Tuyển chọn ngoại binh ở V-League 2022: Canh bạc đau đầu của SLNA và nhiều CLB

Bá Tuấn 21/01/2022 19:30

(Baonghean.vn) - Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa V-League 2022 sẽ khởi tranh, nhưng cho tới thời điểm này rất nhiều CLB trong đó có SLNA vẫn đang đau đầu với các suất ngoại binh. Có lẽ chỉ HAGL hay Viettel là có thể tạm yên tâm với chất lượng của các ngoại binh đã tuyển được.

V-League 2022 sẽ khởi tranh vào ngày 25/2 tới đây, tức là chỉ còn khoảng 1 tháng nữa, toàn bộ 13 đội bóng tham gia tranh tài sẽ phải hoàn tất mọi thủ tục đăng ký danh sách cầu thủ. Trong suốt 3 tháng trở lại đây, thị trường chuyển nhượng của bóng đá Việt Nam đã diễn biến sôi nổi khi các đội bóng như Hà Nội FC, Hải Phòng, SLNA,... và đặc biệt là Topenland Bình Định đều liên tục nổ bom tấn. Nhìn vào những tân binh được các đội bóng đem về, người hâm mộ cảm thấy vô cùng phấn khởi bởi chất lượng và tên tuổi của họ đều đã được khẳng định, có thể kể tới Nghiêm Xuân Tú, Mạc Hồng Quân, Quế Ngọc Hải,...

Chất lượng ngoại binh có ý nghĩa quyết định đến tham vọng vô địch của một CLB ở V-League. Ảnh: HAGL

Tuy nhiên, trái ngược với bức tranh đầy màu sắc của các cầu thủ nội trên thị trường chuyển nhượng, thì nhiệm vụ chiêu mộ đủ số lượng ngoại binh, đảm bảo chất lượng để đăng ký cho V-League 2022 đang khiến rất nhiều CLB cảm thấy đau đầu.

Bắt đầu với đội bóng thủ đô, Hà Nội FC đã đưa về 3 ngoại binh bao gồm Ivancic, Djuro Zec và Thomas Verheydt. Đây đều là những cầu thủ đắt giá, riêng Djuro Zec là cầu thủ có giá trị cao nhất V.League 2022 (tính đến thời điểm này) khi được trang Transfermarkt định giá lên đến 18 tỷ đồng. Tuy nhiên cả 3 chân sút này đều chưa để lại dấu ấn gì ở CLB. Trong trận giao hữu mới đây với đội bóng hạng Nhất Phố Hiến, Hà Nội vẫn phải cậy nhờ 2 lão tướng Thành Lương và Văn Quyết mới thắng ngược 3-2. Thậm chí, đã có những thông tin cho rằng, đội bóng của bầu Hiển đang cân nhắc thanh lý Djuro Zec đắt giá chỉ sau 2 tuần ra mắt CLB.

Hà Nội vẫn sở hữu dàn nội binh chất lượng, nhưng bài học của mùa giải 2020 và 2021 vẫn còn đó, khi những tuyển thủ quốc gia như Quang Hải, Đình Trọng, Văn Hậu,... quá tải và bị chấn thương tàn phá sau khi phải cày ải cùng tuyển Việt Nam. Ở V.League 2021, Hà Nội đã bất lực khi nhìn 2 ngoại binh Geovane và Bruno Cunha thích nghi chậm chạp và có những màn trình diễn tệ hại.

Rõ ràng, Hà Nội FC không có sự ổn định như Viettel, đội bóng áo lính sở hữu đến 4 ngoại binh gồm Jaha, Geovane, Pedro Paulo và Caique. Trong số này, ngoài Geovane sẽ cần thời gian để tìm lại phong độ sau giai đoạn thất vọng tại Hà Nội, thì cả 3 ngoại binh còn lại đều đã quá hiểu Viettel và triết lý của HLV trưởng Trương Việt Hoàng.

Ứng viên vô địch khác là HAGL với 2 trung vệ Mauricio, Kim Dong Su và 2 tiền đạo Baiano, Brandao cũng đã cho thấy những dấu hiệu vô cùng hứa hẹn. Đặc biệt, Kim Dong Su và Brandao đều đã thi đấu ấn tượng ở V.League 2021 để giúp HAGL dẫn đầu BXH trước khi giải bị hủy. Câu hỏi đặt ra cho HAGL lúc này có chăng chỉ là liệu có ổn không khi họ quyết định không bổ sung thêm nội binh, mà thay vào đó tin tưởng vào các cầu thủ trẻ?

Các ngoại binh của Hà Nội FC có màn thể hiện nhạt nhòa ở trận giao hữu với Phố Hiến mới đây. Ảnh: Hà Nội FC

Một đội bóng khác cũng sở hữu những ngoại binh tên tuổi, đều từng làm mưa làm gió tại V-League là "đại gia mới" T.Bình Định. Đội bóng đất Võ đang nắm trong tay Rafaelson, Jermie Lynch - những tiền đạo có lối chơi phóng khoáng, rực lửa - và Hendrio Araujo. Tuy nhiên HLV Nguyễn Đức Thắng vẫn đang loay hoay tìm ra phương án kết hợp 2 cá tính mạnh Rafaelson và Lynch trên hàng công.

Về lý thuyết, Topenland Bình Định đang có một lực lượng mạnh có thể nói là khủng khiếp với chất lượng nội binh và ngoại binh đều trên cả tuyệt vời. Nhưng nếu họ gặp vấn đề với các cầu thủ ngoại, thì giấc mơ vô địch V-League 2022 sẽ khó lòng thành hiện thực.

Thế lực cũ của bóng đá Việt Nam Becamex Bình Dương cũng là một trong những CLB chật vật với ngoại binh. Những cái tên như Petrovic Tudor, Michaelou và trung vệ Oliver đều chưa để lại dấu ấn đáng kể nào. Thậm chí sẽ không bất ngờ nếu B.Bình Dương thanh lý toàn bộ 3 cái tên này trong thời gian tới dù V-League 2022 đã cận kề ngày khởi tranh.

SLNA cũng đang đau đầu chọn ra thêm 2 ngoại binh nữa sau Olaha cho V-League 2022. Ảnh: SLNA

Một trong những nguyên nhân khiến các CLB đang gặp khó trong việc xác định các ngoại binh chất lượng chính là do xu thế bóng đá hiện đại. Cụ thể, các ngoại binh không muốn thử việc quá lâu mà phải nhanh chóng được trao bản hợp đồng, vì không muốn mất tiền oan khi đến một vùng đất mới toanh mà không tìm được CLB. Khi đó, đòi hỏi các CLB phải nghiên cứu kỹ băng hình và thông số kỹ thuật của các "ông Tây" trước khi gật đầu chấp nhận đưa họ sang Việt Nam ký hợp đồng với CLB.

Các CLB khác như SHB Đà Nẵng, SLNA thậm chí còn đang gặp khó trong việc chấm đủ 3 ngoại binh, họ vẫn đang trong quá trình gấp rút bổ sung cho đủ người trước mùa bóng. Nếu như HLV Phan Thanh Hùng của Đà Nẵng phải tìm người môi giới để giới thiệu gấp các ngoại binh sau giải tập huấn thất vọng ở Cúp Hoàng đế Quang Trung 2022, thì HLV Huy Hoàng của SLNA mới chỉ có trong tay Olaha, và đang còn cân nhắc giữa 5 lựa chọn gồm Trung vệ Thiago Melo, tiền vệ Jong Mark, tiền đạo Carlos Sanchez, Vuciavic, Vinicius để bổ sung thêm 2 ngoại binh mới chất lượng nữa nhằm hiện thực hóa mục tiêu lọt vào tốp 3 V-League 2022.

Theo thông tin từ BHL SLNA, CLB sẽ ưu tiên chọn 1 ngoại binh cho vị trí tiền vệ và 1 tiền đạo. Sau chuyến du đấu miền Nam trở về đội bóng xứ Nghệ sẽ ra quyết định ký hợp đồng với 2 trong 5 cầu thủ nói trên.

Trong khi đó, 2 đội bóng Sài Thành là CLB TP.HCM và Sài Gòn FC đang trải qua tình cảnh trái ngược. Với Sài Gòn, họ chưa có đủ 3 ngoại binh, nhưng đã ký với 2 tiền đạo có chất lượng tương đối ổn là Oseni và Vieira. Còn TP.HCM đã đủ 3 ngoại binh, nhưng suốt 2 năm qua, đội bóng này chưa bao giờ khiến người hâm mộ yên tâm về chất lượng cầu thủ ngoại của họ. Lucas, Cosendey và Joseph đều là những cầu thủ vô danh và không biết chừng họ sẽ tiếp tục gieo rắc cơn ác mộng mang tên "ngoại binh chất lượng thấp" cho TP.HCM.



Mới nhất

x
Tuyển chọn ngoại binh ở V-League 2022: Canh bạc đau đầu của SLNA và nhiều CLB
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO