Từ thôn nữ yêu ví giặm đến danh hiệu Nghệ nhân nhân dân

Huy Thư 21/10/2022 14:43

(Baonghean.vn) - Được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, bên cạnh niềm vinh dự và tự hào, tôi cảm thấy trách nhiệm của mình cũng nặng nề hơn, cần phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn trong việc góp phần gìn giữ và trao truyền di sản dân ca ví, giặm” - Đó là tâm sự  của Nghệ nhân nhân dân Võ Thị Hồng Vân ở xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương.

Đam mê và nhiệt huyết

Sinh ra trong gia đình và làng quê có truyền thống hát dân ca. Những điệu ví, lời ru ngọt ngào của mẹ, đã ôm ấp, vỗ về bà từ buổi nằm nôi. Làng Ngọc Sơn, phong cảnh hữu tình, có sông Lam, núi Nguộc, mái đình cổ kính, cũng là cái nôi của phong trào hát ví, hát ghẹo...

Tuổi thơ chăn trâu, cắt cỏ của bà đã lớn lên cùng những câu ví ngân nga: “Ai biết nước sông Lam răng là trong là đục. Ai biết sống cuộc đời răng là nhục là vinh...”. Chính không khí văn nghệ ấy, đã thắp lên trong trái tim người con gái chân quê, bên bờ sông Lam này, tình yêu cháy bỏng với dân ca.

Khi đang là đội trưởng, đội văn nghệ của trường THCS, “nghe nói được đi hát là thích lắm rồi”. Lên tuổi thanh niên, là hạt nhân tiêu biểu của đội văn nghệ hợp tác xã, gia đình bà, sau này là gia đình chồng vẫn tạo điều kiện để bà tham gia phong trào văn hóa văn nghệ.

Bà từng bước trở thành cộng tác viên của Trung tâm văn hóa, Chủ nhiệm Câu lạc bộ dân ca xã Ngọc Sơn, hội viên Hội Văn học nghệ thuật huyện Thanh Chương, Hội Văn nghệ dân gian tỉnh Nghệ An…

Nghệ nhân nhân dân Võ Thị Hồng Vân. Ảnh: NVCC

Trong quá trình hoạt động thực tiễn, giọng hát trời ban ngọt ngào, sâu lắng cùng với sự chịu khó rèn luyện, học hỏi các nghệ nhân, nghệ sỹ đàn anh, đàn chị, đã giúp bà có được những thành công nhất định, cũng như tích luỹ được nhiều kiến thức và kinh nghiệm quý báu.

Không dừng lại ở việc biểu diễn dân ca, bà còn tích cực bám sát địa bàn, sưu tầm, những lời ca cổ, làn điệu cổ, viết lời mới cho các làn điệu này; sáng tác các hoạt cảnh, tiểu phẩm dân ca, dàn dựng chương trình… phục vụ cho các CLB, các tổ chức, đoàn thể, trường học, dòng họ...

Các tác phẩm của bà tập trung thể hiện tình yêu với dân ca, với lãnh tụ, với quê hương, đất nước; phản ánh kịp thời những nhiệm vụ chính trị, xã hội cụ thể ở địa phương (nông thôn mới, an toàn giao thông, kế hoạch hoá gia đình…).

57 tuổi đời, hàng chục năm gắn bó với dân ca, bà đã viết nhiều và không nhớ nổi, mình đã viết, dựng bao nhiêu tác phẩm. Có thể kể tên một số tác phẩm tiêu biểu của bà từng đạt giải ở các kỳ liên hoan, như truyền dạy hát dân ca; Kể rằng Bác quý điệu dân ca; Em yêu câu ví giặm quê mình; Phòng chống đuối nước; Chuyện nhà nông… Gần đây, bà có 2 tác phẩm nổi bật viết về quê hương được nhiều người cổ vũ là: Khúc ca tự hào quê hương Thanh Chương; Thanh Chương non nước hữu tình.

Nghệ nhân Nhân dân Võ Thị Hồng Vân (thứ 2 từ phải qua) cùng các nghệ nhân ví giặm trong tỉnh hát giao duyên trên hồ thủy lợi Cầu Cau. Ảnh: Huy Thư

Bên cạnh việc sưu tầm, sáng tác, biểu diễn, bà còn làm nhiệm vụ trao truyền di sản dân ca cho cộng đồng, thông qua hoạt động của các câu lạc bộ dân ca, các buổi giao lưu, tập huấn của Trung tâm văn hóa, dân số huyện… Trong hàng trăm học trò, đủ các thế hệ được bà trực tiếp truyền dạy, nhiều người đã trở thành giáo viên, nghệ nhân, tham gia dạy hát dân ca.

Những năm qua, bà đã tham gia nói chuyện, hát, dạy hát dân ca ở một số trường mầm non, tiểu học, THCS trong huyện với mong muốn thắp lên tình yêu dân ca ví, giặm cho các em. Bà hy vọng dân ca Nghệ Tĩnh sẽ sớm được đưa vào giảng dạy trong các nhà trường, để mọi học sinh đều được tiếp cận, học tập về di sản của quê hương.

Dẫu cuộc sống gia đình, công việc làm ăn (ruộng đồng, bán quán, cho thuê dịch vụ biểu diễn), hoạt động văn nghệ… nhiều lúc gặp không ít khó khăn, nhưng "tiếng hát át ngô khoai", bà vẫn vượt qua bằng sự nỗ lực, đam mê và nhiệt huyết của mình. Những ngày Câu lạc bộ dân ca xã Ngọc Sơn mới thành lập (2009), bà vừa đi vận động thành viên tham gia, vừa chạy vạy, xin kinh phí của các tổ chức, cá nhân, để duy trì hoạt động.

Nghệ nhân nhân dân Võ Thị Hồng Vân và bạn diễn. Ảnh: Huy Thư

Hiện tại, câu lạc bộ do bà làm Chủ nhiệm vẫn sinh hoạt đều đặn, phục vụ tốt nhu cầu của người dân và nhiệm chính trị của địa phương. Dưới sự dẫn dắt của bà, Câu lạc bộ dân ca xã Ngọc Sơn là câu lạc bộ mạnh hàng đầu ở huyện Thanh Chương, tham gia nhiều Liên hoan dân ca cấp tỉnh, liên tỉnh, quốc gia.

Cá nhân bà và Câu lạc bộ dân ca xã Ngọc Sơn đã giành được nhiều giải thưởng cao (A, B, Nhất, Nhì, Ba), được tặng nhiều Giấy khen, Bằng khen của Ban tổ chức Liên hoan dân ca Nghệ Tĩnh liên tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh, của UBND tỉnh Nghệ An, huyện Thanh Chương...

Câu lạc bộ dân ca xã Ngọc Sơn đã nhiều lần đi lưu diễn tại TP. Hồ Chí Minh, Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh thành, kết nối các miền di sản, góp phần lan tỏa dân ca và hình ảnh của quê hương đến với người dân nhiều miền quê trong cả nước.

Vinh dự và trách nhiệm nặng nề

Với những cống hiến của mình, năm 2015, bà đã vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, đánh dấu một mốc son trên chặng đường gắn bó với dân ca ví, giặm của “Bà Vân nghệ sĩ”.

Những năm gần đây, mỗi dịp hè, bà còn mở lớp dạy dân ca tại nhà, thu hút nhiều con em trong huyện đến tham gia học tập. Bà đã dùng phòng khách của nhà mình để làm không gian dạy hát cho các em. Điều đặc biệt là học trò của lớp học này không phải đóng học phí.

Hàng năm vào dịp hè, nghệ nhân Hồng Vân thường mở lớp dạy hát dân ca miễn phí tại nhà. Ảnh: Huy Thư

Cùng với việc dạy hát ở các câu lạc bộ, các đội văn nghệ, các nhà trường, bà xem lớp học dân ca miễn phí tại nhà là một cách để góp phần truyền lửa cho thế hệ trẻ tình yêu ví, giặm, để các em có thể tiếp nối, gìn giữ và làm lan tỏa di sản văn hóa của cha ông.

Trong quá trình "ươm những mầm xanh", bà đã kịp thời phát hiện, bồi dưỡng một số em có giọng hát hay, động viên các em tiếp tục thi vào các trường chuyên nghiệp. Hiện bà còn làm Trưởng ban Vận động thành lập Câu lạc bộ dân ca ví giặm Sông Lam huyện Thanh Chương.

Vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành các Quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” cho 628 nghệ nhân đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Theo Quyết định số 1020/QĐ-CTN, bà Võ Thị Hồng Vân đã được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” ở loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian và là nghệ nhân đầu tiên của tỉnh Nghệ An được phong tặng danh hiệu này.

Niềm hạnh phúc của vợ chồng Nghệ nhân nhân dân Võ Thị Hồng Vân. Ảnh: Huy Thư

Chia sẻ niềm vui khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân Võ Thị Hồng Vân phấn khởi cho biết: “Sau những đam mê, cố gắng của bản thân vì sự nghiệp gìn giữ, trao truyền và lan tỏa dân ca ví giặm, tôi đã được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân nhân dân.

Đây là phần thưởng vô cùng cao quý, là nguồn động viên to lớn của một nghệ nhân dân ca. Cùng với niềm vinh dự, tự hào, tôi cảm thấy trách nhiệm của mình càng nặng nề hơn, cần phải cố gắng nhiều hơn để tiếp tục đóng góp cho cộng đồng”.

Trăn trở lớn nhất của bà hiện nay là nỗi lo dân ca ví giặm bị mai một theo thời gian. Bà Vân cho rằng: Sau khi dân ca ví giặm được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại, hoạt động của các câu lạc bộ dân ca ở cơ sở dường như bị chững lại. Do đó, ban ngành các cấp cần có những cú “hích” để thúc đẩy phong trào hát dân ca, nhất là cấp cơ sở, phường xã, trường học phát triển lên một bước mới.

Nghệ nhân nhân dân Võ Thị Hồng Vân hiện là Trưởng ban vận động thành lập Câu lạc bộ ví, giặm Sông Lam huyện Thanh Chương. Ảnh: Huy Thư

Ngôi nhà riêng của gia đình bà nằm ven Quốc lộ 46, hàng ngày thường xuyên rộn rã tiếng cười, nói của người thân, bằng hữu, học trò… trao đổi, bàn bạc những câu chuyện liên quan đến dân ca. Trong phòng khách ngôi nhà 2 tầng mới xây khang trang treo đầy những Giấy khen, Bằng khen mà bà được tặng.

Gia đình bà có nhiều thế hệ biết hát dân ca. Cụ Lê Thị Vinh - mẹ bà là Nghệ nhân ưu tú, chồng và 4 người con của bà đều thích hát dân ca. Trước đây, một số tiết mục tham gia liên hoan cấp tỉnh đạt giải, do riêng gia đình bà đảm nhiệm. Gia đình Nghệ nhân Hồng Vân từng được Sở Văn hóa -Thể thao & Du lịch trao tặng "Gia đình có nhiều thế hệ nghệ nhân tham gia câu lạc bộ".

Đằng sau hình ảnh một người vợ, một người mẹ tần tảo, chăm lo cho gia đình, cho chồng con, gần như tất thảy thời gian còn lại bà đều dành cho ví, giặm, mà như chính người thân của bà từng thừa nhận “Mẹ suốt ngày chỉ có dân ca, ăn dân ca, ngủ dân ca”. Hằng đêm, bà vẫn thường chong đèn tới khuya, có khi thức giấc từ 3 - 4h sáng để soạn lời cho những tác phẩm dân ca tâm huyết.

Bà tâm sự: "Tôi sẽ tiếp tục công việc bấy lâu nay đã làm, đang làm và sẽ tìm mọi cách, bằng mọi hình thức để góp phần gìn giữ, trao truyền, quảng bá dân ca ví giặm. Ước mơ thì nhiều, nhưng trước mắt tôi đang ấp ủ viết một màn diễn xướng “dài hơi” về đảo chè Thanh Chương để quảng bá du lịch cho quê hương và tham gia Liên hoan dân ca ví, giặm cấp tỉnh sắp tới".

Nói về người nghệ nhân gạo cội của quê hương, ông Đặng Văn Hóa - Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Chương cho biết: Chị Võ Thị Hồng Vân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân" là niềm vinh dự, tự hào cho huyện Thanh Chương - cái nôi của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO công nhận.

Tôi tin tưởng và hy vọng, trong thời gian tới Nghệ nhân nhân dân Võ Thị Hồng Vân sẽ phát huy hết năng lực, trí tuệ và lòng nhiệt huyết của mình cùng anh chị em trong Câu lạc bộ Dân ca ví, giặmSông Lam huyện Thanh Chương mang lời ca, điệu ví đến với công chúng nhiều hơn; phối hợp với ngành Giáo dục, đưa dân ca vào trường học, góp phần phát huy và bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn huyện nhà.

Mới nhất

x
Từ thôn nữ yêu ví giặm đến danh hiệu Nghệ nhân nhân dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO