Vì sao công tác giám sát, phản biện vẫn 'vướng'?

14/10/2016 09:37

Các kiến nghị giám sát, phản biện gửi đến các cơ quan hữu quan nhiều khi không được trả lời vì thiếu cơ chế cụ thể về trách nhiệm phản hồi

Luật MTTQ Việt Nam hiện hành được Quốc hội thông qua ngày 9/6/2015 và có hiệu lực từ 1/1/2016. Luật ra đời có ý nghĩa chính trị to lớn, là cơ sở để MTTQ Việt Nam thực hiện có hiệu quả hơn trách nhiệm, quyền của mình, trong đó có nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội.

Công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam có vai trò quan trọng, góp phần thực hiện dân chủ, xây dựng nhà nước của dân, do dân và vì dân. Từ trước khi có Hiến pháp 2013, hoạt động giám sát của MTTQ Việt Nam đã được quy định tại nhiều văn bản quy phạm pháp luật và dựa trên hầu hết các lĩnh vực quản lý Nhà nước, nhưng thực tế chỉ là những quy định khung, có tính nguyên tắc về vai trò giám sát của MTTQ Việt Nam mà không có quy định cụ thể về cơ chế, nhất là về phương pháp, các thức triển khai thực hiện.

Về hoạt động phản biện xã hội, Điều 9 Hiến pháp năm 2013 lần đầu tiêu chính thức ghi nhận nhiệm vụ phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng đối với việc thực hiện trách nhiệm, quyền của hệ thống MTTQ Việt Nam.

Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam
Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam


Tuy vậy, công tác giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam vẫn còn những hạn chế như chưa rõ về cách thức, quy trình thực hiện, nhất là cơ chế phối hợp. Cơ chế, chế tài về trách nhiệm pháp lý của đối tượng được giám sát, chủ trì dự thảo văn bản phản biện xã hội và các cơ quan, tổ chức có liên quan chưa rõ, chưa đủ mạnh. Sự tham gia, vào cuộc của chính quyền địa phương chưa rõ.

Nhận thức về giám sát, phản biện của Mặt trận ở một số nơi chưa đầy đủ.Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch-Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, qua 2 năm thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội và các quy định liên quan, MTTQ các cấp đã tích cực chủ động triển khai thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội, góp phần nâng cao vị thế, vai trò của MTTQ Việt Nam trong việc tham gia xây dựng Đảng, chính quyền; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân.

“Các kiến nghị giám sát, phản biện xã hội của MTTQ và các thành viên gửi đến các cơ quan hữu quan do không có cơ chế cụ thể về trách nhiệm phản hồi, các cơ quan này tiếp thu hay không, tiếp thu như thế nào, mức độ ra sao thì cơ quan gửi văn bản kiến nghị không được biết. Chính vì lẽ đó, công tác giám sát của MTTQ Việt Nam dù đã có nhiều cố gắng song hiệu quả mang lại chưa cao, kết quả đạt được chưa được như mong đợi” – ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.

Theo ông Trần Thanh Mẫn, đến nay, Luật MTTQ Việt Nam đã dành riêng 2 chương quy định về giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam, tuy nhiên để các quy định này triển khai trên thực tế cần phải tiếp tục cụ thể hóa một các đầy đủ một số điều của luật, làm rõ cách thức thực hiện hoạt động giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam. Do vậy, việc xây dựng Nghị quyết liên tịch quy định chi tiết các hình thức giám sát và phản biện xã hội là rất cần thiết./.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Vì sao công tác giám sát, phản biện vẫn 'vướng'?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO