Vị bác sĩ tâm huyết với sự nghiệp y tế ở miền núi

Vị bác sĩ tâm huyết với sự nghiệp y tế ở miền núi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

(Baonghean.vn) - Những cống hiến, đóng góp quý giá của bác sĩ Đặng Tân Minh đã giúp cho ngành y tế huyện miền núi Quỳ Châu ngày càng phát triển. Bác sĩ Minh là tấm gương sáng về một lương y dấn thân vì sự nghiệp chữa bệnh, cứu người.

Một lòng vì người bệnh

Năm 1992, tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình trở về quê hương ở xã ven biển Diễn Thành (huyện Diễn Châu), cũng vừa lúc, bác sĩ trẻ Đặng Tân Minh nghe tin Ban Tổ chức chính quyền tỉnh Nghệ An tuyển dụng bác sĩ lên làm việc tại huyện miền núi Quỳ Châu. Với khát khao được hành nghề cứu chữa cho người bệnh, bác sĩ Minh liền đăng ký và trúng tuyển.

Anh hăm hở lên đường mà không chút e dè về nơi đến là “rừng thiêng, nước độc”, dịch sốt rét đang hoành hành gây tử vong cho nhiều người dân; bỏ ngoài tai những lời vào ra “miền núi đi dễ, khó về”. Trong tâm thức của bác sĩ trẻ này mãi đinh ninh, khắc ghi lời Bác Hồ kính yêu dặn dò cán bộ ngành y: “Phải lao mình vào chỗ bẩn để làm cho sạch, phải dấn thân vào chỗ đau khổ để làm giảm bớt đau khổ. Lương y phải như từ mẫu”.

bna-anh-nvcc-1-8005.jpg
Bác sĩ Đặng Tân Minh hằng ngày trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh, cấp cứu bệnh nhân nặng, hội chẩn ca bệnh khó cùng khoa chuyên môn. Ảnh: TTYT Quỳ Châu

Giỏi y thuật, sâu y lý, bác sĩ Đặng Tân Minh nhanh chóng được lãnh đạo Trung tâm y tế bổ nhiệm làm Trưởng Phòng khám đa khoa khu vực Châu Tiến - Trạm Y tế xã Châu Tiến. Đơn vị này thực hiện nhiệm vụ khám, chữa bệnh cho người dân 4 xã phía Bắc của huyện Quỳ Châu (Châu Tiến, Châu Bính, Châu Thuận và Châu Thắng) và thực hiện nhiệm vụ dự phòng cho xã Châu Tiến.

Những thập niên 90 của thế kỷ trước, nơi bác sĩ Minh công tác cũng được coi là vùng sâu, vùng xa của huyện miền núi Quỳ Châu. Từ đây để về đến trung tâm huyện chỉ chưa đầy 20km nhưng người dân phải đi mất một buổi. Trước đó, đã có những trường hợp bệnh nhân nặng tử vong trên đường từ xã ra huyện chữa bệnh. Ở 4 xã phía Bắc huyện Quỳ Châu lúc này, phong tục tập quán còn nhiều lạc hậu, người dân khi ốm đau vẫn mời thầy mo về cúng; còn nhiều phụ nữ tự sinh nở tại nhà.

Nhận thức rõ trách nhiệm của mình, bác sĩ trẻ Đặng Tân Minh khi ấy quyết tâm xây dựng Phòng khám đa khoa khu vực Châu Tiến - Trạm Y tế xã Châu Tiến trở thành một bệnh viện thu nhỏ để giảm bớt phần nào sự vất vả, gian nan của người dân mỗi lần đi khám chữa bệnh; làm tốt công tác chuyên môn để cho người dân tin vào y, bác sĩ để rồi từ đây công tác tuyên truyền phòng bệnh, dân số kế hoạch hoá gia đình ...mới có thể đi vào lòng người.

Đi vào hành động, một mặt bác sĩ Minh vừa tìm các nguồn lực để nâng cấp trang thiết bị y tế cho phòng khám, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ khám chữa bệnh; mặt khác, vừa nỗ lực học hỏi nâng cao trình độ tay nghề của bản thân và động viên, giúp anh em đồng nghiệp cùng tiến bộ. Cùng với đó, bác sĩ Minh cũng yêu cầu các y, bác sĩ ở phòng khám – trạm y tế “không chờ đợi mà phải chủ động đến với bà con” – ai đau ốm không thể đến phòng khám thì cán bộ y tế phải vượt suối, băng đèo đến nhà cứu chữa.

can-bo-y-te-tuyen-truyen-van-dong-nguoi-dan-thuc-hien-thuc-hanh-nang-cao-suc-khoe-anh-dinh-tuyen-8247.jpg
Cán bộ y tế tuyến cơ sở ở huyện Quỳ Châu đến nhà dân tuyên truyền các giải pháp nâng cao sức khoẻ. Ảnh tư liệu: Đình Tuyên

Bằng sự tận tụy của cá nhân bác sĩ Minh và tập thể y, bác sĩ Phòng khám đa khoa khu vực Châu Tiến - Trạm Y tế xã Châu Tiến, công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, triển khai các chương trình y tế tại 4 xã đã có chuyển biến tích cực. Từ chỗ, rất ít bà con dân bản đến khám chữa bệnh tại phòng khám - trạm y tế, dần dần người dân tự tìm đến với phòng khám - trạm y tế khi có bệnh, tin vào y thuật của các y, bác sĩ để rồi tự bước qua những hủ tục, tập quán lạc hậu.

Bác sĩ Minh không thể nhớ bản thân ông đã cứu trị cho bao nhiêu người nhưng chỉ biết rằng không lâu sau đó (kể từ ngày về nhận nhiệm vụ), nhiều người dân Quỳ Châu đã gọi ông bằng cái tên “Ai (anh) Minh”, “Pò (bố) Minh” đầy trìu mến, thân thương. Bà Sầm Thị Hoa, người dân xã Châu Tiến kể lại: “Bác sĩ Minh rất ân cần với bệnh nhân, đối xử với bà con giống như với người nhà mình vậy. Đồng thời anh cũng rất “mát tay”, cứu chữa cho bà con nhanh khỏi bệnh… Sau này, anh chuyển về huyện rồi nhưng bà con vẫn luôn nhớ tới anh”.

Về công tác dự phòng, hàng ngày, bác sĩ và các cán bộ y tế của Phòng khám đa khoa khu vực Châu Tiến - Trạm Y tế xã Châu Tiến đã tích cực tuyên truyền thay đổi nhận thức cho bà con từ những điều đơn giản nhất là phải uống nước đun sôi, vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, rửa tay sạch trước khi ăn, ngủ phải mắc màn đến việc tiêm chủng trẻ em; vận động dân bản áp dụng các biện pháp kế hoạch hoá gia đình, cách giữ gìn vệ sinh cá nhân, phòng dịch bệnh thông thường cho đến chuyện đỡ đẻ… Chính những nỗ lực và việc làm cụ thể của bác sĩ Minh và đồng nghiệp đã dần làm thay đổi những hủ tục của người dân trong việc chăm sóc sức khỏe.

bna-anh-nvcc-3-7848.jpg
Bác sĩ Đặng Tân Minh chủ trì giao ban sau mỗi ca trực của các khoa phòng chuyên môn. Ảnh: TTYT QC

Sự phát triển và cống hiến của tập thể cán bộ y tế nơi đây đã được ghi nhận. Năm 1999, Trạm Y tế xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu đã được nhận Cờ thi đua của Bộ Y tế do có thành tích xuất sắc dẫn đầu các trong phong trào thi đua. Cá nhân bác sĩ Đặng Tân Minh – Trưởng Trạm Y tế xã Châu Tiến được nhận Bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh vì có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ công tác (theo Quyết định số 231/KT- CT ngày 12/2/2000 của Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An); được dự hội nghị biểu dương các điển hình của ngành.

Nhiều cống hiến cho y tế miền núi

Ghi nhận những thành tích đạt được của bác sĩ Đặng Tân Minh, năm 2001, Trung tâm Y tế Quỳ Châu đã điều động ông về công tác tại đơn vị, đảm nhận nhiệm vụ Trưởng khoa Nội - Nhi - Lây kiêm Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp. Trong tâm thế “là con của núi rừng, bản làng”, trên cương vị mới, bác sĩ Đặng Tân Minh càng ra sức học tập, cống hiến để xây dựng Trung tâm Y tế huyện nói riêng và ngành y tế huyện Quỳ Châu nói chung ngày càng lớn mạnh... Luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, bác sĩ Minh đã lần lượt được bổ nhiệm vào các cương vị cao hơn như Phó Giám đốc (năm 2003) và Giám đốc Trung tâm Y tế huyện (năm 2014).

bna-anh-nvcc-4-2388.jpg
Bác sĩ Đặng Tân Minh hướng dẫn các cán bộ y tế Trung tâm sử dụng hiệu quả các phần mềm quản lý y tế, sức khoẻ. Ảnh: TTYT Quỳ Châu

Bằng sự nhiệt huyết, trách nhiệm, gương mẫu của người đứng đầu, những năm qua, với sự dẫn dắt của bác sĩ Đặng Tân Minh, Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu đã đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực công tác, vươn lên trở thành đơn vị đứng đầu khu vực các huyện miền núi ở tỉnh.

Từ năm 2019 đến nay, công tác khám chữa bệnh ở trung tâm có nhiều tiến bộ khi đã cấp cứu, điều trị được nhiều ca bệnh nặng; triển khai thêm nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật tuyến trên (mổ nội soi các bệnh về Ngoại khoa, Sản khoa như mổ nội soi cắt ruột thừa, thủng dạ dày, u nang buồng trứng, có thai ngoài tử cung, mổ nội soi cắt tử cung hoàn toàn, cắt tử cung bán phần, bóc u xơ tử cung, mổ kết xương các loại...) giúp bệnh nhân không phải chuyển lên tuyến trên. Công tác khám bệnh ban đầu tại 12 trạm y tế xã, thị trấn của huyện được triển khai hiệu quả; duy trì số lượt người đến khám chữa bệnh tại trạm y tế bình quân trên 30.000 lượt người/ năm .

to-tiem-luu-dong-huyen-quy-chau-den-tung-thon-ban-ho-gia-dinh-de-tiem-cho-nguoi-dan-anh-luong-nga-3-2357.jpg
Tổ tiêm lưu động của Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu đến tận nhà tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho bà con nhân dân. Ảnh tư liệu: Lương Nga

Công tác y tế dự phòng ở huyện Quỳ Châu đã được chú trọng. Hoạt động giám sát, nắm bắt tình hình dịch bệnh trên địa bàn được thực hiện một cách chủ động. Các chương trình mục tiêu, chương trình y tế quốc gia đều được triển khai thực hiện có hiệu quả tại cộng đồng. Tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt 96%. 100% bệnh nhân mắc bệnh không lây nhiễm (huyết áp, đái tháo đường...) được quản lý tại trạm y tế.

bac-si-co-so-thu-dung-dieu-tri-nguoi-benh-covid-19-so-4-huyen-quy-chau-kham-suc-khoe-cho-nguoi-benh-anh-thanh-cuong-6570.jpg
Bác sĩ Cơ sở thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 số 4 huyện Quỳ Châu khám sức khoẻ cho người bệnh. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Trong công tác quản lý, bác sĩ Đặng Tân Minh đặc biệt chú trọng đến việc đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin vào quản lý bệnh viện. Theo đó, Trung tâm Y tế huyện đã mở thêm 3 phòng khám và bố trí thêm nhân lực tại phòng khám bệnh; thành lập tổ tiếp đón, để hướng dẫn, giúp đỡ cán bộ và nhân dân khi đến khám chữa bệnh; đẩy mạnh việc áp dụng tốt có hiệu quả công nghệ thông tin trong công tác khám bệnh, thanh quyết toán viện phí giúp cho bệnh nhân được thanh quyết toán nhanh hơn, như hồ sơ bệnh án điện tử, phần mềm LIS, PACS, hệ thống giao ban trực tuyến .

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác, Trung tâm Y tế Quỳ Châu cũng đã đẩy mạnh hoạt động đào tạo, cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn, dài hạn. Bác sĩ Đặng Tân Minh cho biết: “Hiện nay có 9 cán bộ đang được cử tham gia đào tạo, trong đó đào tạo Chuyên khoa 1 có 5 người, chuyên khoa định hướng 4 người, đào tạo bác sỹ 1 người; đào tạo cao đẳng điều dưỡng lên cử nhân điều dưỡng 2 người… Bên cạnh việc tạo điều kiện cho để cán bộ, công chức học tập nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, trung tâm cũng đã cố gắng nâng cao đời sống vật chất để mỗi người yên tâm công tác và phân công công việc phù hợp năng lực, trình độ”.

bna-pho-bi-thu-tinh-uy-hoang-nghia-hieu-va-doan-cong-tac-tang-hoa-chuc-mung-trung-tam-y-te-huyen-quy-chau-anh-thanh-cuong-1355.jpg
Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hoàng Nghĩa Hiếu và đoàn công tác tặng hoa chúc mừng Trung tâm Y tế huyện Quỳ Châu nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Ảnh tư liệu: Thành Cường

Không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bác sĩ Đặng Tân Minh còn nêu gương sáng về sự tận tuỵ với bệnh nhân cũng như dẫn dắt phong trào nghiên cứu khoa học của đơn vị khi hàng ngày trực tiếp tham gia khám bệnh, chữa bệnh, cấp cứu bệnh nhân nặng, hội chẩn ca bệnh khó cùng khoa chuyên môn. Năm nào, bác sĩ Minh cũng có đề tài nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, cải tiến dịch vụ, kỹ thuật và thực hiện tốt hơn công tác dân số, phòng chống dịch bệnh trên địa bàn huyện.

Cá nhân bác sĩ Đặng Tân Minh đã nhiều lần được Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen do có thành tích trong công tác và thực hiện các phong trào thi đua; đạt danh hiệu “Gương sáng Y đức”; được Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh và hội đồng cấp tỉnh đề nghị Chủ tịch nước tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú. Nhìn nhận về quá trình công tác của mình ông vẫn chưa bao giờ tự hài lòng. Bác sĩ Đặng Tân Minh tâm sự: “Y tế miền núi còn nhiều khó khăn quá. Mình vẫn chưa cống hiến được gì nhiều. Bản thân chỉ biết từng ngày cố gắng để giúp cho bà con nhân dân”.

Hơn 30 năm công tác tại huyện miền núi Quỳ Châu, bác sĩ Đặng Tân Minh là một người hết sức tận tâm, tận tuỵ với bệnh nhân, thể hiện rõ tấm lòng người lương y và được người dân yêu quý. Ông rất trách nhiệm, tâm huyết với công việc, có nhiều cống hiến cho ngành y tế huyện nhà. Sự phát triển vượt bậc của Trung tâm y tế huyện và tuyến y tế cơ sở trong những năm gần đây có công lao to lớn của bác sĩ Đặng Tân Minh.

ÔNG LÊ THANH HÀ - PHÓ CHỦ TỊCH UBND HUYỆN QUỲ CHÂU

tin mới

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An

Bệnh viện Y học cổ truyền Nghệ An: Dấu ấn 60 năm, khẳng định vị thế 'lá cờ đầu' của ngành y tế

(Baonghean.vn) - Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, Bệnh viện đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, với nhiều dấu ấn thành tựu đáng tự hào; trở thành “lá cờ đầu” của ngành y tế Nghệ An; 1 trong 7 đơn vị xếp hạng I trên toàn quốc về chuyên ngành y học cổ truyền.

Chữa ngứa da theo đông y

Chữa ngứa da theo đông y

Ngứa da mùa xuân có nguyên nhân chủ yếu là do huyết nhiệt trong cơ thể kết hợp với tà khí bên ngoài xâm nhập vào cơ thể lưu lại ở bì phu mà gây nên bệnh.

Bệnh viện ĐKTP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

Bệnh viện Đa khoa TP Vinh ‘hồi sinh’ bàn chân nguy cơ hoại tử cho cụ bà 88 tuổi

(Baonghean.vn) - Cụ bà 88 tuổi (Thanh Chương) bị hoại tử đầu ngón chân phải, cùng với bệnh lý nền phức tạp, đã đi điều trị tại bệnh viện tuyến trên một thời gian nhưng không đỡ. Vừa qua, bà may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa TP. Vinh phẫu thuật thành công, giữ lại đôi bàn chân lành lặn.