Xây dựng kế hoạch phát triển KT - XH năm 2018 cần sát thực tế hơn
(Baonghean) - Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2018 là nhiệm vụ quan trọng đang được các sở, ngành, địa phương tỉnh Nghệ An thực hiện. Theo yêu cầu của UBND tỉnh, công tác này phải dựa trên việc đánh giá sát đúng thực tiến để có kế hoạch, giải pháp phù hợp.
Việc xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2018 là một trong những nhiệm vụ thường niên nhưng rất quan trọng tạo khung cho địa phương thực hiện các chỉ tiêu kinh tế, xã hội cũng như đáp ứng được ngân sách các cấp. Chính vì vậy, việc thực hiện khung kế hoạch cũng như dự toán ngân sách phải bám thực tiễn và có tính khả thi cao.
Công ty CP Xi măng Sông Lam xuất xi măng bao tại Trạm nghiền xi măng Nghi Thiết trong tháng 6/2017. Ảnh: Nguyên Sơn |
Năm 2018 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc góp phần hoàn thành các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020, các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị. UBND tỉnh quán triệt các ngành, cấp bám sát tình hình, chủ động thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng các ngành lĩnh vực nhằm phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017. Trên cơ sở đó, phân tích, đánh giá những kết quả về việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và đề xuất các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng.
Quá trình xây dựng kế hoạch, theo ông Nguyễn Văn Độ - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận định: Một số mũi trọng tâm, trọng điểm các địa phương cần bám vào để xây dựng kế hoạch năm tới, đó là: Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Rà soát, tổ chức thực hiện tốt các quy hoạch sản phẩm chủ yếu; liên kết chuỗi giá trị sản phẩm trong đó đảm bảo để các doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm. Cùng đó, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai gắn với cơ cấu lại trong nông nghiệp nhằm tăng giá trị trên đơn vị diện tích.
Tiếp tục thực hiện tốt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới, nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả; liên kết sản xuất chặt chẽ giữa kinh tế hộ gia đình, hợp tác xã với doanh nghiệp, phát triển kinh tế rừng. Thực hiện có hiệu quả Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản. Tăng cường các giải pháp thực hiện đề án phát triển kinh tế - xã hội miền Tây Nghệ An. Đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu để từng bước tạo ra những sản phẩm có thương hiệu quốc gia và có sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu. Nhanh chóng phát huy các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhất là những dự án trọng điểm (như VSIP Nghệ An,Vingroup, Hemaraj, xi măng, chế biến nông, lâm, thủy sản,...). Phát triển các ngành dịch vụ có lợi thế, có giá trị gia tăng cao như: du lịch, viễn thông, công nghệ thông tin, tài chính, ngân hàng,... Thực hiện đồng bộ các biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Cùng đó, trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, an sinh xã hội, cần thực hiện hiệu quả chiến lược phát triển giáo dục và chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tiếp tục triển khai Chiến lược phát triển khoa học công nghệ. Xây dựng nền văn hóa theo hướng phát huy các giá trị tốt đẹp và truyền thống văn hóa xứ Nghệ, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội...
Công nhân dệt may tại Nhà máy Vinatex Hoàng Mai. Ảnh: N.S |
Đối với việc xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, căn cứ mục tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, khả năng thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội và ngân sách năm 2017, dự báo tăng trưởng kinh tế và nguồn thu năm 2018 và hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh của từng đối tượng nộp thuế trên địa bàn, những nguồn thu mới phát sinh để tính đúng, tính đủ nguồn thu. UBND tỉnh yêu cầu ngành Thuế, Tài chính đẩy mạnh các biện pháp tăng cường quản lý thu, chống thất thu, chống buôn lậu và gian lận thương mại. Dự toán thu nội địa tăng bình quân tối thiểu 12-14%, dự toán thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu tăng bình quân tối thiểu 5-7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2017.
Trong hội nghị chỉ đạo xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, đầu tư công năm 2018, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường cho biết: Cục Thuế Nghệ An, UBND các huyện, thành phố, thị xã phải đánh giá tình hình thực hiện dự toán thu nội địa năm 2017 để xây dựng dự toán thu NSNN năm 2018 cho sát với thực tế phát sinh, tổng hợp đầy đủ các khoản thu mới trên địa bàn để tính đúng, tính đủ.
Về xây dựng Kế hoạch tài chính - NSNN 3 năm 2018 - 2020, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng đây là nội dung mới, thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước nên các ngành, các cấp, các đơn vị xây dựng kế hoạch phải đảm bảo theo đúng quy định của Bộ Tài chính hướng dẫn; Cần bao quát tất cả các nguồn thu, nhiệm vụ chi nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đảng các cấp, Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2016 - 2020. Kế hoạch vì vậy phải xây dựng dựa trên phát triển kinh tế - xã hội và dự kiến các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, ODA, nguồn vốn vay ưu đãi và viện trợ phi Chính phủ nước ngoài… Tất cả nhằm tạo nên nguồn lực cho đầu tư phát triển toàn xã hội, góp phần hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Công nhân Nhà máy AustFeed Nghệ An đóng gói sản phẩm. Ảnh: Nguyên Sơn |
Trong tháng 8/2017, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục hoàn chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, thảo luận với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính (nếu thấy cần thiết). Đầu tháng 9/2017, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 để tiếp tục làm việc với bộ, ngành Trung ương lần 2 trước ngày 10/9/2017. |
Châu Lan