7 sự kiện 'nóng' của thế giới 24h qua

18/12/2017 06:18

(Baonghean.vn) - 80.000 người biểu tình phản đối quyết định của Trump về Jerusalem ở Indonesia; Hàn-Mỹ diễn tập loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên; Tư lệnh hải quân Argentina mất chức vì vụ tàu ngầm mất tích; ...là những tin tức quốc tế nổi bật 24h qua.

1. Biểu tình phản đối quyết định của Trump về Jerusalem ở Indonesia

Khoảng 80.000 người ngày 17/12 tập trung về đài tưởng niệm quốc gia ở thủ đô Jakarta, Indonesia, phản đối việc Trump coi Jerusalem là thủ đô Israel.
Khoảng 80.000 người ngày 17/12 tập trung về đài tưởng niệm quốc gia ở thủ đô Jakarta, Indonesia, phản đối việc Trump coi Jerusalem là thủ đô Israel.

Số người tham gia biểu tình "Bảo vệ Palestine" ở đài tưởng niệm quốc gia, Jakarta, tăng từ 40.000 người lúc 8h sáng 17/12 lên đến 80.000 người, Strait Times dẫn lời Argo Yuwono, người phát ngôn cảnh sát Indonesia, nói. Cuộc biểu tình kết thúc ngay sau buổi trưa.

Nhiều người biểu tình mặc đồ trắng, vẫy cờ và mang các tấm biển có khẩu hiệu như "hòa bình, tình yêu và tự do cho Palestine".

Đây là cuộc biểu tình lớn nhất ở Indonesia sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 6/12 tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô Israel và sẽ chuyển đại sứ quán Mỹ ở Tel Aviv về thành phố này. Cuộc biểu tình do Hội đồng Hiền triết Indonesia (MUI) cùng các nhóm Hồi giáo tổ chức.

2. Hàn-Mỹ diễn tập loại bỏ vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên

Binh sỹ Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận chung tại Yeoncheon, Đông Bắc Seoul. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Binh sỹ Mỹ và Hàn Quốc trong một cuộc tập trận chung tại Yeoncheon, Đông Bắc Seoul. Nguồn: AFP/TTXVN

Hãng thông tấn Yonhap dẫn nhiều nguồn tin quân sự ngày 17/12 cho biết các lực lượng của Hàn Quốc và Mỹ đã tiến hành một cuộc diễn tập chung từ ngày 12-15/12, giả định tình huống thâm nhập Triều Tiên và loại bỏ các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt trong trường hợp nổ ra xung đột.

Hoạt động diễn tập này mang tên “Cuộc tấn công của chiến binh” được tiến hành tại căn cứ Stanley nằm ở phía Bắc của thủ đô Seoul và nhiều nơi khác, với sự tham gia của hàng trăm binh sĩ của cả hai bên.

Nhiều sỹ quan cấp cao của cả hai bên như Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Jung Kyung-doo và Tư lệnh các lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc Vincent K. Brooks đã tới căn cứ Stanley và quan sát hoạt động này.

3. Tư lệnh hải quân Argentina mất chức vì vụ tàu ngầm mất tích

Đô đốc Marcelo Srur, tư lệnh hải quân Argentina. Ảnh: El Cronista.
Đô đốc Marcelo Srur, tư lệnh hải quân Argentina. Ảnh: El Cronista.

Argentina sa thải tư lệnh hải quân, một tháng sau khi xảy ra vụ tàu ngầm ARA San Juan cùng 44 thủy thủ mất tích.

Bộ Quốc phòng Argentina đề nghị sa thải đô đốc Marcelo Srur trong cuộc điều tra về vụ mất tích của tàu ngầm ARA San Juan, một quan chức quân đội Argentina nói với AFP ngày 16/12.

Truyền thông địa phương đưa tin Tổng thống Argentina Mauricio Marci sẵn sàng cho về hưu gần như toàn bộ đội ngũ chỉ huy hải quân. Ít nhất hai quan chức hải quân cấp cao đã bị cho thôi chức liên quan vụ ARA San Juan.

4. Australia bắt đối tượng nghi làm gián điệp cho Triều Tiên

Vũ khí Triều Tiên xuất hiện trong lễ diễu binh ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters
Vũ khí Triều Tiên xuất hiện trong lễ diễu binh ở thủ đô Bình Nhưỡng. Ảnh: Reuters

Cảnh sát Australia đã bắt giữ một người đàn ông 59 tuổi mang quốc tịch nước này với cáo buộc làm gián điệp cho Triều Tiên thông qua hoạt động môi giới cho chương trình vũ khí của Bình Nhưỡng.

“Vụ việc này không giống bất kỳ vụ việc nào mà chúng tôi từng chứng kiến trên lãnh thổ Australia. Đó là thị trường chợ đen 101”, Fox News dẫn lời ông Neil Gaughan, Trợ lý Ủy viên Cảnh sát Liên bang Australia, cho biết ngày 17/12.

Nghi phạm trên là trường hợp đầu tiên bị cáo buộc theo Đạo luật Vũ khí Hủy diệt hàng loạt của Australia và có nguy cơ đối mặt với mức án 10 năm tù. Tuy nhiên, ông Gaughan cho biết quá trình điều tra vẫn đang được tiến hành và các cáo buộc mới có thể sẽ tiếp tục được đưa ra.

5. Hội đồng Bảo an LHQ xem xét bác mọi quyết định về Jerusalem

Đụng độ giữa người Palestine và quân đội Israel sau quyết định của Mỹ về Jerusalem. Ảnh: Reuters
Đụng độ giữa người Palestine và quân đội Israel sau quyết định của Mỹ về Jerusalem. Ảnh: Reuters

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đang xem xét một dự thảo nghị quyết sẽ bác bỏ mọi quyết định về tình trạng của Jerusalem.

Theo Reuters, bản nghị quyết dài một trang này do Ai Cập dự thảo và được chuyển tới 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an vào hôm 16/12. Dự thảo không nhắc tới Mỹ hay ông Donald Trump. Các nhà ngoại giao cho rằng, dự thảo nhận được sự ủng hộ rộng rãi nhưng có khả năng sẽ bị Mỹ phủ quyết.

Dự thảo “khẳng định rằng mọi quyết định và hành động nhằm làm thay đổi đặc tính, tình trạng hay thành phần nhân khẩu học của thành phố Jerusalem đều không có hiệu lực pháp lý, không có giá trị và phải bị thu hồi theo đúng những nghị quyết có liên quan do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đưa ra”.

6. Tổng thống Mỹ chuẩn bị công bố chiến lược an ninh quốc gia mới

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 6/12. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại Nhà Trắng ngày 6/12. Nguồn: AFP/TTXVN

Hãng Reuters dẫn lời hai quan chức cấp cao của Mỹ cho biết vào ngày 18/12 tới, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ công bố chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ dựa trên chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của ông và bên cạnh những điều khác, sẽ làm rõ rằng Trung Quốc là 1 đối thủ cạnh tranh của Mỹ.

Tổng thống Trump ca ngợi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình song cũng yêu cầu Bắc Kinh gia tăng sức ép đối với Triều Tiên liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này và thay đổi các thông lệ thương mại để có lợi hơn đối với Mỹ.

Các quan chức giấu tên trên nhấn mạnh, không nên xem chiến lược an ninh quốc gia này, sẽ được giới thiệu trong bài phát biểu của Tổng thống Trump, là một nỗ lực để ngăn chặn Trung Quốc, mà thay vào đó chiến lược mới sẽ đưa ra một cái nhìn rõ nét về những thách thức mà Trung Quốc đặt ra.

7. Romania tổ chức Lễ an táng vị Vua cuối cùng

Vua Mihai 1 của Romania. Ảnh: Tân Hoa xã.
Vua Mihai 1 của Romania. Ảnh: Tân Hoa xã.

Nhà vua cuối cùng của Romania được chôn cất bên cạnh Nữ hoàng Ana, người đã qua đời vào ngày 1/8 năm ngoái.

Nhà vua Mihai 1 qua đời ở tuổi 96 tại Thụy Sỹ vào ngày 6/12 vừa qua, sau khi đã trải qua các lần phẫu thuật trị bệnh máu trắng và ung thư.

Ông thoái vị vào năm 1946 và sống tha hương ở các nước phương Tây trong nhiều thập kỷ và không xuất hiện trước công chúng kể từ năm 2016 khi lâm bệnh nặng.

Đất nước Romaniachỉ có vua 5 lần trong lịch sử, trong đó nhà vua Mihai 1 trị vì 2 lần, từ năm 1927-1930 và 1940-1947./.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
7 sự kiện 'nóng' của thế giới 24h qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO