Thời sự

Báo chí trong sự nghiệp cách mạng ở nước ta

Tác giả: Nguyễn Sĩ Đại - Kĩ thuật: Diệp Thanh 25/05/2025 08:06

Báo chí cách mạng Việt Nam, dưới sự dẫn dắt tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ lãnh đạo Đảng, đã luôn khẳng định vai trò là một lực lượng xung kích, một mũi nhọn sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ những ngày đầu tiên với sứ mệnh thức tỉnh lòng yêu nước, ý chí giành độc lập, đến giai đoạn Đổi mới với nhiệm vụ đấu tranh chống tiêu cực, báo chí đã không ngừng phát triển, đồng hành cùng những bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc.

cover Bác Hồ

Ngày xuất bản: 25/5/2025 - Kỹ thuật: Diệp Thanh

Báo chí cách mạng Việt Nam, dưới sự dẫn dắt tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thế hệ lãnh đạo Đảng, đã luôn khẳng định vai trò là một lực lượng xung kích, một mũi nhọn sắc bén trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Từ những ngày đầu tiên với sứ mệnh thức tỉnh lòng yêu nước, ý chí giành độc lập, đến giai đoạn Đổi mới với nhiệm vụ đấu tranh chống tiêu cực, báo chí đã không ngừng phát triển, đồng hành cùng những bước ngoặt lịch sử vĩ đại của dân tộc.

1(1).png

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại, người sáng lập và đặt nền móng cho nền báo chí cách mạng Việt Nam. Ngay từ khi còn hoạt động ở nước ngoài, Người đã dùng ngòi bút như một thứ vũ khí chiến đấu sắc bén, làm dấy lên làn sóng yêu nước mạnh mẽ trong nhân dân. Tác phẩm “Bản án chế độ thực dân Pháp” và hàng trăm bài báo đấu tranh của Nguyễn Ái Quốc không chỉ vạch trần bản chất tàn bạo của thực dân, mà còn khơi dậy tinh thần độc lập dân tộc trong nhân dân ta. Đó là những ngọn lửa tiên phong, góp phần quan trọng vào sự sụp đổ của chế độ thuộc địa tại Việt Nam.

Sau khi giành được chính quyền, hàng nghìn bài báo của Bác tiếp tục là kim chỉ nam cho phong trào kháng chiến, kiến quốc. Các tác phẩm như “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” (1946), “Lời kêu gọi chống Mỹ cứu nước” (1967) hay “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” (1969) không chỉ là tuyên ngôn hành động mà còn là những bản hùng ca khơi dậy sức mạnh đoàn kết toàn dân.

báo chí cách mạng Việt Nam 100 năm ema 00000
Hàng nghìn bài báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kim chỉ nam cho phong trào kháng chiến, kiến quốc.

Bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều thế hệ lãnh đạo Đảng, đặc biệt là các đồng chí Tổng Bí thư, đã đóng góp to lớn vào sự phát triển của báo chí cách mạng. Đồng chí Trần Phú, Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, đã sớm nhận thức rõ vai trò chiến lược của báo chí trong đấu tranh cách mạng. Trong thời gian ngắn lãnh đạo, đồng chí đã sáng lập những tờ báo đầu tiên như Cờ đỏ, Tranh đấu và Tạp chí Cộng sản, đồng thời thành lập Ban Tuyên truyền của Đảng – tiền thân của công tác tuyên giáo sau này. Sự cống hiến to lớn và hy sinh khi tuổi đời còn rất trẻ của đồng chí đã để lại niềm tiếc thương sâu sắc và là nguồn cảm hứng cho thế hệ làm báo cách mạng.

Trên cương vị Thư ký Ban Chỉ huy hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương, đồng chí Lê Hồng Phong đã sáng lập Tạp chí Bôn-sơ-vích - cơ quan lý luận chính thống đầu tiên của Trung ương Đảng, qua đó góp phần đào tạo đội ngũ cán bộ, củng cố mối liên hệ với quốc tế và lan tỏa tư tưởng cách mạng. Sau đó, đồng chí Hà Huy Tập, với kinh nghiệm báo chí từ Liên Xô và Pháp, khi đảm nhiệm cương vị Tổng Bí thư đã cho xuất bản công khai các tờ báo như L’Avant garde (Tiền phong), Le Peuple (1937) và Dân chúng (1938), lần đầu tiên đưa tiếng nói của Đảng đến gần hơn với quần chúng bằng hình thức công khai hợp pháp, góp phần tạo nên làn sóng tranh đấu mạnh mẽ trong xã hội.

báo chí cách mạng Việt Nam 100 năm ema 00001
Đồng chí Lê Hồng Phong và đồng chí Hà Huy Tập đã đóng góp to lớn vào sự phát triển của báo chí cách mạng.

Tiếp nối dòng chảy ấy, đồng chí Trường Chinh đã trực tiếp phụ trách tờ Cờ giải phóng từ năm 1942 và sau này là Báo Cứu Quốc của Mặt trận Việt Minh - những ấn phẩm có ảnh hưởng sâu rộng trong các giai đoạn tiền khởi nghĩa và kháng chiến. Đặc biệt, bài viết “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” của đồng chí đã kịp thời định hướng hành động, góp phần thúc đẩy cao trào cách mạng, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo tư tưởng của báo chí.

Trong thời kỳ Đổi mới, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã để lại dấu ấn sâu sắc với loạt bài “Những việc cần làm ngay” đăng trên Báo Nhân Dân từ năm 1987 đến 1990. Những bài viết dũng cảm và trực diện này không chỉ phanh phui các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng trong bộ máy mà còn khẳng định vai trò tiên phong của báo chí cách mạng trong việc bảo vệ lẽ phải, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự nghiệp đổi mới do Đảng lãnh đạo.

2(1).png

Từ những nền tảng vững chắc đó, báo chí tiếp tục khẳng định vai trò quyết định trong các giai đoạn lịch sử. Hội nghị Trung ương lần thứ 8 (tháng 5.1941) dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra chỉ đạo quan trọng về báo chí, định hướng chiến lược: "Lúc này các sách báo tuyên truyền không nên dùng danh nghĩa Ðảng nhiều, phải lấy danh nghĩa Việt Minh và các đoàn thể cứu quốc thay vào".

báo chí cách mạng Việt Nam 100 năm ema 00002
Đồng chí Trường Chinh là người phụ trách những số đầu tiên của Báo Cứu Quốc - cơ quan ngôn luận của Việt Minh.

Chỉ thị sáng suốt này đã dẫn đến sự ra đời của Báo Cứu Quốc (ngày 25/1/1942) – cơ quan ngôn luận của Việt Minh, ra số đầu tiên do đồng chí Trường Chinh phụ trách. Lời kêu gọi trang nhất với giọng văn hào sảng: “Cứu Quốc sẽ giãi bày nỗi lầm than thống khổ của nhân dân… sẽ là người chỉ dẫn trung thành cùng đồng bào tiến bước trên đường giải phóng dân tộc”. Báo chí lúc này không chỉ phản ánh hiện thực cách mạng, mà còn cổ vũ, dẫn dắt và khơi dậy sức mạnh toàn dân, thực sự trở thành một lực lượng chiến đấu.

Năm 1951, báo Nhân Dân ra đời, thừa kế tinh thần các tờ báo cách mạng tiền thân như Thanh Niên, Sự Thật, Cờ Giải Phóng… Báo nhanh chóng trở thành tiếng nói chủ lực của Đảng, nơi Bác Hồ viết hơn 1.200 bài báo và nhiều cây bút lớn như Hoàng Tùng, Thép Mới, Hữu Thọ, Hà Đăng… gắn bó suốt đời. Từ thực tiễn “ba cùng” với nông dân HTX Đại Phong, nhà báo Hà Đăng viết bài “Ba lần đuổi kịp trung nông” (9/1/1961). Chỉ hai ngày sau, Bác Hồ có bài “Một hợp tác xã gương mẫu” trên Nhân Dân, tạo nên phong trào thi đua rộng khắp Miền Bắc đuổi kịp và vượt Đại Phong.

báo chí cách mạng Việt Nam 100 năm ema 00003
Đồng chí Trường Chinh, Thép Mới và Hà Xuân Trường duyệt bản thảo đăng Báo Nhân Dân số đầu tiên năm 1951.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, báo chí tiếp tục là ngọn lửa giữ vững niềm tin. Ngày 26/12/1972, giữa những ngày Hà Nội hứng bom B52, Thép Mới viết bài xã luận “Hà Nội, thủ đô của phẩm giá con người”, khẳng định: “Nhà cửa có thể sập, nhưng có một thứ không sập được, đó là con người”.

Và ngày 5/3/1979, trong bối cảnh đất nước đứng trước nguy cơ xâm lược từ phía Bắc, bài xã luận “Cả nước đánh giặc, toàn dân là lính” của Hoàng Tùng vang lên như một hiệu triệu từ ngàn năm lịch sử, khơi dậy khí thế “mỗi gốc cây, ngọn cỏ cũng muốn xông lên đánh giặc”.

3(1).png

Đến giai đoạn Đổi mới, vai trò của báo chí càng trở nên cấp thiết. Trước thềm Đại hội Đảng lần thứ VI (1986), báo chí đã sớm phản ánh sự bất cập của cơ chế, phát hiện và nêu gương kịp thời những sáng tạo của nhân dân từ cơ sở, góp phần vào việc Đảng, Nhà nước đề ra các chính sách đổi mới quan trọng như Khoán 100 (1981), Khoán 10 (1988) trong nông nghiệp, hay Quyết định 217 (1987) tăng quyền tự chủ trong công thương nghiệp. Những nhà báo tên tuổi như Hồng Hà, Hà Đăng, Hữu Thọ, Thái Duy… đã đóng vai trò tích cực trong việc định hướng dư luận, góp phần thúc đẩy cải cách quản lý.

Dù không có “vùng cấm” chính thức, nhưng thực tế vẫn tồn tại những “vùng nhạy cảm” mà ít ai dám đụng tới – đặc biệt là các lãnh đạo cấp cao. Tuy nhiên, Báo Quân đội Nhân dân dưới sự lãnh đạo của Tổng Biên tập Trần Công Mân đã dũng cảm mở đường bằng việc đăng bài “Sự thật về nhà ở của đồng chí Tô Duy” (22/7/1987, tác giả Trần Đình Bá), tạo đột phá khẩu đầu tiên trong phòng, chống tham nhũng và thúc đẩy báo chí phản ánh đa chiều.

Tiếp đó, trong cuộc gặp với 100 văn nghệ sĩ và trí thức ngày 6–7/10/1987, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhấn mạnh: “Các đồng chí không nên uốn cong ngòi bút của mình. Thà chưa viết thì đi vào thực tế để hiểu biết thêm, chứ không viết theo kiểu tùy thời…”

báo chí cách mạng Việt Nam 100 năm ema 00004
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh để lại dấu ấn sâu sắc với loạt bài “Những việc cần làm ngay” đăng trên Báo Nhân Dân từ năm 1987 đến 1990.

Từ những điểm tựa đó, báo chí bước vào thời kỳ đổi mới mạnh mẽ, cả về nội dung và hình thức. Các bài lý luận, hội thảo chuyên đề, các loạt bài như “Những việc cần làm ngay” trên Báo Nhân Dân, cùng nhiều bài phản ánh tiêu cực, bất công xã hội xuất hiện dày đặc trên các tờ Văn nghệ, Lao động, Tiền phong, Tuổi trẻ… đã chạm đến trái tim bạn đọc và trở thành ngọn cờ cổ vũ cho Đổi mới. Nhiều tác phẩm báo chí tạo tiếng vang lớn, gây chấn động dư luận thời kỳ ấy: Câu chuyện về ông vua lốp (Trần Huy Quang, Văn nghệ, 1986); Người đàn bà quỳ (Trần Khắc – tức Lê Văn Ba, Văn nghệ, 7/12/1987); Cái đêm hôm ấy… đêm gì (Phùng Gia Lộc, Văn nghệ, 21/3/1988); Thủ tục làm người còn sống (Minh Chuyên, Văn nghệ, 19/5/1988); Lời khai của bị can (Trần Huy Quang, Văn nghệ, 12/1988).

Trên truyền hình, bình luận viên Nguyễn Trường Phước của VTV nổi lên như một tiếng nói trung thực, cương trực. Có thể nói, báo chí thời kỳ Đổi mới đã góp phần nâng cao nhận thức xã hội, giúp người dân hiểu rõ quyền của mình, mạnh dạn đấu tranh chống bất công, chống tham nhũng. Trong bối cảnh chuyển mình của đất nước, báo chí không chỉ là tiếng nói phản biện mà còn là động lực thúc đẩy cải cách và phát triển.

box.png

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

Báo chí trong sự nghiệp cách mạng ở nước ta
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO