Bàn giải pháp đưa nông sản Nghệ An vào các hệ thống siêu thị
(Baonghean.vn) - Mặc dù trên địa bàn tỉnh Nghệ An có rất nhiều nông sản, đặc sản địa phương, tuy nhiên, hiện đầu ra sản phẩm còn hạn chế, việc kết nối, đưa các sản phẩm này vào các hệ thống siêu thị, các chuỗi cửa hàng còn khiêm tốn.
Chiều 4/12, Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) phối hợp với Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Nghệ An tổ chức Hội thảo "Tìm giải pháp đưa nông sản vào siêu thị và kết nối cung - cầu hỗ trợ tiêu thụ nông sản".
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Sở Công Thương, Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh, đại diện các siêu thị, các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh Nghệ An và tỉnh bạn. Ảnh: Quang An |
Hội thảo nhằm giúp các doanh nghiệp, HTX, đơn vị sản xuất, kinh doanh nông sản trên địa bàn tỉnh hiểu rõ các quy định, tiêu chuẩn cung ứng nông sản, cách thức tham gia vào hệ thống siêu thị; Tư vấn giải pháp cải thiện điều kiện sản xuất, chất lượng để sản phẩm đủ tiêu chuẩn bán hàng trong siêu thị; tăng cường giao lưu, kết nối giữa các hộ sản xuất, HTX với các đơn vị bao tiêu sản phẩm...
Ông Nguyễn Văn Nam - PGĐ Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Quang An |
Theo báo cáo của Sở Công Thương Nghệ An, cuối năm 2015, trên địa bàn tỉnh Nghệ An chỉ có 4 trung tâm thương mại, 42 siêu thị, các chuỗi cửa hàng chủ yếu tập trung vào điện tử, điện lạnh thì đến nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 17 trung tâm thương mại, 95 siêu thị, ngoài ra, còn hơn 100 cửa hàng chuyên doanh và cửa hàng tiện lợi hiện đại hoạt động theo mô hình chuỗi hiện đại đang phát triển nhanh, góp phần rất lớn vào việc tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Tuy nhiên, số lượng cơ sở bán lẻ hiện đại tăng nhanh nhưng quy mô còn nhỏ, một số chưa đáp ứng tiêu chuẩn theo quy chế siêu thị, trung tâm thương mại. Hệ thống bán lẻ hiện đại hiện chủ yếu tập trung ở thành phố Vinh, các thị xã, thị trấn và những nơi có lợi thế thương mại. Khu vực nông thôn, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa số lượng cơ sở bán lẻ hiện đại còn ít.
Ông Cao Minh Tú - PGĐ Sở Công Thương phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Quang An |
Phát biểu tại Hội thảo, ông Hồ Mạnh Hoàn - GĐ Công ty CP Biển Quỳnh cho rằng: Với những doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, việc liên kết đưa sản phẩm vào tiêu thụ tại các siêu thị không dễ dàng. Lỗi thường mắc phải nhất là các cơ sở sản xuất chưa chú trọng đến việc hoàn thiện thủ tục, hồ sơ pháp lý kinh doanh. Có những đơn vị đã thương thảo xong với phía siêu thị, tuy nhiên, đến lúc ký kết hợp đồng để nhập hàng thì hồ sơ còn thiếu sót, phải vội vàng đi bổ sung, khiến cho việc hợp tác bị đình trệ, mất uy tín đối với đơn vị bao tiêu sản phẩm...
Lãnh đạo Siêu thị BigC Vinh cho rằng, các nông sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An cần cải thiện, bổ sung nhiều yếu tố mới có thể được bày bán rộng rãi trên hệ thống các siêu thị. Ảnh: Quang An |
Hiện nay, mặc dù nông sản, đặc sản trên địa bàn Nghệ An rất nhiều, tuy nhiên, thực tế mới đưa vào siêu thị BigC Vinh chỉ chiếm khoảng 30 - 40% tổng số hàng được bày bán. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vấn đề này, chủ yếu là do hồ sơ pháp lý, các giấy chứng nhận còn thiếu sót, quá nhiều sản phẩm tương đồng, các nông sản trên địa bàn tỉnh còn thiếu tính cạnh tranh về chất lượng sản phẩm, giá cả so với các tỉnh bạn...
Các hộ sản xuất đặt những câu hỏi cho các đơn vị bao tiêu sản phẩm. Ảnh: Quang An. |
Tại Hội thảo, các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, đơn vị chức năng đã có những trao đổi, thảo luận, tìm giải pháp nhằm đưa những nông sản Nghệ An ngày càng được vào các hệ thống siêu thị. Trong đó, chú trọng vào việc nghiên cứu, vận dụng các cơ chế, chính sách của Nhà nước để xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách đầu tư phát triển hạ tầng thương mại nói chung và hệ thống bán lẻ hiện đại nói riêng phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của tỉnh.
Các đại biểu tham quan các gian hàng được trưng bày tại Hội thảo. Ảnh: Quang An |
Các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hàng năm để đảm bảo quỹ đất phát hệ thống bán lẻ hiện đại, ưu tiên lựa chọn các vị trí có quỹ đất phù hợp, thuận lợi để thu hút các dự án đầu tư trọng điểm, khai thác tối ưu quỹ đất phi nông nghiệp hoặc đất nông nghiệp có hiệu quả thấp để chuyển đổi sang đất thương mại, dịch vụ; Thu hút, lựa chọn các nhà đầu tư có năng lực về tổ chức kinh doanh chuyên nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ hiện đại và năng lực tài chính để thực hiện các dự án đầu tư và khai thác kinh doanh hiệu quả... Đối với các doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất chú trọng đến chất lượng sản phẩm, hoàn thiện các hồ sơ, giấy tờ trước khi làm việc với các hệ thống siêu thị.