Ai là người đưa hạt giống cam đặc sản từ trời Tây về mảnh đất Xã Đoài?

Trịnh Xuân 29/03/2022 10:59

(Baonghean.vn) - Qua một số tài liệu, sự kiện được xâu chuỗi, chúng tôi được biết ông Nguyễn Trường Tộ là người đã bắt đầu gieo những hạt giống cam Tây Ban Nha đầu tiên trên mảnh đất Xã Đoài ở giai đoạn 1864 - 1871 qua sự giới thiệu của Giám mục Jean Denis Gauthier.

Bén duyên với cây cam Vinh Xã Đoài từ những năm 2005 đến nay, chúng tôi luôn trăn trở tìm kiếm các thông tin cũng như các tài liệu nói về nguồn gốc cây cam Xã Đoài ở Nghệ An để mang thương hiệu cam Xã Đoài đến toàn thế giới bởi giống cam nức tiếng này với những câu chuyện danh bất hư truyền không chỉ ở nước Việt.

Trong cuốn sách: “Lời hứa ghép tim” của tác giả linh mục Anton Trần Đức Hà, là người được sinh ra trên mảnh đất Xã Đoài có kể lại một ít thông tin như sau: "Trong ký ức, thầy (bố) tôi vẫn còn nhớ rõ mồn một câu chuyện của ông cụ Đậu Đình Văn, thân phụ cố linh mục Phêrô Đậu Đình Triều. Cụ Văn là người ở vùng biển Cửa Lò theo lời mời gọi của các thừa sai lên định cư tại Tân Hưng. Cụ là anh vợ và là hàng xóm sát nhà nội tôi, nhờ lòng thành kính dâng tiến Vua Bảo Đại thứ cam ngon nên được Hoàng thượng thưởng ban chức “cửu phẩm” để tỏ lòng biết ơn. Chuyện là một ngày kia, nhà vua tổ chức hội thi về các loại quả ngon, vật lạ đất Việt. Hoa quả nổi tiếng nườm nượp theo người về kinh. Cụ Văn cũng hay tin liền tiến vua một cành cam 5 quả. Trên cành cam ấy, cụ ghi rõ: “Đậu Đình Văn - Tân Hưng, Xã Đoài, Nghệ An”.

Vào dịp Tết, những vườn cam Xã Đoài, hay còn gọi là “cam tiến vua” ở xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc đã vàng óng, thơm lừng. Ảnh: Quang An

Khi quần thần bổ ra, Vua vừa nếm thử đã giật mình vì hương vị quá đặc biệt. Lập tức, vua cho gọi cụ vào hỏi han, rồi ban cho hàm cửu phẩm và tôn cam Xã Đoài lên hàng thượng đẳng các loài cam. Cụ Văn hết sức vui mừng rước lộc vua ban đem về làng. Sau này, trong cuộc di cư vào Nam 1954 - 1955, cụ đã gửi lại điền sản gia nghiệp cho con trai là Đậu Đình Bình, còn mộc triện thì tặng cho ông nội tôi. Thế nhưng, trải qua nhiều thời gian biến thiên, những đồ quý giá vua ban đã không còn giữ được…”.

Rất nhiều tài liệu viết về cam Xã Đoài bằng tiếng Việt đã được chúng tôi tìm đọc. Nhưng tuyệt nhiên qua cả một thời gian dài, chưa có duyên đọc được tài liệu nào đề cập cụ thể nguồn gốc của cây cam Xã Đoài ngon nổi tiếng này.

Cam Xã Đoài ở Yên Thành. Ảnh: Xuân Hoàng

Với những thông tin lưu truyền trong người dân Xã Đoài rằng: Giống cam Xã Đoài có thể có nguồn gốc từ Tây Ban Nha hoặc từ thời Pháp thuộc, qua tay các vị thừa sai truyền giáo mang vào Việt Nam, đã khiến chúng tôi chuyển hướng tìm kiếm tư liệu bằng tiếng Pháp. Và rồi thật kỳ diệu chúng tôi đã tìm thấy. Trong tập 12 cuốn tạp chí “Nông nghiệp nhiệt đới và thực vật học ứng dụng của nước Pháp”, xuất bản năm 1965, ở trang 538 có một dòng ngắn nhưng cực kỳ có giá trị đối với những người nghiên cứu. Nội dung lược dịch như sau: “Không có giống cây nhập nội nào ưu việt hơn giống cam Xã Đoài, gần Vinh …”.

Chúng tôi tiếp tục tìm đọc một số thông tin về các nhà truyền giáo nước ngoài (nước Pháp) sống tại Nghệ An - Việt Nam vào thời điểm cách đây gần 200 năm, nhưng cũng chưa tìm được thông tin nào liên quan đến cây cam Xã Đoài nổi tiếng.

Tình cờ tôi đọc được thông tin trên mạng Wikipedia của Pháp, giới thiệu về cây cam Xã Đoài (Xa Doai orange), với tài liệu tham khảo dẫn nguồn minh chứng từ cuốn sách “Catholicisme et socíetés asiatiques” dịch: “Công giáo và các xã hội Châu Á” của tác giả Alain Fores, xuất bản năm 1988, ở trang 164 của sách được trích dẫn: “Tại Tòa giám mục Xã Đoài, quê hương nơi ông trở về, ông đã xây dựng lại một ngôi làng trên vùng đất màu mỡ hơn và được tưới tiêu tốt hơn, để tạo ra nhiều loại cam Tây Ban Nha do các nhà truyền giáo giới thiệu và từ đó trở nên nổi tiếng…”.

Niềm vui vỡ òa với điều mình đang tìm kiếm, tôi tiếp tục tìm kiếm cuốn sách “Công giáo và các xã hội châu Á” của tác giả Alain Fores để biết rõ nhân vật “Ông” được nhắc đến là ai..? Chúng tôi đã nhờ một người bạn đang sống ở Pháp đặt mua cuốn sách “Catholicisme et socíetés asiatiques” để chuyển về Việt Nam.

Từ thông tin trong cuốn sách trên, chúng tôi được biết “Ông” chính là Nguyễn Trường Tộ(tên chữ Hán: 阮長祚), sinh năm 1828, mất năm 1871), còn được gọi là thầy Lân, ông là một danh sĩ, kiến trúc sư và là nhà cải cách xã hội Việt Nam ở thế kỷ XIX, ông chính là người đầu tiên đã gieo những hạt giống cam Tây Ban Nha trên mảnh đất Xã Đoài - Nghệ An - Việt Nam ngày nay vào những năm 1846.

Cuốn sách bao gồm những tài liệu đã được báo cáo tại hội thảo Pháp-Nhật lần thứ nhất về tôn giáo và xã hội châu Á, tại Đại học Sophia ở Tokyo, từ ngày 29 tháng 9 đến ngày 4 tháng 10 năm 1986.

Nội dung về ông Nguyễn Trường Tộ được trình bày trong sách với tựa đề: “Un lettré catholique vietnamien du XIXe sìecle qui fait problème: Nguyen Truong To (1828-1871)”, dịch là: “Một học giả Công giáo Việt Nam thế kỷ XIX có nhiều vấn đề: Nguyễn Trường Tộ (1828-1871), từ trang 159 đến 203 với 88 trích dẫn tài liệu tham khảo được nghiên cứu bởi tác giả Georges Boudarel.

Như vậy, với những gì tìm hiểu, nghiên cứu được, xâu chuỗi tất cả các sự kiện lại, chúng tôi được biết ông Nguyễn Trường Tộ là người đã bắt đầu gieo những hạt giống cam Tây Ban Nha đầu tiên trên mảnh đất Xã Đoài ở giai đoạn 1864 - 1871 qua sự giới thiệu của Giám mục Jean Denis Gauthier (tên tiếng Việt là Ngô Gia Hậu).

Tìm hiểu được biết, vì sao lại chọn giống cam mà không phải cây khác. Trong nhiều câu chuyện khoa học mà chúng tôi đã đọc được, có mẩu chuyện như sau: Năm xưa, những người đi tàu trên biển phải lênh đênh hàng mấy tháng trời, vấn nạn thiếu rau xanh đã sinh ra rất nhiều chứng bệnh, các thủy thủ có kinh nghiệm thường mang theo cam, chanh để uống thường xuyên thì giảm được bệnh tình, nên các bác sĩ mới nghiên cứu và bổ sung cam, chanh trong thực đơn cho những người đi lâu ngày trên biển, để tăng thêm sức đề kháng cho cơ thể. Ông Nguyễn Trường Tộ thời điểm đó, là người Việt đầu tiên sang Pháp ở thế kỷ XVIII, ông đã đi lại trên biển rất nhiều khi tới các nước HongKong, Ma Cao, Đông Ấn, Hà Lan, ông cũng đã từng sang Vatican yết kiến Đức Giáo hoàng RIO IX, nên biết rõ sự ưu việt của quả cam với sức khỏe ra sao, việc ăn những quả cam tuyệt vời như thế nào trong những năm tháng sống ở nước ngoài, sự tư vấn giống cam của các nhà truyền giáo và thời gian về sống ở quê nhà... Nguồn thổ nhưỡng khác biệt nơi mảnh đất Xã Đoài là những yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa để rồi hình thành nên những vườn cam Xã Đoài nổi tiếng.

Cam Xã Đoài được giới thiệu ở các hội chợ. Ảnh: Tư liệu

Việc trồng cam của ông Nguyễn Trường Tộ đã được ông Thái Văn Kiểm là một nhà biên khảo, nhà nghiên cứu văn hóa, ghi lại trong sách của ông từ những năm 1972. Khi chiến tranh kết thúc, tình hình chính trị tương đối ổn định, ông Georges Boudarel đã trình bày vấn đề này tại Hội thảo Nhật - Pháp và các tài liệu được in thành sách năm 1988. Hai mươi năm sau, vào năm 2008, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã dịch phần bài viết tiếng Pháp mà ông Georges Boudarel viết về ông Nguyễn Trường Tộ sang tiếng Việt và đăng trên trang web của hội. Nhưng vào thời điểm đó, chúng tôi chưa có duyên tiếp cận trang web và thông tin chi tiết về nguồn gốc cây cam Xã Đoài.

Ảnh: Internet

Mãi đến hôm nay, sau khi đã có đầy đủ minh chứng về nguồn gốc cây cam Xã Đoài, trong một chiều mùa Đông chúng tôi đã về thắp nén hương trước phần mộ ông Phero Nguyễn Trường Tộ tại Xã Đoài, thuộc xóm 1, làng Bùi Chu, xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An với lòng ngưỡng mộ và biết ơn sâu sắc người đã mang giống cam Tây Ban Nha về xứ Nghệ.

Qua bao năm tháng nghiên cứu tìm tòi và xúc động, cuối cùng chúng tôi cũng đã mãn nguyện khi tìm ra được người đầu tiên đi gieo giống cam Tây Ban Nha trên mảnh đất Xã Đoài ngày nay.

Chúng tôi sẽ tiếp tục kế thừa và phát triển, nhân giống cam Xã Đoài để mọi người dân Việt Nam và bạn bè khắp nơi có điều kiện được thưởng thức một loại cam ngon nhất thế giới, với những hương vị đặc trưng không nơi nào có được. Nghiêng mình kính cẩn trước mộ ông và thầm hứa sẽ tiếp tục nhân lên giống cam tuyệt vời này để không chỉ xứ Nghệ có một sản vật quý giá mà cả thế giới biết tới.

Mộ ông Nguyễn Trường Tộ tại xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.

-----------------------

Các tài liệu tham khảo: [1] Vo Duc Hanh, 1969, tr.258: Giai thoại người làm vườn, tr.259; về huấn luyện quân sự bản địa, tr.225 [2] Đào Duy Anh, 1944, tr.134 [3] Vo Duc Hanh, 1969, tr.255-256 [4] Ph. Langlet, 1974, tr.190 [5] Đặng Huy Vân và Chương Thâu,1961, tr.227-238) [6] Đặng Huy Vân, Chương Thâu, 1961, tr.28 [7] Thái Văn Kiểm, 1972. tr.493 [8] J.Silvestre “ La politique francaise dans l’Indochine” Annales de l’Ecole dé Science politique, 15 mai 1896, p.292 [9] Đào Duy Anh, 1944. p.137 [10] G.Taboulet, La Geste francaise en Indochin, 1956, II, p.491 [11] Một sự mơ hồ. Phải chăng sự mâu thuẫn giữa các phiên bản khác nhau về tiểu sử của ông đã củng cố cho sự mơ hồ này. Đặc biệt là ngày và hoàn cảnh trở về quê hương của ông ta là một vấn đề đáng nghi ngờ. [12]Thái Văn Kiểm, 1972, p.495

Mới nhất

x
Ai là người đưa hạt giống cam đặc sản từ trời Tây về mảnh đất Xã Đoài?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO