Việt Nam lần thứ ba đăng cai Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc

Quý Đoàn 12/10/2018 09:51

Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ ba đăng cai Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak, sau hai lần đăng cai tổ chức rất thành công vào năm 2008 và năm 2014. Sự kiện sẽ diễn ra vào tháng 5/2019 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, tỉnh Hà Nam.

Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam và đại diện Ủy ban quốc tế tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak họp báo thông tin về Vesak 2019. Ảnh: Quý Đoàn

Chủ tịch Ủy ban quốc tế tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc, Hòa thượng GS.TS Brahmapundit cho biết: "Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc là sự kiện lớn nhất và trọng đại nhất của Phật giáo thế giới. Đây không đơn thuần chỉ là dịp để các phật tử cùng nhau cầu nguyện cho những điều tốt đẹp nhất đến với hành tinh này, mà còn là diễn đàn quốc tế, nơi hội tụ các nhà lãnh đạo quốc gia trên toàn thế giới cùng tập trung trao đổi, phân tích những vấn đề liên quan đến tôn giáo, xã hội… nhằm hướng tới sự hài hòa, đoàn kết, đóng góp vào nền hòa bình, thịnh vượng chung của thế giới".

Sẽ diễn ra từ ngày 12-14/05/2019 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc ở xã Ba Sao (huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam), Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak 2019 chọn chủ đề là “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”.

Sự kiện dự kiến sẽ tiếp đón khoảng hơn 10.000 người tham dự, bao gồm 1.500 chức sắc và lãnh đạo các Giáo hội, hệ phái Phật giáo, các Giáo sư, Tiến sĩ, nhà nghiên cứu, học giả Phật giáo cũng như các Phật tử hành trì thuộc nhiều truyền thống Phật giáo đến từ khoảng 90 - 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên khắp thế giới và 10.000 đồng bào phật tử và người dân Việt Nam.

Ngoài các diễn đàn hội thảo xoay quanh chủ đề chính, Đại lễ Vesak 2019 sẽ tập trung phân tích, thảo luận về 5 chủ đề phụ bao gồm: Sự lãnh đạo có chánh niệm và xã hội bền vững; Cách tiếp cận của Phật giáo về gia đình hòa hợp, chăm sóc sức khỏe và xã hội bền vững; Cách tiếp cận của Phật giáo liên hệ giáo dục toàn cầu về đạo đức; Cách mạng công nghiệp 4.0 và Phật giáo; Cách tiếp cận của Phật giáo về tiêu thụ có trách nhiệm và phát triển bền vững.

Theo Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, đồng Trưởng ban tổ chức Vesak 2019, Việt Nam trước đây đã có hai lần đăng cai Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc vào năm 2008 tại Hà Nội và năm 2014 tại Ninh Bình, để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn bè thế giới về hình ảnh đất nước, con người, văn hóa và đời sống tôn giáo ở Việt Nam.

Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak là một trong các hoạt động văn hóa mang tính quốc tế của Liên Hợp Quốc nhằm tôn vinh những giá trị nhân văn, hòa bình của nhân loại. Ngày 15/12/1999, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak hay còn gọi là Đại lễ Tam hợp (kỷ niệm đức Phật đản sinh, đức Phật thành đạo và đức Phật nhập Niết bàn). Theo đó, Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc đã chính thức trở thành tổ chức trực thuộc Ủy ban Kinh tế - Xã hội của Liên Hợp Quốc từ năm 2013.

Sự kiện trọng đại này được cộng đồng Phật giáo thế giới xem là cơ hội quý báu để truyền bá thông điệp từ bi, hòa bình, bất bạo động của đức Phật trên khắp thế giới.

Theo dantri.com.vn
Copy Link
Mới nhất
x
Việt Nam lần thứ ba đăng cai Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO