V- League và chuyện 'nước chảy chỗ trũng'
(Baonghean.vn) - Câu chuyện của Công an Hà Nội đang đi theo đúng quy luật “nước chảy chỗ trũng” mà bất cứ nền bóng đá chuyên nghiệp nào cũng phải chấp thuận.
V-League 2023 hiện đang trong thời kỳ tạm nghỉ để nhường chỗ cho đợt tập trung của Đội tuyển Việt Nam hướng tới FIFA Day giữa tháng 6. Trên thực tế, đây là quãng thời gian để các đội bóng chuẩn bị lực lượng trước 2 vòng đấu cuối của giai đoạn 1, tức vòng 12 và 13, để nếu lọt vào vòng 8 đội ở nhóm 1 thì tập trung cho mục tiêu vô địch và thứ hạng cao; và để chống xuống hạng trong trường hợp rơi vào nhóm 2…
Vì vậy, nói là nghỉ thi đấu nhưng các đội bóng đang hoạt động hết công suất, cụ thể là việc chuẩn bị bổ sung, thay thế cầu thủ theo quy định của Điều lệ giải. Theo đó, giai đoạn đăng ký thứ 2 này cho phép các đội đăng ký bổ sung đủ quân số 30 cầu thủ, gồm cả cầu thủ Việt Nam, cầu thủ nước ngoài gốc Việt và cầu thủ nước ngoài. Qua 13 vòng đấu giai đoạn 1, kết quả mang lại cho phép các đội bóng đánh giá cụ thể từng người, từng vị trí để thay đổi, bổ sung và nói cho cùng, không cần phải đi hết quãng đường dài nói trên mới có được cái nhìn khách quan, chính xác trước khi ra quyết định.
Hiện tại, thông tin về thay đổi, bổ sung lực lượng của các đội bóng đang được tung ra hàng ngày. Các đội bóng mạnh như Hà Nội FC, Công an Hà Nội, Viettel…đang vào cuộc rầm rộ nhất, “chiếm sóng” nhiều nhất trên thị trường cầu thủ. Đáng nói nhất là sau trận thắng Đông Á Thanh Hóa trên sân khách ở vòng 11 với tỷ số khó tin 4-1, Công an Hà Nội vươn lên nhì bảng xếp hạng và bắt đầu cho thấy hình dáng thực sự của ứng viên số 1 cạnh tranh ngôi vô địch.
Đội bóng này sẽ làm tất cả để có được lực lượng mạnh nhất, phục vụ cho tham vọng, với việc tuyển mộ, cho mượn, chuyển đổi các ngôi sao nội và ngoại binh. Chẳng hạn, Hendrio và Khắc Ngọc từ Thép Xanh Nam Định có thể chuyển sang đội bóng ngành Công an và Văn Thanh, Văn Vũ từ đây sẽ di chuyển theo chiều ngược lại khi họ tính toán về nhân sự tốt nhất cho đội hình? Sông Lam Nghệ An trở lại thời kỳ nghèo khó sẽ phải để Ngọc Hải, Văn Hoàng rời đội bóng quê hương ra Thủ đô để trước hết là tồn tại mà chưa thể “mơ” về bất cứ điều gì trong thời điểm hiện tại?
Đội đương kim vô địch Hà Nội FC với lực lượng hùng hậu nhưng đang trải qua thời kỳ khó khăn do vắng hàng loạt trụ cột. Cuộc cạnh tranh sắp tới có thể gay cấn nếu Hà Nội FC không từ bỏ tham vọng, tiếp tục nâng cấp và bổ sung lực lượng, để vừa “cứu mình”, không để văng quá xa tốp 3, lại vừa ‘cứu đồng đội” như SHB Đà Nẵng ở cuối bảng xếp hạng. Thép Xanh Nam Định sau hồi khởi động rôm rả đang dần bế tắc, đá mãi không thắng, cũng phải thay đổi trước khi quá muộn. Sông Lam Nghệ An vừa được đích thân chủ tịch câu lạc bộ thông tin về việc doanh nghiệp tài trợ khó khăn, thay đổi cơ chế thưởng, tích cực sử dụng cầu thủ trẻ để trưởng thành…Tất cả đang báo hiệu nhiều sự thay đổi đang và sẽ diễn ra sau giai đoạn 1 và hứa hẹn mang lại bức tranh sinh động, đáng xem ở giai đoạn 2 quyết định.
Đừng lạ lẫm nếu thấy Công an Hà Nội sẽ hiện diện đầy đủ các ngôi sao tầm cỡ, để hành quân tới ngôi vô địch, còn Sông Lam Nghệ An ra sân với hàng loạt cái tên trẻ trung, tiềm năng và mục tiêu đề ra chỉ là… khiêm tốn, vừa sức, vừa miếng mà thôi! Vấn đề đặt ra với đội bóng thành Vinh là làm sao đạt kết quả có lợi ở vòng đấu thứ 12 và 13 sắp tới trước Bình Định và Hà Nội FC, những đội bóng có thực lực và tham vọng nhưng không ở trạng thái tốt nhất hiện tại?
Bình Định đang đi qua thời “hoàng kim” một mùa, nay nhà tài trợ kêu khó còn trước cả Sông Lam Nghệ An nên cũng đang sa sút thấy rõ? Hà Nội FC đang không có Văn Quyết, Hùng Dũng nên nếu căng ra đá, Sông Lam Nghệ An ít nhất có thể không thua. Tiếc là nếu Ngọc Hải vừa chơi cực hay, vừa cực dở như những trận gần đây thì cơ hội lọt tốp 8 của Sông Lam Nghệ An nói chung là rất …mơ hồ và viển vông?
Câu chuyện của Công an Hà Nội đang đi theo đúng quy luật “nước chảy chỗ trũng” mà bất cứ nền bóng đá chuyên nghiệp nào cũng phải chấp thuận. Đội bóng có thực lực, có tham vọng sẽ bằng mọi cách mua sắm đủ thầy giỏi, trò giỏi để đoạt ngôi vô địch trong nước, từng bước tham dự các giải đấu khu vực và châu lục, làm nền tảng cho đội tuyển quốc gia. Đó là điều quan trọng và cần thiết cho một nền bóng đá cạnh tranh và phát triển. Trong khi đó, các đội bóng khác cũng bắt buộc phải “chiến đấu” để trụ hạng, để sản sinh ra, nuôi lớn những cầu thủ đáp ứng nhiệm vụ lớn nhỏ.
Người am hiểu hẳn còn nhớ Ajax Amsterdam từng vô địch Cup C1 châu Âu với hàng loạt ngôi sao lừng danh, sau đó “tan đàn xẻ nghé” tứ phương bởi các đội bóng mạnh thu hút. Cho đến nay, họ vẫn đều đặn sản sinh ra vô số ngôi sao để đi ra, tỏa sáng trên bầu trời bóng đá thế giới. Ajax vẫn tồn tại, vẫn là “thương hiệu mạnh” dù không thể một lần với tới Champions League. Sông Lam Nghệ An ở V-League không thể so sánh với bất cứ ai, nhưng ít nhất cũng giúp hình dung một “thương hiệu” về đào tạo trẻ, về sản sinh ra các ngôi sao để cống hiến, trưởng thành, góp vào thành công chung của bóng đá Việt bằng dấu ấn riêng không lẫn vào đâu được.
Trong chuyển động chung của V-League quãng nghỉ không yên tĩnh này, riêng với việc bổ sung, chuyển đổi cầu thủ của các đội bóng đã liên quan đến những cái tên cũ mới của Sông Lam Nghệ An như Khắc Ngọc, Ngọc Hải, Văn Hoàng…, để tụ về đội bóng ứng viên hùng mạnh Công an Hà Nội đủ nói lên điều đáng quan tâm suy ngẫm đó. Chuyện không mới mà vẫn mới, lo âu một chút nhưng nói cho cùng là “quy luật” không thể khác của bóng đá chuyên nghiệp mà chúng ta đang đi những bước bỡ ngỡ đầu tiên./.