Tướng Cương nói về những thành tựu và thách thức của Trung Quốc

Nguyên Nguyên - Hữu Quân 30/09/2020 09:25

(Baonghean.vn) - Thiếu tướng Lê Văn Cương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học chiến lược, Bộ Công an có cuộc trao đổi với Báo Nghệ An nhân ngày Quốc khánh Trung Quốc 1/10, về những thành tựu Trung Quốc đạt được sau hơn 40 năm mở cửa cải cách kinh tế và những thách thức đối với quốc gia này trong thời gian tới.

P.V: Ngày 1/10/2020, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kỷ niệm 71 năm thành lập. Trong dòng chảy phát triển của lịch sử Trung Quốc cũng có những thăng trầm như các quốc gia khác. Thiếu tướng có thể cho biết những giai đoạn phát triển của Trung Quốc trong 71 năm qua?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Lịch sử là một dòng chảy liên tục, quốc gia nào cũng vậy. Nhưng dòng chảy này không bao giờ chảy thẳng cả, nó quanh co, khúc khuỷu, lúc lên, lúc xuống. Theo tôi, trong 71 năm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có thể chia làm 3 giai đoạn, mỗi giai đoạn có dấu ấn riêng của nó. Giai đoạn thứ nhất do ông Mao Trạch Đông làm lãnh đạo, từ 1/10/1949 đến khi ông Mao Trạch Đông qua đời, tháng 9/1976. Giai đoạn thứ hai từ năm 1978 - 2012 được coi là giai đoạn Đặng Tiểu Bình. Ông Đặng Tiểu Bình chính thức cầm quyền từ năm 1978 đến năm 1996. Hai đời Tổng Bí thư tiếp theo là Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào về cơ bản vẫn thực hiện trên đường lối, chính sách của ông Đặng Tiểu Bình. Từ Đại hội XVIII (tháng 2/2012), Trung Quốc bước sang một giai đoạn khác mang dấu ấn riêng của ông Tập Cận Bình.

Ảnh chân dung của Chủ tịch Mao Trạch Đông tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh: Ảnh Reuters
Ảnh chân dung của Chủ tịch Mao Trạch Đông tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Trong giai đoạn cầm quyền 26 năm, Mao Trạch Đông có công lớn trong dựng dậy, thống nhất Trung Quốc. Cho nên người dân Trung Quốc ghi công Mao Trạch Đông là người đã thống nhất đất nước, có công trong đánh đuổi phát xít Nhật, đánh đổ chế độ Tưởng Giới Thạch. Cho nên, có thể nói thời kỳ Mao Trạch Đông là thời kỳ dựng nước, nhưng về kinh tế - xã hội, Mao Trạch Đông cũng vấp rất nhiều sai lầm. Về kinh tế, sai lầm lớn nhất là giai đoạn năm 1958 - 1962 triển khai đường lối “3 ngọn cờ hồng” đại nhảy vọt, cực tả, dẫn đến một giai đoạn tiêu điều về kinh tế, hàng chục triệu người chết đói. Từ năm 1966 - 1976 triển khai cách mạng đại văn hóa, với mục đích công khai chống phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa nhưng thực chất đây là một cuộc thanh trừng.

Giai đoạn hai là giai đoạn của ông Đặng Tiểu Bình - có thể nói là con người đã dựng Trung Quốc trở thành siêu cường. Với chủ trương cởi trói cho 300 triệu lao động trong nước, thoát khỏi cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, ông Đặng Tiểu Bình đơn giản với châm ngôn “Mèo trắng, mèo đen không quan trọng”. Ý của ông là đừng có quan trọng đến quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa. Người nào cho kinh tế phát triển, mang lại đời sống là cho làm hết tất cả.
Về vấn đề đối ngoại, ông Đặng Tiểu Bình chủ trương bắt tay với Mỹ. Ông từng nói trong Bộ Chính trị, 50 năm nữa chúng ta không chống Mỹ, chúng ta chấp nhận Mỹ lãnh đạo thế giới; chấp nhập trật tự kinh tế, trật tự chính trị, trật tự luật pháp của Mỹ, chỉ yêu cầu Mỹ cho Trung Quốc hội nhập vào nền kinh tế Mỹ và phương Tây. Đầu óc siêu phàm của Đặng Tiểu Bình là ở chỗ, ông ta nói rằng khi nào Mỹ cho chúng ta hội nhập phương Tây, chúng ta sẽ thu hút nguồn tài chính khổng lồ của họ, thu hút công nghệ cao thông qua đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI của họ, cộng với 200 triệu lao động của Trung Quốc, biến Trung Quốc thành công xưởng.

Với chính sách đối nội - đối ngoại như vậy, sau 41 năm (từ năm 1978 đến 2019), Trung Quốc đã thu hút hơn 1.000 tỷ đô la đầu tư từ nước ngoài vào, tạo nên xương sống của nền kinh tế Trung Quốc. Năm 2019, sau 41 năm đường lối, chính sách mở cửa đã làm cho 400 triệu người Trung Quốc thoát nghèo khổ. Và Trung Quốc hiện có số lượng triệu phú lớn nhất trên thế giới. Nếu như năm 1978, thu nhập bình quân đầu người Trung Quốc chỉ đạt 190 đô la thì đến năm 2019, thu nhập bình quân đầu người là gần 10.000 đô la. Sau 41 năm, GDP bình quân đầu người tăng 52 lần. Năm 1949, GDP bình quân đầu người Trung Quốc là 30 đô la, sau 71 năm (năm 2019), bình quân đầu người là 10.000 đô la, tăng 330 lần sau 71 năm.

Một góc trung tâm thành phố Thượng Hải.
Một góc trung tâm thành phố Thượng Hải.

P.V: Theo Thiếu tướng, nguyên nhân nào mà Trung Quốc đạt được những thành tựu như vậy?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Về nguyên nhân thì có nhiều cách lý giải khác nhau. Mọi quốc gia trong các thời kỳ hưng thịnh đều gắn với minh quân. Sự phát triển rực rỡ của Trung Quốc, điều đầu tiên phải nói là vai trò có tính quyết định của ông Đặng Tiểu Bình. Ông ấy đã khơi dậy được 650 triệu người giải phóng để lao động, rồi làm giàu và thu hút được hàng nghìn tỷ đô la của thế giới vào đầu tư. Có thể nói, vai trò của Đặng Tiểu Bình là số 1.

Nguyên nhân thứ hai là, 650 triệu người được giải phóng khỏi “vòng kim cô” - cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp để làm giàu.

Nguyên nhân thứ ba là, Trung Quốc đã tận dụng tối đa công nghệ cao của châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Có thể thấy môi trường quốc tế quá thuận lợi khi cả thế giới tư bản mở cửa hợp tác với Trung Quốc.

P.V: Thưa Thiếu tướng, giai đoạn 1978-2019, nhiều người đánh giá đó là thời kỳ vàng son của Trung Quốc. Bước vào năm 2020, thế giới và Trung Quốc cũng đang gặp những khó khăn nhất định. Theo Thiếu tướng, khó khăn của Trung Quốc có nặng nề so với những dự báo của phương Tây hay không?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Dư luận thế giới cho rằng, giai đoạn 1978 - 2019 là thời kỳ vàng son. Nhưng từ năm 2020 này Trung Quốc bước sang giai đoạn hoàn toàn khác: Khó khăn lắm, thách thức nhiều.

Trước hết là môi trường quốc tế, đại dịch Covid-19 đã thức tỉnh thế giới là không được tổ chức nền sản xuất phụ thuộc vào Trung Quốc. Chính đại dịch Covid-19 đã thức tỉnh các quốc gia trên thế giới phải nhớ châm ngôn là “không bỏ hết trứng vào một giỏ”. Tất nhiên, không thể tách rời Trung Quốc được trong thời kỳ toàn cầu hóa hiện nay vì nó thực sự đã đan xen nhau. Nhưng môi trường quốc tế hoàn toàn không thuận lợi cho Trung Quốc như 41 năm vừa rồi. Khó khăn chồng chất đối với quan hệ kinh tế quốc tế. Trung Quốc bây giờ không còn dễ dàng khai thác thuận lợi của phương Tây và quốc tế nữa.

Đại dịch Covid-19 cũng là một đòn nặng tác động làm nền kinh tế Trung Quốc suy thoái (Trong ảnh: Một ga tàu điện ngầm ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc). Ảnh minh họa: THX
Đại dịch Covid-19 cũng là một đòn nặng tác động làm nền kinh tế Trung Quốc suy thoái. Trong ảnh: Một ga tàu điện ngầm ở tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh minh họa: THX

Khó khăn thứ hai, đại dịch Covid-19 cũng là một đòn nặng tác động làm nền kinh tế suy thoái. Năm 2020 này cố gắng lắm Trung Quốc tăng được 2-3%. Theo nhiều nguồn tin, hiện Trung Quốc có 30 - 40 triệu người thất nghiệp, hàng trăm nghìn doanh nghiệp phá sản. Đó là chưa kể 41 năm chạy maraton với các nền kinh tế mạnh trên thế giới: đuổi Pháp vượt Pháp, đuổi Anh vượt Anh, đuổi Đức vượt Đức, đuổi Nhật vượt Nhật và đang đuổi Mỹ để vượt Mỹ; bằng cách đầu tư, tạo ra một núi nợ khổng lồ (của cả chính phủ, các địa phương).

Theo các nhà kinh tế, khi tổng nợ công đến khoảng 130% GDP thì khả năng trả nợ còn (giới hạn an toàn của nợ công). Trong lúc đó, theo nhiều chuyên gia, nợ công của Trung Quốc hiện nay ít nhất là 300% GDP, tức là khoảng 40 ngàn tỷ đô la. Nợ công không phải là vấn đề dễ dàng giải quyết. Trung Quốc đến thời kỳ 2021, 2030, 2049 sẽ phải đối mặt với nguồn nhân lực do 35 năm thực hiện chế độ 1 con. Từ nay đến năm 2030 lực lượng lao động sẽ giảm hẳn, lực lượng người nghỉ hưu tăng lên.

Xét theo phương diện quốc tế, phương diện nội bộ, cả về nhân chủng học, xã hội chồng chất khó khăn. Thời kỳ cất cánh của Trung Quốc đã qua, trước mắt sẽ là một thời kỳ khó khăn và cực kỳ thách thức. Nhưng tôi tin rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc đủ trí tuệ, bản lĩnh để vượt qua khó khăn này nhưng không thể tạo ra kỳ tích mới.

P.V: Ở phương diện khác, quan hệ Trung - Mỹ trong thời gian vừa qua cũng gây nhiều chú ý trên diễn đàn quốc tế. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là “một cuộc chiến tranh lạnh” và có nguy cơ đụng độ về mặt quân sự. Theo thiếu tướng khả năng đó có diễn ra hay không?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Cả thế giới đang theo dõi quan hệ Mỹ - Trung. Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ - Trung tác động toàn cầu về kinh tế. Theo tôi, quan hệ Trung - Mỹ thời kỳ êm đẹp, vàng son (từ năm 1978 - 2017) đã qua rồi. Từ nay về sau quan hệ Trung - Mỹ không tốt đẹp như thời gian qua. Càng ngày càng cạnh tranh gay gắt mang tính đối đầu. Nhưng ít ra trong 10 năm tới chưa có khả năng diễn ra chiến tranh lạnh, bởi lẽ bằng mọi cách Trung Quốc rất sợ chiến tranh lạnh với Mỹ.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản hôm 29/6/2019. Ảnh: Getty Images
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản hôm 29/6/2019. Ảnh: Getty Images

Nếu chiến tranh lạnh xảy ra, giấc mộng Trung Hoa của ông Tập Cận Bình sẽ tan thành mây khói. Cho nên Trung Quốc bằng mọi cách tránh một cuộc chiến tranh lạnh với Mỹ, và như vậy chắc chắn sẽ không có một cuộc chiến tranh nóng, ít ra trong 10 năm nữa vì cả 2 nước còn cần nhau, cho dù họ đối kháng nhau về hệ giá trị, mâu thuẫn đối kháng nhau về mục tiêu chiến lược toàn cầu, nhưng họ dính vào nhau quá nhiều về mối quan hệ kinh tế. Họ vẫn cần nhau trong khi vẫn đối đầu với nhau.

Tuy nhiên, dù không diễn ra chiến tranh lạnh - chiến tranh nóng, nhưng mối quan hệ Mỹ - Trung càng ngày càng căng thẳng nhưng vẫn trong vòng kiểm soát.

P.V:Xin cảm ơn Thiếu tướng!

Theo (Thực hiện)
Copy Link

Mới nhất

x
Tướng Cương nói về những thành tựu và thách thức của Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO