Vì sao rủi ro thua lỗ nhưng thương lái vẫn tranh mua trám đen Thanh Chương?
Vài năm trở lại đây, trám đen Thanh Chương liên tiếp mất mùa. Thương lái buôn trám lỗ cả trăm triệu đồng/vụ nhưng vẫn tranh mua.
Lỗ hàng trăm triệu đồng/vụ
Mùa trám năm nay, anh Nguyễn Văn Hùng (xã Thanh Lĩnh, huyện Thanh Chương) gom 400 triệu đồng để kinh doanh trám đen. Từ tháng 3, khi trám ra hoa, anh đã rong ruổi lên các xã Cát Văn, Hạnh Lâm… để cọc tiền mua trám.
“Mua trám theo cây dựa trên kinh nghiệm, theo cảm quan để định giá tiền. Chẳng hạn, mình đánh giá cây này đang trong kỳ sung sức, cây khoẻ, sai hoa thì sẽ cho năng suất cao, sai quả thì đặt mua với giá cao và ngược lại” - anh nói.
Mua trám kiểu này, theo anh Hùng, cũng như một kiểu “đặt cược” vì không có gì làm chắc chắn, đầy tính may rủi. Năm nào, thời tiết thuận lợi, cây trám sai quả thì lãi đậm, còn ngược lại, năm nào mất mùa nặng thì thất bát. Như năm nay, anh bỏ ra 400 triệu đồng mua trám nhưng nếu may mắn lắm thì chỉ thu về được khoảng 150 triệu đồng, mất đứt hơn 200 triệu đồng.
“Lời ăn lỗ chịu nên cũng không thể kêu than với ai. Năm nay, trám mất mùa đau, năng suất chỉ bằng 20% so với các năm trước”, anh Hùng cho biết.
Cũng như các thương lái khác, việc mua trám khi đang ra hoa đầy may rủi, năm được mùa thì lãi đậm còn năm mất mùa nặng thì mất trắng, chị Phạm Phương (xã Thanh Nho) coi đó là quy luật bù trừ, làm ăn khi lãi, khi lỗ cũng là chuyện thường tình. Thế nhưng, cả chục năm buôn trám thì năm nay, chị coi như “trắng tay”. Bỏ ra hơn 300 triệu đồng mua trám khi đang hoa, nay, thu hái hết, may mắn lắm cũng thu hồi được khoảng 50 triệu tiền vốn, mất đứt trên 250 triệu đồng.
Năm nay, trám mất mùa đậm, nguyên nhân là thời tiết diễn biến thất thường, trám ra hoa gặp thời tiết mưa nhiều nên tỷ lệ đậu quả không cao. Khi trám ra quả non bị gió lốc làm rụng nhiều. Bên cạnh đó, những cây trám cổ thụ có tuổi đời cao, đã qua thời kỳ sung sức để ra quả nhiều. Còn diện tích trám ghép, trám lai cây cho quả ít, quả kém chất lượng.
Vì sao thua lỗ vẫn tranh mua?
Tại sao thua lỗ nhưng thương lái vẫn tranh mua? Tại sao trám không như các loại nông sản khác mua theo kiểu “tiền trao cháo múc”, “tiền tươi thóc thật”, đến kỳ trám chín, thu hái xong cân trám trả tiền? Theo tìm hiểu được biết, việc thương lái mua trám cả cây khi vừa ra hoa diễn ra khoảng 7-8 năm nay, khi trám có giá cao, được thị trường ưa chuộng.
Trám Thanh Chương thơm ngon nức tiếng nên không chỉ thương lái trong huyện, trong tỉnh mà cả các tỉnh phía Bắc cũng vào thu mua. Trám sau khi được thu mua một phần bán cho các thương lái để bán lẻ làm thực phẩm; bán cho các cơ sở chế biến thì lượng lớn được bán ra các tỉnh phía Bắc, sau đó, họ xuất sang Trung Quốc.
Nhu cầu thị trường cao, trong khi, lượng trám ở Thanh Chương có hạn, diện tích trồng mới còn ít. Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện Thanh Chương có khoảng trên 1.000 cây trám cổ thụ; khoảng 5.000 cây trám ghép, sản lượng trám hàng năm ước đạt khoảng 350-400 tấn.
Do nguồn cung hạn chế nên dẫn đến hiện tượng tranh mua. Để chắc chắn có nguồn hàng thì ngay từ khi cây trám mới ra hoa, thương lái đã tìm về tận vườn nhà dân để đặt mua.
Thứ hai, thường thì trước mùa trám, các đầu nậu phía Bắc đã đặt mua trám với số lượng cụ thể, nếu mình không đặt mua trước thì sẽ không chủ động được đơn hàng; Thứ ba, mua cả cây là mua theo giá sỉ, năm được mùa thì lãi to bù cho năm mất mùa”, chị Thuý, một đầu nậu buôn trám có tiếng ở Thanh Chương lý giải.
Có nhiều chủ vườn trám, khi thấy trám mất mùa nặng, năng suất giảm sút nghiêm trọng thì đã cùng chia sẻ với thương lái theo nhiều cách. Có hộ thì trả lại bớt tiền cho thương lái (20-30% tổng số tiền các thương lái đã trả mua); có hộ cho thương lái sang năm thu hoạch thêm một mùa nữa mà không phải trả tiền; có hộ chọn cách thu hoạch xong, cân số lượng thực tế, tính tiền theo giá thị trường…
Thiếu nguyên liệu chế biến trám muối 3 sao OCOP
Trám mất mùa, không chỉ thương lái thua lỗ nặng nề mà còn ảnh hưởng đến nguồn nguyên liệu đầu vào cho xưởng chế biến trám muối 3 sao OCOP ở Thanh Chương.
Theo đó, mỗi năm, với công suất chế biến 40 tấn trám đen, xưởng chế biến này thu mua trám tuyển chọn từ các thương lái. Do là sản phẩm gắn sao OCOP, đã qua chế biến nên yêu cầu về nguyên liệu trám đầu vào rất khắt khe: Quả trám đã đủ độ chín, đen hoàn toàn; trọng lượng không quá 110 quả/kg, không sần, sượng, sâu; không lẫn tạp chất; không lẫn quả còn ương…
Nếu như mọi năm, trám được mùa, việc tuyển chọn, thu mua nguyên liệu để chế biến khá thuận lợi, còn năm nay, trám mất mùa nặng, năng suất, sản lượng chỉ đạt khoảng 15-20% so với các năm trước, nên việc thu mua trám nguyên liệu gặp phải không ít khó khăn.
Ông Lê Văn Khánh, đại diện Công ty cổ phần Nông nghiệp KHP, chủ thể trám đen muối 3 sao OCOP cho biết: “Mặc dù giá thu mua cao hơn thị trường song công ty vẫn gặp khó khăn trong việc thu mua nguyên liệu đảm bảo chất lượng. Bởi do mất mùa, nhu cầu thị trường cao nên thương lái đổ xô thu hái, bán xô khi trám chưa chín hẳn. Trong khi đó, để quả trám đảm bảo độ béo, bùi đặc trưng thì cần thu hoạch khi quả chín kỹ. Việc giá nguyên liệu đầu vào tăng ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm”.
Theo đó, để mua được trám chất lượng, ông Khánh cho biết, phải tăng giá thu mua, phải thương lượng với thương lái, nếu để trám “treo” cây đến khi chín hoàn toàn sẽ tăng giá.
Thiếu nguyên liệu đầu vào nên việc sản xuất sản phẩm trám đen muối 3 sao OCOP bị gián đoạn. “Công suất mỗi mẻ (quả của 1 cây) là 1 tạ, mỗi ngày làm khoảng 10 mẻ (10 cây khác nhau). Song không đủ nguyên liệu nên khi mua được 20-30kg/cây cũng phải chế biến vì trám tươi để lâu sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Việc sản xuất bị gián đoạn, chia ra nhỏ lẻ như thế này vừa ảnh hưởng đến việc vận hành máy móc, nhân công và việc kiểm soát chất lượng. Điều này, đồng nghĩa với việc đội chi phí sản xuất lên”, ông Khánh chia sẻ.