7 sai lầm trong quản lý tài chính gia đình
(Baonghean.vn) - Những sai lầm nhỏ trong chi tiêu gia đình đôi khi rất dễ được bỏ qua; tuy nhiên, nếu quản lý tài chính không tốt về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình. Dưới đây là những sai lầm về quản lý tài chính bạn cần tránh.
1. Tiêu tiền “vô tội vạ”
Phụ nữ thường là nạn nhân của hiện tượng mà các chuyên gia gọi là “sự mơ hồ tài chính”. Điều đó có nghĩa là bạn không biết những đồng tiền của mình đã được tiêu vào các khoản nào.
“Kiểm soát chặt chẽ tiền bạc chưa chắc giúp bạn giàu lên nhanh chóng nhưng nó khiến bạn chủ động hơn trong cuộc sống. Bạn sẽ mua được những thứ mình cần ở một thời điểm định sẵn nhờ vào việc tính toán rõ ràng các khoản chi tiêu”
2. Không ghi lại các khoản chi tiêu
Ghi lại các khoản chi phí cho sinh hoạt, mua sắm là điều hoàn toàn cần thiết, nhưng thường dễ bị phụ nữ bỏ qua.
Hãy ghi lại các khoản chi tiêu đó vào cuốn sổ nhỏ để theo dõi ngân sách gia đình và đối chiếu với các tháng khác. Từ đó bạn có thể tự mình đánh giá, xem các khoản chi tiêu nào là cần thiết, không cần thiết và đề ra biện pháp chi tiêu hợp lý hơn.
3. Lạm dụng thẻ tín dụng
Nhỏ gọn, thuận tiện cho việc thanh toán nên thẻ tín dụng được nhiều người sử dụng. Và khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thường xuyên quên mất rằng họ đang dùng tiền đi vay. Vậy nên, việc dùng thẻ tín dụng để mua sắm là một trong những cách khiến ngân sách của bạn thâm hụt nhanh chóng.
Trước khi đi mua sắm, bạn nên tính toán trước, chỉ nên mang theo một khoản tiền mặt không vượt quá khoản tiền dự tính. Chỉ dùng thẻ tín dụng khi có việc thực sự cần và hãy cố gắng sử dụng trong khoản tiền có thể trả lại ngân hàng trong một tháng sau đó. Đây cũng là cách để bảo vệ ngân sách của gia đình.
4. Mua vật dụng mới thay cái cũ vẫn còn sử dụng tốt
Sẽ là không là vấn đề nếu như ngân sách gia đình bạn thoải mái, luôn dư dả; nhưng với những gia đình có ngân sách eo hẹp hoặc đang muốn tiết kiệm một khoản không nhỏ cho những dự định tương lai thì sự hào phóng trong mua sắm vật dụng gia đình sẽ làm hao hụt chi tiêu trong gia đình.
Cách tốt nhất là hãy liệt kê những thứ cần mua sắm theo một kế hoạch rõ ràng.
5. Bị ảnh hưởng bởi những chiêu bán hàng
Các công ty lớn luôn cố gắng tung ra những chiêu bán hàng, những kỹ xảo để thu hút người tiêu dùng mua những thứ không thật sự cần thiết cho nhu cầu của họ. Những chiêu hút khách như khuyến mại đặc biệt, giảm giá "sốc", mua 2 tặng 1… rất dễ lôi cuốn bạn mua những thứ mà có khi chẳng dùng đến.
Cách tốt nhất là hãy phớt lờ những lời mời chào của những người bán hàng, nếu như đó là mặt hàng không có trong danh sách những thứ cần mua của gia đình.
6. Không kiểm tra giá bán
Thông thường phụ nữ có thói quen mua hàng ở địa điểm quen thuộc, ngại thay đổi địa điểm mới vì đã gắn bó với nó một thời gian. Nhưng thực tế, có rất nhiều công ty, những cửa hàng, đại lí thường lợi dụng sự trung thành của khách hàng để bán với mức giá cao hơn so với những chỗ khác.
Tính về lâu dài, nếu chúng ta chịu khó tìm hiểu, kiểm tra giá cả ở những chỗ khác, có thể tiết kiệm được một khoản khá lớn.
7. Quên tiết kiệm cho những tình huống ngoài mong đợi
Ngân sách không chỉ hữu ích cho việc quản lý chi tiêu mà còn giúp bạn tạo lập khoản tiết kiệm cá nhân. Khi bạn lập ngân sách những khoản chi tiêu cố định và biến đổi, đừng quên tiết kiệm. Hãy coi tài khoản tiết kiệm như một chi phí trong ngân sách...
Nhờ đó, bạn sẽ dần dần lập được một ngân quỹ tiết kiệm dành cho những tình huống ngoài mong đợi.
Trên thực tế, thì khi vừa bắt đầu bước vào hôn nhân là giai đoạn tốt nhất để tiết kiệm một khoản ngân sách cho các dự định tương lai của cả gia đình.
Ngọc Anh
(Tổng hợp)
TIN LIÊN QUAN |
---|