Việt Nam sẽ mua hệ thống định vị thủy âm chống tàu ngầm của Ấn Độ?
Chính phủ Ấn Độ đã cho phép bán sonar cho Việt Nam và muốn thuyết phục Việt Nam xem xét đặt mua hệ thống này.
Theo hãng tin Sputnik, Chính quyền New Delhi đã đồng ý phê duyệt cho hải quân nước này được phép xuất khẩu hệ thống định vị thủy âm chống tàu ngầm (sonar) cho các nước khu vực Đông Nam Á và Mỹ Latinh, trong đó có Việt Nam.
Các quốc gia ở Đông Á và Mỹ La-ting là những nước đang có nhu cầu tăng cường khả năng giám sát ven biển và tác chiến chống tàu ngầm. Hệ thống sonar được Ấn Độ xuất khẩu để lắp đặt trên tàu tuần tra cỡ nhỏ để thực hiện nhiệm vụ tác chiến trinh sát ven bờ và chống ngầm.
Hệ thống Sonar này được Hải quân Ấn Độ nghiên cứu tự chế tạo dựa trên nguyên mẫu Pauk của Nga nhưng có thêm nhiều cải tiến đáng giá.
Sonar này được xây dựng dựa trên những thiết bị phần cứng, công nghệ mới nhất và thuật toán xử lý tín hiệu tiên tiến, hiện đại, nó có thể dò tìm nhiều nguồn sóng âm khác nhau, đồng thời tiến hành phân loại và theo dõi mục tiêu cả trên và dưới mặt nước ở chế độ chủ động và bị động.
Nguyên lý hoạt động của hệ thống định vị bằng sóng Sonar: Một sóng sonar được đánh xuống nước, đập vào mục tiêu và phản xạ lại giúp xác định chính xác vị trí, tốc độ và hướng di chuyển của mục tiêu.
Theo Sputnik, hiện Ấn Độ đang tích cực đàm phán với Việt Nam và Philippines, với hy vọng có thể tuyết phục hai nước xem xét đặt mua hệ thống này để tăng cường cho sức mạnh hải quân trong việc tác chiến phòng thủ lãnh hải.
Trong đó, thời gian qua, Việt Nam và Ấn Độ nhiều lần đàm phán mua bán nhiều trang thiết bị quân sự hiện đại, như tên lửa hành trình chống hạm nhanh nhất thế giới BrahMos.
Tên lửa chống hạm BrahMos của Ấn Độ |
Ngoài ra, tháng 7 năm nay, 2 nước cũng thảo luận việc bán ngư lôi hạng nặng Varunastra do Ấn Độ chế tạo để lắp trên tàu hộ vệ chống ngầm của Việt Nam.
Bên cạnh mua bán vũ khí, Việt Nam và Ấn Độ đang hợp tác đào tạo thủy thủ tàu ngầm Kilo và phi công lái tiêm kích Su-30MK2 cho phía Việt Nam.
Hồi năm ngoái, Ấn Độ đã bán 3 hệ thống sonar HMS-X2 cho Myanmar.
Động thái này của Ấn Độ được cho là nhằm nâng cao danh tiếng sản phẩm sonar của nước này trên thị trường vũ khí quốc tế, đồng thời giúp các nước liên quan nâng cao khả năng tác chiến chống ngầm, vì nó có thể phát hiện tàu ngầm hiện đại các nước, trong đó bao gồm cả tàu ngầm Trung Quốc.
Trong nhiều năm trở lại đây, lực lượng tàu ngầm Hải quân Trung Quốckhông ngừng tăng cường hoạt động tại Biển Đông, tàu ngầm hạt nhân nước này nhiều lần vào Ấn Độ Dương, gây chấn động và áp lực cho Hải quân Ấn Độ, buộc nước này không ngừng tăng cường đóng tàu ngầm và tàu chống ngầm.
Theo Baodatviet
TIN LIÊN QUAN |
---|