ASEAN - Sứ mệnh "nước nhỏ lãnh đạo nước lớn"

08/08/2017 08:37

(Baonghean) - Ngày 8/8/2017, Hiệp hội các nước Đông Nam Á – ASEAN tròn 50 tuổi, nhân sự kiện này Báo Nghệ An giới thiệu bài viết của PGS.TS – Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược Khoa học Bộ Công an về quá trình thành lập; thành tựu 50 năm; thời cơ và thách thức của khối…

Trưởng đoàn các nước trong khối ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 ở Cộng hòa Philippines
Trưởng đoàn các nước trong khối ASEAN tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30 ở Cộng hòa Philippines

1. Quá trình phát triển

ASEAN – Hiệp hội các nước Đông Nam Á thành lập ngày 8/8/1967 tại Bangkoc với 5 thành viên ban đầu là Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines và Singapore, năm 1984 thêm Brunei.

Tuyên bố Bangkoc 1976 xác định tôn chỉ, mục đích của hiệp hội là: Thúc đẩy sự phát triển kinh tế, tiến bộ xã hội và phát triển văn hóa trong khu vực nhằm củng cố nền tảng cho một cộng đồng thịnh vượng và hòa bình của các quốc gia ở Đông Nam Á; bảo đảm hòa bình và ổn định ở khu vực trên cơ sở tôn trọng công lý và pháp luật trong quan hệ giữa các quốc gia và tuân thủ các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp quốc; thúc đẩy sự hợp tác tích cực và giúp đỡ lẫn nhau trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, kỹ thuật, khoa học và hành chính; duy trì sự hợp tác chặt chẽ và có lợi với các tổ chức quốc tế và khu vực có những mục tiêu giống nhau. Văn kiện quan trọng nhất của ASEAN là Hiệp ước thân thiện và hợp tác. ASEAN hoạt động theo nguyên tắc nhất trí ở mọi cấp và về mọi vấn đề (gọi là nguyên tắc đồng thuận).

Từ năm 1967 đến nay, ASEAN đã phát triển qua 2 giai đoạn cơ bản.

- Giai đoạn 1: (từ năm 1967 đến cuối 1991).

Giai đoạn này chủ yếu vẫn là hợp tác về chính trị, an ninh và ứng phó với các thách thức bên ngoài. Hợp tác kinh tế, văn hóa của 6 nước vẫn hết sức lỏng lẻo, mờ nhạt. Có thể nói hợp tác chính trị và an ninh là trọng tâm của ASEAN trong giai đoạn 1967 – 1991.

- Giai đoạn 2 (từ năm 1992 đến nay).

Chiến tranh lạnh kết thúc (1991), trong những bối cảnh mới của trật tự quốc tế, ASEAN đã tự điều chỉnh mô hình, phương thức, nội dung, phạm vi hợp tác theo phương hướng chuyển từ hợp tác chính trị và an ninh sang hợp tác kinh tế là trọng tâm với đỉnh cao là hình thành Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột: Cộng đồng kinh tế, Cộng đồng chính trị - an ninh và Cộng đồng văn hóa - xã hội vào tháng 12.2015.

2. Thành tựu 50 năm ASEAN.

- Về hợp tác kinh tế.

ASEAN có một lộ trình hợp tác kinh tế từ thấp đến cao, từ hợp tác từng lĩnh vực đến hợp tác toàn diện, từ lỏng lẻo đến chặt chẽ. Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 4 vào tháng 1/1992, ASEAN đã đặt ra mục tiêu “Xây dựng khu vực thương mại tự do” – AFTA” trong 15 năm, phê chuẩn “Chương trình thuế quan có hiệu lực chung”.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ Thái Lan vào tháng 7/1997, ASEAN bắt đầu mở rộng liên kết kinh tế với các cường quốc khu vực. Với sự chủ trì của ASEAN, tháng 12/1997, Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên ASEAN +3 (lãnh đạo 10 nước ASEAN và lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) đã đạt được thành công ngoài mong đợi. Cho dù vào thời điểm năm 1997, GDP của 10 nước ASEAN chỉ chiếm 10% GDP, 3 đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc có quy mô áp đảo, chiếm 90% tổng GDP của ASEAN +3, nhưng ASEAN đã đóng vai trò trung tâm kết nối liên kết hợp tác ở khu vực Đông Á – khu vực kinh tế phát triển năng động và thành công nhất thế giới. 10 nước ASEAN cần hợp tác với Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc; ngược lại, ba cường quốc kinh tế Đông Bắc Á cũng có nhu cầu mở rộng liên kết, hợp tác với các nước ASEAN.

Trong quá trình hợp tác với ba cường quốc kinh tế Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước ASEAN có điều kiện để hiện thực hóa Khu thương mại tự do ASEAN (AFTA). AFTA là một công cụ quan trọng để khai thác quy mô nền kinh tế và lợi thế so sánh của mỗi quốc gia thành viên ASEAN nhằm đạt được phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

Việc dỡ bỏ thuế quan diễn ra nhanh chóng đã thúc đẩy kinh tế các nước thành viên ASEAN phát triển nhanh và năng động. Từ 1/1/2005, thuế nhập khẩu đối với gần 99% các sản phẩm của 6 nước thuộc tốp đầu (Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Brunei) chỉ dưới 5%, hơn 60% những sản phẩm này được miễn thuế. Một kết quả nổi bật của khu vực tự do thương mại ASEAN là giao dịch thương mại nội khối tăng từ 5% - 1991 lên 21% - 2016.

Tháng 1/2007, các nước ASEAN đã quyết định xây dựng Cộng đồng kinh tế ASEAN – AEC với 4 mục tiêu: 1. Xây dựng một thị trường và một nền tảng sản xuất thống nhất; 2. Một khu vực kinh tế có khả năng cạnh tranh; 3. Tạo ra một sự phát triển công bằng nội khối; 4. Một khu vực hội nhập với kinh tế thế giới.

Đến cuối năm 2015, Cộng đồng kinh tế ASEAN – AEC chính thức được thiết lập và đây là một bước tiến quan trọng có tính bước ngoặt.

Về kinh tế, sau 50 năm thành lập, từ một nhóm các nước nghèo, rời rạc thành một khu vực kinh tế thống nhất với 623 triệu dân, tổng giá trị GDP hơn 2.600 tỷ USD (thứ 7 toàn cầu), kim ngạch thương mại đạt 2.530 tỷ USD (thứ 4 toàn cầu).

ASEAN trở thành một cực kinh tế trong khu vực Đông Á nói riêng, khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung.

- Về chính trị - an ninh.

Việc hình thành Cộng đồng ASEAN với 3 trụ cột: 1. Cộng đồng kinh tế; 2. Cộng đồng chính trị – an ninh; 3. Cộng đồng văn hóa – xã hội vào cuối năm 2015, Các nước ASEAN đã vượt qua những e ngại, cảnh giác, thiếu lòng tin đối với nhau trong những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước để đến với nhau, bắt tay nhau quyết tâm xây dựng Cộng đồng chính trị, an ninh khu vực. Đây là một bước tiến lớn có tính nhảy vọt về nhận thức của 10 nước ASEAN trên lĩnh vực chính trị - an ninh.

Từ cuối thập niên thứ nhất của thế kỷ XXI, cả Trung Quốc và Mỹ đều ra sức lôi kéo ASEAN về phía mình. ASEAN trở thành một thực thể, một nhân tố quan trọng trong việc xây dựng, duy trì sự ổn định chính trị và an ninh ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Lịch sử giao cho ASEAN làm trung tâm kết nối, hóa giải mâu thuẫn, thúc đẩy hợp tác vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

Từ thập niên 90 của thế kỷ XX, châu Á – Thái Bình Dương trở thành một khu vực kinh tế phát triển năng động nhất thế giới và là đầu tàu của nền kinh tế toàn cầu. Việc tạo lập, duy trì môi trường hòa bình, ổn định cho khu vực chiến lược châu Á – Thái Bình Dương đặt ra yêu cầu khách quan, cấp bách cho việc hình thành Diễn đàn an ninh khu vực với ASEAN làm trung tâm kết nối. Năm 1994, “Diễn đàn khu vực ASEAN” – ARF ra đời.

Diễn đàn an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương ARF do ASEAN làm chủ đạo đã mời các đối tác chủ yếu của ASEAN tham gia thảo luận vấn đề đảm bảo an ninh khu vực.

Hiện nay, Diễn đàn ARF đã có 27 thành viên tham gia thảo luận các vấn đề chiến lược như “Xây dựng lòng tin chiến lược”, “triển khai ngoại giao phòng ngừa”... nhằm chủ động hóa giải các tranh chấp và xung đột trong khu vực. Sau 23 năm hoạt động (1994 - 2017), Diễn đàn an ninh ARF do ASEAN dẫn dắt đã góp phần có tính quyết định trong việc đảm bảo hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, một khu vực phát triển năng động nhất thế giới về kinh tế nhưng cũng chứa nhiều mâu thuẫn gay gắt của thời đại.

Việc dẫn dắt diễn đàn ARF đảm bảo hòa bình, ổn định trong gần một phần tư thế kỷ tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương là một thành công to lớn của ASEAN trong lĩnh vực chính trị, an ninh.

Thông qua việc dẫn dắt Diễn đàn an ninh khu vực ARF, ASEAN đã tạo ra kỳ tích “nước nhỏ lãnh đạo nước lớn”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự cuộc họp giữa các Nhà lãnh đạo ASEAN với đại diện Hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA) trong chương trình Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự cuộc họp giữa các Nhà lãnh đạo ASEAN với đại diện Hội đồng liên Nghị viện ASEAN (AIPA) trong chương trình Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 30.

3. Thách thức và thời cơ

ASEAN gồm 10 quốc gia nghèo đang phát triển, là một khu vực liên kết thành công nhất, thậm chí dư luận cho rằng ASEAN trở thành một hình mẫu cho việc hội nhập của các nước đang phát triển.

Hiện nay, ASEAN đang đối mặt với nhiều thách thức, đồng thời cũng có cơ hội có thể và cần phải tận dụng để tiếp tục phát triển.

- Các thách thức đối với ASEAN: Có thách thức bên trong và thách thức bên ngoài.

Thách thức bên trong có mấy vấn đề: 1. Trình độ phát triển không đồng đều; 2. Cơ cấu kinh tế của các nước ASEAN, trên nhiều vấn đề cơ bản, là khá giống nhau; 3. Một số nước phải đối mặt với vấn đề chủ nghĩa ly khai dân tộc, xung đột tôn giáo (Myanmar, Philippine, Thái Lan).

Các thách thức bên ngoài đối với ASEAN: 1. Các tổ chức khủng bố quốc tế như IS, al – Qaeda sau khi bị thất bại nặng nề ở Iraq, Syria đang chuyển về hoạt động ở các nước ASEAN, trước hết ở các quốc đảo như Philippine, Indonesia, Malaysia; 2. Mỹ thực hiện bảo hộ mậu dịch, châu Âu đang đối phó với chủ nghĩa dân túy, phong trào chống hội nhập quốc tế và toàn cầu hóa kinh tế; Mỹ Latinh đang khủng hoảng. Những vấn đề này tác động rất lớn đến hoạt động thương mại và đầu tư của ASEAN; 3. Trung Quốc và Mỹ ngày càng can dự sâu vào ASEAN, lôi kéo các nước ASEAN trong các tập hợp lực lượng phục vụ mục đích địa chính trị của mình. Sự cạnh tranh Trung – Mỹ đặt ASEAN trước thách thức lớn đối với việc nhận thức và ứng xử với những áp lực từ bên ngoài.

- Các cơ hội lớn đối với ASEAN: 1. ASEAN đã đạt được thành tựu lớn về hội nhập kinh tế, gắn bó về chính trị và an ninh, có nhiều kinh nghiệm trong việc hóa giải các thách thức bên trong và bên ngoài; 2. Các cường quốc trong và ngoài khu vực như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga, Australia, Hàn Quốc, EU đều có nhu cầu thúc đẩy, mở rộng hợp tác với ASEAN; 3. ASEAN có vị trí địa chính trị, địa chiến lược, địa kinh tế quan trọng ở châu Á – Thái Bình Dương – Khu vực đầu tàu của nền kinh tế thế giới.

Đối với ASEAN, các thách thức là không hề nhỏ, nhưng cơ hội cũng rất rộng lớn và đến từ nhiều hướng. Những khó khăn mà ASEAN đã vượt qua và những thành tựu to lớn và ASEAN đã đạt được trong 50 năm qua đã làm sáng tỏ bài học có giá trị: “Khi 10 nước ASEAN đoàn kết và chỉ có đoàn kết thì chắc chắn ASEAN sẽ vượt qua mọi thách thức và tận dụng được cơ hội để tiếp tục phát triển và phát huy vai trò là trung tâm kết nối, dẫn dắt cấu trúc chính trị - an ninh châu Á – Thái Bình Dương, vững tin và tự hào thực hiện sứ mệnh “Nước nhỏ lãnh đạo nước lớn”.

LÊ VĂN CƯƠNG

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
ASEAN - Sứ mệnh "nước nhỏ lãnh đạo nước lớn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO