Vang mãi khúc quân hành

Thanh Quỳnh 27/07/2023 16:15

(Baonghean.vn) - Những ngày này, dưới chân Bia ghi danh Trung đoàn Bộ binh 27 (xã Nam Anh, huyện Nam Đàn) - một biểu tượng của khí phách và tinh thần quyết chiến của quân và dân ta giữa thời bom đạn, những người cựu chiến binh cùng nhau tìm về và cất vang Khúc quân hành.

Khúc quân hành ấy trong chiến trận là lời hiệu triệu lên đường, là khát vọng đấu tranh vì độc lập dân tộc; giờ đây, nó lại như là hiệu lệnh để những người lính Cụ Hồ cùng nhau thắp sáng tinh thần đoàn kết, chung tay gây dựng cuộc sống mới ấm no và hạnh phúc.

bna_ảnh 1. cựu chiến binh quân ca.jpg
Những người cựu binh cùng nhau hát vang khúc quân hành của người lính trong những ngày tháng 7 đầy hồi ức tại Bia ghi danh Trung đoàn bộ binh 27 (xã Nam Anh, huyện Nam Đàn). Ảnh: Thanh Quỳnh

“Chủ công” trong những phong trào thi đua yêu nước

Tháng 7, khuôn viên Đài tưởng niệm xã Nam Anh, huyện Nam Đàn lại rộng cửa đón chào những người con của quê hương về đây tri ân, tưởng nhớ những anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh tuổi xuân của mình vì độc lập, tự do của đất nước.

Trong khuôn viên đài tưởng niệm ấy, có một chiếc bia dẫn tích đặc biệt được làm từ đá nguyên khối, lưu dấu sự kiện ý nghĩa vào ngày 8/2/1968. Tại đây, Trung đoàn Bộ binh 27 được thành lập và làm lễ xuất quân vào chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Hơn 7 năm chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 27 đã tham gia 4 chiến dịch lớn: Chiến dịch Mậu Thân 1968, Chiến dịch Đường 9 Nam Lào 1971; Chiến dịch Giải phóng Quảng Trị 1972; Chiến dịch Hồ Chí Minh 1975. Đơn vị đã đánh 1.416 trận, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 28.454 tên địch; bắn rơi 799 xe quân sự, 391 máy bay…

bna_cựu chiến binh.jpg
Bia ghi danh Trung đoàn bộ binh 27 là nơi vun đắp niềm tự hào cho biết bao thế hệ trên mảnh đất Nam Đàn nói riêng, Nghệ An nói chung. Ảnh: Thanh Quỳnh

Sau những chiến công đó, Trung đoàn Bộ binh 27 được Nhà nước tặng thưởng 13 Huân chương Quân công, 1.023 Huân chương Chiến công; có 151 Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ Quyết thắng và nhiều giải thưởng cao quý khác. Đó là niềm tự hào không chỉ với con em địa phương, mà còn là địa chỉ đỏ để những người con xứ Nghệ mọi miền tìm về với niềm tri ân sâu lắng.

Trong không gian thiêng liêng ấy, ông Nguyễn Công Thìn - Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh huyện Nam Đàn cho biết, chính quyền địa phương xã Nam Anh luôn ý thức được giá trị của đài tưởng niệm cũng như bia ghi danh này, nên trong năm vừa qua đã có chủ trương tôn tạo khang trang. Tuy nhiên, vì nguồn kinh phí hạn hẹp nên địa phương đã cố gắng huy động nguồn xã hội hóa để hoàn thiện công trình.

Trước chủ trương đó, 462 gia đình hội viên cựu chiến binh của xã ngoài ủng hộ 300 nghìn đồng mỗi gia đình thì nhiều hội viên còn tiên phong ủng hộ thêm gần 29 triệu đồng để đóng góp xây dựng. Dù rằng đó chưa phải là một số tiền quá lớn, nhưng điều khiến cho cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận chính là tinh thần trên dưới một lòng, luôn đi đầu trong các phong trào thi đua tại nơi mình sinh sống của những người từng khoác màu áo lính.

Chính tinh thần ấy đã đưa Hội Cựu chiến binh xã Nam Anh trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu tiêu biểu của huyện Nam Đàn, là lực lượng góp phần quan trọng để đưa Nam Anh cán đích đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong đầu năm nay.

bna_ảnh 8 cựu chiến binh.jpg
Diện mạo xã Nam Anh đổi thay tích cực có một phần không thể thiếu công sức của những người cựu binh gương mẫu, đi đầu. Ảnh: Hội CCB xã Nam Anh cung cấp

Để minh chứng thêm cho lời khẳng định của mình, ông Nguyễn Công Thìn dẫn chúng tôi về với địa bàn xóm 3 của xã Nam Anh - nơi Hội Cựu chiến binh xã được giao “chủ công” trong việc xây dựng tuyến đường mẫu. Điều đặc biệt ở xóm 3 là cán bộ thôn xóm có thế vững như “kiềng 3 chân” khi Bí thư Chi bộ, Xóm trưởng, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh là 3 cựu chiến binh đầy gương mẫu, xông xáo trong mọi hoạt động của địa phương.

Còn nhớ quãng thời gian năm 2019, sau khi sáp nhập thì số dân của xóm tăng lên 376 hộ, với 1.476 nhân khẩu. Dân cư đông, người dân chủ yếu làm nông và kinh doanh, buôn bán nhỏ, nên bước đầu ban cán sự xóm còn gặp nhiều khó khăn. Vậy nhưng, trong thời điểm chuyển giao nhiều biến động ấy, 3 cựu chiến binh vẫn luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng để giải đáp mọi thắc mắc của từng người dân trong xóm. Và rồi, chính họ luôn là cầu nối giữa bà con với những chủ trương, nghị quyết đến từ cấp ủy, chính quyền. Từ việc hoàn thiện các tiêu chí xây dựng cơ sở hạ tầng cho tới triển khai các phong trào, cuộc vận động đều được người dân ủng hộ, đồng tình cao.

bna_bộ 3 nam anh.jpg
"Bộ ba" Xóm trưởng - Bí thư xóm- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xóm 3, xã Nam Anh. Ảnh tư liệu: Ngân Hạnh

Nhờ vậy, phong trào xây dựng nông thôn mới của xóm luôn đi đầu, chỉ trong 3 năm từ 2020 đến 2023, diện mạo xóm 3, xã Nam Anh đã ngày càng đổi khác, xanh - sạch - đẹp hơn. Toàn xóm đã bê tông hoá nhiều tuyến đường với tổng chiều dài 5,9km, trong đó kêu gọi sự ủng hộ của bà con trên 1,4 tỷ đồng, bình quân mỗi khẩu ủng hộ khoảng 1 triệu đồng.

Ngoài ra, bà con còn tự bỏ tiền lắp đặt nắp đậy mương thoát nước, xây dựng sân thể thao với tổng giá trị khoảng 160 triệu đồng. Năm 2023, xóm 3, xã Nam Anh được UBND tỉnh tặng Bằng khen "Có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2022, góp phần thực hiện phong trào Nghệ An chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025".

Sáng mãi tinh thần Bộ đội Cụ Hồ

“Trong chiến đấu không lùi bước trước kẻ thù, trong thời bình không khuất phục trước đói nghèo”, đó chính là điều mà các cựu chiến binh vẫn động viên nhau khi trở về cuộc sống đời thường. Hôm nay, đi qua vùng Khe Điếc (xóm 5, xã Nam Anh) thì tinh thần ấy lại sáng rõ qua hành trình vươn lên làm kinh tế của cựu binh Nguyễn Kim Tứ (sinh năm 1960).

bna_Cựu binh 2.jpg
Mô hình kinh tế của cựu binh Nguyễn Kim Tứ (xóm 5, xã Nam Anh). Ảnh: Thanh Quỳnh

Dẫn chúng tôi về với gia trại tổng hợp rộng hơn 1.700m2 của gia đình, người cựu binh trong màu áo xanh giản dị cho biết rằng, đây từng là diện tích canh tác lúa kém hiệu quả của địa phương. Nhà ông ở cách diện tích đất này gần 1km, hằng ngày đi qua đây thấy đất đai bạc màu mà trong lòng tiếc nuối. Nhưng vốn liếng đâu để đầu tư? Giữa lúc nặng nỗi niềm trăn trở đó, ông được cựu binh - Bí thư Chi bộ xóm Nguyễn Kim Thanh (sinh năm 1962) thông báo tin vui rằng: Ông sẽ được chi hội cho vay 16 triệu đồng từ nguồn quỹ do Hội Cựu chiến binh quản lý; đồng thời có thể vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác cho Hội Cựu chiến binh để xây dựng mô hình.

Tin vui ấy như hóa giải được bao nỗi lo lắng trong ông, để rồi đầu năm 2021, ông đã hoàn tất các thủ tục vay vốn để cải tạo diện tích ao rộng gần 1.000m2, thả nhiều giống cá, quanh vườn trồng 200 gốc ổi và rau, củ sạch. Cùng với việc chăn nuôi gia cầm, ông tận dụng mở một quán ăn nhỏ trên diện tích gần mặt đường của gia trại. Nhờ vậy, trong gần 3 năm qua, mô hình đã từng bước đem lại nguồn thu ổn định. Người cựu binh năm nào đã chiến thắng được đói nghèo như mong muốn. Có được thành quả đó, ông vẫn dành sự biết ơn đối với những đồng đội của mình, đặc biệt là người đồng chí, người Bí thư xóm Nguyễn Kim Thanh.

bna_ảnh 3 cực chiến binh.jpg
Thường trực Hội Cựu chiến binh xã Nam Anh cùng Bí thư Chi bộ giỏi xóm 5 – Nguyễn Kim Thanh (giữa ảnh) là những cựu binh nhiệt huyết, được người dân, cấp ủy, chính quyền ghi nhận, đánh giá cao. Ảnh: Thanh Quỳnh

“Ông Nguyễn Kim Thanh là thương binh 4/4 với thương tật 36%, lúc còn chiến đấu ông là tiểu đội trưởng, giờ đây thời bình ông lại là người đứng đầu chi bộ xóm. Bởi tính cách nói được, làm được cho nên ông đã được tuyên dương điển hình dân vận khéo của huyện Nam Đàn, đồng thời còn đạt danh hiệu “Bí thư Chi bộ giỏi” trong năm 2022 vừa qua”, ông Nguyễn Kim Tứ không giấu niềm tự hào khi chia sẻ về người đồng đội của mình.

Và còn nhiều những cựu binh khác được đồng đội giúp đỡ như Nguyễn Hoàng Lợi (sinh năm 1943) khi gia đình không may gặp hỏa hoạn vào năm 2019, ông đã được đồng đội đứng ra vận động, quyên góp được 26 triệu đồng để khắc phục sự cố. Họ cũng là người túc trực để giúp đỡ cho gia đình ông phục hồi lại nhà cửa, tài sản trong lúc khốn khó. Hay như cựu binh Hồ Việt Tứ (sinh năm 1961) không may bị tai biến năm 2021 cũng được các đồng đội giúp đỡ hết lòng.

bna_cựu binh.jpg
Những nụ cười luôn tỏa rạng khi những người cựu binh trở thành điểm tựa của nhau và cùng giúp nhau vươn lên trong cuộc sống. Ảnh: Thanh Quỳnh

Những câu chuyện thấm đẫm tình người, tình đoàn kết của những người cựu binh đã khiến cho chúng tôi có nhiều cảm xúc lắng đọng khi chia tay mảnh đất Nam Anh. Ông Đinh Xuân Minh - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Nam Đàn nhắn nhủ rằng, sinh ra ở Quê Bác - hai tiếng thiêng liêng trong tâm thức của những người dân xứ Nghệ luôn là một niềm tự hào, một lời nhắc nhở đối với những người lính Cụ Hồ năm xưa. Để rồi giữa chiến trận họ chiến đấu hết mình, giữa thời bình lại trở thành sợi dây đoàn kết góp sức xây dựng quê hương.

Giờ đây, trên địa bàn huyện Nam Đàn, lực lượng cựu chiến binh đang đóng vai trò nòng cốt khi có tới 61 đồng chí được hội viên bầu làm Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ; 57 đồng chí là xóm trưởng và 68 đồng chí là Trưởng ban MTTQ xóm. Họ như những “cánh chim không mỏi” để sống có ích và đóng góp hết mình cho xã hội tới khi tuổi xế chiều. Để rồi, bản thân không thấy hổ thẹn với danh hiệu “Người lính Cụ Hồ”.

Mới nhất
x
Vang mãi khúc quân hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO