5 vũ khí uy lực nhất của thủy quân lục chiến Mỹ
Là lực lượng sẵn sàng triển khai đi khắp thế giới, thủy quân lục chiến Mỹ sở hữu nhiều khí tài hiện đại để đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ.
Thủy quân lục chiến Mỹ (USMC) là lực lượng đổ bộ chuyên nghiệp, được trang bị hiện đại để sẵn sàng tham chiến trong các trường hợp khẩn cấp, trong đó có 5 loại vũ khí uy lực nhất, theo National Interest.
Xe tăng chiến đấu chủ lực M1A1 Abrams
Dù không hiện đại bằng biến thể M1A2 SEPv2 của lục quân, xe tăng M1A1 của thủy quân lục chiến Mỹ vẫn sở hữu gói hỏa lực tăng cường để đảm nhận nhiệm vụ yểm trợ bộ binh. M1A1 được trang bị một pháo nòng trơn 120 mm và lớp giáp dày gia cố bằng uranium nghèo. Nhờ sử dụng động cơ turbine khí công suất 1.500 mã lực, nó có thể đạt tốc độ trên 72 km/h.
Thủy quân lục chiến Mỹ huấn luyện với xe tăng M1A1
USMC không phải lực lượng bộ binh cơ giới hạng nặng như lục quân. Họ chỉ có 3 tiểu đoàn tăng với tổng số 400 xe M1A1 trong biên chế, phần lớn được niêm cất trong kho trước khi triển khai.
Trực thăng AH-1Z Viper
Trực thăng tấn công AH-1Z được trang bị hai động cơ công suất 1.800 mã lực cùng 4 cánh quạt bằng vật liệu composite, giúp nó có khả năng cơ động rất cao. Trực thăng này còn được tích hợp hệ thống cảm biến gồm thiết bị ngắm mục tiêu của Lockheed Martin và radar Longbow.
Tương tự trực thăng AH-64E của lục quân, trực thăng AH-1Z của thủy quân lục chiến có thể mang theo 16 tên lửa chống tăng AGM-114 Hellfire và tên lửa đối không AIM-9X Sidewinder.
AH-1Z cũng sử dụng nhiều bộ phận giống với mẫu UH-1Y Venom để hỗ trợ hậu cần. Điểm hạn chế là trực thăng Viper không được chế tạo với số lượng lớn như Apache và UH-60 Blackhawk, khiến việc cập nhật công nghệ cho chúng mất nhiều thời gian và tiền bạc.
Tiêm kích hạm AV-8B Harrier II
Khả năng cất cánh trên đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng (STOVL) của tiêm kích AV-8B Harrier II giúp yểm trợ cho các đơn vị viễn chinh của USMC trong trường hợp họ không được hỗ trợ hỏa lực bởi pháo binh hạng nặng và máy bay cường kích.
Tiêm kích AV-8B của USMC. Ảnh: Wikiwand. |
Đây không phải là tiêm kích tốt nhất trong biên chế quân đội Mỹ, nhưng nó có thể xuất phát và trở về các tàu tấn công đổ bộ cỡ vừa, thay vì đòi hỏi các tàu sân bay hoặc căn cứ không quân quy mô lớn. AV-8B được coi là một trong những nền tảng cơ bản trong chiến dịch đổ bộ của USMC.
Thủy quân lục chiến Mỹ có thể loại biên tiêm kích AV-8B vào năm 2025, sớm hơn 5 năm so với kế hoạch trước đó, để thay thế bằng tiêm kích tàng hình F-35B.
Xe bọc thép hạng nhẹ (LAV)
Là lực lượng có sức cơ động cao, thủy quân lục chiến Mỹ không chỉ dựa vào xe tăng chiến đấu chủ lực mà còn có dòng xe bọc thép hạng nhẹ LAV. Một tiểu đoàn thiết giáp hạng nhẹ của USMC sở hữu nhiều biến thể xe bọc thép hạng nhẹ như LAV-25, LAV-AT, LAV-L... với các tính năng riêng, từ chống tăng và phòng không đến chỉ huy và kiểm soát chiến trường.
Sở hữu tốc độ nhanh và linh hoạt, xe LAV-25 mẫu cơ bản được trang bị một pháo tự động 25 mm, hai súng máy 7,62 mm và có thể hành trình với vận tốc trên 101 km/h.
Con người
Dù không được tính là "vũ khí" theo quan niệm truyền thống, quá trình huấn luyện rất khắc nghiệt giúp lính thủy đánh bộ Mỹ trở thành vũ khí đáng gờm. Từ binh nhất cho đến chỉ huy đều phải trải qua giai đoạn huấn luyện bộ binh kéo dài nhiều tháng, bảo đảm họ có sức chiến đấu cao nhất trong các lực lượng vũ trang Mỹ.
Thủy quân lục chiến Mỹ sẽ bị cắt giảm quân số còn 182.000 quân vào năm 2017, nhưng vẫn tương đương tổng số lính tại ngũ trong quân đội Anh.
Theo VNE
TIN LIÊN QUAN |
---|