Xử phạt 7 doanh nghiệp, cá nhân vi phạm về khai thác cát, sỏi
(Baonghean.vn) - Đó là thông tin được UBND huyện Đô Lương cho biết tại cuộc giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh về xử lý kiến nghị cử tri sau các kỳ họp Quốc hội diễn ra sáng 9/8.
Toàn cảnh cuộc giám sát của Đoàn ĐBQH tỉnh ở Đô Lương. Ảnh: Hoài Thu |
Trên địa bàn huyện Đô Lương, cử tri có một số kiến nghị về các lĩnh vực chủ yếu gồm: việc cấp phép khai thác cát, sỏi trên sông Lam; trong đó có đoạn qua xã Đặng Sơn, cụ thể có Công ty Tiến Hoa khai thác làm ảnh hưởng các công trình trọng điểm như đập Bara, cầu Đô Lương.
Dự án đầu tư xây dựng mương thủy lợi trên địa bàn xã Hòa Sơn chưa được thực hiện; việc triển khai một số chế độ hỗ trợ thiên tai chưa kịp thời; việc thu tiền xã hội hóa giáo dục còn nhiều phản ánh; việc xếp hạng Di tích lịch sử cách mạng tại xã Bắc Sơn.
Theo báo cáo của UBND huyện Đô Lương với đoàn giám sát, đối với việc khai thác cát, sỏi trên sông Lam, UBND huyện đã thành lập đoàn liên ngành kiểm tra 12 công ty, doanh nghiệp.
Trong đó đã xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 doanh nghiệp, cá nhân với số tiền 128 triệu đồng. Đối với Công ty Tiến Hoa, UBND huyện đã có công văn yêu cầu công ty này dừng khai thác tại khu vực gần bờ và đề nghị UBND tỉnh thu hồi phần đất mà Công ty Tiến Hoa khai thác chồng lấn vào đất nông nghiệp để giao cho xã Đặng Sơn quản lý.
Thông qua các cuộc tiếp xúc cử tri, có nhiều vấn đề người dân phản ánh đã được các đại biểu HĐND huyện tiếp nhận và xử lý dứt điểm.
Đối với việc thu xã hội hóa giáo dục, qua kiểm tra của đoàn liên ngành, UBND huyện đã tổ chức kiểm điểm tại 5 trường, quyết định phê bình, khiển trách đối với một số cán bộ lãnh đạo quản lý các trường trên địa bàn xã Hiến Sơn, Đặng Sơn. |
Tuy nhiên cũng còn nhiều vấn đề liên quan đến nhiều cấp, ngành mà cử tri kiến nghị huyện đã tiếp nhận nhưng chưa giải quyết được do cần phải có sự phối hợp giữa nhiều sở, ngành, ví như các vấn đề liên quan đến cấp phép khai thác cát, sỏi trên sông Lam, khai thác các mỏ đá trên địa bàn huyện làm ảnh hưởng đến môi trường, gây sạt lở các bờ sông.
Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nguyễn Thanh Hiền chủ trì cuộc làm việc. Ảnh: Hoài Thu |
Gắn trách nhiệm của cán bộ
Để các kiến nghị của cử tri được giải quyết triệt để, chính xác, ông Trần Văn Mão - Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đề nghị huyện cần làm rõ thêm một số nội dung quy trình, thủ tục trong việc tổng hợp ý kiến của cử tri; trong quá trình giải quyết có vướng mắc, khó khăn gì cần đề xuất hỗ trợ.
Cùng đó, huyện cần gắn với trách nhiệm các cấp, ngành và có giải pháp khắc phục để giải quyết dứt điểm để tránh việc hiểu nhầm của người dân về việc cấp phép tràn lan.
Đối với diện tích đất chồng lấn của Công ty Tiến Hoa phải thu hồi thì đến nay đã thu hồi chưa, bao giờ thì thu hồi.
Ông Trần Văn Mão cũng nhấn mạnh việc cần thông tin rõ hơn đến cử tri những kết quả giải quyết kiến nghị đã thực hiện xong để tăng lòng tin tưởng của nhân dân đối với chính quyền, đồng thời tránh việc kiến nghị nhiều lần đối với một vấn đề đã được giải quyết.
Trả lời về các kiến nghị của cử tri huyện Đô Lương về việc khai thác cát, sỏi trên sông Lam, ông Nguyễn Công Lực - Phó trưởng phòng Giám sát Sở TN&MT cho biết: Đối với việc thu hồi phần đất chồng lấn của Công ty Tiến Hoa, ông Lực cam kết sẽ được giải quyết trong tuần tới.
Đối với việc xử lý các sai phạm trong khai thác cát, sỏi trên sông Lam, các địa phương liền kề cần có sự phối hợp chặt chẽ, trong đó có đánh giá trách nhiệm của cán bộ cấp xã. Ông Lực cũng đề nghị địa phương và các cấp, ngành liên quan kiên quyết xử lý các tàu thuyền khai thác cát, sỏi vào ban đêm.
Ông Ngọc Kim Nam - Chủ tịch UBND huyện Đô Lương phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Hoài Thu |
Đối với việc chậm chi trả hỗ trợ thiên tai, đại diện Sở NN&PTNT cho biết có 2 lý do gây chậm trễ là do một số huyện báo cáo chậm; số liệu báo cáo không chính xác khiến công tác thẩm định gặp khó khăn. Theo quy định sau khi có xác nhận thiệt hại thì cho phép địa phương ứng kinh phí hỗ trợ cho người dân trước, tuy nhiên do huyện chưa cân đối được ngân sách nên chưa chi trả được cho người dân..
Kết luận cuộc giám sát, ông Nguyễn Thanh Hiền cho rằng xung quanh việc quản lý khai thác, cấp phép khai thác cát, sỏi trên địa bàn, UBND huyện cần thông tin rõ hơn về kết quả giải quyết. Đối với việc chậm chi trả hỗ trợ thiên tai cho người dân, các sở, ngành cần có giải pháp cụ thể để khắc phục sớm hơn nữa, nhất là việc xử lý cá nhân, tập thể trong báo cáo tổng hợp chậm, báo cáo sai số liệu.
Điểm khai thác cát tại xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương. Ảnh tư liệu |
Cùng đó đề nghị địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng xử lý các kiến nghị của cử tri đối với đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, làm rõ trách nhiệm, đưa vào đánh giá thi đua hàng năm đối với cán bộ, công chức các cấp trong giải quyết các kiến nghị cử tri với tinh thần "phòng" hơn "chống".
Với các vấn đề cử tri kiến nghị vượt quá thẩm quyền, lãnh đạo địa phương cần mạnh dạn hơn nữa trong đề xuất lên cấp trên để đoàn đại biểu Quốc hội tổng hợp, kiến nghị lên các cấp, ngành liên quan.
Đối với các kiến nghị, đề xuất của huyện Đô Lương tại cuộc làm việc về nâng cấp các công trình hạ tầng cơ sở; chế độ, chính sách cho các xã khó khăn nhưng không nằm trong diện hỗ trợ, ưu tiên; việc hỗ trợ xi măng xây dựng đường giao thông nông thôn mới; sử dụng phí bảo vệ môi trường... đoàn đại biểu Quốc hội tiếp thu và sẽ tổng hợp, đề xuất lên các cấp, ngành liên quan.
Hoài Thu
TIN LIÊN QUAN |
---|