4 mẫu pháo uy lực nhất trên chiến đấu cơ Nga

Việt Hòa 20/03/2018 08:50

Tiêm kích Nga được trang bị nhiều loại pháo cỡ nòng nhỏ, nhưng có sức sát thương lớn trong không chiến và yểm trợ hỏa lực mặt đất.

Thử nghiệm pháo GSh-30-1 trên tiêm kích Su-30SM và Su-27SM3.
Ngoài bom và tên lửa, các chiến đấu cơ Nga còn được trang bị nhiều loại pháo uy lực có vai trò quan trọng trong những tình huống cận chiến, khi tên lửa trở nên kém hiệu quả hoặc có thể gây nguy hiểm cho phi cơ, theo RBTH.

GSh-30-1

Pháo tự động GSh-30-1 xuất hiện trên toàn bộ các tiêm kích của Liên Xô và Nga từ thập niên 1980 tới nay. "GSh" là viết tắt họ của nhà thiết kế Vasiliy Gryazev và Arkadiy Georgiyevich Shipunov, "30" là cỡ nòng tính bằng mm, trong khi "1" là số nòng trên mỗi tổ hợp pháo.

GSh-30-1 sử dụng cơ chế nạp đạn bằng độ giật lùi nòng ngắn với phanh thủy lực, làm mát bằng chất lỏng bay hơi và điểm hỏa bằng điện. Cơ chế hoạt động này khác với nhiều loại pháo hàng không cùng thời, khiến GSh-30-1 có tốc độ bắn tương đối chậm, nhưng trọng lượng chỉ ở mức 46 kg, nhẹ hơn nhiều so với mẫu pháo khác.

Nhà thiết kế trang bị cơ cấu điểm hỏa đặc biệt để đối phó với tình huống đạn không nổ. Trong trường hợp đó, một kim điểm hỏa đốt điện cực nóng sẽ được phóng xuyên qua vỏ đạn, đốt cháy toàn bộ thuốc súng bên trong, đẩy đầu đạn rời nòng và tiếp tục hoạt động bình thường của khẩu pháo. Tính năng này khiến GSh-30-1 rất khó bị kẹt đạn, tăng độ tin cậy trong các tình huống chiến đấu.

Mẫu GSh-30-1 đạt tốc bắn tối đa 1.800 phát/phút, nhưng thường giới hạn ở mức 1.500 phát/phút để giảm hao mòn nòng. Tuy vậy, nòng pháo có tuổi thọ khá ngắn và thường bị mòn chỉ sau 2.000 phát đạn. Pháo có tầm bắn hiệu quả khoảng 800 m với mục tiêu trên không và tối đa 1.800 m khi tấn công mục tiêu mặt đất.

Khi kết hợp với tổ hợp đo xa laser và bám bắt hồng ngoại trên tiêm kích, loại pháo này có độ chính xác rất cao. Cỡ đạn 30x165 mm cho phép nó bắn hạ máy bay đối phương chỉ bằng 3-5 phát đạn trúng đích.

GSh-23

Đây là mẫu pháo tự động nòng đôi cỡ 23 mm, được phát triển dưới thời Liên Xô và biên chế từ năm 1965. GSh-23 hoạt động theo nguyên lý được phát triển bởi kỹ sư người Đức Karl Gast vào năm 1916. Việc khai hỏa một nòng sẽ kích hoạt cơ chế bắn ở nòng còn lại, giúp tăng tốc độ bắn và giảm hao mòn so với pháo nòng đơn.

Hai cụm pháo GSh-23 ở đuôi oanh tạc cơ Tu-95MS. Ảnh: Vitaly Kuzmin

Mẫu pháo này không cần nguồn điện ngoài để khai hỏa như dòng M61 Vulcan của Mỹ, mà lợi dụng độ giật nòng để nạp đạn liên tục. GSh-23 đạt tốc độ bắn lý thuyết tới 3.600 phát/phút, nhưng con số thực tế thường bị giới hạn để tiết kiệm đạn và hạn chế mòn nòng.

GSh-23 nổi tiếng nhờ sự chắc chắn, mạnh mẽ và dễ bảo dưỡng trên chiến trường. Khẩu pháo này được trang bị cho một số biến thể tiêm kích MiG-21 và MiG-23, oanh tạc cơ Tu-22 và Tu-95. Ngoài khả năng bắn đạn nổ, GSh-23 cũng có thể phóng mồi bẫy đánh lừa tên lửa tầm nhiệt và dẫn đường bằng radar.

GSh-6-30

Mẫu pháo nòng xoay này được thiết kế vào đầu những năm 1970 và đưa vào biên chế năm 1975. GSh-6-30 phát triển từ nền tảng pháo nòng xoay AO-18 của tổ hợp phòng thủ tầm cực gần AK-630 trên tàu chiến.

Khác với pháo nòng xoay M61 Vulcan của Mỹ, GSh-6-30 không xoay nòng bằng thủy lực mà dùng khí nén, giúp nó đạt tốc độ bắn tối đa trong thời gian ngắn hơn. Điều này đem tới lợi thế trong không chiến, khi phi công có rất ít thời gian để khai hỏa vào mục tiêu. Tốc độ bắn lý thuyết của GSh-6-30 vào khoảng 4.000-6.000 phát/phút.

Hệ thống pháo nòng xoay GSh-6-30. Ảnh: Vitaly Kuzmin

GSh-6-30 được lắp chủ yếu trên cường kích MiG-27. Tuy nhiên, điểm yếu của khẩu pháo này là độ giật quá lớn. Dù nhà thiết kế phải gắn pháo theo hướng nghiêng so với thân máy bay để giảm bớt độ giật, GSh-6-30 vẫn bị đánh giá là quá ồn và thường rung mạnh khi khai hỏa, gây ảnh hưởng nặng tới khung thân MiG-27 như nứt thùng nhiêu liệu, làm hỏng thiết bị điện tử và thông tin liên lạc.

Độ rung giật mạnh của GSh-6-30 cũng thường làm vỡ đèn hạ cánh của cường kích MiG-27, khiến chúng phải vận hành ở những sân bay có hệ thống đèn chiếu sáng mạnh vào ban đêm.

Khẩu pháo này cũng là thủ phạm làm làm cửa khoang chứa càng trước của MiG-27 bị kẹt hoặc xé rách, dẫn tới ít nhất ba vụ hạ cánh khẩn cấp, thậm chí từng khiến nắp khoang lái của một chiếc MiG-27 bị bung trong khi bay.

Số mảnh văng quá lớn trong mỗi viên đạn của GSh-6-30 cũng có thể gây rắc rối. Mỗi viên đạn 30x165 mm có thể gây hư hại cho các máy bay trong bán kính 200 m quanh điểm nổ, gồm chính phi cơ đã khai hỏa loạt đạn.

GSh-6-23

GSh-6-23 có thể coi là phiên bản GSh-6-30 thu nhỏ, sử dụng cỡ đạn 23x115 mm. Loại pháo này đạt tốc độ bắn 10.000 phát/phút, được coi là pháo bắn nhanh nhất thế giới hiện nay. GSh-6-23 được trang bị cho dòng MiG-27, MiG-31 và Su-24.

Pháo GSh-6-23 từng sử dụng cơ chế dây đạn để nạp đạn. Tuy nhiên, các biến thể sau áp dụng cơ chế nạp bằng băng chuyền, trong đó các viên đạn độc lập với nhau và được chuyển đến nơi nạp đạn. Pháo có thể sử dụng các loại đạn như nổ mảnh, cháy, xuyên giáp và xuyên giáp gây cháy.

Cụm pháo 6 nòng GSh-6-23. Ảnh: Vitaly Kuzmin

Sau khi hai cường kích Su-24 bị rơi do đạn tự nổ vào năm 1983, cũng như hàng loạt vấn đề kỹ thuật, không quân Liên Xô quyết định ngừng sử dụng pháo GSh-6-23 trong chiến đấu. Hiện nay, phi đội Su-24 và MiG-31 của Nga vẫn trang bị pháo GSh-6-23 nhưng không mang đạn.

Theo vnexpress.net
Copy Link
Mới nhất
x
4 mẫu pháo uy lực nhất trên chiến đấu cơ Nga
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO