Xây dựng, ban hành khung học phí tại các trung tâm ngoại ngữ

Mai Hoa 15/09/2018 14:40

(Baonghean) - Đây là vấn đề đặt ra khi cùng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh sau các cuộc khảo sát hoạt động các trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn tỉnh vừa qua.

Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát tại Trung tâm Anh ngữ ASEM VIETNAM. Ảnh: Mai Hoa
Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh khảo sát tại Trung tâm Anh ngữ ASEM VIETNAM. Ảnh: Mai Hoa

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh, Nghệ An hiện có 76 trung tâm, cơ sở ngoại ngữ (gọi tắt là trung tâm ngoại ngữ), trong đó chủ yếu tập trung tại thành phố Vinh với 35 trung tâm, còn lại ở các huyện, thị xã (trừ 2 huyện Quỳ Châu và Quỳ Hợp chưa có).

Sự ra đời của các trung tâm ngoại ngữ đã đóng góp rất tích cực trong việc tạo phong trào và nâng cao chất lượng, trình độ, kỹ năng giao tiếp tiếng Anh đối với người học, nhất là học sinh bậc phổ thông trong tỉnh. Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực này đang đặt ra nhiều vấn đề cần chấn chỉnh.

Qua khảo sát tại một số trung tâm ngoại ngữ trên địa bàn thành phố Vinh và huyện Diễn Châu cho thấy, vẫn còn tình trạng trung tâm hoạt động không phép. Tại Trung tâm tiếng Anh – Năng khiếu – Kỹ năng thiếu nhi HAPPY KIDS, quyết định cấp phép đào tạo tiếng Anh cho trung tâm của Sở GD&ĐT chỉ có giá trị đến 30/6/2018 và đến nay chưa có quyết định cấp giấy phép gia hạn lại.

Điều này có nghĩa là từ ngày 1/7/2018 đến nay, trung tâm này hoạt động không có giấy phép đào tạo tiếng Anh. Tương tự tại Cơ sở Anh ngữ Quốc tế Kids Today (huyện Diễn Châu), mặc dù giấy phép đã hết hạn từ tháng 6/2018, nhưng mọi hoạt động đào tạo vẫn diễn ra như thường.

Cũng tại huyện Diễn Châu, Trung tâm Anh ngữ Quốc tế Happy Kids DT, mặc dù chưa được cấp phép nhưng vẫn tổ chức đào tạo.

Bên cạnh khảo sát thực tế, qua cuộc làm việc với Sở GD&ĐT, ông Nguyễn Huy Cao – Phó trưởng Phòng GDCN, GDTX cũng thừa nhận, trong tổng số 76 trung tâm, cơ sở ngoại ngữ thì hiện vẫn còn 6 đơn vị không có phép hoặc giấy phép đã hết hạn.

Cơ sở vật
Cơ sở vật chất ở một số trung tâm do thuê hoặc cải tạo từ nhà ở cũ nên phòng học chật chội, thiếu ánh sáng, đặc biệt trang thiết bị phục giảng dạy, giao tiếp, trải nghiệm cho người học chưa đảm bảo. Ảnh: Mai Hoa

Ngoài vấn đề hoạt động không phép, đối với cơ sở vật chất ở một số trung tâm do thuê hoặc cải tạo từ nhà ở cũ, công trình xây dựng không đảm bảo tiêu chuẩn nên phòng học chật chội, thiếu ánh sáng, đặc biệt trang thiết bị phục giảng dạy, giao tiếp, trải nghiệm cho người học chưa đảm bảo.

Một vấn đề đáng quan tâm nữa là, việc thu học phí tại các trung tâm ngoại ngữ đang diễn ra tùy tiện, mỗi trung tâm tự đặt ra một mức thu theo cách của mình. Chẳng hạn, tại Trung tâm Anh ngữ APAX, học phí bình quân 3,1 triệu đồng/tháng; Trung tâm Anh ngữ Cleverlearn, bình quân thu hơn 3,8 triệu đồng/tháng; Trung tâm Anh ngữ Quốc tế ASEM Vietnam thì tùy theo cấp độ để thu, thấp nhất là 1,6 triệu đồng và cao nhất là gần 3 triệu đồng/chương trình học.

Như vậy, tính bình quân mức thu ở các trung tâm trên địa bàn thành phố Vinh dao động các mức từ 50.000, 130.000 và 150.000 đồng/buổi, mỗi buổi học có thời gian 1,5 – 2 tiếng đồng hồ. Hay ở một số trung tâm, cơ sở ở Diễn Châu, mức thu mỗi người học trung bình là 30.000 đồng/buổi.

Sỡ dĩ, mỗi trung tâm đặt ra một mức thu, là do Bộ GD&ĐT hay Sở GD&ĐT, dù được giao công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này nhưng chưa xây dựng và ban hành khung học phí đối với các trung tâm, cơ sở ngoại ngữ.

Bên cạnh đó, việc kiểm tra, giám sát, quản lý chất lượng đào tạo ở các trung tâm ngoại ngữ đang còn bỏ ngỏ. Theo ông Ngô Văn Hoạch – Giám đốc Trung tâm Anh ngữ OLYMPIC DC (Diễn Châu), Sở GD&ĐT cần kiểm tra, đánh giá, xếp hạng về chất lượng đào tạo gắn với tổ chức các diễn đàn giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các trung tâm ngoại ngữ để từ đó các trung tâm có trách nhiệm nâng cao chất lượng đào tạo, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo quyền lợi cho người học, góp phần cùng với hệ thống giáo dục công lập nâng cao chất lượng ngoại ngữ cho con em Nghệ An.

Theo bà Nguyễn Thị Lan – Phó trưởng Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh, khó khăn, bất cập nhất hiện nay là trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như Nghị định số 46/2017/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 03/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT chỉ quy định thẩm quyền cấp phép và quản lý hoạt động đối với các trung tâm ngoại ngữ thuộc Sở GD&ĐT mà không hề quy định trách nhiệm quản lý nhà nước đối với phòng GD&ĐT cấp huyện và UBND cấp xã.

Trong khi đó, đội ngũ lãnh đạo, chuyên viên của Sở GD&ĐT được giao quản lý mảng này thì hạn chế. Đây là một bất cập dẫn đến việc phòng GD&ĐT và chính quyền cấp xã đang đứng ngoài cuộc trong việc quản lý các trung tâm ngoại ngữ, thậm chí không nắm bắt được trên địa bàn mình hiện có bao nhiêu trung tâm, cơ sở hoạt động cũng như chất lượng đào tạo tại đây.

Từ bất cập này, Ban Văn hóa – Xã hội HĐND tỉnh báo cáo với Thường trực HĐND tỉnh kiến nghị với Chính phủ và Bộ GD&ĐT sửa đổi các quy định, gắn trách nhiệm quản lý cho phòng GD&ĐT và chính quyền cấp huyện, cấp xã, đồng thời đề nghị xây dựng, ban hành khung học phí tại các trung tâm ngoại ngữ.

Mới nhất

x
Xây dựng, ban hành khung học phí tại các trung tâm ngoại ngữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO