Băn khoăn về phân loại rác tại nguồn

Nguyễn Hải 18/08/2022 10:45

(Baonghean.vn) - Theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2022, hộ gia đình và các cá nhân, tổ chức sẽ phải phân loại rác tại nguồn thành 2 loại rác thải sinh hoạt hữu cơ và rác thải sinh hoạt rắn trước khi đơn vị dịch vụ đến thu gom, nếu không sẽ bị xử phạt từ 500 ngàn đồng đến 2 tỷ đồng.

Băn khoăn thời điểm áp dụng và xử phạt

Nghị định số 45/2022/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành ngày 07/7/2022 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 25/8/2022. Trước quy định này, nhiều người dân băn khoăn và cho rằng, từ thời điểm 25/8/2022 bất cứ hành vi đổ rác thải nào mà không phân loại từ nguồn sẽ bị xử phạt với mức tiền ít nhất là 500 ngàn đến cao nhất là 2 tỷ đồng/hành vi.

Tuy nhiên, theo kết quả họp báo trả lời mới nhất của đại diện Tổng Cục Môi trường (Bộ Tài Nguyên và Môi trường) thì mặc dù Nghị định số 45/2022/NĐ-CP có hiệu từ ngày 25/8/2022 nhưng quy định về xử phạt hành chính đối với hành vi trên sẽ được thực hiện sau ngày 31/12/2024, theo đúng thời điểm Luật Bảo vệ môi trường quy định.

Công nhân Công ty Thái Bình Nguyên thu gom rác về bãi tập kết của công ty tại xã Quỳnh Mỹ để phân loại. Ảnh: Nguyễn Hải

Sở dĩ Luật Bảo vệ môi trường dành khoảng thời gian lên tới 3 năm để chuẩn bị thực hiện quy định trên là do xuất phát từ hạ tầng cơ sở vật chất thu gom rải thải tại các địa phương còn nhiều yếu kém, bất cập. Để thực hiện, cần lộ trình đầu tư hạ tầng tương xứng, kèm theo đó là tuyên truyền để các tầng lớp nhân dân hiểu.

Không những thế, xuất phát từ thực tế mỗi địa phương có điều kiện hạ tầng cơ sở vật chất khác nhau, nên tinh thần của Luật Bảo vệ môi trường là thay vì ban hành Thông tư hướng dẫn sẽ giao cho UBND các tỉnh ban hành quy định về xử lý rác tại nguồn. Lộ trình thực hiện chậm nhất là vào ngày 31/12/2024 và chỉ khi các địa phương ban hành các quy định triển khai cụ thể, lúc đó mới áp dụng xử phạt.

Rác thải sinh hoạt với phần lớn là rác hữu cơ được tập kết ngay tại đầu ngõ mỗi nhóm gia đình nên nếu không thu gom kịp thời sẽ bị phân hủy và phát sinh mùi hôi thối và ô nhiễm. Ảnh: Nguyễn Hải

Như vậy, về nguyên tắc địa phương nào đủ điều kiện thì có thể áp dụng quy định phân loại rác tại nguồn ngay từ bây giờ (16/8) và chỉ từ ngày 01/1/2025 nếu không thực hiện phân loại rác tại nguồn mới bị xử phạt hành chính.

Tuy nhiên, qua khảo sát, tìm hiểu, thời gian từ nay đến mốc trên chỉ còn 28 tháng nữa nhưng nhiều địa phương, đơn vị vẫn chưa sẵn sàng. Đại diện Công ty Dịch vụ môi trường Thái Bình Nguyên ở xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu) chia sẻ: đơn vị làm dịch vụ thu gom rác sinh hoạt cho 12 xã, thị trấn huyện Quỳnh Lưu mà đã thấy khó khăn vất vả. Nguyên nhân là do địa bàn huyện chưa có bãi rác thải tập trung. Hiện tại, với 10 đầu xe chở rác nhưng theo quy định về phân loại rác từ gốc, công ty sẽ phải mua thêm xe và thùng rác mới nên sẽ vất vả hơn.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường Nghệ An bày tỏ băn khoăn về thời điểm và lộ trình áp dụng quy định phân loại rác và xử phạt. Nếu tuyên truyền không kỹ, tổ chức thu gom không khoa học, người dân không chấp hành thì tình trạng vứt rác bừa bãi, vứt rác trộm tại nơi công cộng sẽ tái phát. Quả thật, với điều kiện hạ tầng cơ sở vật chất thu gom rác hiện nay, tỉnh còn nhiều việc phải làm và cần làm sớm chừng nào hay chừng đó.

Có dễ thực hiện?

Mới đấy nhất, trong đợt ùn ứ rác thải nhiều tại các xã thuộc địa bàn Quỳnh Lưu, người dân xã Quỳnh Hậu và thị trấn Cầu Giát cho rằng sẵn sàng chấp hành quy định về phân loại rác tại nguồn. Vấn đề là rác sau khi người dân phân loại xong sẽ được thu gom riêng hay đổ chung vào 1 xe để đưa về bãi.

Bên cạnh đó, người dân cũng kiến nghị, Nhà nước hoặc các tổ chức bảo vệ môi trường cần hỗ trợ người dân mua thùng rác đạt chuẩn và đặt thùng rác tại nơi công cộng theo mẫu quy ước chung để người dân có thể nhận biết, bỏ rác đúng thùng.

Tại các vùng nông thôn thiếu điểm tập kết nên rác thải dễ bị vứt lung tung và rác được vứt chính ở nơi có biển cấm đổ rác. Ảnh: Nguyễn Hải

Tại Nghệ An, nếu theo quy định trên, ít nhất hệ thống hạ tầng thu gom rác thải sinh hoạt cũng phải có 2 loại đi kèm. Cụ thể, tại mỗi gia đình phải có 2-3 loại thùng rác thu gom bằng các dấu hiệu nhận biết, tiếp đó, nếu đến các điểm thu gom rác tập trung cũng phải từ 2-3 thùng rác lớn hơn theo dấu hiệu nhận biết tương tự; các công ty làm dịch vụ môi trường, thu gom rác thải cũng phải mua sắm thêm 1-2 loại xe để phù hợp với loại rác mới đã được phân loại; ngoài các bãi rác thải tập trung xử lý rác sinh hoạt như lâu nay, nay theo quy định mới phải được phân chia, bố trí lại khu vực dành cho rác thải sinh hoạt hữu cơ (để xử lý bằng công nghệ đốt phát điện như TP. Hà Nội đang làm) và rác thải sinh hoạt rắn để phân loại tái sử dụng…

Dự án đốt rác hữu cơ phát điện có mức đầu tư trên 7.100 tỷ đồng tại Sóc Sơn, Hà Nội vừa mới đưa vào vận hành từ tháng 7/2022. Ảnh tư liệu: Internet

Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, phân loại rác thải từ nguồn ở khu vực nông thôn dù khó nhưng vẫn có thể thực hiện được thì khu vực đô thị, nhất là các chung cư cao tầng, việc phân loại rác từ nguồn đòi hỏi hạ tầng tương ứng. Trên thực tế, không ít khu phố tại Hà Nội hay Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh đã thí điểm phân loại rác tại nguồn, nhưng khi ra đến bãi rác thì đổ chung vào 1 xe hoặc 1 thùng khiến dư luận nhân dân rất băn khoăn.

Trước những khó khăn và bất cập trên, một mặt ngành Tài nguyên môi trường xác định phải tăng cường tuyên truyền, giao trách nhiệm cho từng công đoạn thu gom để giám sát; đồng thời có kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện để bảo vệ môi trường một cách bền vững. Hiện Chi cục đã tham mưu cho Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án và lộ trình thực hiện. Để chủ động, ngay từ bây giờ, các địa phương và sở ngành liên quan phải bắt tay ngay vào chuẩn bị quỹ đất để xây dựng các điểm tập kết tập trung vì khác với khu vực đô thị, ở khu vực nông thôn, mỗi tuần rác được thu 1-2 lần nên không thể để gần các khu dân cư.

(Đại diện Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh chia sẻ)

Một bãi rác thải rắn xây dựng tự phát tại xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc được doanh nghiệp tận dụng thành nguyên liệu san lấp mặt bằng. Ảnh: Nguyễn Hải

Theo quy hoạch, Nghệ An phải có từ 2-3 bãi thu gom xử lý rác thải tập trung ở phía Nam, phía Bắc cũng như phía Tây tỉnh. Tuy nhiên, hiện tại mới chỉ có Khu liên hợp xử lý cho các huyện, thành, thị phía Nam tỉnh ở xã Nghi Yên (Nghi Lộc). Thực chất, rác thải sinh hoạt đưa về Nghi Yên mới được chôn lấp và chưa xử lý triệt để nên không lâu nữa sẽ hết công suất và buộc phải tìm phương án mới. Chính vì vậy, không chỉ lo triển khai quy định về phân loại rác tại nguồn mà ngay từ bây giờ, tỉnh phải thực sự quyết tâm để tìm kiếm, kêu gọi nhà đầu tư để xây dựng dây chuyền, công nghệ xử lý rác tại Nghi Yên như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đã làm.

Bên cạnh đó, theo chúng tôi, tỉnh cũng nên nghiên cứu về phương án thu hút 1 dự án thu gom rác thải hữu cơ là xác hải sản như vỏ tôm, cua. Theo các chuyên gia, nếu được thu gom, phân loại thì đây sẽ là nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất phân bón hoặc thức ăn rất tốt cho gia súc, gia cầm.

Bãi rác tập trung của huyện Quỳnh Lưu tại xã Ngọc Sơn bị tạm đóng cửa để đầu tư dây chuyền xử lý nhưng do chưa có nhà đầu tư nên sau 3 năm vẫn án binh bất động. Ảnh: Nguyễn Hải

Cuối cùng, đại diện Phòng quản lý cơ sở hạ tầng, Sở Xây dựng cho biết: từ năm 2020, UBND tỉnh đã giao cho các huyện, thị bố trí quy hoạch mỗi địa phương từ 1-2 bãi thu gom rác thải rắn cấp huyện; tương tự, các huyện phải chỉ đạo mỗi cụm xã có bãi thu gom rác thải rắn xây dựng tại cho khu vực mình.

Rác thải sinh hoạt vứt ra biển bị sóng thủy triều đánh ngược trở lại ở một khu rừng ngập mặn tại xã Sơn Hải, huyện Quỳnh Lưu. Ảnh: Nguyễn Hải

Tuy nhiên, trên thực tế, do thiếu quyết liệt nên “cha chung không ai khóc” hoặc bố trí là bãi đổ rác thải xây dựng nhưng thiếu lực lượng và phương tiện giám sát nên rác thải sinh hoạt đổ bừa bãi và lẫn trong rác thải xây dựng được đưa vào bãi đổ, gây ô nhiễm. Đây là thực tế đã diễn ra tại bãi rác thải xây dựng Vinh Tân (TP. Vinh) và một số địa phương như Diễn Kim, Diễn Hải (Diễn Châu), Quỳnh Thuận, An Hòa (Quỳnh Lưu) nên các địa phương dù còn quỹ đất nhưng chưa mặn mà. Để chuẩn bị cho phân loại rác thải từ nguồn, nhất thiết các địa phương phải giải được các bài toán về bãi đổ rác thải trên./.

Mới nhất
x
Băn khoăn về phân loại rác tại nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO