Vững kiến thức pháp luật trước mỗi chuyến ra khơi
(Baonghean) - Những năm gần đây công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân khu vực biên giới biển và hải đảo luôn được các cấp, ngành chú trọng. Từ đó đã giúp ngư dân nắm rõ quy chế về quản lý, bảo vệ tài nguyên, biên giới biển và các chính sách pháp luật của Nhà nước để tự tin, vững vàng hơn trước mỗi chuyến ra khơi.
Bước chuyển từ nhận thức
Nhiều ngư dân chia sẻ, được phổ biến, tuyên truyền các chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến biển đảo cũng như các chính sách an sinh xã hội khác, bà con địa phương luôn nghiêm túc chấp hành theo pháp luật của Nhà nước và chủ trương của Đảng. Điều đáng ghi nhận rõ nét hơn, nhờ được trang bị kiến thức pháp luật đầy đủ, những năm gần đây, khi khai thác trên ngư trường, nếu xảy ra va chạm hay có tranh chấp, trên tinh thần hiểu biết và tôn trọng pháp luật, đa phần ngư dân tự dàn xếp, hòa giải.
Ngư dân Hồ Sỹ Thọ, xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai) cho biết: Trước kia một số tàu thuyền vẫn dùng chất nổ để khai thác cá, từ khi được phổ biến kiến thức pháp luật giúp ngư dân nâng nhận thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không dùng chất nổ, kích điện trong khai thác. Đến nay, nguồn lợi thủy sản ven bờ sinh sôi nhanh, nhiều loài cá sinh sống vào sát bờ tại khu neo đậu tàu thuyền.
Đồn Biên phòng Quỳnh Phương tuyên truyền kiến thức pháp luật cho ngư dân thị xã Hoàng Mai. Ảnh: Quỳnh Lan |
Tàu cá NA 90868TS của ngư dân Hồ Sỹ Đại, xóm Tam Hợp, xã Quỳnh Lập mỗi chuyến đánh cá ở vùng biển Hoàng Sa kéo dài 15 ngày, tuy ngư trường tương đối xa nhưng lại có nhiều hải sản giá trị kinh tế cao, mỗi chuyến biển về thu hoạch hơn 20 tấn cá, giá trị khoảng 250 triệu đồng.
Anh Đại cho biết: “Tàu cá của chúng tôi thường xuyên khai thác ở ngư trường Hoàng Sa, do đó, được trang bị kiến thức pháp luật giúp chúng tôi tự tin vươn khơi, ứng phó mọi tình huống xảy ra trên biển. Bên cạnh đó, tàu được hỗ trợ trang bị bình chữa cháy, áo phao, máy thông tin tầm xa giúp việc làm ăn trên biển thuận lợi, an toàn hơn, chúng tôi yên tâm bám ngư trường, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc”.
Không những thế, hiện bà con ngư dân đã nêu cao tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, cùng chia sẻ hỗ trợ lẫn nhau về mọi mặt trong suốt quá trình làm ăn trên biển. Sự thay đổi rõ nét trong cách nghĩ, cách làm giúp mỗi ngư dân giữa các tàu xích lại gần nhau và sẵn sàng ứng cứu hỗ trợ lẫn nhau khi gặp bất trắc, rủi ro trên biển cũng như chia sẻ luồng cá lớn cho tàu bạn cùng khai thác.
Ông Lê Bá Kỷ - Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Lập cho biết: “Điều đáng mừng là những năm gần đây, bà con ngư dân ý thức rất rõ sự đoàn kết cộng đồng trên biển, toàn xã đã thành lập được 27 tổ hợp tác khai thác trên biển để hỗ trợ lẫn nhau về mọi mặt, mỗi tổ gồm 5 tàu cá. Mỗi chuyến ra khơi các tàu đều đi theo tổ, từ đó thường xuyên hỗ trợ nhau về tìm kiếm ngư trường, lương thực, nguyên liệu, ứng cứu kịp thời khi tàu bạn gặp sự cố,… Đặc biệt, với những đội tàu thường xuyên khai thác ở vùng biển xa Vịnh Bắc bộ, Hoàng Sa thì việc đi theo tổ nhóm tạo nên tập thể trên biển, khẳng định chủ quyền biển đảo của ta và hạn chế được sự uy hiếp của tàu nước ngoài”.
Đẩy mạnh phối hợp tuyên truyền
Đứng chân trên địa bàn phường Quỳnh Phương (TX Hoàng Mai), Đồn Biên phòng Quỳnh Phương có nhiệm vụ quản lý bảo vệ 15,5km đường biên giới trên biển. Triển khai thực hiện Quyết định của Chính phủ thực hiện Đề án “Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo”, Đồn Biên phòng Quỳnh Phương phối hợp với phòng Tư pháp thị xã Hoàng Mai, các ban ngành đoàn thể của địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến các chính sách pháp luật của Nhà nước đến các ngư dân.
Đồn BP Quỳnh Thuận, hỗ trợ đưa ngư dân bị chấn thương nặng trong khi lao động khai thác thủy sản trên biển vào bờ. Ảnh Lê Thạch. |
Ngoài việc phát tờ rơi cho từng thuyền viên đọc trong quá trình ra khơi, Đồn còn tuyên truyền hàng ngày trên hệ thống loa truyền thanh của các xã, phường để nhân dân tiếp thu thuận lợi. Sự triển khai đồng bộ từng bước nâng cao nhận thức cho quần chúng nhân dân khu vực biên giới biển, góp phần tạo sự chuyển biến tốt trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn.
Thượng tá Hoàng Thanh Quyền - Chính trị viên Đồn Biên phòng Quỳnh Phương cho biết: Với đặc thù của ngư dân thường xuyên đi biển dài ngày, nên công tác phổ biến kiến thức pháp luật cho bà con gặp khó khăn. Đơn vị thường lựa chọn thời điểm ngư dân nghỉ trăng để tập huấn. “Mưa dầm thấm lâu” bà con từng bước nhận thức tầm quan trọng của sự hiểu biết kiến thức pháp luật trong đời sống.
Trước đây có một bộ phận ngư dân trên địa bàn đi nghề giã cào, dùng lưới bát quái, sử dụng thuốc nổ, kích điện để đánh bắt hải sản,... Sau khi được tuyên truyền phổ biến kiến thức pháp luật, ngư dân ý thức được trách nhiệm của mình trong đánh bắt khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Điều đáng mừng là bà con đã thay đổi phương pháp đánh bắt phù hợp với tình hình hiện nay, không còn sử dụng công cụ đánh bắt hủy diệt.
Xác định nhiệm vụ của lực lượng chủ công trong thực hiện đề án, Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu) thực hiện vai trò đầu mối kết nối các cơ quan chức năng, các hội đoàn thể địa phương trong duy trì các hoạt động tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Là những người lính trực tiếp có mặt tại địa bàn, các chiến sỹ luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để biết được những gì đang vướng mắc, cần tháo gỡ.
Từ đó, đơn vị phối hợp với các hội đoàn thể tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng, xây dựng nội dung sát với yêu cầu thực tế của từng đối tượng, địa bàn cụ thể. Lựa chọn cách thức tuyên truyền phù hợp, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tiếp nhận. Cách làm tích cực này đã giúp cho việc tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật tại địa bàn được thấm sâu hơn.
Thời gian qua, Ban Chỉ đạo đề án tỉnh đã trang cấp cho các xã, phường biên giới, ven biển 44 loa phát thanh, 44 âm ly, 22 micro, 22 loa cầm tay, 10 tủ sách pháp luật. Ngoài ra, Bộ đội Biên phòng tỉnh còn phối hợp với Thư viện tỉnh Nghệ An tổ chức cấp mới và luân chuyển 10.500 cuốn sách tại các xã, phường biên giới, ven biển và các Đồn Biên phòng.
Cùng với đó, các hình thức tuyên truyền được thực hiện phong phú, phù hợp với đặc điểm của từng địa bàn như: Tuyên truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh cố định, lưu động; tuyên truyền miệng trực tiếp tại các buổi họp phường, xã; tổ chức chiếu phim lưu động kết hợp tuyên truyền. Sân khấu hóa các nội dung pháp luật để tuyên truyền và phục vụ nhu cầu văn hóa tinh thần của đồng bào các dân tộc trên hai tuyến biên giới. Tổ chức xét xử lưu động một số vụ án tại các xã, phường khu vực biên giới, ven biển để tuyên truyền giáo dục, răn đe phòng ngừa các hành vi vi phạm.
Tuy vậy, bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế cần khắc phục. Với đặc thù ngư dân thường xuyên làm ăn trên biển, nên nhận thức về pháp luật cũng như chủ quyền biển đảo còn hạn chế. Do vậy, thời gian tới cần có những tài liệu sát đúng với tình hình thực tế, ngắn gọn, dễ hiểu, thời gian tổ chức tuyên truyền phù hợp hơn để đạt hiệu quả như kỳ vọng.
Quá trình triển khai thực hiện đề án cho thấy, sự phối hợp giữa các cơ quan thành viên trong Ban chỉ đạo ở một số địa phương chưa chặt chẽ, có nơi còn khoán trắng cho Bộ đội Biên phòng và cơ quan chuyên môn cùng cấp. Do vậy, trong thời gian tiếp theo cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng mức của cấp ủy, chính quyền địa phương và đơn vị, phát huy vai trò trách nhiệm của cả hệ thống chính trị để đạt hiệu quả cao hơn.
Quỳnh Lan
TIN LIÊN QUAN |
---|