Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thông qua hai đồ án quy hoạch của huyện Đô Lương

Thành Duy 29/10/2022 13:26

(Baonghean.vn) - Sáng 29/10, tại phiên họp thường kỳ tháng 10/2022, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thông qua Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Đô Lương, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An (tỷ lệ 1/10.000).

Toàn cảnh phiên họp thường kỳ tháng 10/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Ảnh: Thành Duy

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì phiên họp.

Dự phiên họp có các đồng chí: Nguyễn Văn Thông - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy và một số sở, ngành, địa phương liên quan.

XÁC LẬP TẦM NHÌN PHÁT TRIỂN HUYỆN ĐÔ LƯƠNG

Hai đồ án quy hoạch trên đóng vai trò rất quan trọng đối với tầm nhìn, chiến lược và việc cụ thể hóa xây dựng Đô Lương trở thành thị xã theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Theo đó, Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Đô Lương gồm toàn bộ diện tích thuộc ranh giới hành chính huyện Đô Lương, bao gồm 33 đơn vị hành chính; có tính chất là trung tâm kinh tế, văn hóa mới của tỉnh Nghệ An, đóng vai trò động lực trong việc phát triển kinh tế, xã hội vùng phía Tây Nghệ An; là điểm kết nối giao thông Đông, Tây, Nam, Bắc liên kết giữa các huyện phía Tây với thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, Khu Kinh tế Đông Nam và các huyện ven biển của tỉnh.

Các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy nghe đơn vị tư vấn báo cáo Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An, thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: Thành Duy

Đây là một trong những vùng chủ đạo nằm trong hành lang kinh tế Quốc lộ 7 với tiềm năng phát triển dịch vụ thương mại, công nghiệp, du lịch, khai thác chế biến nông lâm nghiệp; là khu vực phát triển hài hòa các mục tiêu kinh tế, văn hóa, môi trường và an ninh quốc phòng.

Theo quy hoạch, mô hình không gian huyện Đô Lương được phát triển với cấu trúc 1 trung tâm (thị xã Đô Lương trong tương lai), 3 vùng phát triển (vùng đô thị Đô Lương, vùng đô thị Giang Sơn và vùng đô thị Thượng Sơn) và 4 trục động lực (QL15, QL7C, QL7 và QL48E).

Quy hoạch định hướng phân thành 3 vùng (Tây Bắc, Trung tâm và Đông Nam) phát triển không gian, theo hướng vừa kết nối, với tổng thể phát triển chung của tỉnh Nghệ An, vừa khai thác hiệu quả các tiềm năng của địa bàn khu vực.

Vùng huyện Đô Lương được định hướng quy hoạch phát triển 3 đô thị: Đô Lương (gồm thị trấn Đô Lương hiện hữu và vùng phụ cận) là đô thị loại IV có chức năng là trung tâm hành chính, văn hóa, khoa học kỹ thuật và thương mại dịch vụ của thị xã Đô Lương và các huyện phía Tây tỉnh Nghệ An; đô thị Giang Sơn là đô thị loại V có chức năng là đô thị sinh thái phía Tây Bắc huyện; đô thị Thượng Sơn là đô thị loại V có chức năng là đô thị thương mại dịch vụ khu vực phía Đông Nam huyện.

Trung tâm huyện Đô Lương. Ảnh tư liệu: PV

Đồ án quy hoạch vùng huyện Đô Lương còn đề cập đến các định hướng phát triển nông thôn; công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề; nông nghiệp; thương mại dịch vụ; du lịch; đồng thời định hướng rõ quy hoạch sử dụng đất toàn huyện, định hướng phát triển hệ thống hạ tầng xã hội; định hướng quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật hạ tầng.

Tại cuộc làm việc, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho ý kiến Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Đô Lương, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An (tỷ lệ 1/10.000) được lập trên phạm vi thuộc địa giới hành chính của 14 xã, thị trấn gồm: Thị trấn Đô Lương hiện hữu và toàn bộ diện tích 11 xã: Bồi Sơn, Tràng Sơn, Đặng Sơn, Đông Sơn, Nam Sơn, Bắc Sơn, Yên Sơn, Văn Sơn, Đà Sơn, Lạc Sơn, Lưu Sơn và một phần diện tích của 2 xã: Thịnh Sơn, Hòa Sơn. Tổng diện tích lập quy hoạch là 7.930 ha. Niên độ quy hoạch đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 (giai đoạn đầu đến năm 2030).

Quy hoạch chung xây dựng Đô thị Đô Lương, huyện Đô Lương. Ảnh tư liệu huyện cung cấp

Đô thị Đô Lương có tính chất, chức năng là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế văn hóa - xã hội, khoa học kỹ thuật, dịch vụ, công nghiệp của huyện Đô Lương và vùng phụ cận, có vai trò thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện Đô Lương, là vùng lõi khi huyện Đô Lương thành thị xã; là điểm kết nối giao thông Đông, Tây, Nam, Bắc liên kết giữa các huyện phía Tây với thành phố Vinh, thị xã Cửa Lò, Khu Kinh tế Đông Nam và các huyện ven biển của tỉnh Nghệ An.

Tháng 12/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An đã thông qua chủ trương ban hành Đề án xây dựng đô thị Đô Lương đạt đô thị loại IV trước năm 2025 và định hướng phát triển huyện Đô Lương trở thành thị xã trước năm 2030. Do đó, việc xây dựng và phê duyệt Đồ án quy hoạch xây dựng đô thị Đô Lương đóng vai trò rất quan trọng để hiện thực hóa tầm nhìn trên.

QUYẾT TÂM XÂY DỰNG ĐÔ LƯƠNG THÀNH THỊ XÃ "ĐÚNG HẸN"

Phát biểu góp ý vào Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Đô Lương, cho rằng dù đường Hồ Chí Minh không đi qua địa bàn huyện Đô Lương, tuy nhiên, trong quy hoạch có vùng đô thị Giang Sơn tiếp giáp với huyện Tân Kỳ - địa phương có đường Hồ Chí Minh đi qua, do đó Bí thư Thành ủy Vinh Phan Đức Đồng đề nghị trong quy hoạch cần đánh giá thêm hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh để toàn diện hơn.

Bí thư Thành ủy Vinh Phan Đức Đồng phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Bí thư Thành ủy Vinh cũng góp ý một số nội dung như cần bổ sung thêm định hướng đầu tư xây dựng trung tâm hậu cần, vận tải, phân phối, tiêu tục, logistics để phù hợp với một trong những định hướng là phát triển đô thị thương mại, dịch vụ; đồng thời kết nối đồng bộ với Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trong một số nội dung cụ thể.

Tại cuộc làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung nhận định: Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Đô Lương theo cấu trúc 1 trung tâm, 3 phân vùng, 4 trục, 3 đô thị là hợp lý.

Đánh giá cao tiềm năng, lợi thế của huyện Đô Lương, khi đây là địa phương có vị trí trung tâm tiếp giáp với 6 huyện, có 7 trục quốc lộ, 5 tỉnh lộ đi qua địa bàn, người đứng đầu UBND tỉnh Nghệ An nhấn mạnh tiềm năng phát triển công nghiệp rất tốt của huyện, bên cạnh định hướng phát triển theo hướng thương mại, dịch vụ. Do đó, trong định hướng quy hoạch mở rộng Khu Kinh tế Đông Nam đã bổ sung thêm khoảng 2.000 ha thuộc địa phận huyện Đô Lương; để thị xã Đô Lương trong tương lai có sự phát triển đồng bộ cả công nghiệp, thương mại, dịch vụ và đô thị.

Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Còn liên quan đến Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Đô Lương, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Nhiệm vụ lập quy hoạch đô thị này đã UBND tỉnh giao năm 2017. Tuy nhiên, do thời gian triển khai dài nên tỉnh đã yêu cầu yêu cầu cập nhật và phê duyệt lại nhiệm vụ quy hoạch để phù hợp căn cứ thực hiện và đáp ứng cập nhật gắn với các quy hoạch vùng huyện và yêu cầu chung của tỉnh. UBND tỉnh cũng đồng thời yêu cầu rà soát lại một số chỉ tiêu theo quy chuẩn quy hoạch đô thị và đến nay đơn vị tư vấn cùng với huyện cập nhật lại cơ bản đạt yêu cầu.

Tuy nhiên vấn đề đặt ra hiện nay là, mục tiêu đến năm 2025, 14 xã, thị trấn trong quy hoạch đô thị Đô Lương sẽ trở thành đô thị loại IV; qua đó đảm bảo điều kiện cốt lõi để đến năm 2030 toàn huyện Đô Lương trở thành thị xã.

Thời gian còn lại để đạt đô thị loại IV không nhiều, do đó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, sau khi đồ án quy hoạch này được phê duyệt, huyện tập trung nguồn lực để thực hiện đảm bảo được tiến độ vạch ra.

Bí thư Huyện ủy Đô Lương Phùng Thành Vinh phát biểu làm rõ về các nội dung Ban Thường vụ Tỉnh ủy quan tâm cho ý kiến tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Kết luận nội dung này, thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, về Đồ án quy hoạch xây dựng vùng huyện Đô Lương, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý thống nhất thông qua; đồng thời lưu ý, từ việc cụ thể hóa quy hoạch trên của Đô Lương cần đảm bảo tương thích với Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang phê duyệt, nhằm đảm bảo hiệu quả.

Người đứng đầu Tỉnh ủy Nghệ An cũng đề nghị huyện Đô Lương hết sức chú ý cụ thể hóa quy hoạch để phát triển công nghiệp khu vực dọc tuyến đường đường N5, nhất là trong bối cảnh tỉnh đang quyết tâm trong nhiệm kỳ này hoàn thành đầu tư tuyến đường N5 kéo dài để kết nối với đường Hồ Chí Minh ở huyện Tân Kỳ.

Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý kết luận nội dung về các đồ án quy hoạch trên địa bàn huyện Đô Lương. Ảnh: Thành Duy

Cùng với đó, trong quy hoạch, huyện cần phân tích và có tầm nhìn xa hơn đối với ảnh hưởng, tác động trục tuyến đường Hồ Chí Minh vào sự phát triển dài hạn của huyện với định hướng trở thành trung tâm vùng và có thể là trung tâm của tỉnh trong tương lai, từ đó để tính toán các kết nối giao thông, không gian lớn phát triển phù hợp.

Về Đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Đô Lương, Bí thư Tỉnh ủy Thái Thanh Quý nhấn mạnh, sau khi được UBND tỉnh phê duyệt, huyện phải tập trung để triển khai quy hoạch; đồng thời rà soát lại quỹ đất thương mại, dịch vụ, y tế để phù hợp thu hút đầu tư, quá trình phát triển và nhu cầu đầu tư trên địa bàn; từ đó cụ thể hóa được chủ trương trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh xây dựng Đô Lương thành thị xã.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại cuộc làm việc. Ảnh: Thành Duy

Trong phiên làm việc sáng nay, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất chủ trương điều chỉnh Cụm Công nghiệp Lạc Sơn, huyện Đô Lương; thông qua Đề án tăng cường trang bị phương tiện, thiết bị nghiệp vụ phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2022 -2027; thông qua phương án tự chủ của Báo Nghệ An;…

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An thông qua hai đồ án quy hoạch của huyện Đô Lương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO