường đã nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, xây dựng nhà trường không ngừng phát triển và trưởng thành.

Trải qua nhiều giai đoạn, từ khi còn trực thuộc Liên minh HTX Nghệ An và đến nay trực thuộc Sở Lao động – TB&XH, với nhiều tên gọi trong từng thời kỳ khác nhau, nhưng trường luôn thực hiện tốt tôn chỉ mục đích. Từ năm 2009 đến nay, trường được UBND tỉnh ban hành Quyết định đổi tên, từ Trường Trung cấp nghề Tiểu thủ công nghiệp thành Trường Trung cấp nghề Kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An.

Theo đó, chức năng nhiệm vụ tiếp tục được bổ sung. Ngoài việc đào tạo các ngành nghề TTCN truyền thống, trường đẩy mạnh liên kết, nghiên cứu, nắm bắt nhu cầu thị trường lao động, không ngừng mở rộng các loại hình, ngành nghề đào tạo. Nét mới nổi bật trong đào tạo là đẩy mạnh đào tạo nhóm nghề kỹ thuật phục vụ nông nghiệp, nông thôn và các khu công nghiệp, du lịch, thương mại, mở rộng đào tạo các nghề kinh tế như kế toán doanh nghiệp, kế toán ngân hàng, tài chính doanh nghiệp, tài chính tín dụng... cho hệ trung cấp và liên kết với các trường cao đẳng, đại học có uy tín đào tạo hệ cao đẳng, đại học. Với việc được bổ sung chức năng nhiệm vụ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, đã tạo thuận lợi cho nhà trường trong công tác tuyển sinh, gắn đào tạo với sản xuất, đào tạo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp, đào tạo lao động phục vụ nhu cầu xuất khẩu lao động.

Phương thức đào tạo của trường là đào tạo nghề gắn với làng nghề, gắn với cơ sở sản xuất, vừa khôi phục phát triển các nghề truyền thống, vừa nghiên cứu du nhập các nghề mới, vừa dạy nghề, cùng với doanh nghiệp tư vấn giới thiệu việc làm, tổ chức sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho người lao động các vùng nông thôn, nên học sinh ra trường đều tìm được việc làm.

Từ năm 2002 đến nay, nhà trường đã tổ chức đào tạo nghề cho gần 22.000 người lao động có trình độ từ sơ cấp đến trung cấp nghề và cao đẳng nghề với các nghề: mây tre đan, dệt thổ cẩm, thêu ren mỹ nghệ, mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng, điêu khắc đá, kỹ thuật dâu tằm tơ, chế biến nông lâm, hải sản, may, thiết kế thời trang; cơ khí, điện công nghiệp, điện tử, tin học, ngoại ngữ... 100% học sinh ra trường có việc làm ổn định tại các doanh nghiệp.

Điều quan trọng là trường cung cấp 19.643 lao động đã qua đào tạo cho 133 làng nghề và hơn 400 làng có nghề trong tỉnh, góp phần làm nên thương hiệu các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, cung ứng 4.952 lao động cho các doanh nghiệp, HTX, các cơ sở sản xuất TTCN và các cơ sở sản xuất khác, với mức lương từ 7 - 12 triệu đồng/tháng.

Nhiều lao động do nhà trường đào tạo đã trở thành thợ cả, hạt nhân, giáo viên truyền nghề tại các làng nghề và cơ sở sản xuất, nhiều học sinh trở thành chủ doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm cho lao động, vừa tạo nguồn nhân lực để xây dựng 133 làng nghề và hơn 400 làng có nghề của tỉnh, đồng thời cũng góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng giá trị sản xuất hàng hoá và thu nhập cho người lao động, nhất là vùng thuần nông, vùng sâu, vùng xa, ổn định đời sống, xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đóng góp vào bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Học viên Trường Trung cấp nghề KT-CN-TCN Nghệ An học về nghề chế tác đồ gỗmỹ nghệ cao cấp.
Học viên Trường Trung cấp nghề KT-CN-TCN Nghệ An học về nghề chế tác đồ gỗ mỹ nghệ cao cấp.

Để có được thành quả đó, nhà trường đã đầu tư cơ sở vật chất khang trang, phục vụ công tác đào tạo; quan tâm xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn và đủ số lượng. Nhà trường hiện có 61 cán bộ, giáo viên, công nhân viên, trong đó 11 người có trình độ thạc sỹ và đang học thạc sỹ, 32 người trình độ đại học, 18 người trình độ cao đẳng, trung cấp, thợ bậc cao.

Công tác nghiên cứu khoa học được nhà trường chú trọng, đã có 31 giải pháp và sáng kiến kinh nghiệm được Hội đồng khoa học Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt. Cán bộ, giáo viên đã thiết kế, chế tạo thành công 15 mô hình thiết bị dạy nghề và đạt giải cao trong các hội thi thiết bị dạy nghề tự làm các cấp, trong đó cấp tỉnh 2 lần đạt giải Ba và 1 lần Nhì toàn đoàn, 4 giải Nhì (thiết bị nghề mộc, nghề điện và nghề cơ khí), 6 giải Ba (nghề may, mộc, điện, hàn), 9 giải Khuyến khích (nghề may, điện, mộc, hàn, ươm tơ); cấp Quốc gia đạt 2 giải Khuyến khích (thiết bị nghề điện và nghề mộc).

Bền bỉ, kiên trì nâng chất lượng đào tạo, 15 năm qua, nhà trường có 12 giáo viên đạt danh hiệu “Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh”; nhiều học sinh đạt giải cấp tỉnh và cấp quốc gia tại các Hội thi tay nghề giỏi, trong đó cấp tỉnh đạt 3 giải Nhì, 5 giải Ba; cấp Quốc gia đạt 2 giải Ba và 7 giải Khuyến khích (nghề mộc mỹ nghệ và nghề may thời trang)... Nhà trường được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng cục Dạy nghề, UBND tỉnh tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen. Tại các Hội giảng giáo viên dạy nghề giỏi tỉnh, nhà trường luôn đạt thành tích cao.

Với những kết quả của quá trình tổ chức đào tạo, xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, các điều kiện phục vụ cho công tác dạy và học, nhà trường được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức kiểm định chất lượng đào tạo và đã được cấp Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn “Kiểm định chất lượng dạy nghề cấp độ 3” - cấp độ cao nhất. Năm 2013, nhà trường được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chọn hỗ trợ đầu tư 3 nghề trọng điểm cấp quốc gia và được UBND tỉnh cho phép lập dự án đầu tư và đã được phê duyệt dự án đầu tư nghề trọng điểm quốc gia (giai đoạn 2016 - 2020), mở ra cơ hội để nhà trường từng bước hội nhập với khu vực trên lĩnh vực đào tạo nghề.

Ghi nhận những thành tích đạt được, nhà trường 10 năm liên tục được UBND tỉnh tặng danh hiệu “Tập thể Lao động xuất sắc”, 7 Bằng khen của UBND tỉnh và 4 Bằng khen của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 1 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 4 lần được tặng Cờ Thi đua xuất sắc của UBND tỉnh; Tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên nhà trường đạt vững mạnh xuất sắc, được tặng Giấy khen, Bằng khen của Liên đoàn Lao động các cấp; Đoàn thanh niên được Trung ương Đoàn tặng Bằng khen…

Tổ chức cơ sở đảng nhiều năm liên tục đạt danh hiệu Trong sạch vững mạnh. Đặc biệt, năm 2016, nhà trường vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì (giai đoạn 2011 - 2015). Thành quả đó sẽ tạo tiền đề để cán bộ, giảng viên và các thế hệ học sinh của trường tiếp tục phấn đấu đạt thành tích cao hơn, góp phần chung sức thực hiện tốt vấn đề giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Nguyễn Xuân Phượng

(Hiệu trưởng nhà trường)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Trường Trung cấp nghề kinh tế - Công nghiệp - Thủ công nghiệp Nghệ An: Góp phần làm nên thương hiệu các làng nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO