Xăng dầu chiều nay (11/7) sẽ được áp dụng theo mức giá mới; Giá cà phê trong nước duy trì ở mức cao
(Baonghean.vn) - Giá bán các loại xăng dầu chiều nay (11/7) sẽ được áp dụng theo mức giá mới; Giá cà phê trong nước duy trì ở mức cao; Vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu chính ngạch sang Thái Lan... là những thông tin về tình hình thị trường hôm nay.
Giá xăng dầu hôm nay 11/7: Trong nước có khả năng tăng, thế giới giảm
Giá xăng dầu hôm nay (11/7) trên thị trường thế giới tiếp đà đi xuống từ phiên đầu tuần. Còn giá xăng trong nước tại kỳ điều chỉnh chiều nay được dự báo tăng nhẹ. Tại thị trường trong nước, giá bán các loại xăng dầu chiều nay (11/7) sẽ được áp dụng theo mức giá mới.
Theo lãnh đạo một số doanh nghiệp xăng dầu, do giá dầu thô trên thế giới có xu hướng đi lên trong thời gian gần đây nên giá bán lẻ xăng dầu trong nước tại kỳ điều hành chiều nay có khả năng tăng nhẹ.
Nếu cơ quan quản lý không tác động đến Quỹ bình ổn giá xăng dầu, giá xăng có thể tăng ở mức 100-200 đồng/lít. Còn giá các loại dầu có khả năng tăng trong khoảng 200-300 đồng/lít. Trong trường hợp liên Bộ Công Thương - Tài chính trích Quỹ bình ổn giá xăng dầu thì giá bán lẻ xăng dầu có thể tăng mạnh hơn.
Trên thị trường thế giới, giá xăng dầu hôm nay (11/7) tiếp đà đi xuống từ phiên giao dịch đầu tuần (10/7).
Hôm 10/7, giá xăng dầu thế giới đứt mạch tăng của tuần trước, bất chấp nhiều yếu tố hỗ trợ. Theo dữ liệu từ Oilprice, lúc 9h24' ngày 10/7 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent được giao dịch ở mức 78,29 USD/thùng, giảm 0,18 USD, tương đương 0,23% so với phiên liền trước. Giá dầu WTI ở mức 73,61 USD/thùng, giảm 0,25 USD, tương đương 0,34% so với phiên liền trước.
Theo giới phân tích, giá dầu quay đầu đi xuống do giới đầu tư tỏ ra thận trọng trước khi Mỹ và Trung Quốc công bố các số liệu kinh tế mới trong tuần này.
Giá cà phê trong nước duy trì ở mức cao
Giá cà phê trong nước hôm nay ngày 11/7 tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên tiếp tục duy trì ở mức cao, tiến sát mốc 67.000 đồng/kg. Hiện giá cà phê dao động ở mức 66.300 - 66.800 đồng/kg.
Cụ thể, giá cà phê nhân xô (cà phê nhân, cà phê nhân tươi) tại tỉnh Lâm Đồng ở các huyện như Bảo Lộc, Di Linh, Lâm Hà, cà phê được thu mua với giá từ 66.200 – 66.300 đồng/kg.
Tại tỉnh Đắk Nông giá cà phê được thu mua với giá cao nhất là 66.800 đồng/kg.
Giá cà phê hôm nay tại tỉnh Đắk Lắk ở huyện Cư M'gar giá cà phê hiện ở mức 66.600 đồng/kg. Còn tại huyện Ea H'leo, thị xã Buôn Hồ được thu mua cùng mức 66.700 đồng/kg.
Giá lúa Hè thu tăng 100 đồng/kg
Giá lúa gạo hôm nay ngày 11/7 tại thị trường trong nước biến động trái chiều giữa các chủng loại lúa. Thị trường lúa gạo giao dịch ổn định.
Theo đó, tại kho An Giang, giá lúa IR 504 và lúa nếp được điều chỉnh tăng. Cụ thể, nếp An Giang (tươi) đang được thương lái thu mua ở mức 5.800 – 6.000 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg. Lúa IR 504 cũng điều chỉnh tăng 100 đồng/kg lên mức 6.500 – 6.700 đồng/kg.
Với các chủng loại lúa còn lại, giá duy trì ổn định. Theo đó, lúa OM 5451 dao động 6.400 - 6.600 đồng/kg; Lúa OM 18 giá 6.600 - 6.800 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá 6.600 - 6.800 đồng/kg; Lúa Nhật cũng ổn định ở mức 7.800 - 8.000 đồng/kg; Lúa Nàng Nhen (khô) ở mức 13.000 đồng/kg.
Với lúa nếp, loại nếp Long An (tươi) dao động trong khoảng 6.300 - 6.400 đồng/kg; nếp khô ở mức 7.400 - 7.600 đồng/kg; nếp Long An (khô) có giá 7.700 - 7.900 đồng/kg.
Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu, thành phẩm điều chỉnh giảm. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu IR 504 đang được thu mua ở mức 10.100, giảm 50 đồng/kg; giá gạo thành phẩm ở mức 11.500 - 11.550 đồng/kg, giảm 50 đồng/kg.
Theo các thương lái, hôm nay lượng gạo về nhiều hơn tuần trước, giá gạo nguyên liệu xô giảm nhẹ, các kho mua đều. Giá gạo trắng tại nền chững, giá lúa nếp tăng nhẹ, nguồn ít. Nhìn chung, giao dịch thị trường lúa đầu tuần chững.
Dự báo về tình hình xuất khẩu gạo, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, hiện nay, nguồn cung gạo thế giới khan hiếm trong khi nhu cầu tiêu thụ từ tất cả các thị trường rất cao. Ước tính, nhu cầu của khách hàng đối với gạo Việt Nam tăng thêm ít nhất hơn 1 triệu tấn trong năm 2023, so với mức trung bình các năm. Chính vì vậy, tình hình thị trường từ nay đến cuối năm vẫn rất khả quan.
Vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu chính ngạch sang Thái Lan
Tập đoàn The Mall vừa giới thiệu lô vải thiều với người tiêu dùng Thái Lan tại 7 trung tâm thương mại của tập đoàn này.
Tại Gourmet Market - siêu thị chuyên bán các loại thực phẩm, đồ ăn và đồ gia dụng hàng đầu ở Thái Lan của Tập đoàn The Mall, lô vải thiều Bắc Giang tươi đầu tiên đã được bày bán tại siêu thị này.
Mỗi hộp vải có trọng lượng 1kg và có giá 299 Baht, tương đương với hơn 200.000 đồng Việt Nam. Các hộp vải cũng được dán mã QR giúp khách hàng dễ dàng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ bằng các thiết bị di động.
Giám đốc điều hành Công ty Ekthai cho biết: "Vải Việt Nam có vị ngon hơn vải của Thái Lan và Trung Quốc. Quả vải có màu đẹp, hạt nhỏ, cùi mọng nước và rất thơm, ngọt. Đây là lần đầu tiên chúng tôi bán quả vải Việt Nam tại 7 cửa hàng tại Bangkok của Mall Group và sẽ mở rộng ra tất cả các chi nhánh trong năm tới. Cũng trong năm tới, ngoài quả vải, chúng tôi cũng sẽ nhập xoài Việt Nam vào Thái Lan".
Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho biết, tuy không phải lần đầu tiên quả vải Việt Nam xuất hiện tại thị trường Thái Lan nhưng đây là lần đầu tiên quả vải Việt Nam xuất hiện đồng loạt tại 7 hệ thống trung tâm thương mại lớn nhất của nước này. Điều này cho thấy trái vải Việt Nam có rất nhiều tiềm năng tại thị trường Thái Lan.
Ông Nguyễn Thành Huy - Đại diện Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan cho hay: "Ngoài vấn đề liên quan đến thị trường thì cơ quan thương vụ tại Thái Lan cũng chú trọng tới yếu tố mùa vụ - yếu tố được gọi là chìa khoá thành công đối với việc xúc tiến xuất khẩu các mặt hàng nông sản, khi tại thời điểm đầu tháng 7 sản lượng vải của Thái Lan cũng như của Trung Quốc nhập khẩu vào Thái Lan sụt giảm thì là cơ hội rất lớn để đưa trái vải Việt Nam vào thị trường Thái Lan".
Thái Lan chi hơn 1 tỷ USD mỗi năm để nhập khẩu trái cây tươi và 600 triệu USD để mua rau. Hiện nước này mới chỉ cho phép nhập khẩu 4 loại trái cây từ Việt Nam gồm thanh long, xoài, nhãn và vải thiều.