Vì sao 40 sản phẩm OCOP Nghệ An hết thời hạn nhưng chưa đánh giá, xếp hạng lại?

Thanh Phúc 19/04/2023 06:14

(Baonghean.vn)-  Theo Quyết định số 303/QĐ-UBND ngày 4/2/2022 của UBND tỉnh, 48 sản phẩm OCOP được cấp giấy chứng nhận cho các chủ thể đã hết hiệu lực kể từ ngày 4/2/2023.

Tương Sa Nam (Nam Anh, Nam Đàn) hiện đang hoàn thiện hồ sơ để đánh giá công nhận lại sao OCOP. Ảnh: Thanh Phúc

Đến nay, mặc dù đã quá thời hạn được công nhận sản phẩm OCOP hơn 2 tháng song 40 sản phẩm vẫn chưa được đánh giá lại. Cụ thể: Thành phố Vinh có 11 sản phẩm, Nam Đàn 6 sản phẩm, Thanh Chương 7 sản phẩm, Anh Sơn 3 sản phẩm, Quỳnh Lưu 4 sản phẩm, Con Cuông 3 sản phẩm, Yên Thành 1 sản phẩm, Diễn Châu 2 sản phẩm, TX. Hoàng Mai 1 sản phẩm, Tân Kỳ 2 sản phẩm. Theo tìm hiểu thực tế, hiện nay, việc tổ chức đánh giá, phân hạng lại các sản phẩm OCOP đã hết thời hạn gặp phải những khó khăn, vướng mắc nhất định.

Một trong những khó khăn của các chủ thể là thủ tục xác minh tài chính, mã số thuế, báo cáo môi trường. Ảnh: Thanh Phúc

Nam Đàn là một trong những địa phương có số lượng sản phẩm OCOP đứng vào tốp đầu của tỉnh với 69 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 6 sản phẩm đạt sao OCOP năm 2019, nay đã đến hạn phải đánh giá, công nhận lại, song mới chỉ có 1 sản phẩm đã làm hồ sơ công nhận lại vào năm 2021. 5 sản phẩm còn lại hiện đang làm hồ sơ để đánh giá lại theo quy định. Khó khăn mà các chủ thể OCOP ở Nam Đàn gặp phải khi tham gia đánh giá lại là một số quy định mới trong hồ sơ như: Xác minh tài chính 3 năm liên tiếp (đối với sản phẩm 4 sao), thẩm định môi trường…

Bà Hồ Thị Xuân Hương, chủ thể sản phẩm 4 sao OCOP Tương Sa Nam (xã Nam Anh, Nam Đàn) cho biết: “Khi được công nhận 4 sao OCOP năm 2019 thì quy mô của chúng tôi là sản xuất hộ, năm 2020, chúng tôi thành lập HTX Tương Sa Nam. Do đó, nay để tham gia đánh giá lại OCOP chúng tôi phải có xác minh tài chính 3 năm liên tiếp, đăng ký mã số thuế, phải làm hồ sơ đăng ký bảo vệ môi trường… khá vất vả.

Do đó, năm 2022, trước khi đến hạn chúng tôi đã làm hồ sơ song chưa được chấp thuận. Hiện chúng tôi đang hoàn tất các thủ tục, giấy tờ gửi huyện để tham gia đánh giá lại”.

Sản phẩm cam bù Kim Nhan (Hội Sơn, Anh Sơn) đã hết thời hạn được công nhận 3 sao OCOP. Ảnh: Thanh Phúc

Sau khi rà soát lại các sản phẩm đã đến hạn đánh giá lại, UBND huyện Nam Đàn đã mời các chủ thể lên trao đổi, đốc thúc và hướng dẫn cụ thể về việc làm hồ sơ để đánh giá, công nhận lại OCOP. Đến nay, các chủ thể đã đăng ký đánh giá lại, hiện đang hoàn thiện các hồ sơ, thủ tục.

Tuy nhiên, theo ông Trần Mạnh Hồng, Phó phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Nam Đàn, do làm hồ sơ đánh giá, công nhận lại thì không còn được tiền thưởng như đã được công nhận lần 1 (3 sao OCOP được thưởng 30 triệu đồng, 4 sao được thưởng 40 triệu đồng) nên một số chủ thể không mặn mà.

Và theo quy định mới theo Quyết định 148 của Thủ tướng Chính phủ thì nay, sản phẩm OCOP từ 3 sao trở xuống do huyện thẩm định và công nhận, công bố, chỉ có những sản phẩm đủ điểm chấm 4 sao mới trình tỉnh thẩm định, công nhận. Trong khi đó, thành phần hội đồng cấp huyện có ít nhất 3 thành viên của Sở nên nhân lực hội đồng đang phụ thuộc vào sự sắp xếp, bố trí của các sở”.

7 sản phẩm của Bometa được công nhận OCOP năm 2019, nay chủ thể đang cân nhắc về việc đánh giá lại theo quy định. Ảnh: Thanh Phúc

Ngoài các khó khăn về khách quan, là do một số chủ thể không mặn mà với việc tham gia đánh giá, công nhận lại các sản phẩm đã được công nhận sao OCOP năm 2019. Ông Nguyễn Văn Học (Hưng Đông, TP. Vinh), chủ thể của 7 sản phẩm OCOP 3 sao năm 2019 cho biết: “Hiện tôi đang cân nhắc việc tham gia đánh giá, công nhận lại các sản phẩm đã đạt OCOP của mình. Bởi một số sản phẩm của tôi nay đã chuyển đổi sang sản phẩm khác (cao chè vằng nguyên chất nay đã chuyển sang dạng viên); 2 sản phẩm mật ong thì đã nhập lại thành một nhóm. Bên cạnh đó, đối chiếu các tiêu chí, để đánh giá nâng hạng các sản phẩm lên 4 sao thì chưa đủ mà công nhận lại 3 sao thì tôi không mặn mà làm lại hồ sơ. Do đó, thay vì đánh giá lại các sản phẩm OCOP đã đến hạn, tôi đang tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm và phát triển những sản phẩm mới”.

Theo quy định, những sản phẩm đã hết thời hạn sẽ buộc phải thu hồi và chủ thể không được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP để in, dán trên bao bì, nhãn mác đối với các sản phẩm của mình khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường. Ảnh: Thanh Phúc

Theo ông Nguyễn Hồ Lâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì việc đánh giá, công nhận lại các sản phẩm OCOP gặp những vướng mắc như: Thứ nhất, do không có tiền thưởng như được công nhận lần 1 nên các chủ thể không mặn mà; thứ hai, một số chủ thể xác định đánh giá lại cũng khó “nâng hạng” sao nên không tham gia đánh giá lại; thứ ba, một số địa phương gặp khó khăn về kinh phí trong việc lập hội đồng để đánh giá, công nhận lại các sản phẩm đã đến hạn; thứ 4, lý do khách quan là cuối tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 148 “về Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá phân hạng sản phẩm theo chương trình "Mỗi xã một sản phẩm” nên một số địa phương vừa tiếp cận, chưa kịp triển khai và còn những lúng túng nhất định.

Mặt khác, trong nhận thức của một số chủ thể, các sản phẩm đạt 3 sao OCOP năm 2019 đang là UBND tỉnh công nhận, xếp hạng; nay theo phân cấp thì hội đồng cấp huyện đánh giá, công nhận, công bố nên họ xem đó như “tụt hạng” nên không muốn tham gia đánh giá, công nhận lại.

Sản phẩm nhóm dệt thổ cẩm (khăn, chân váy, khăn trải bàn) của HTX làng nghề dệt thổ cẩm Hoa Tiến (Quỳ Châu) từ 4 sao OCOP năm 2019, sau khi đánh giá lại vào năm 2022 thì xuống 3 sao OCOP. Ảnh: Thanh Phúc

Tuy nhiên, theo khẳng định của ông Nguyễn Hồ Lâm thì việc đánh giá, xếp hạng lại là điều kiện bắt buộc đối với các sản phẩm OCOP cấp tỉnh khi đến hạn 36 tháng kể từ ngày được công nhận, nếu không tuân thủ sẽ bị thu hồi chứng nhận, chủ thể không được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP (logo OCOP có gắn sao) để in, dán trên bao bì, nhãn mác đối với các sản phẩm của mình khi lưu thông, tiêu thụ trên thị trường kể từ ngày hết hiệu lực. Do đó, các chủ thể sản xuất cần chủ động, tích cực lập hồ sơ đăng ký đánh giá, xếp hạng lại sản phẩm theo thời gian quy định.

Mới nhất

x
Vì sao 40 sản phẩm OCOP Nghệ An hết thời hạn nhưng chưa đánh giá, xếp hạng lại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO