7 sự kiện 'nóng' của thế giới 24h qua

23/12/2017 08:17

(Baonghean.vn) - Gần 130 nước phản đối quyết định của Trump về Jerusalem; Nga tuyên bố đáp trả các lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ; Phe ủng hộ độc lập giành chiến thắng trong bầu cử Catalonia;... là những tin tức quốc tế nổi bật 24h qua

1. Gần 130 nước phản đối quyết định của Trump về Jerusalem

Kết quả bỏ phiếu về quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel của Mỹ hiển thị trên màn hình tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 21/12. Ảnh: AFP.
Kết quả bỏ phiếu về quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô Israel của Mỹ hiển thị trên màn hình tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 21/12. Ảnh: AFP.

Nghị quyết phản đối Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô Israel được thông qua ngày 21/12 tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, gồm 193 thành viên, với tỷ lệ 128 ủng hộ, 9 phản đối, 35 phiếu trắng, AFP đưa tin.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra không lâu sau khi Tổng thống Trump dọa cắt viện trợ các nước ủng hộ nghị quyết của Liên Hợp Quốc. 21 quốc gia không bỏ phiếu, trong đó có Ukraine, từng ủng hộ nghị quyết tại Hội đồng Bảo an, cho thấy một số nước bị tác động bởi lời đe dọa từ ông chủ Nhà Trắng.

9 quốc gia phản đối gồm Guatemala, Honduras, Israel, Marshall Islands, Micronesia, Nauru, Palau, Togo và Mỹ.

2. Phe ủng hộ độc lập giành chiến thắng trong bầu cử Catalonia

Ông Carles Puigdemont (giữa) ăn mừng sau chiến thắng của phe ly khai. Ảnh: AFP.
Ông Carles Puigdemont (giữa) ăn mừng sau chiến thắng của phe ly khai. Ảnh: AFP.

Phe ủng hộ Catalonia ly khai ngày 21/12 giành được 70 trên 135 ghế trong cuộc bầu cử nghị viện, cao hơn mức đa số tối thiểu là 68 ghế. Chiến thắng này có thể khiến tương lai của Catalonia tiếp tục không rõ ràng, AFP đưa tin. Catalonia hồi tháng 10 trưng cầu dân ý về tách khỏi Tây Ban Nha, tạo ra cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua ở nước này.

Với tỷ lệ cử tri đi bầu cao kỷ lục và 99,6% phiếu đã được kiểm, kết quả bầu cử thể hiện sự ủng hộ đối với các cựu lãnh đạo bị phế truất của Catalonia, dù họ đang bị giam hoặc phải lưu vong ở nước ngoài. Phe ly khai sẽ nắm quyền lãnh đạo nếu thành lập được liên minh giữa ba đảng sau cuộc bầu cử.

Tuy nhiên, nếu xét theo kết quả đơn lẻ, đảng Ciudadanos chống ly khai lại giành được nhiều phiếu bầu nhất, có 37 ghế.

3. Nga tuyên bố đáp trả các lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Tass.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova. Ảnh: Tass.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova ngày 22/12 cho biết những lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ nhằm vào các cá nhân Nga và Chechnya là lố bịch và vô căn cứ, đồng thời khẳng định sẽ đáp trả tương xứng, Reuters đưa tin.

Bộ Tài chính Mỹ ngày 20/12 áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào ba công dân Nga và hai công dân Chechnya, bao gồm cả lãnh đạo Chechnya là Ramzan Kadyrov, vì những cáo buộc lạm dụng nhân quyền.

Những biện pháp trừng phạt bao gồm đóng băng tài sản và cấm nhập cảnh theo Đạo luật Magnitsky được Quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2012.

Động thái mới nhất này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa công bố chiến lược an ninh mới, coi Nga, Trung Quốc là "các thế lực xét lại" muốn làm xói mòn những lợi ích và giá trị của Mỹ. Moscow trong khi đó gọi chiến lược mới của Washington thể hiện "bản chất đế quốc".

4. Phó Tổng thống Mỹ bất ngờ thăm Afghanistan

pho tong thong my bat ngo tham afghanistan hinh 1
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence có mặt tại căn cứ quân sự Bagram.

Tối 21/12, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã tới căn cứ quân sự Bagram –căn cứ lớn nhất của Mỹ tại Afghanistan, sau đó rời tới thủ đô Kabul để gặp Tổng thống nước chủ nhà Ashraf Ghani và quan chức điều hành cấp cao Afghanistan Abdullah Abdullah.

Chuyến thăm của ông Mike Pence diễn ra 4 tháng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Afghanistan nhằm tái khẳng định cam kết của Mỹ trong việc đẩy mạnh các chiến dịch quân sự chống lại phiến quân Taliban.

Tại cuộc gặp các nhà lãnh đạo Afghanistan, Phó Tổng thống Mỹ bày tỏ hy vọng sự hiện diện của ông tại quốc gia này là bằng chứng rõ ràng rằng Mỹ muốn có sự tiến triển trong cuộc chiến chống Taliban.

Về phần mình, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ Mỹ và nhấn mạnh quan hệ đối tác giữa hai nước đã được củng cố với đóng góp của các binh sĩ.

5. Mỹ cân nhắc tấn công phủ đầu Triều Tiên

Tình hình Triều Tiên,Mỹ tấn công phủ đầu Triều Tiên
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un quyết tâm phát triển vũ khí hạt nhân bất chấp sức ép và trừng phạt quốc tế. (Ảnh: Reuters/KCNA)

Mỹ đang cân nhắc một cuộc tấn công phủ đầu nhằm vào Triều Tiên để buộc quốc gia này ngừng chương trình vũ khí hạt nhân.

Ba nguồn tin nói với báo Anh The Telegraph rằng Nhà Trắng đang vạch ra các lựa chọn quân sự vì ngoại giao đã không làm được gì để kiềm chế Bình Nhưỡng.

"Lầu Năm Góc đang cố gắng tìm ra các lựa chọn cho phép họ đánh trực diện Triều Tiên, buộc nước này phải chú ý và chứng minh chúng tôi đang rất nghiêm túc", một cựu quan chức an ninh Mỹ nói với Telegraph.

Các lựa chọn đang 'trên bàn làm việc' bao gồm ném bom một bãi phóng tên lửa trước vụ thử tiếp theo, và phá hủy một kho trữ vũ khí. Mục đích là để lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un thấy rằng Washington "nghiêm túc" về việc ngăn chặn chương trình vũ khí của nước này.

6. Australia tuyên bố sớm chấm dứt không kích IS tại Iraq

Chiến đấu cơ Australia làm nhiệm vụ đánh IS. Ảnh: Getty.
Chiến đấu cơ Australia làm nhiệm vụ đánh IS. Ảnh: Getty.

Ngày 22/12, Australia tuyên bố sẽ chấm dứt các cuộc không kích nhằm vào nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng ở Iraq.

Trong một tuyên bố, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne cho biết, những máy bay chiến đấu thuộc Không lực Hoàng gia Australia sẽ được điều động về nước sau chiến dịch "cứng rắn và kiên quyết" chống lại nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.

Theo bà Payne, chiến dịch không kích của Australia đã có những đóng góp đáng kể trong cuộc chiến chống lại nhóm Nhà nước Hồi giáo.

Thông báo này được đưa ra sau khi Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi vừa tuyên bố chiến thắng IS. Hiện có khoảng 800 nhân viên quân sự Australia tham gia chiến dịch quân sự tại Iraq./.

7. Nghị viện Mỹ bắt đầu điều tra Obama

Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Các nhà lập pháp Mỹ đang tiến hành một cuộc điều tra về những nỗ lực của ông Obama nhằm ngăn chặn chiến dịch điều tra của Hoa Kỳ đối với nhóm khủng bố Hezbollah do Iran hậu thuẫn, Washington Free Beacon đưa tin.

Theo một báo cáo của Politico, chính quyền Obama đã nỗ lực ngăn chặn một chiến dịch điều tra kéo dài suốt 1 thập niên của Cơ quan Chống Ma túy (DEA), gọi là Dự án Cassandra. Chiến dịch này nhằm phanh phui đường dây buôn bán ma túy có lợi nhuận cao ở Mỹ Latinh của Hezbollah.

Theo các nhà lãnh đạo Dự án Cassandra, chiến dịch của họ mở những cuộc điều tra và có nhu cầu tiến hành truy tố, bắt giữ và xử phạt tài chính rất lớn, nhưng các quan chức của Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính thời Obama đã trì hoãn, cản trở hoặc bác bỏ yêu cầu của họ, Politico cho biết.

Chính quyền Obama lo ngại cuộc điều tra của DEA sẽ làm phật lòng người Iran, điều này có thể gây nguy hiểm cho thỏa thuận hạt nhân.

Thái Bình

(Tổng hợp)

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
7 sự kiện 'nóng' của thế giới 24h qua
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO