'Án chồng án' vì rủ phụ nữ đi làm công ty rồi lừa bán ra nước ngoài
(Baonghean.vn) - Dù biết hành vi đưa phụ nữ sang Trung Quốc bán làm vợ là vi phạm pháp luật, Cụt Thị Tư (SN 1993), trú xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn (Nghệ An) vẫn tìm cách thực hiện. Điều đáng nói, Tư đã 2 lần thực hiện hành vi lừa bán phụ nữ sang nước ngoài.
Rủ đi làm công ty rồi lừa bán
Sinh ra trong gia đình khó khăn, cuộc sống túng thiếu nên đối với Lương Thị U. (SN 1995), trú xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn, tìm được công việc ổn định là niềm hạnh phúc. Thế nhưng, mong ước chính đáng của cô gái ấy lại khó thực hiện, bởi tìm được việc làm thuê ở vùng núi không dễ. Vì thế, U. chủ yếu quanh quẩn trong bản, phụ giúp bố mẹ công việc lặt vặt.
Cho đến một ngày cuối năm 2016, sau cuộc gặp gỡ với người đàn ông tên Lô Văn Đức (SN 1990), trú xã Hữu Lập, huyện Kỳ Sơn thì U. thầm vui mừng khi nghĩ rằng, từ nay cuộc sống của mình sẽ sang trang. Thế nhưng, cô gái này đâu biết rằng, người đàn ông với lời hứa sẽ tìm cho mình công việc ổn định ở miền Nam là kẻ lừa đảo. Đức chính là một mắt xích trong đường dây đưa phụ nữ sang Trung Quốc bán do Cụt Thị Tư (SN 1993), trú xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn cầm đầu.
Tư từng sang Trung Quốc lấy chồng nên biết nhu cầu mua phụ nữ về làm vợ của một số người đàn ông nơi đây. Do đó, trong một dịp về nước, Tư đã gặp và bàn bạc với Đức về việc tìm phụ nữ đưa sang Trung Quốc bán. Hai bên thống nhất “nếu người đẹp trả công 20 triệu đồng, còn người xấu trả công 10 triệu đồng”.
Sau lần gặp gỡ đó, Đức đã nhiều lần đi tìm “con mồi” và U. là đối tượng mà người đàn ông này nhắm tới. Để thực hiện hành vi gian dối, tháng 12/2016, Đức tìm gặp chị U. và cho biết, có khả năng đưa người đi làm công ty ở TP. Hồ Chí Minh. Trước lời hứa sẽ có công việc ổn định và mức lương hấp dẫn nên chị U. liền gật đầu đồng ý.
Ít ngày sau, Đức đưa chị U. ra TP. Móng Cái (Quảng Ninh). Lúc này, Đức mới cho cô gái biết qua Trung Quốc để lấy chồng và sẽ trả cho gia đình 100 triệu đồng. Do không còn cách nào khác nên chị U. đồng ý theo Đức vượt biên sang bên kia biên giới.
Sau khi sang xứ người, Tư đón chị U. về nhà chồng ở. Khoảng 1 tuần sau, Tư đã bán nạn nhân cho một người đàn ông Trung Quốc lấy làm vợ với giá 165 triệu đồng. Từ số tiền trên, Tư đã đưa cho Đức 150 triệu đồng để gửi về cho người thân của chị U. Tuy nhiên, Đức chỉ đưa cho bố của chị U. 70 triệu đồng, số tiền còn lại thì tiêu xài cá nhân hết.
Về phần nạn nhân, sau thời gian làm vợ xứ người, chị U. bỏ trốn về Việt Nam. Đến ngày 8/2/2023, nạn nhân làm đơn tố cáo về hành vi của Lô Văn Đức đến cơ quan Công an. Từ đơn tố giác tội phạm, cơ quan Công an đã lần lượt bắt giữ Lô Văn Đức và Cụt Thị Tư để điều tra về hành vi mua bán người. Đáng nói, vào thời điểm này Tư đang phải chấp hành án tù về tội “Mua bán người”.
Lời trần tình của người đàn bà “án chồng án”
Để tham dự phiên xét xử vụ “Mua bán người”, cơ quan chức năng đã trích xuất Cụt Thị Tư từ Trại giam số 6 - Bộ Công an, đến Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An. Bởi bị cáo này đang thi hành bản án 8 năm tù về tội “Mua bán người” theo phán quyết của tòa án sau phiên tòa diễn ra năm 2021.
Tại phiên tòa, Tư và bị cáo Lô Văn Đức đã thừa nhận hành vi phạm tội. Bị cáo Đức khai được Tư “đặt hàng” tìm phụ nữ bán sang Trung Quốc. Số tiền bán nạn nhân, Cụt Thị Tư hưởng lợi 15 triệu đồng, Đức lấy 80 triệu đồng để tiêu xài cá nhân. Trước câu hỏi của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An về việc không chủ động khai báo hành vi bán L.T.U. trong vụ án được đưa ra xét xử trước đó để có cơ hội nhận mức hình phạt thấp hơn, Cụt Thị Tư cho biết bản thân không nhớ.
Trước khi vướng vào lao lý, Cụt Thị Tư từng lấy chồng và sinh sống ở Trung Quốc. Dù biết hành vi đưa phụ nữ sang Trung Quốc bán làm vợ là vi phạm pháp luật nhưng bị cáo này vẫn thực hiện. Đáng nói, Tư đã 2 lần cùng thực hiện hành vi lừa bán phụ nữ sang nước ngoài. Chính hành vi trên đã khiến nhiều nạn nhân phải sống khổ cực, tủi nhục nơi xứ người.
Đến tham dự phiên tòa, bị hại đã kể lại cuộc sống khổ cực khi bị bán làm vợ người đàn ông không quen biết. Chị U. trình bày, vì nghe bị cáo Đức nói đi làm công ty nên mới đồng ý. Khi gần sang bên kia biên giới, chị mới biết mình đã bị lừa nhưng lúc này không thể quay đầu bỏ chạy.
Kể về cuộc sống nơi xứ người, chị U. cho hay, có rất nhiều rào cản từ ngôn ngữ, phong tục, lối sống… khiến bản thân chán nản. Tuy nhiên, vì không biết tiếng lại không rõ đường đi, lối về nên đành phải âm thầm chịu đựng. Sau thời gian ngắn chung sống như vợ chồng với người đàn ông Trung Quốc, chị sinh 2 đứa con. Hàng ngày chị phải ở nhà chăm con, lo cơm nước cho gia đình chồng mà không được ra ngoài. Cuộc sống tù túng, bức bối khiến chị nuôi ý định bỏ trốn. Sau thời gian chịu đựng, người phụ nữ này đành bỏ con lại để bỏ trốn về nước. Đến tham dự phiên tòa, bị hại đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt các bị cáo theo quy định của pháp luật.
Đối diện với bản án của pháp luật, 2 bị cáo đều xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt. Cả 2 bị cáo cũng gửi lời xin lỗi tới bị hại. Bị cáo Tư trình bày hoàn cảnh khó khăn, chồng con hiện đang ở Trung Quốc, không có người thăm nom để xin tòa xem xét giảm nhẹ hình phạt.
HĐXX nhận định, hành vi của các bị cáo là rất nghiêm trọng, đã trực tiếp xâm hại đến quyền tự do, danh dự, nhân phẩm của công dân được pháp luật bảo vệ, làm ảnh hưởng xấu đến thuần phong, mỹ tục, truyền thống của người phụ nữ Việt Nam, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến tình hình trật tự trị an tại địa phương, gây tâm lý lo lắng trong quần chúng nhân dân. Bản thân các bị cáo là người khỏe mạnh, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức rõ việc làm của mình là sai trái, nhưng vì vụ lợi cá nhân mà coi thường pháp luật, cố ý thực hiện hành vi phạm tội nên cần có mức án nghiêm minh.
Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, Hội đồng xét xử tuyên phạt Cụt Thị Tư 6 năm tù, tổng hợp với bản án trước buộc bị cáo này phải thi hành án 14 năm tù. Bị cáo Lô Văn Đức bị tuyên phạt 6 năm tù về tội “Mua bán người”.