Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thổ ở Quỳ Hợp

Thu Hương 03/09/2022 08:51

(Baonghean.vn) - Với 12% dân số là người dân tộc Thổ, những năm qua, huyện Quỳ Hợp đã có nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Thổ, qua đó góp phần tôn vinh các giá trị truyền thống, động viên đồng bào tích cực thi đua lao động, sản xuất, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển chung của huyện.

Đặc sắc văn hóa đồng bào Thổ

Quỳ Hợp là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An, có 3 dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm: Kinh (chiếm 48% dân số), Thái (40% dân số) và Thổ (12% dân số). Đặc biệt, trong những năm qua, đồng bào dân tộc Thổ Quỳ Hợp đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, góp phần tôn vinh những giá trị truyền thống lâu đời.

Nhắc đến văn hóa dân tộc thì trang phục là một thành tố quan trọng và không thể thiếu trong di sản văn hóa truyền thống độc đáo.

Trang phục của người đồng bào dân tộc Thổ Quỳ Hợp. Hiện nay, bà con dân tộc Thổ Quỳ Hợp đang sinh sống chủ yếu ở các xã: Hạ Sơn, Nghĩa Xuân, Minh Hợp, Thọ Hợp, Văn Lợi, Tam Hợp... Ảnh: Thu Hương

So với dân tộc Thổ ở các huyện Nghĩa Đàn, Thái Hòa và Tân Kỳ thì đồng bào dân tộc Thổ Quỳ Hợp có nhiều bản sắc văn hóa đặc trưng và phát huy rất tốt. Trong những nét đặc trưng đó có trang phục truyền thống. Theo truyền thống từ lâu, trang phục đồng bào dân tộc Thổ Quỳ Hợp không có màu sắc rực rỡ mà đơn giản, tinh tế tạo nét đặc sắc, ấn tượng khi nhắc đến văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thổ.

Bà Trương Thị Kim Chi – Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Quỳ Hợp

Vào các ngày lễ hay những sự kiện quan trọng của địa phương, bà con dân tộc Thổ sẽ mặc trang phục truyền thống. Áo của phụ nữ Thổ thường dùng chất vải thô, màu trắng, loại áo ngắn, ống tay dài, cổ tròn, khuy áo bấm. Khi mặc, áo thả lỏng ra bên ngoài. Còn chiếc váy sẽ giống như chất váy của người Thái - Thanh, chất liệu sợi bông, nhuộm chàm, có sọc viền ngang chân váy. Khi mặc, những đường sọc của váy tạo thành các đường tròn song song quanh trục thân. Chân váy dày hơn thân váy, do người phụ nữ đã sáng kiến đệm thêm một lớp vải trắng phía trong chân váy để giữ váy được bền, thẳng nếp.

Phần trên được nối thêm một đoạn vải trắng khoảng 30 cm làm thành cạp váy (váy phụ nữ Thái - Thanh không có đặc điểm này)... Đi cùng chiếc váy áo là chiếc thắt lưng màu xanh thắt quanh hông, buộc hai đầu vào cạnh hông chứ không buộc thắt nút. Phụ nữ Thổ không dùng nón, mũ che mưa, nắng mà chủ yếu dùng chiếc khăn vuông khổ rộng khoảng 80 cm bằng vải phin trắng, gấp lại để đội đầu...

Chị Nguyễn Thị Hoa, một du khách thành phố Vinh cho biết: “Tôi thường xuyên đến du lịch, trải nghiệm ở các bản, làng Quỳ Hợp và được hòa mình vào các hoạt động lễ hội đặc sắc của đồng bào dân tộc. Điểm gây ấn tượng đối với tôi đó là trang phục của đồng bào dân tộc Thổ nơi đây mộc mạc, đơn giản nhưng vẫn toát lên được vẻ đẹp khỏe khoắn, mang dấu ấn, hơi thở và là linh hồn của đồng bào Thổ. Ngoài đặc sắc từ trang phục, đồng bào Thổ còn lưu giữ được nhiều bản sắc văn hóa truyền thống mà ít đồng bào Thổ các huyện khác có được”.

Phụ nữ Thổ Quỳ Hợp đan võng gai. Ảnh: Thu Hương

Đến Quỳ Hợp, ngoài ấn tượng với trang phục truyền thống, du khách thập phương còn được khám phá nhiều nét văn hóa đặc trưng của đồng Thổ với dân ca, dân vũ; lễ hội; phong tục tập quán trong văn hoá cộng đồng và các ngành nghề truyền thống... Đối với dân ca, dân vũ, cho đến nay, trong đời sống lao động sản xuất, người Thổ vẫn còn giữ và phổ biến nhiều làn điệu dân ca độc đáo, mang đậm dấu ấn đặc trưng văn hóa của dân tộc mình (Ví dụ như làn điệu Dạ ơi; Tang khang lẻ; Khai khai rế; Tập tính tập tang; Hát giao duyên; Đối đáp; Ta ta tún)... Trong y học dân gian của đồng bào dân tộc Thổ là những bài thuốc gia truyền, chữa bệnh cho người dân từ hàng trăm loại cỏ cây, lá rừng... là nét văn hóa độc đáo, mang giá trị nhân văn cao.

Khi nói đến nghề thủ công truyền thống của bà con dân tộc Thổ Quỳ Hợp thì ai ai cũng biết đan võng gai đã trở thành một nghề truyền thống, một nét đẹp. Những ngày nông nhàn, các cụ, các bà, các mẹ lại sum họp cùng nhau đan võng gai, trò chuyện thân tình, góp phần làm cho làng xã của người Thổ thêm nhộn nhịp, gắn kết giữa các gia đình, dòng họ, cộng đồng xây dựng cuộc sống an vui.

Tiếp tục phát huy các giá trị

Hiện nay, do đặc điểm địa lý và dưới sự tác động giao thoa giữa đời sống hiện đại nên công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Thổ gần đây gặp một số khó khăn. Trong dân ca, dân vũ, hiện nay lớp trẻ khi tiếp cận với các làn điệu dân ca của chính dân tộc mình luôn rơi vào tình trạng không thể hiện được chất liệu của các làn điệu dân ca; những nốt luyến láy và có những từ gốc không thể hiện được. Còn với nghề bốc thuốc gia truyền và nghề đan võng gai lâu nay đã trở thành một nét đẹp văn hóa của đồng bào Thổ, tuy nhiên hiện nay nguyên liệu để sản xuất cũng dần cạn kiệt, việc đi lấy thuốc từ cây cỏ, lá rừng cũng khó khăn hơn...

Trước thực trạng trên, huyện Quỳ Hợp đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp nhằm bảo tồn những nét đẹp trong văn hóa Thổ. Theo đó, huyện chú trọng công tác tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân, nhất là lớp trẻ để họ hiểu và tôn trọng bản sắc văn hóa của dân tộc mình, có ý thức gìn giữ và phát huy bản sắc. Cùng với đó, huyện đã tiến hành khảo sát, rà soát, đánh giá thực trạng văn hóa Thổ tại các làng, bản trên địa bàn để có phương án bảo tồn cụ thể; Tiếp tục bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc Thổ, nhất là tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho người dân thấy được giá trị văn hóa đặc sắc của bộ trang phục truyền thống, lòng tự hào dân tộc, trong đó đặc biệt quan tâm đến thế hệ trẻ, con em đồng bào dân tộc.

Bà con đồng bào Thổ chuẩn bị bánh cho lễ hội Bốc mó. Ảnh: Thu Hương

Đối với bảo tồn các làn điệu dân ca, dân vũ, hàng năm vào các dịp lễ hội, Tết cổ truyền, các địa phương đều tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thu hút đông đảo đồng bào tham gia. Nhờ đó đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành 06 câu lạc bộ văn hoá dân gian dân tộc Thổ (trong đó 1 CLB cấp tỉnh, 1 CLB cấp huyện và 4 câu lạc bộ cấp xã). Đồng thời, tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao chào mừng những ngày lễ lớn của đất nước tại các xã có đông đồng bào dân tộc sinh sống, qua đó tạo không khí vui tươi phấn khởi, khơi dậy và duy trì bản sắc văn hóa dân tộc của địa phương.

Ông Hoàng Văn Thái – Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: “Trong thời gian tới huyện sẽ đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, tuyên truyền về bảo tồn, giữ gìn và phát triển tri thức dân gian của các dân tộc trên địa bàn nói chung và dân tộc Thổ nói riêng; nghiên cứu, rà soát lại số người nắm giữ các làn điệu dân ca, dân vũ, y học dân gian, nghề đan võng gai để xây dựng kế hoạch chiến lược trong việc lưu giữ, phát huy, phát triển và tìm hướng tiêu thụ cho các sản phẩm nghề truyền thống của bà con dân tộc Thổ; kịp thời tuyên truyền, biểu dương, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có những đóng góp đối với công tác bảo tồn, giữ gìn và phát triển các tri thức dân gian của đồng bào dân tộc Thổ; có chính sách động viên, khen thưởng, công nhận các danh hiệu thầy thuốc dân gian, thầy thuốc cộng đồng, nghệ nhân dân gian... đối với những người có nhiều công lao trong việc khám, chữa bệnh, lưu giữ nhiều giá trị tri thức dân gian, văn hoá truyền thống của đồng bào dân tộc Thổ”.

Mới nhất
x
Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Thổ ở Quỳ Hợp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO